Blogger là một cái tên không còn xa lạ đối với những bạn thích công việc viết lách và muốn được chia sẻ kinh nghiệm của mình đến với nhiều người. Không chỉ là niềm đam mê, ngày nay blogger còn có thể kiếm thêm thu nhập cho bản thân. Nếu bạn chưa biết về Blogger là gì hay làm cách nào để kiếm được tiền từ công việc này, thì hãy cùng mình theo dõi bài viết sau đây để tìm kiếm lời giải đáp nhé!
I. Blogger là gì?
Blogger là người đăng tải các bài viết chia sẻ kinh nghiệm, sự hiểu biết của mình về một chủ đề hoặc lĩnh vực nào đó lên website và các kênh mạng xã hội như Facebook, Twitter,… Thông thường, chủ đề của các blogger chọn viết xoay quanh câu chuyện cuộc đời, nhật ký hoặc những bài học cá nhân đúc kết được trong cuộc sống thường nhật. Cũng có nhiều blogger phát triển theo hướng review các địa điểm ăn uống, du lịch,… và đã đạt được thành công nhất định. Trong những năm trở lại đây, blogger không còn là một sở thích mà đã trở thành một nghề thật thụ, có thể kiếm được tiền giúp trang trải cuộc sống.
Công việc chính của một blogger tất nhiên sẽ là viết, viết sao cho thật chân thật, câu văn thu hút, mang lại giá trị cho người đọc. Tuy nhiên để các bài viết được chất lượng, thì ngoài viết ra blogger còn phải tìm hiểu nhu cầu, mối quan tâm của người đọc về chủ đề mình đang viết. Lên danh sách các ý tưởng, chăm sóc bài viết thường xuyên bằng cách trả lời bình luận tương tác với người đọc. Cũng như, luôn tìm tòi và học hỏi thêm nhiều kiến thức mới về lĩnh vực mà trang blog của mình đang hướng đến.
Tìm việc làm, tuyển dụng Marketing có thể bạn quan tâm:
– Nhân viên Content sản phẩm Bách Hóa Xanh
– Nhân viên Digital Marketing
II. Thuận lợi và khó khăn khi trở thành blogger
1. Những khó khăn sẽ phải trải qua
– Cạn kiệt ý tưởng viết bài: Đây là một vấn đề cơ bản và thường gặp nhất của một blogger, nhất là các blogger lâu năm. Việc phải suy nghĩ ra các ý tưởng mới mẻ trong một thời gian dài không hề là dễ dàng. Để khắc phục vấn đề này, bạn cần mở rộng óc sáng tạo, học hỏi cách quan sát để thu thập ý tưởng bất kỳ lúc nào, ở bất cứ nơi đâu.
– Gặp khó khăn trong trình bày: Nếu bạn là người có khiếu viết văn thì việc trình bày bài viết không phải là một trở ngại lớn. Tuy nhiên, đối với một số bạn sở hữu khả năng viết trung bình, thì việc hệ thống, sắp xếp các suy nghĩ trong đầu thành một câu văn thì sẽ mất nhiều thời gian và công sức hơn. Tuy nhiên nếu luyện viết hàng ngày, chắc chắn bạn sẽ tiến bộ nhanh và dễ dàng trình bày được các ý tưởng của mình đó.
– Không tạo được nét đặc sắc riêng: Vì blogger đã có từ những năm 2000, thế nên bạn sẽ có rất nhiều “đối thủ” để cạnh tranh trong việc thu hút được khán giả. Vì vậy bạn phải tạo được nét đặc trưng riêng, không lẫn với ai để mọi người có thể dễ dàng nhớ đến bạn. Tuy nhiên việc này thật sự không dễ dàng, bạn cần phải tìm hiểu đối thủ, cũng như xác định điểm mạnh và nét độc đáo của bản thân để tạo được khác biệt cho trang blog của mình.
– Ít độc giả/ người xem: Tất nhiên khi mới bắt đầu sẽ có rất ít người biết đến bạn, thậm chí có những bài viết không có ai xem. Điều đó dễ khiến bạn cảm thấy nản lòng và muốn bỏ cuộc. Nhưng bạn hãy nhớ rằng tất cả các blogger dù nổi tiếng nhất thì cũng đều có bắt đầu với lượng khán giả ít ỏi như thế. Vì vậy, hãy nỗ lực hết mình và cho ra những bài viết có giá trị để cải thiện lượt người xem nhé!
– Dễ nản chí, bỏ cuộc: Chính vì kết quả không đạt được như mong muốn lúc đầu, ví dụ như lượt xem quá ít, không có ai để lại bình luận tương tác… mà bạn dễ cảm thấy nản chí. Tuy nhiên, bạn hãy luôn nhớ rằng không có ai kiên trì, theo đuổi đam mê mà đến cuối cùng lại không nhận được kết quả tốt đẹp gì. Nên hãy cứ cố gắng nhé!
