Trò dằn mặt
Những ngày qua, nhiều người dân ở phường Bình San, thị xã Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang) vẫn chưa hết bàng hoàng trước vụ tấn công “bom xăng” gây chết người xảy ra tại căn nhà số 35/9 đường Mạc Cửu, khu phố 3, phường Bình San. Nạn nhân của vụ án tàn nhẫn này là cụ Nguyễn Thị Chỉ (75 tuổi, trú tại căn nhà trên). Được biết vào đêm 6/4, cụ Chỉ cùng người thân đang nằm thiu thiu ngủ thì bất ngờ bị một nhóm đối tượng dùng “bom xăng” ném vào nhà. Do phản ứng không kịp nên sức công phá của “bom xăng” làm cụ Chỉ bị thương nặng dù được đưa đến bệnh viện cấp cứu sớm nhưng vẫn tử vong ngay sau đó. Qua truy xét, Công an địa phương đã bắt giữ được một đối tượng liên quan để điều tra làm rõ nguyên nhân vụ án.
Trên thực tế, đây chỉ là một trong số nhiều vụ tấn công bằng “bom xăng” có nghi vấn nhằm mục đích trả thù trong thời gian gần đây. Điều đáng lưu ý là “bom xăng” xảy ra liên tục tại các tỉnh thành phố phía Nam như TP HCM, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Kiên Giang… trong thời gian gần đây. Cũng cần phải nhắc lại rằng, trong năm 2011 và vài năm trước đó cũng lác đác xảy ra một số vụ dùng “bom xăng” để gây án nhưng so với mức độ như hiện nay là rất đáng báo động.
Vào lúc 1 giờ 10 ngày 6/4/2012, tại trước sân nhà chị Trần Thanh Hà, 53 tuổi ở hẻm 287 Âu Dương Lân, phường 2, quận 8 (TP HCM), “chai bom xăng” công phá khá mạnh, làm vỡ kính cửa thông gió phía trên cửa chính ra vào sân nhà (kích thước 30x60cm, cách mặt đất 2,7m). Vụ nổ đã phá vỡ nền sân gạch tàu để lại một lỗ lớn, kính cửa trước nhà bị vỡ vụn. Trên mặt sân lát gạch có vết lõm hình tròn, đường kính 20cm, sâu 10cm (cách cửa chính 4m). Công an quận 8 khám nghiệm hiện trường, thu giữ 2 mảnh vỡ nhựa màu vàng (nắp chai nước khoáng), 1 mảnh nilon màu trắng đục, nhiều mảnh kính, gạch và bê tông. Rất may là chưa có nạn nhân nào bị thương vong.
Những người chứng kiến cho hay, vào thời điểm trên họ phát hiện 2 thanh niên bịt khẩu trang, đi trên xe Wave RS có vẻ nghi vấn phóng từ trong hẻm 287 Âu Dương Lân chạy ra đường nhựa…
Qua điều tra ban đầu, bà Trần Thanh Hà cho biết, vào năm 2010, bà có thỏa thuận bán căn nhà số 672 Trần Hưng Đạo, phường 2, quận 5 cho ông P.N.Q (45 tuổi) đăng ký hộ khẩu thường trú ở phường Yên Phụ, quận Tây Hồ (Hà Nội) với số tiền 43 tỉ đồng và đã nhận đặt cọc 4 tỉ đồng. Sau đó bà Hà nâng giá bán nhà lên 63 tỉ đồng và đề nghị trả lại ông Q tiền đặt cọc là 8 tỉ đồng nhưng ông Q không đồng ý. Đây là lần thứ 2 nhà riêng của bà Hà bị ném “bom xăng” (trước đó vào khoảng 1 giờ ngày 5/2/2012, tại trước sân nhà trên cũng xảy ra vụ nổ tương tự nhưng không gây thiệt hại về người và tài sản). Liệu có phải vì bà Hà đã lật kèo trong vụ mua bán nhà nên bị ném “bom xăng” để dằn mặt?
