(Thethaovanhoa.vn) – Từ ngày 1/1/2017, Việt Nam áp dụng 4 cấp độ dán nhãn với phim chiếu rạp, trong đó có 13+ và 18+ đang tạo sự chú ý trong dư luận. Thế nhưng, từ góc độ nhà sản xuất và phát hành – những đơn vị mà chúng tôi khảo sát được – họ xem đây là hoạt động rất bình thường.
- Cục Điện ảnh yêu cầu xử lý phim 18+
- Lại ‘đau đầu’ vì phim 18+ phát trên youtube
- Sẽ phân loại phim theo độ tuổi tới 13+?
1. Việt Nam hiện áp dụng 4 mức độ dán nhãn, đó là P (phim phù hợp với khán giả ở mọi lứa tuổi), C13 (phim cho khán giả từ 13 tuổi trở lên), C16 (phim cho khán giả từ 16 tuổi trở lên), C18 (phim cho khán giả từ 18 tuổi trở lên).
“Chúng tôi không phải là cơ quan chức năng về nhân thân, lý lịch nên không thể tùy tiện yêu cầu người khác xuất trình giấy tờ nơi đông người. Chưa nói họ có thể mua vé giúp cho người khác, nên việc kiểm soát chỉ diễn ra ngay cửa vào rạp, nơi ban quản lý có quyền từ chối khán giả không phù hợp. Nhiều trường hợp người lớn mua vé cho trẻ em đi cùng, khi vào rạp, chúng tôi cũng kiên quyết từ chối. Việc này đã diễn ra từ khi Việt Nam áp dụng quy định về dán nhãn 16+, chứ không đợi đến bây giờ” – một nhân viên bán vé của cụm rạp CGV cho biết.
Diễn viên nhí Trọng Khang khóc nức nở khi không được phép vào xem “Chạy đi rồi tính” (dán nhãn 16+) – phim mà mình đóng vai thức chính – tại buổi ra mắt tối 28/12/2016. Ảnh: TL
Bà Nguyễn Khánh Dung (Giám đốc marketing của Galaxy Studio) cho biết: “Về phía rạp Galaxy Cinema, chúng tôi hiểu và ủng hộ quy định mới này. Tại Galaxy Cinema, việc kiểm tra độ tuổi người xem sẽ được tiến hành ở quầy vé; riêng khách mua vé trực tuyến thì nhân viên sẽ kiểm tra khi soát vé vào phòng chiếu. Khách hàng sẽ xuất trình các giấy tờ tùy thân có ảnh như CMND, hộ chiếu, hoặc thẻ học sinh, sinh viên.
Trong bước đầu thực hiện, chúng tôi sẽ theo sát hoạt động tại rạp để giải quyết các tình huống phát sinh thỏa đáng cho khách hàng. Chúng tôi đang tiến hành làm bảng hướng dẫn ở rạp để khách làm quen với quy định mới, tôi nghĩ về lâu dài thì cũng không có vấn đề gì. Đây là tiền đề để phát triển điện ảnh, giới thiệu những tác phẩm phù hợp, có chất lượng tốt đến đông đảo khán giả nên chúng tôi hoàn toàn ủng hộ”.
Còn ông Danny Quách (Giám đốc marketing cụm rạp BHD Star) cho biết từ lâu họ đã nghiêm túc với quy định chiếu phim NC-16 (No Children 16: không dành cho trẻ dưới 16 tuổi).
“Khi nhìn thấy khán giả ở độ tuổi có thể không phù hợp, nhân viên bán vé của chúng tôi bắt buộc phải hỏi giấy tờ, nếu không có CMND thì trình thẻ sinh viên, hoặc bằng lái xe để chứng minh mình đủ 16 tuổi khi mua vé xem phim 16+. Cho nên bây giờ có thêm hạng mức 13+ và 18+, chúng tôi cũng sẽ tuân thủ và tìm cách huấn luyện cho nhân viên bán vé của mình thực hiện”.
2. Diễn viên – đạo diễn Hồng Ánh chia sẻ: “Tôi vẫn luôn suy nghĩ tích cực, việc quy định dán nhãn là cần thiết cho việc phát triển điện ảnh. Nhưng quản lý đối tượng xem phim sẽ như thế nào, khi mà ý thức tự giác chấp hành chưa là thói quen?
Và với những phim dán nhãn rồi thì quy định hình ảnh, âm thanh nhạy cảm, mức độ bạo lực như thế nào là không được phép, nên có hướng dẫn thật chi tiết hơn nữa. Có chi tiết cụ thể thì các đạo diễn và nhà sản xuất cứ theo đó mà làm, khỏi phải lo lắng, băn khoăn như hiện nay.
Ngoài ra, ở góc độ khác, phim ảnh là sản phẩm văn hóa, thật khó đưa ra những đánh giá như thế nào là phù hợp, là đúng sai ngay lập tức, nên rất cần áp dụng giai đoạn chạy thử nghiệm để xem phản ứng của nhiều phía”.
Còn ông Danny Quách tin rằng việc dán nhãn tạm thời làm cho một bộ phận khán giả cảm thấy bị “làm phiền”, nhưng trong tương lai không xa, họ sẽ thấy đây là hoạt động hết sức bình thường, vì nó văn minh.
Văn BảyThể thao & Văn hóa