Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (ngày 24/11/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Văn hóa phải hướng dẫn quốc dân thực hiện Độc lập, Tự cường và Tự chủ. Người nhấn mạnh: Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi.
Kể từ đó, trong bất cứ giai đoạn nào của cách mạng Việt Nam, văn hóa cũng có những đóng góp vô cùng quan trọng. Văn hóa trong tư cách nền tảng tinh thần của xã hội đã động viên, cổ vũ dân tộc Việt Nam vượt lên mọi khó khăn gian khổ, vừa đánh giặc giữ nước, vừa xây dựng, kiến thiết nước nhà. Trong những cuộc kháng chiến trường kỳ giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, biết bao thế hệ văn nghệ sĩ đã thực sự là chiến sĩ. Nhiều người đã anh dũng hy sinh để “tạc vào thế kỷ dáng đứng Việt Nam”, như một câu thơ của nhà thơ – liệt sĩ Lê Anh Xuân, viết tháng 3 năm 1968.
Văn hóa Việt Nam bắt nguồn từ lịch sử hào hùng dựng nước và giữ nước của dân tộc. Đánh giặc giữ nước cũng là để gìn giữ nền văn hiến Việt Nam. Lịch sử có những khúc quanh đầy nước mắt khi nước nhà ta phải chịu sự lệ thuộc ngoại bang, nhưng người Việt Nam vẫn không bị đồng hóa bởi trong huyết quản mỗi người Việt Nam vẫn bền bỉ những mạch ngầm văn hóa không bao giờ dứt. Bản sắc văn hóa, tinh hoa văn hóa được trao truyền một cách tự nhiên từ thế hệ này sang thế hệ khác. “Nước chúng ta/Nước những người chưa bao giờ khuất/Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất/Những buổi ngày xưa vọng nói về”. Để đến một ngày “Trời xanh đây là của chúng ta/ Núi rừng đây là của chúng ta”, và người Việt Nam “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” – như những câu thơ nồng nàn trong bài “Đất nước” được Nguyễn Đình Thi viết từ năm 1948 đến năm 1955, có nghĩa là trọn cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, mới hoàn thành.
Ngày nay, khi công nghệ phát triển mạnh mẽ đem đến rất nhiều lợi ích cho loài người, nhưng bên cạnh đó cũng có mặt trái. Xét về mặt văn hóa, nhiều học giả cho rằng đã và đang diễn ra những cuộc “xâm lăng văn hóa” khi mà sự giao thoa giữa các nền văn hóa vô cùng mạnh mẽ. Nền văn hóa nào không đủ căn cốt, gốc rễ không sâu, không bền thì rất có thể sẽ đổ vỡ, gục ngã, để thay vào đó những giá trị ngoại lai, tạo ra một nền văn hóa lai căng mà sản phẩm của nó cũng là những con người lai căng, mất gốc.
Tôn sùng một cách thái quá giá trị vật chất mà coi thường văn hóa nguồn cội thì không bao lâu sẽ đánh mất mình, trở thành hình nhân xa lạ ngay chính trong gia đình, làng xóm.
Cũng chính vì những lẽ đó mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã có những chủ trương, những quyết sách giữ gìn, phát triển nền văn hóa dân tộc. Đó là nền văn hóa vừa tiếp nối mạch nguồn truyền thống, vừa tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại, để ngày một giàu có hơn, lan tỏa hơn.
Có người ví Hội nghị văn hóa toàn quốc lần này như một “Hội nghị Diên Hồng” về văn hóa, với ý nghĩa từ những ý kiến đóng góp sâu sắc để chúng ta xác định rõ ràng hơn phải làm gì để xây dựng nền văn hóa Việt Nam vừa truyền thống vừa hiện đại, để làm rõ hơn “căn cước” của từng con người Việt Nam trước toàn thể nhân loại.
Hội nghị cũng kỳ vọng nhận diện rõ hơn những lệch lạc văn hóa tồn tại thời gian qua, để từ đó loại bỏ cái xấu, vun đắp và lan tỏa cái tốt. Văn hóa được coi là “sức mạnh mềm”, là nền tảng tinh thần của mỗi quốc gia, dân tộc. Chúng ta tự hào về văn hóa Việt Nam, văn hiến Việt Nam, tự hào được làm người Việt Nam. Chung tay xây đắp nền văn hóa ấy là bổn phận của mỗi người Việt Nam vì rằng sự trường tồn của dân tộc cũng chính là sự trường tồn của một nền văn hóa thẳm sâu.