Ngoài những vụ việc nêu trên, cũng cần phải kể đến vụ ném “bom xăng” xảy ra tại cửa hàng gas Vĩnh Lộc, xã Hòa Long, thị xã Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu). Vào giữa đêm 29/3/2012, người trong cửa hàng gas đang ngủ bỗng nghe 2 tiếng nổ liên tiếp, bật dậy thì thấy đám cháy bốc cao. Người nhà vội hô hoán, may mắn hàng xóm xung quanh kịp thời dập tắt lửa. Một số người cho biết, trước đó họ trông thấy 2 thanh niên bịt mặt chạy xe máy bất ngờ ném 2 chai “bom xăng” vào cửa hàng rồi bỏ chạy. Khi xảy ra vụ việc, trong cửa hàng đang có hơn 20 bình gas, loại 12kg. Nhiều người bảo rằng, đây rõ ràng là một đòn trả thù nham hiểm nếu như không phát hiện kịp thời.
Vũ khí nguy hiểm
Nhìn lại những vụ tấn công “bom xăng” trong thời gian qua cho thấy đây là thủ đoạn gây án manh động và táo tợn của bọn tội phạm. Tình trạng này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần cảnh báo để người dân đề phòng. Bởi vì đi kèm các loại hung khí khác thì “bom xăng” giờ đã trở thành một thứ vũ khí cực kỳ nguy hiểm đang mon men “du nhập” vào giới giang hồ bảo kê, đâm thuê chém mướn như là một công cụ “tiện lợi” để chúng đi gây án, giải quyết mâu thuẫn, thanh toán nhau, hăm dọa…
Đơn cử vào đầu tháng 4 này, Công an thị xã Thuận An (Bình Dương) đã khởi tố vụ án và bắt giữ 6 đối tượng trong băng nhóm giang hồ của Hồ Văn Đôi (23 tuổi, quê Sóc Trăng, vừa mãn hạn tù), chuyên dùng “bom xăng” để thanh toán với các băng nhóm. Do có mâu thuẫn với băng nhóm bảo kê của Tú (chưa rõ lai lịch) tại thị trấn Tân Phước Khánh, huyện Tân Uyên (Bình Dương) nên tối 30/3/2012, cả nhóm rủ nhau ăn nhậu đợi đến giờ tìm đối thủ quyết đấu. Qua theo dõi, Công an thị xã Thuận An tổ chức bao vây tại bãi đất trống thuộc khu phố Bình Thuận II (phường Thuận Giao, thị xã Thuận An) và bắt giữ các đối tượng trên, thu giữ 8 chai “bom xăng” cùng nhiều hung khí khác.
Nhiều người ví rằng “bom xăng” giờ không thua gì các loại vũ khí “nóng” mà bọn tội phạm thường dùng như mã tấu, dao, kiếm, súng… Điều nguy hiểm nhất của loại “bom xăng” này là dễ chế tạo và sử dụng, hơn nữa lại có khả năng sát thương cao, đủ sức để tấn công cả nhóm người đang tụ tập. Tuy vậy, nó cũng rất nguy hiểm đối với chính người chế tạo, vì chỉ chút sẩy tay thì từ thủ phạm cũng có thể trở thành… nạn nhân.
Ngay cả như một số học sinh, thanh thiếu niên giờ cũng biết “chế” ra loại “bom xăng” để gây án. Như trường hợp một nam học sinh lớp 9 tên Trần Ngọc Sang thuộc Trường THCS Trung An ở huyện Củ Chi (TP HCM) đã học cách chế tạo “bom xăng” từ mạng Internet, sau đó Sang đi mua xăng về đổ vào 2 vỏ chai thủy tinh, lấy bông gòn làm ngòi rồi cuốn chặt lại. Ngày 29/8/2011, Sang bỏ hai quả “bom xăng” vào cặp đi thẳng đến lớp. Tại đây, thấy một bạn gái tên Trúc mà mình đang căm tức ngồi trong lớp 9A1, Sang liền lấy một quả “bom xăng” châm lửa ném vào bên trong. Tuy nhiên, “quả bom” không trúng vào chỗ của Trúc mà vào một nhóm nữ sinh khác làm xăng vỡ tung tóe bốc cháy khiến 6 học sinh nữ bị bỏng nặng phải đưa đi cấp cứu.
