5 loại cây cảnh mang lại sức khỏe, may mắn ngày tết

5 loại cây cảnh mang lại sức khỏe, may mắn ngày tết

Cây cảnh tết

Mỗi dịp xuân về tết đến, nhà nhà đều rộn ràng chuẩn bị cùng nhau dọn dẹp, chọn mua một số chậu hoa cây cảnh về để trang hoàng nhà cửa, tô điểm thêm màu sắc xuân cho ngôi nhà. Việc chưng cây cảnh ngày tết không chỉ giúp không khí trong lành, mang lại sức khỏe tốt, mà còn giúp gia chủ và các thành viên trong gia đình thuận lợi, may mắn hơn trong cuộc sống.

Cây quất

Hội chợ truyền thống tinh hoa quất cảnh nghệ thuật là dịp để người dân Hà Nội được chiêm ngưỡng những cây quất đẹp, độc nhất vô nhị

PHAN HẬU

Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng Đơn vị Điều trị Ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết: theo quan niệm dân gian, hình tượng cây quất trĩu quả tượng trưng cho sức khỏe, bình an, trường thọ và sự may mắn trong tình duyên, thể hiện sự sum vầy của nhiều thế hệ trong gia đình, quả vàng chi chít thể hiện sự trù phú, hứa hẹn năm mới sẽ được mùa, ăn nên làm ra, dồi dào sức sống.

Ngoài ra, quất còn giá trị dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe. Quả quất ăn có mùi thơm, vị chua ngọt, vỏ có chất dầu cay thơm. Mùi hương quyến rũ của tinh dầu từ cây quất không chỉ giúp không khí dễ chịu, mà còn giúp xua đuổi muỗi, côn trùng.

Theo Đông y, quất vị cay ngọt, hơi chua, tính ấm, làm tan đờm, giảm ho, điều hòa khí, kiện tỳ. Ăn quất với lượng đường phèn hợp lý có thể chữa ho hen do phong hàn ở người già; quất tươi ăn liền 10 quả lúc đói chữa đau chướng bụng. Quất ướp đường ăn có tác dụng khai vị, điều hòa khí… Qua phân tích, quất giàu chất vitamin C, các loại đường, dầu bay hơi…

“Lượng vitamin C dồi dào có đặc tính chống oxy hóa giúp nâng cao sức đề kháng cơ thể, cải thiện hệ thống miễn dịch, bảo vệ tế bào khỏi vi khuẩn và vi rút có hại, còn cơ thể phục hồi nhanh hơn sau cảm lạnh thông thường thường gặp trong dịp tết khi thời điểm giao mùa đông – xuân”, bác sĩ Vũ cho chia sẻ.

Hoa mai

Màu vàng của hoa mai tượng trưng cho sự thịnh vượng, phát triển. Theo quan niệm của người xưa, hoa mai nở vào ngày tết sẽ đem lại may mắn, sức khỏe dồi dào, làm ăn phát đạt, tấn lộc tấn tài. Hương thơm dịu nhẹ của mai cũng giúp con người giải tỏa căng thẳng. Và có thêm nhiều hứng khởi trong thời điểm bắt đầu một năm mới.

Theo Y học cổ truyền, hoa mai vị ngọt hơi đắng, tính ấm, không độc, dùng để chữa các chứng bệnh như sốt cao, tức ngực, ho, hầu họng sưng đau, chán ăn, chóng mặt…

“Theo nghiên cứu khoa học, trong hoa mai có chứa các thành phần như Cineole, Linalool, Farnesol, Borneol, Benzyl alcohol, Terpineol, Indol,.. có tác dụng thúc đẩy quá trình đào thải của hệ bài tiết, giúp bảo vệ gan và mật, còn có tác dụng ức chế sự hình thành một số loại vi khuẩn gây bệnh đường ruột như phẩy khuẩn tả, coli hay trực khuẩn lỵ…”, bác sĩ Vũ cho hay.

Mai vàng ngày Tết

thanh hải

Hoa cúc

Hoa cúc rất ưa ánh sáng mặt trời, vì vậy nên được đặt ở vị trí gần cửa sổ. Những bông hoa cúc xinh xắn có khả năng lọc bỏ độc tố amoniac, benzen, thường tìm thấy trong nhựa, chất tẩy rửa và keo dán.