– Các lỗi về website: Các blogger hầu hết không hiểu biết nhiều về công nghệ thông tin cũng như các kỹ thuật về website. Do đó, đôi khi bạn sẽ gặp các lỗi về bố cục, hiển thị, code bài viết sai,… Những lúc gặp vấn đề này, bạn hãy tìm những chuyên gia về thiết kế website để giúp mình khắc phục và cải thiện trang blog nhé!
– Không phân bổ được thời gian: Nếu viết blog chỉ là một sở thích nhằm chia sẻ quan điểm cá nhân đến với mọi người thì bạn không phải quá áp lực về thời gian. Tuy nhiên, khi đã đây là một công việc để kiếm thu nhập thì việc đầu tư, phân bổ thời gian mỗi ngày cho nó sẽ là một khó khăn. Bạn sẽ phải có kỹ năng lập kế hoạch và làm việc thật khoa học để không ảnh hưởng đến các công việc cá nhân khác.
Có thể bạn chưa biết: KOL là gì
2. Thuận lợi của một blogger
– Tự chủ về thời gian: Không giống như các công việc văn phòng phải làm trong giờ hành chính, blogger có thể làm việc bất kỳ lúc nào thấy thuận tiện. Nếu có những công việc hoặc sự cố đột xuất thì họ có thể linh động ưu tiên giải quyết trước mà không lo ảnh hưởng đến việc viết blog.
– Thu nhập không giới hạn: Khi đã trở nên nổi tiếng và có nhiều người theo dõi thì bạn sẽ không còn quá lo về thu nhập nữa. Vì các nhãn hàng, doanh nghiệp sẽ chủ động liên hệ với bạn đặt quảng cáo sản phẩm của họ trên trang blog. Và càng nổi tiếng thì bạn sẽ có nhiều đối tác quảng cáo hơn.
– Không tốn nhiều chi phí: Đây là một trong những nghề ít tốn chi phí nhất, thay vào đó bạn sẽ chỉ tốn chất xám cho nó. Bạn không cần phải đầu tư nhiều tiền của như kinh doanh mà chỉ cần bắt đầu với một trang web hoặc một trang Facebook. Tất nhiên những kênh này hầu như là miễn phí cho bạn.
– Có thể được nhiều người biết đến: Nếu bài viết của bạn hay, ấn tượng và đem lại nhiều giá trị thì qua một thời gian sẽ có rất nhiều người biết đến bạn. Điều này không chỉ giúp bạn kiếm thêm được nhiều tiền mà còn là thước đo của sự thành công, một chiến thắng mà bạn đạt được sau rất nhiều nỗ lực đã bỏ ra.
III. Nguồn thu nhập của một blogger
1. Affiliate Marketing
Affiliate Marketing hay tiếp thị liên kết, là một hình thức khá phổ biến mà blogger có thể kiếm thu nhập bằng cách dùng trang blog của mình để quảng cáo sản phẩm cho các nhà cung cấp khác. Nói rõ hơn, bạn chỉ cần gắn link sản phẩm trong các bài viết của mình để người đọc có thể thấy được. Khi có khách hàng bấm vào link đó để xem hoặc thực hiện mua hàng thì bạn sẽ nhận được hoa hồng. Càng nhiều người truy cập từ trang của bạn thì số tiền mà bạn nhận được từ nhà cung cấp đó càng lớn. Ở Việt Nam, bạn có thể kiếm được nguồn thu nhập này từ các trang thương mại điện tử như Thế Giới Di Động, Điện máy XANH,…
2. Kiếm tiền từ quảng cáo PPC
Quảng cáo PPC là hình thức mà doanh nghiệp, hay nhãn hàng chỉ mất phí khi có người bấm vào quảng cáo của họ. Tuy nhiên khi họ đặt quảng cáo trên trang blog, thì chỉ cần có người xem là bạn đã nhận được tiền. Và nếu có người bấm vào quảng cáo, bạn có thể sẽ nhận thêm một khoản hoa hồng.
Với hình thức này, bạn có thể đặt quảng cáo tùy ý ở bất kỳ vị trí phù hợp nào trên trang blog của mình, miễn là nó không gây khó chịu cho người đọc. Khi trang blog của bạn đã có lượng truy cập khá ổn định thì bạn có thể đăng ký hình thức này với bên thứ 3 như Google AdSense và Media.net.
3. Bán sản phẩm/ dịch vụ riêng
Một nguồn thu nhập khác có thể kể đến là tự kinh doanh sản phẩm riêng trên trang blog của mình. Tuy nhiên muốn hình thức này hiệu quả, bạn cần nhận được sự tin tưởng cao từ người xem/ người theo dõi cũng như phải đầu tư một khoản tiền quảng cáo cho Google Ads. Ngoài ra, bạn còn cần phải kết hợp với kỹ thuật SEO để bài viết của mình được lên top trên công cụ tìm kiếm của Google. Giúp tăng tỷ lệ truy cập vào trang blog bán hàng của bạn.
