Chanh có nguồn gốc từ Đông Nam Á. Quá trình trao đổi hàng hóa của các thương nhân đã mang loại quả này tới Trung Đông, Bắc Phi rồi đến Địa Trung Hải. Tiếp đến, nó theo chân người Tây Ban Nha đi đến Tây Ấn Độ. Rồi từ nơi này đến Bắc Mỹ và Trung Mỹ.
Ở nước ta, cây này được trồng khắp nơi. Một số tài liệu cho rằng từ năm 1956, nước ta bắt đầu xuất khẩu quả của loại của nó.
Bộ phận sử dụng: Rễ, vỏ, thân, lá, quả và hạt chanh.
Thành phần hóa học
Vỏ quả chanh: Lớp vỏ xanh ngoài chứa tinh dầu, thường 3.000 quả đến 6.000 quả cho 1 lít tinh dầu chanh (theo kiểu vắt tươi) mỗi quả cho khoảng 0,5 ml tinh dầu. Vỏ trắng chứa pectin.
Tinh dầu chanh là một chất lỏng màu vàng nhạt, mùi thơm chanh, tỷ trọng ở 15°C từ 0,857 đến 0,862. Dưới tác dụng của khí trời và ánh sáng, tinh dầu chanh sẽ để lắng một chất đặc, nhầy, tỷ trọng tăng lên, 90 – 95%. Tinh dầu chanh là những hợp chất terpen gồm: D – Limonen, một ít α – Pinen, β – Phelandren, camphen và γ – Terpinen.
Mùi thơm của tinh dầu chanh là do các hợp chất oxy và chiếm từ 3 – 5% gồm xitrala và một ít xitronelala. Ngoài ra người ta còn thấy trong tinh dầu chanh acetat geranyl và acetat linalyla.
Dịch quả chanh: Trong dịch quả chanh có 80 – 82% nước, 5 – 7% axit citric, có khi tới 10% (mùa thu tỷ lệ axit cao hơn mùa hạ), chừng 1 – 2% citrat axit canxi và kali, một ít citrat ethyl và chừng 0,4 – 0,5% axit malic. Ngoài ra còn 0,4 – 0,75% đường interverti, 0,5% sacaroza, 0,75 – 1% protit. Độ tro 0,5%, vitamin C 65 mg trong 100 g dịch tươi, vitamin B1 và riboflavin.
Lá chanh chứa tinh dầu (với hàm lượng từ 0,33 – 0,5%), stachydrin, một dẫn xuất của prolin.
Tác dụng của Cây Chanh
Theo y học cổ truyền
Lá Chanh có vị đắng the, mùi thơm, tính bình, có tác dụng giải nhiệt, thông can khí, tiêu thũng, tán độc và hoạt huyết, khỏi ho, tiêu thực. Quả có vị chua, tính mát có tác dụng thanh nhiệt, khỏi nôn, tiêu thực, sát trùng, sáng mắt.
Tùy theo bộ phận dùng, chanh có:
Dịch quả chanh: Vào những ngày trời nắng, dịch quả chanh được dùng đề pha nước uống giúp giải khát. Khi dùng 30 – 120 g một ngày pha thành nước ngọt uống có tác dụng thông tiểu tiện, chữa bệnh tê thấp, hay bệnh thiếu vitamin C ở người lớn và trẻ em mới sinh (bệnh Scorbut). Trong công nghiệp, dịch quả chanh được dùng để sản xuất axit citric thiên nhiên. Dịch quả chanh còn giúp làm mượt tóc.
Múi chanh: Ngậm chung với muối ăn giúp chữa ho viêm họng.
Lá và ngọn chanh: Khi bị cảm cúm, người dân thường lấy lá đem xông chung với các loại thảo dược khác để ra mồ hôi giúp giải cảm; Khi trẻ em bị bí tiểu, chướng bụng, lấy lá và búp non chanh giã nát đắp lên rốn. Trong thực phẩm, lá chanh thái nhỏ làm gia vị ăn với thịt gà, ốc, quả chanh dùng pha nước chấm, tăng hương vị cho phở, làm đậm đà thêm nước rau luộc. Chanh còn là một nguyên liệu quan trọng trong công nghiệp sản xuất bánh kẹo.
Rễ chanh: Hàng ngày, lấy khoảng 6 -12 g rễ chanh đem sắc riêng hoặc phối hợp với rễ cây râu tằm có tác dụng chữa ho.
Tinh dầu chanh và tinh dầu lá chanh: Tinh dầu có mùi thơm dễ chịu, được dùng để làm thuốc bột hoặc thuốc ngậm, làm dầu gội đầu, xông phòng.
