TRẢI NGHIỆM CAREER COACH LẦN ĐẦU

Career coach là gì

Mình có khoảng thời gian Gap Year 1 năm vào năm 2017. Trong suốt 15 tháng, những việc mình làm là:

Dạy Piano khoảng 20h/tuần cho các bé ở trung tâm âm nhạc. Công việc nhàn hạ, không một chút stress và lương thì bằng 2/3 một ví trị full-time. Hôm nào đi dạy mình cũng có cảm giác lâng lâng như cuộc sống này không có gì phải bận tâm cả. Ngày ngày đi dạy, nhận lương, đi vui chơi cùng bạn bè. Cuộc sống thật khác khoảng thời gian 4 năm trước đó, liên tục làm việc 24/7 và lúc nào cũng stress.

Sự khác biệt lớn trong guồng công việc này khiến mình cảm thấy không an tâm và mình dùng thời gian còn lại để:

Tìm hiểu về Affiliate Marketing, Digital Nomad, Blogging, Micro Influencer Instagram và động tay chân vào tất cả các việc này. Và sự thật .. tất cả những việc này nhìn có vẻ “dễ ăn” nhưng cũng như một công việc toàn thời gian vậy, suy nghĩ, công sức, tài chính vẫn phải được đầu tư để dự án mang lại lợi ích tiền bạc được cho một người lựa chọn những con đường này.

Mình nghĩ rất nhiều như …

Du lịch vài năm làm Digital Nomad cũng được. Bản thân đã biết thiết kế và cũng tạm rồi, có thể nghiên cứu đào sâu thêm để làm việc freelance.

Hay là làm blogger? Mình thích viết và công việc tạo nội dung có thể phù hợp. (Nhưng dù có thích công việc nào đó tới đâu thì cũng có những lúc bạn sẽ thấy chán chường và không phải lúc nào cũng có tâm trạng để làm).

Mình đặt mục tiêu cho Gap Year của mình là hãy thử hết tất cả những lựa chọn, suy nghĩ thử theo hướng mà mình chưa bao giờ dám nghĩ và làm hết những gì mình muốn làm nhưng ngày xưa vì quá thận trọng mà không thử. Nhưng sau đó phải nhìn ra được một con đường mà mình thật sự muốn đi và cố gắng vì nó. Kết quả là trong 15 tháng, mình kênh qua đủ loại dự án tự phát, cũng chi tiền ra để “gây quỹ” cho dự án của mình chứ không làm “chơi”. Và mình đã kiểm nghiệm được những lối suy nghĩ, ý tưởng đó có phù hợp với bản thân hay không và mình cần tập trung vào điều gì cho giai đoạn về sau.

Đầu năm 2018, mình không rõ phải lên kế hoạch cho sự nghiệp như thế nào. Mình thử đi xin việc, một số nơi nhận, một số không. Nhưng 100% mình không hứng thú với công việc nào cả dù cho môi trường, đãi ngộ, sếp tốt. Có một người “sếp” khi mình từ chối việc thì có hẹn mình ra cà phê trao đổi để hiểu rõ lý do mình từ chối. Một trải nghiệm mình rất trân trọng về người anh đó và cũng thấy tiếc khi không tham gia vào dự án công nghệ về phát triển con người của công ty anh.

Loay hoay mãi, một hôm mình tìm được cuốn sách ở Fahasa – “TAKING CHARGE OF YOUR CAREER – Essential Guide To Finding The Job That’s Right For You” do hai Career Coach (Camilla Arnold, Jane Barrett) viết. Có vẻ như là cuốn sách duy nhất về vấn đề …. “huấn luyện sự nghiệp” mình thấy ở nhà sách vì trung bình một tháng mình mua 01 cuốn sách ở đây. (Career Coach – khái niệm chưa thật sự có ở thị trường Việt Nam nhưng đã trưởng thành ở thị trường nước ngoài rồi).

Mình cũng không rõ sẽ trông đợi gì ở cuốn sách này. Khi nhắc đến dịch vụ về sự nghiệp thì mình hay nghĩ đến các từ khóa như tư vấn nghề nghiệp, viết CV, khóa học phỏng vấn, v.v Và sự thật là sau khi đọc cuốn sách này, mình đã tìm ra được công việc mình muốn làm … đó là Career Coach (câu chuyện vì sao mình chọn công việc này sẽ ở một bài viết khác nhé!).