4. Hợp tác với các nhãn hàng/ doanh nghiệp
Khi bạn đã có danh tiếng và được nhiều người biết đến (khoảng trên dưới 2.000 lượt xem/ngày) thì các nhãn hàng sẽ hợp tác với bạn để trực tiếp quảng cáo sản phẩm của mình mà không cần một bên thứ ba. Họ sẽ tìm kiếm các trang blog mà khách hàng mục tiêu thường truy cập để quảng cáo. Hình thức quảng cáo có thể đa dạng như một bài viết review sản phẩm, banner,… Đây là nguồn thu nhập khá hấp dẫn và ổn định cho các blogger.
IV. Để trở thành một blogger thành công
1. Yêu thích công việc viết lách
Để thành công ở một lĩnh vực nào đó đòi hỏi bạn phải có đam mê. Đối với một blogger thì đam mê đó chính là viết lách. Bởi vì công việc này đòi hỏi bạn phải liên tục suy nghĩ, tìm ra ý tưởng để viết. Đôi khi sẽ liên tục gặp phải nhiều khó khăn, thế nên trước tiên hãy xác định rằng mình yêu thích việc viết lách để có thể đi trên con đường này lâu dài.
2. Kiến thức chuyên sâu và đa dạng
Mỗi trang blog thường chỉ chuyên về một lĩnh vực nhất định. Bạn cần phải đào sâu, tìm ra nhiều khía cạnh trong lĩnh vực đó để viết bài, giúp người đọc khám phá ra những điều mới mà họ chưa từng biết. Ngoài ra, bạn còn cần phải tìm hiểu thêm nhiều lĩnh vực khác để sau này có thể mở rộng các chủ đề, thu hút thêm nhiều độc giả cho trang blog của mình.
3. Am hiểu một ít về cấu trúc website
Vì hầu hết các blogger đều bắt đầu với website nên dù không phải dân chuyên ngành IT thì bạn cũng nên hiểu biết một ít về cấu trúc của nó. Việc này sẽ giúp bạn phân bổ bố cục bài viết và các hình ảnh một cách tối ưu nhất, đem lại trải nghiệm tốt cho người xem.
4. Quản lý thời gian hiệu quả
Ngoài công việc là blogger, chắc hẳn ai cũng sẽ có những công việc cá nhân khác cần phải ưu tiên như gia đình, bạn bè, người yêu. Đặc biệt, đối với các bạn chỉ coi blogger là nghề tay trái thì còn phải dành nhiều thời gian cho công việc chính. Vì vậy, kỹ năng quản lý thời gian và sắp xếp công việc và quản lý thời gian hiệu quả là điều bạn cần phải chú ý học hỏi và nâng cao mỗi ngày.
5. Đặt ra mục tiêu cụ thể, thiết thực
Nếu muốn nghiêm túc và đi xa trong nghề blogger thì bạn cần đặt ra mục tiêu dài hạn và ngắn hạn cho bản thân. Chú ý là mục tiêu phải cụ thể, thiết thực và có thể đo lường được. Khi đạt được từng mục tiêu nhỏ, bạn sẽ có động lực để tiếp tục hướng tới mục tiêu lớn hơn.
6. Lập ra kế hoạch tổng quan
Sau khi đặt mục tiêu cụ thể thì bạn cần phải lập ra một kế hoạch để bản thân nhìn được tổng quan những gì bạn cần làm, hướng đi trong tương lai. Nhờ đó, bạn sẽ dễ dàng đi theo mục tiêu đã đề ra trước đó, không bị chệch hướng trong con đường trở thành một blogger của mình.
7. Lên danh sách các việc cần làm chi tiết
Một danh sách “To do list” hay những việc cần làm trong ngày để liệt kê, sắp xếp thứ tự ưu tiên công việc sẽ giúp bạn làm việc hiệu quả hơn. Nó đảm bảo công việc nào quan trọng đối với bạn sẽ được giải quyết trước. Mỗi khi hoàn thành một việc nào đó, bạn sẽ đánh dấu tích hoặc gạch bỏ đi để không cần nghĩ đến nó nữa.
8. Luôn có sẵn bài viết dự trữ
Không thể đảm bảo rằng lúc nào bạn cũng có thời gian để viết bài mỗi ngày. Vì vậy, khi nào bạn có thời gian rảnh và còn nhiều ý tưởng thì có thể viết sẵn ra để dự trữ cho những ngày bận rộn. Việc này sẽ giúp trang blog của bạn được duy trì thường xuyên để giữ chân người đọc trung thành với bạn.
Xem thêm:
>> Infographic là gì? Cách thiết kế Infographic kèm các mẫu đẹp, thu hút
>> Seeding là gì? Cách triển khai chiến dịch Seeding đạt hiệu quả
>> Marketing là gì? Kỹ năng và cơ hội việc làm cho Marketer tương lai
Hy vọng bài viết này sẽ giúp cho những “blogger tương lai” hiểu rõ được công việc blogger là gì và những bí quyết để thành công với nghề, cũng như kiếm được thu nhập ổn định. Đừng quên chia sẻ bài viết với mọi người nếu bạn thấy hay và bổ ích nhé!
Nguồn tham khảo: https://vi.wikipedia.org/wiki/Blogger