Theo phong thủy, hoa cúc là loài hoa tượng trưng cho phẩm chất cao đẹp, trường thọ, phúc lộc và niềm an vui. Do đó, cứ mỗi dịp Tết, người ta thường đặt những chậu cúc xinh tươi trước cổng và thềm nhà với mong muốn một năm mới dồi dào sức khỏe, tăng thêm phúc lộc.

Ngoài ra, hoa cúc còn là vị thuốc với nhiều công dụng chữa bệnh tuyệt vời. Hoa cúc có nhiều loại khác nhau, nhưng có hai loại thường được dùng nhiều nhất trong y học là cúc hoa vàng và cúc hoa trắng. Theo y học cổ truyền, cúc hoa trắng có tác dụng tán phong thanh nhiệt, bình can, minh mục, giải sang độc. Cúc hoa vàng vị đắng cay, tính ôn, có tác dụng thanh nhiệt giải độc.

Hoa cúc vàng điểm tô sắc xuân

lê cầm

Theo nghiên cứu Tây y, hoa cúc có tác dụng hạ huyết áp, chữa cảm phong hàn, tác dụng chống viêm kháng khuẩn, tăng cường thị lực và tác dụng an thần ở những bệnh nhân suy nhược thần kinh loại hưng phấn tăng do sang chấn tinh thần.

Tuy nhiên những người bị khí hư, vị hàn, tỳ vị hư hàn, ăn ít, tiêu chảy không nên dùng. Không nên dùng cho phụ nữ có thai, người tiêu chảy mất nước nặng, tay chân lạnh, nhức đầu mà sợ lạnh… Cúc hoa các loại đều kỵ dùng chung với Bạch truật và Địa cốt bì.

Hoa đồng tiền

Từ xa xưa, hoa đồng tiền đã mang ý nghĩa tài lộc và may mắn

Chí nhân

Hoa đồng tiền – loài hoa nổi bật với sắc màu rực rỡ, từng bông hoa to tròn giống như những đồng tiền xu ngày xưa. Cây có thể cho hoa quanh năm, vì thế mỗi dịp tết đến xuân về, rất nhiều gia đình lựa chọn loài hoa này là hoa để trưng tết.

Từ xa xưa, hoa đồng tiền đã mang ý nghĩa tài lộc và may mắn. Trồng hoa đồng tiền giúp gia chủ làm ăn phát đạt, gặp nhiều thành công, giúp hoá giải điềm xấu và mang lại vận may cho gia chủ.

Bên cạnh đó, hoa đồng tiền còn giúp thanh lọc không khí, có thể loại bỏ trichloroethylene và benzen trong nhiều loại vật liệu gia dụng từ sơn đến sợi tổng hợp. Cúc đồng tiền cũng giải phóng nhiều oxy hơn so với các loại cây trồng trong nhà thông thường. Điều này có thể rất hữu ích cho những người bị rối loạn nhịp thở.

Trong Đông y đã nghiên cứu cánh hoa có chứa các thành phần thanh nhiệt nên phơi khô đun nước uống giúp tiêu đờm, giảm ho hiệu quả. Chữa được bệnh rắn cắn, sưng đau cần xay nhuyễn cánh hoa đun nước uống, còn xác đem đắp vào vết thương là sẽ nhanh khỏi.

Cây thường xuân

Cây thường xuân là loại cây dây leo thường dùng làm cảnh với ý nghĩa phong thủy tốt đẹp, tượng trưng cho sự tài lộc, sinh sôi nảy nở và may mắn, vượng dương khí, từ đó mang đến bình an và thịnh vượng cho gia chủ.

Những giỏ thường xuân ngoài tạo nên vẻ nên thơ cho không gian sống, thường xuân mang màu sắc tươi mát giúp tạo không gian xanh tươi. Bên cạnh đó, một số nghiên cứu cho thấy thường xuân còn có tác dụng thanh lọc không khí, giúp loại bỏ formaldehyde có trong thảm và sơn tường, hấp thu các chất có hại như benzen, phenol, nicotine… Chính vì thế cây thường xuân được rất nhiều người chuyên gia sức khỏe khuyên trồng tại khu vực nhà ở.

Thường xuân cũng là một dược liệu quý, được nhắc đến nhiều trong các sản phẩm trị ho, và có nhiều công dụng khác như kháng viêm, chống oxy hóa, giải độc, hỗ trợ chăm sóc da. Bộ phận được dùng làm thuốc là lá hoặc quả đã phơi khô của cây thường xuân.