Trong cuộc sống thường ngày, chắc hẳn đa phần mọi người đều đã nghe qua về căn quả, như căn ông Hoàng Bảy, căn ông Hoàng Mười, căn cô Chín hay căn cô Bơ,… tuy nhiên rất ít người có thể hiểu rõ về vấn đề căn quả này.
Vậy căn quả là gì? Người có căn cô Chín nghĩa là như thế nào? Căn cô Chín có Lộc gì? Trong bài viết này, hãy cùng giải đáp những thắc mắc này nhé!
Căn cô Chín là gì?
#1. Căn là gì?
“Căn quả” là một khái niệm đặc biệt trong tín ngưỡng tâm linh Việt. Từ “căn” trong có nghĩa là cội nguồn, gốc rễ; còn “quả” ý chỉ sự đơm hoa kết trái. Người có căn ý chỉ người có cội nguồn, gốc rễ khác với người bình thường. Theo cách nói tâm linh, họ là những người có căn duyên với nhà thánh, được các vị thánh thần “chấm” để lo việc cứu độ thế gian, làm việc phúc thiện và đảm đương việc hương khói đến chốn tiên thiên.
Những người có căn thường có cuộc đời khá khác biệt so với người thường, phải trình đồng mở phủ, phải đi hầu đồng. Cả cuộc đời của họ đều sẽ phải hầu hạ, phụng sự vị thánh ấy. Ngoài ra, những người có căn cũng phải ăn nói mẫu mực, phải tu tâm dưỡng tính, không ngỗ ngược, bất kính với bề trên, và đặc biệt phải kỹ càng trong việc ăn uống để giữ cơ thể luôn được thanh tịnh.
#2. Cô Chín là ai?
Cô Chín, còn gọi là cô Chín Sòng Sơn hay cô Chín Giếng, là một tiên cô thần thông quảng đại theo hầu mẫu Liễu Hạnh, lại là người thông minh, sắc sảo, có tài xem bói. Cô Chín là một trong những vị Thánh cô thuộc Tứ phủ Thánh cô trong văn hóa tín ngưỡng của dân tộc. Các vị Thánh cô vốn là những tiên nữ đoan trang hầu cận bên cạnh các Thánh Mẫu, do có công với đất nước nên được lập đền thờ và được phong Thánh.
Tương truyền cô Chín chính là Cửu Huyền Thiên Nữ- con gái thứ 9 của Ngọc Hoàng Thượng Đế. Sau khi giáng trần, cô Chín đã dùng tài xem bói của mình để giúp vua đánh thắng nhiều trận mạc, cũng như nhìn mặt đoán người, giúp dân trừ nhiều tham quan ô lại. Để tưởng nhớ công ơn của cô, người dân đã lập đền thờ ở Thanh Hóa để đời đời hương khói, thờ phụng Thánh cô. Trước đền là 9 miệng giếng thiên nhiên do cô cai quản.
#3. Căn cô Chín là gì?
Những người có căn cô Chín là những người có cơ duyên sâu dày với Thánh cô, được cô “chỉ điểm, lựa chọn” để đi theo hầu cận bên mình. Những người này hầu như đều là những người có nghiệp chướng nặng nề trong kiếp trước, được Thánh cô dang tay cứu giúp nên kiếp này phải đi theo “hầu hạ” Thánh cô để trả nghĩa ân tình, bắt đầu bằng nghi thức “trình đồng mở phủ”.
Những người có căn hầu như đều có dấu hiệu báo trước, như mắc phải “bệnh âm” vái tứ phương không khỏi, hay làm ăn thất bát không nên… Dân gian gọi ấy là “cơ đày”, phải đến đúng ngày đúng tháng sẽ tự khắc được mở đường chỉ lối. Sau khi ra hầu đồng, mọi sự đều sẽ dần khởi sắc, sức khỏe hồi phục, công việc hanh thông.
