Trả lời:
Chào bạn, lời đầu tiên rất cám ơn bạn đã quan tâm và tin tưởng gửi cầu hỏi về cho đội ngũ chuyên gia của Hội Gan mật Việt Nam. Trong câu hỏi của bạn, tôi chưa thấy đề cập đến các yếu tố nguy cơ (tuổi, giới tính, tiền sử gia đình, bị nhiễm vi rút viêm gan B, viêm gan C, công việc có tiếp xúc hóa chất độc hại hay uống nhiều rượu bia) và kích thước của khối giảm âm. Tuy nhiên, với một khối giảm âm ở gan, nó có thể là khối u lành tính hoặc ác tính, bạn nên sớm đến các cơ sở y tế chuyên sâu về gan mật để thực hiện các bước tầm soát tính chất của khối u.
Đầu tiên, cần phải xác định lại kích thước khối u.
+ Nếu tổn thương < 1cm qua xác định bằng siêu âm có thể theo dõi định kỳ 3 tháng/lần
+ Nếu tổn thương > 1cm cần chụp thêm cắt lớp vi tính (CT) và/hoặc chụp cộng hưởng từ hạt nhân (MRI) để xác định chẩn đoán ung thư biểu mô tế bào gan thông qua các đặc điểm điển hình khối u tăng sinh mạch.
Ngoài ra, còn một số xét nghiệm khuyến cáo nên được thực hiện:
– Công thức máu, chức năng đông máu toàn bộ
– Chức năng gan thận
– Siêu âm Doppler mạch máu gan
– HBsAg (để tầm soát HBV) và đo tải lượng vi rút HBV nếu có
– Anti HCV (để tầm soát HCV) và đo tải lượng vi rút HCV nếu có
– Các dấu ấn ung thư gan trong máu: AFP, CEA, CA19-9. Có thể làm thêm AFP-L3, PIVKA II và tính chỉ số GALAD để tăng khả năng phát hiện sớm ung thư biểu mô tế bào gan.
Hướng dẫn sau khi có các kết quả xét nghiệm:
– Nếu đủ tiêu chuẩn để chẩn đoán ung thư biểu mô tế bào gan theo hướng dẫn của bộ y tế năm 2020 và Khuyến cáo của Hội Gan mật Việt Nam 2021 (đăng trên trang thông tin điện tử của Hội) về chẩn đoán và điều trị ung thư biểu mô tế bào gan), thì tiến hành đánh giá và điều trị ung thư gan theo giai đoạn bệnh.
– Trong trường hợp ung thư biểu mô tế bào gan có xét nghiệm AFP không tăng, khối u gan có hình ảnh không điển hình, cần sinh thiết khối u gan để làm chẩn đoán mô bệnh học.
Nếu sinh thiết dương tính sẽ cho chẩn đoán xác định ung thư biểu mô tế bào gan, tiếp tục các bước tiến hành đánh giá giai đoạn bệnh và điều trị.
Nếu sinh thiết âm tính sẽ thăm khám lại bằng chẩn đoán hình ảnh, thậm chí sinh thiết lại sau 2-3 tháng.
Nếu sinh thiết lại vẫn âm tính thì có thể theo dõi và làm lại các xét nghiệm hình ảnh học (siêu âm ổ bụng hoặc siêu âm doppler khối u) và dấu ấn ung thư gan trong máu định kỳ 2 tháng/ lần. Khi kiểm tra định kỳ, thấy kích thước u tăng nhanh, hoặc dấu ấn ung thư gan trong máu tăng cao thì tiếp tục thực hiện các bước tầm soát ung thư như trên.
Ngoài ra nên tầm soát các bệnh lý ung thư ở cơ quan khác bằng nội soi dạ dày, nội soi đại trực tràng, siêu âm tuyến giáp, siêu âm tuyến vú… để tầm soát u gan thứ phát. Để chẩn đoán di căn gan có thể phối hợp thêm nhiều phương pháp như chụp cắt lớp đa dãy (MSCT), chụp cộng hưởng từ (MRI) toàn thân, PET với FDG …
Tóm lại, nếu phát hiện ra khối u tại gan, cần tiến hành cẩn thận và đầy đủ các bước sàng lọc ung thư để tránh bỏ sót căn nguyên ác tính (nguyên phát hoặc thứ phát). Nếu sinh thiết 2 lần âm tính, thì tiến hành kiểm tra định kỳ 2 tháng/lần để tránh việc bỏ sót hoặc biến đổi bản chất của khối u.
Hình ảnh khối ung thư gan
Hình ảnh siêu âm khối ung thư gan
(Bài trả lời do TS Mai Thanh Bình – Bệnh viện TƯQĐ 108 và BS Lý Ngọc Bích – Văn phòng Hội Gan mật Việt Nam biên soạn. Nội dung này của Chuyên mục mục Giải đáp Gan mật tuỵ do Công ty Bayer đồng hành và tài trợ).