Vỏ thân cây chanh: Được dùng là thuốc bổ đắng kích thích tiêu hoá. Ngày uống 4 – 10 g dưới dạng thuốc sắc.
Hạt quả chanh: Có người dùng làm thuốc tẩy giun.
Theo y học hiện đại
Năm 2012, Ahounou JF và cộng sự đã nghiên cứu thấy chiết xuất của hỗn hợp Aframomumum Melegueta (K Schum) và Citrus aurantifolia (Christm et Panzer) có tác dụng trong điều trị bệnh hen suyễn.
Liều lượng và cách dùng Cây Chanh
Tùy thuộc vào mục đích sử dụng và từng bài thuốc mà có thể dùng dược liệu với nhiều cách khác nhau.
Bài thuốc chữa bệnh từ Cây Chanh
1. Sốt rét dai dẳng, dùng lá Chanh 100g, rượu 30o 100ml. Lá Chanh được thái nhỏ, đổ rượu vào ngâm rồi đem phơi sương một đêm, uống một lần vào lúc sáng sớm, uống 3-5 ngày liền.
2. Cảm cúm: Lá Chanh 16g, Tỏi 4-6g, lá Dung hoặc lá Mít 16g, Nghệ 16g, nước 450ml, sắc còn 150ml, uống xong nằm đắp chăn cho ra mồ hôi.
3. Hen phế quản: Lá Chanh một nắm, dây Tơ hồng một nắm; tất cả sao vàng, khử thổ, đổ ba bát nước, nấu còn một bát, ngày uống 2-3 lần, mỗi lần một bát; uống 7-10 ngày liền.
4. Ho gà: Lá Chanh tươi sắc với vài lát Gừng thêm đường đủ ngọt, uống dần.
5. Chữa sâu quảng: Lá Chanh non, lá Diếp cá, lá Húng Chanh, lá Mùi tàu, tất cả hái khi còn tươi, mỗi thứ một nắm, thái nhỏ trộn cho đều, gói vào lá chuối hơ nóng, rạch cho thoáng rồi buộc lên vết loét, sau 24 giờ mới mở và thay miếng khác (Vương Thừa Ân).
6. Rắn cắn: Rễ Chanh 8g, hạt Chanh 4g, Phèn chua 2g, Gừng 2g, giã nhỏ, thêm 100ml nước sôi, lọc kỹ, chia 2 lần uống trong ngày.
Lưu ý khi sử dụng Cây Chanh
Không dùng chanh khi đang đói
Quả chanh chứa hàm lượng lớn chất axit và với nồng độ khá cao. Do đó nếu uống nước chanh khi đang đói sẽ làm hại trực tiếp đến dạ dày và ruột của bạn. Không nên pha chanh với nước quá lạnh hoặc quá nóng
Nước quá lạnh hoặc nước quá nóng có thể làm cho các enzym có lợi trong chanh bị bất hoạt hoặc phá vỡ; không đem lại hiệu quả khi uống. Ngoài ra, uống nước quá nóng hoặc quá lạnh còn gây hại đến cổ họng và hệ thần kinh của bạn.
Không uống trực tiếp nước chanh đậm đặc
Nồng độ axit trong chanh khá mạnh vì vậy việc uống trực tiếp rất nguy hiểm cho hệ tiêu hóa.
Các chuyên gia khuyến cáo, để cho an toàn khi uống; bạn nên pha loãng nước cốt chanh với nước theo tỷ lệ 1 quả chanh cho 1 lít nước và hãy uống sau bữa ăn khoảng 30 phút.
Bảo quản Cây Chanh
Bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát nếu dùng tươi. Sắc lát ra phơi dưới ánh nắng mặt trời hoặc sấy bằng dụng cụ chuyên nghiệp nếu dùng khô. Ngâm trong nước nước muối hoặc nước đường nếu dùng ở dạng mứt.
Trên đây là các thông tin về đặc điểm, hình ảnh, công dụng và các bài thuốc từ cây Cây Chanh cũng như một số lưu ý cần quan tâm. Chanh là vừa là một loại trái cây, gia vị, vị thuốc cổ truyền được sử dụng từ rất lâu trong dân gian. Nhờ có nhiều tác dụng quý mà dược liệu này được dùng nhiều trong các bài thuốc chữa bệnh cũng như cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, để bài thuốc mang lại tác dụng điều trị cao và hạn chế tác dụng phụ, người bệnh vẫn nên tham khảo chuyên gia về cách dùng và liều lượng. Mong rằng những thông tin mà Medigo chia sẻ sẽ giúp ích cho việc tham khảo của bạn đọc.