Người có căn cô Chín thường có tính cách giống với tính cách của cô Chín trong truyền thuyết, khi hầu đồng thường mặc áo phớt hồng đào, khi thì múa quạt, múa cờ, khi thì múa cánh tiên hay thêu hoa dệt lụa.
*** Xem thêm: Điểm danh 8 vật phẩm gia tăng Sinh khí Tài lộc May mắn cho gia đạo bạn
Căn cô Chín có lộc gì?
Những người có căn cô Chín thường được sinh ra vào tháng 9- khoảng thời gian mà Thánh cô xuất hiện nhiều nhất ở nhân gian. Họ được coi là những người có duyên với Thánh cô, được cô ra tay cứu vớt khỏi bể khổ trần gian, khỏi những tội nghiệp nặng nề họ đã gây ra ở tiền kiếp.
Người có căn cô Chín thường là những người có giác quan thứ 6 khá nhạy bén, có tài xem bói, gọi hồn và bốc thuốc chữa bệnh. Trong kiếp này, họ phải đi theo hầu hạ Thánh cô, và thay Người cứu khổ cứu nạn, xem bói hay bốc thuốc chữa bệnh cứu giúp dân lành.
Ngoài ra, những người căn cô Chín thường là người thích buôn bán và thích bàn về chuyện buôn bán. Nếu họ buôn bán kinh doanh thì sẽ rất có lộc, công việc suôn sẻ, thành công và sẽ kiếm được rất nhiều tiền.
Xét về ngoại hình, những người này sẽ ít nhiều mang dáng dấp của Thánh cô. Họ có nét mặt đẹp và thánh thiện, mặt hoa da phấn với má hồng đào, tổng thể ngoại hình rất ưa nhìn.
Người có căn cô Chín tính cách như thế nào?
Người có căn cô Chín có tính cách điệu đà, phong thái ung dung, thích ăn diện mặc đẹp, ưa sạch sẽ và ưa trang điểm, thích các màu hồng, màu đỏ và rất yêu chuộng các loài hoa. Họ rất cương trực, thẳng thắn, tính tình khá nóng nảy, dễ tức giận khi bị người khác làm phật lòng, đôi khi hơi đanh đá nhưng lại rất thương người và giàu lòng trắc ẩn.
Ngoài ra, những người này rất thật thà, không bao giờ ăn gian nói dối. Họ sống rất thật lòng, đối nhân xử thế hiền hòa, bao dung và ấm áp. Họ luôn ra tay cứu giúp những cảnh đời bất hạnh, cứu nhân độ thế bằng cả tấm lòng của mình, không bao giờ đắn đo nề hà.
Chính vì vậy, người có căn cô Chín thường rất được mọi người yêu mến, kính trọng.
Đền thờ cô Chín ở đâu?
Đền thờ cô Chín, hay còn gọi là Đền Chín Giếng ở cách đền Sòng Sơn (thờ thánh Mẫu Liễu Hạnh) 30km, là một trong những ngôi đền linh thiêng bậc nhất xứ Thanh, hiện thuộc phường Bắc Sơn, Bỉm Sơn, Thanh Hóa.
Để di chuyển từ Hà Nội lên ngôi đền này, bạn có thể đi bằng xe máy, xe khách hay ô tô cá nhân theo chỉ dẫn như sau:
- Đi bằng ô tô riêng: di chuyển theo hướng cao tốc Hà Nội- Ninh Bình, sau rẽ vào quốc lộ 1A, đi qua thành phố Tam Điệp là đến thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa. Đây là quãng đường nhanh và thuận lợi nhất
- Đi bằng xe khách: bắt xe khách từ Bến xe Giáp Bát đi Bỉm Sơn hay đi qua cửa đền
- Đi bằng xe máy: Từ Hà Nội, di chuyển theo hướng quốc lộ 1A qua Hà Nam- Ninh Bình đến Tam Điệp, sau đó sẽ đến Bỉm Sơn
Ngoài ra, nếu không có điều kiện đi lễ đền cô Chín ở Thanh Hóa, bạn có thể đến các ngôi đền thờ cô Chín ở một số nơi khác như:
- Đền cô Chín ở Hà Nội: 35 Tôn Đức Thắng, phường Quốc Tử Giám
- Đền cô Chín suối Rồng: phường Ngọc Xuyên, Đồ Sơn, Hải Phòng
- Đền cô Chín Thượng: thôn Đền Trắng, xã Đông Sơn, huyện Yên Thế, Bắc Giang
- Đền cô Chín Tây Thiên: khu du lịch văn hóa tâm linh Tây Thiên, Tam Đảo, Vĩnh Phúc
- Đền cô Chín Đồng Mỏ: đường Đèo Rộ, thôn Mỏ Ba, xã Hòa Bình, huyện Chi Lăng, Lạng Sơn
Đi lễ đền cô Chín vào ngày nào và nên cầu gì?