Các chuyên gia về phòng cháy chữa cháy cho rằng, “bom xăng” thường dùng chất lỏng gây cháy là xăng dầu, nên vũ khí này còn có tên là “chai xăng” hoặc “bom xăng” hay là “chai cháy” hoặc là “bom dầu”… Đây là một loại vũ khí gây cháy đơn giản có thể được bọn tội phạm “chế” ra hàng loạt với chi phí thấp. Ở dạng đơn giản nhất, “bom xăng” là một chai thủy tinh chứa đầy xăng, dầu hỏa hay chất lỏng gây cháy nổ cùng với một tim ngòi dầu – có thể tim dầu chỉ đơn giản là một miếng giẻ hoặc bông gòn làm ngòi buộc vào nút chai – dùng để mồi lửa. Thường tim dầu được nhúng vào cồn hay parafin hơn là vào xăng dầu. Khi sử dụng, bọn tội phạm đốt cháy tim dầu rồi quăng chai cháy vào mục tiêu như nhà riêng của đối thủ hoặc quăng trực diện vào người. Khi “bom xăng” vốn là chai cháy bị vỡ thì phần chất lỏng gây cháy sẽ bị tung ra ngoài bao trùm một khoảng lớn, đồng thời số chất lỏng này sẽ nhanh chóng bắt lửa từ tim dầu và tạo thành một quầng lửa khổng lồ bao trùm lấy những nơi mà chất lỏng gây cháy chạm tới.
Ngoài ra bọn tội phạm còn dùng chất methanol, nhựa thông, axít để chế “bom xăng”. Những chất làm đặc như hắc ín, đường, huyết, XPS foam, lòng trắng trứng, dầu máy, rubber cement, nhựa cao su chưa lưu hóa và thậm chí cả nước rửa bát đĩa cũng được thêm vào để giúp chất lỏng gây cháy bám chặt vào mục tiêu và tạo ra làn khói ngạt dày đặc.
Đặc biệt trong trường hợp “bom xăng” được chế từ hỗn hợp xăng cháy và axít H2SO4, khi sử dụng, thủ phạm sẽ ném chai bom lên nền cứng (nền cứng thì cái chai mới vỡ ra được). Khi cái chai thủy tinh bên trong bọc vải bị vỡ, KCLO3 (bên ngoài chai) và H2SO4 (trong chai) sẽ tiếp xúc với nhau, tạo phản ứng hóa học. Phản ứng này cung cấp nhiệt cho xăng phực cháy, với áp suất cao nên cả xăng cháy cộng với axít H2SO4 chưa phản ứng hết cùng những mảnh chai thủy tinh vỡ sẽ văng tứ tung, tạo nên sức sát thương cực lớn trong bán kính có thể lên đến 10m.
Một điều nguy hiểm là không ít đối tượng ở các khu đô thị lớn đã chế tạo và sử dụng thứ vũ khí này. Khả năng sát thương kép lý – hóa của xăng – axít là rất mạnh, gần như không có gì có thể ngăn cản được trước khi nó kịp gây ra hậu quả. Chính điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần cảnh báo các chủ cửa tiệm buôn bán hóa chất cần cảnh giác cao với những đối tượng hỏi mua axít H2SO4 và KCLO3, hay những chất tương tự mà không rõ lý do, nếu thấy khả nghi nên trình báo với Cơ quan Công an để kịp thời ngăn chặn. Hơn nữa, người dân cũng cần đề phòng với các đối tượng mang theo các vật có mô tả giống như “bom xăng” (bọc vải kích cỡ bằng chai nước ngọt thủy tinh) và học kỹ năng cứu thương khi gặp phải “bom xăng”.
Để ngăn chặn loại “vũ khí nguy hiểm” này, đòi hỏi các cơ quan bảo vệ pháp luật cần điều tra, xử lý thích đáng các đối tượng có hành vi sử dụng “bom xăng”. Bên cạnh việc tuyên truyền nhằm hạn chế tác hại của loại “bom xăng” này thì việc phòng ngừa, hóa giải những mâu thuẫn ngoài đời sống xã hội từ trong “trứng nước” để ngăn chặn những ai có ý đồ sử dụng “bom xăng” là điều hết sức cần thiết!
Theo Thế Vinh
Petrotimes