Mình đã dùng cuốn sách này để tự “huấn luyện” (coach) cho bản thân để ra được con đường sự nghiệp của mình thông qua việc xác định những điều sau:

1/ Tìm việc cũng là một công việc. Và bạn cần nghiên cứu, lập kế hoạch bài bản như khi bạn làm công việc chuyên môn của mình vậy. Xác định sản phẩm bạn bán đi là gì (kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm, mối quan hệ, v.v). Bạn đang định giá sản phẩm đó ra sao (bằng tiền, môi trường làm việc, giá trị tinh thần, mối quan hệ, cơ hội, v.v). Bạn sẽ bán cho “khách hàng” nào (công ty nào, ngành nào, quy mô, v.v). “Dịch vụ khách hàng” của bạn có hay không? (cách bạn tiếp cận công việc, chăm sóc công việc trước – trong – và thậm chí sau khi nghỉ việc, v.v). Và còn rất nhiều vấn đề khác nữa cần phải được tìm hiểu như: hệ thống giá trị của bản thân bạn là gì, bạn muốn làm việc với những người như thế nào, v.v Mỗi giai đoạn phân tích và xây dựng “sản phẩm” này thôi đã mất của mình ít nhất 01 tháng và sau đó là 3 tháng tiếp tục thử nghiệm (đi phỏng vấn thử) và điều chỉnh liên tục để hoàn thiện hơn.

2/ Bản đồ sự nghiệp – Career Map, của bạn qua các năm như thế nào? Mục tiêu hàng năm của bạn ra sao? Mình đặt mục tiêu sớm nhất là 3 năm và trễ nhất là 5 năm mình sẽ “bán” được bản thân với danh nghĩa một Career Coach thực sự. Và mình có 02 lộ trình để đi đến mục tiêu đó. Tùy vào cơ hội, điều kiện “thị trường” và rất nhiều những yếu tố mà có thể ở thời điểm lên kế hoạch mình không nhìn ra được và cũng không tạo ra được mà phải … “chờ thời”. Nhưng dù sao đi nữa, việc có một Career Map giống như Kim Chỉ Nam để định hướng việc tìm kiếm, lựa chọn những cơ hội phù hợp với lộ trình phát triển chính. Trong đợt tìm việc gần nhất, mình cũng đã từ chối một vài cơ hội và chọn công việc đúng với định hướng hơn. Thay vì dựa vào những yếu tố lương, thưởng, thương hiệu công ty, chức danh, v.v để lựa chọn.

Và khi mình đã xác định được những vấn đề này rất cụ thể và liên kết chặt chẽ với nhau. Các kỹ thuật CV, phỏng vấn, v.v không còn là vấn đề với mình. Về bản chất, “Practice Never Betrays” – việc luyện tập không bao giờ phản bội bạn cả. Vấn đề lập kế hoạch này là cả một quá trình luyện tập mà mình cảm thấy rằng nó là nền tảng và hướng luyện tập đúng đắn hơn là tham gia các khóa học giúp xử lý các kỹ thuật giao tiếp, viết lách để thu hút. Một khi bạn hiểu bạn cần gì ở công việc này, những buổi phỏng vấn sẽ không còn là việc tập những câu hỏi mẫu vì nhà tuyển dụng cũng sẽ cảm nhận và trao đổi với bạn theo một cách khác “khuôn mẫu”.

Tạm kết, Career Coach có thể nói là một “cố vấn” riêng của bạn. Làm sao để giúp bạn nhìn ra được tâm điểm của những gì bạn có và những gì bạn muốn có trong vấn đề nghề nghiệp của mình. Và giúp bạn xây dựng kế hoạch để bạn hoàn thiện “bức tranh sự nghiệp” của mình. Nhưng Career Coach không làm thay bạn những việc tự vấn, lập kế hoạch, xin việc, network, v.v Bạn sẽ phải làm tất cả … dĩ nhiên là thế. Career Coach chỉ giúp đặt ra những câu hỏi sâu sắc và phù hợp để kích thích bạn suy nghĩ thấu đáo hơn. Career Coach chỉ giúp bạn lựa chọn, sử dụng những công cụ phù hợp cho việc lập kế hoạch, v.v.

Chi phí thuê Career Coach không rẻ. Và hầu hết dịch vụ Coaching không hề rẻ. Nhưng nếu để dành ra một khoản tiền sử dụng dịch vụ này, so với 04 năm lọ mọ không biết mình muốn gì, cần gì, thì mình sẽ chi số tiền cho dịch vụ này nếu mình biết đến giá trị của công việc này sớm hơn.

P/s: In need of a chance to have a conversation with a practiced Career Coach in Vietnam to better understand the profession.