#1. Ngày lễ hội đền cô Chín
Đền cô Chín có thể đi lễ vào bất kỳ thời điểm nào trong năm, tuy nhiên có 2 khoảng thời gian diễn ra hội chính là:
- 26/2 âm lịch: Lễ rước kiệu từ đền Sòng Sơn sang đền cô Chín, sau tới đèo Ba Dội
- 9/9 âm lịch: Lễ hội chính của đền cô Chín
#2. Đi lễ đền cô Chín nên cầu gì?
Cô Chín là vị thánh cô có nhiều quyền phép, lại đức độ, bao dung và thương người, hay cứu độ chúng sanh. Vì thế, khi tới đền cô Chín, bạn nên cầu bình an, sức khỏe và may mắn cho gia đạo mình, cầu xin cô che chở, giúp đỡ để mọi sự đều tốt lành, thuận buồm xuôi gió, cuộc sống luôn được an yên, vui vẻ.
Nên lễ cầu với tất cả sự thành tâm và kính trọng của mình đối với Thánh cô thì sẽ được cô chứng giám và phù hộ độ trì.
*** Tìm hiểu thêm: Trầm Hương Giúp Xua Đuổi Tà Ma- Hương Liệu Quý Giá Cho Gia Đình Bạn
Hướng dẫn sắm lễ khi đi đền cô Chín và một số lưu ý
Khi đi lễ đền cô Chín, có thể sắm lễ chay hay lễ mặn tùy điều kiện và lòng thành của gia chủ. Không cốt mâm cao lễ đầy, chỉ cốt ở cái tâm và lòng thành kính.
Cô Chín rất yêu thích các loài hoa, nên khi sắm lễ cần có hoa thơm quả ngọt, nhất là những loài hoa có màu hồng, màu đỏ. Lễ chay có thể chuẩn bị gói bánh, đĩa quả, lọ hoa tươi, xôi chè cùng vàng hương. Lễ mặn có thể sắp xôi gà hoặc thịt lợn luộc cắt vuông cùng lọ hoa và vàng hương cúng tiến. Những vật phẩm nên dâng theo số lẻ, có thể dâng thêm võng, nón hài… Lễ cơ bản nên có 12 quả cau, 12 lá trầu và 9 bông hồng.
Khi đã đến nơi đây với lòng thành tâm, tích thiện tích đức, bạn có thể đóng góp vào hòm công đức, làm công quả hay từ thiện, sẽ được cô chứng giám và độ trì, tâm tịnh thì lòng an.
Lời kết
Hy vọng nhưng chia sẻ trong bài viết sẽ giúp bạn có một cái nhìn cụ thể hơn về vấn đề căn quả, như Căn cô Chín có lộc gì, có tính cách như thế nào, cũng như nắm được những hướng dẫn khi đi lễ đền cô Chín. Cầu thần cầu thánh cốt ở sự thành tâm và lòng tôn kính, có như vậy chắc chắn bạn sẽ được chứng giám và phù hộ độ trì cho gia đạo bình an, may mắn, mọi sự đều thuận lợi, hanh thông.