Ghé thăm di tích cây đa Tân Trào – Biểu tượng cách mạng của Thủ đô Khu giải phóng Tuyên Quang

Cây đa tân trào ở đâu

Dưới gốc đa Tân Trào, chiều ngày 16 tháng 8 năm 1945, Đại tướng Võ Nguyễn Giáp đã đọc bản Quân lệnh số 1, ngay sau đó quân Việt Nam Giải phóng đã làm lễ xuất quân tiến về giải phóng Thủ đô Hà Nội trước sự chứng kiến của toàn thể đồng bào các dân tộc Việt Bắc và 60 đại biểu toàn quốc. Từ đó cho đến nay, cây đa Tân Trào đã trở thành một biểu tượng cách mạng của Thủ đô Khu giải phóng Tuyên Quang.

Xem thêm: KHÁM PHÁ NA HANG – “VỊNH HẠ LONG TRÊN NÚI” TUYỆT ĐẸP Ở TUYÊN QUANG

Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói chuyện với đồng bào Tuyên Quang dưới gốc đa Tân Trào (Ảnh: Báo ảnh Việt Nam)

Cây đa Tân Trào là một cây đa cổ nằm ở đầu làng Kim Long (sau đổi tên thành Tân Lập), xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Trước đây, cây đa Tân Trào cành lá sum suê, gồm hai cây mọc cách nhau chừng 10m, người dân địa phương thường gọi với cái tên dân dã là “cây đa ông” và “cây đa bà”. Năm 1993, do ảnh hưởng của một trận bão, “cây đa ông” bị đổ, chỉ còn lại một nhánh nhỏ. Còn “cây đa bà” không tránh khỏi được quy luật “sinh tử”, dần có những dấu hiệu xấu, lá ngả vàng, một số ngọn bị chết. Đến năm 2008, cây đa Tân Trào chỉ còn sót lại duy nhất một cành hướng Đông Bắc của “cây đa bà” còn sống nhưng là phát triển không tốt, phần rễ chính của cây gần như đã chết. Trước tình hình cấp bách đó, chính quyền địa phương đã phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp đưa ra các phương án chăm sóc và hồi sinh cho cây đa Tân Trào. Bằng nhiều nỗ lực, sau 2 năm cây đa Tân Trào đã dần phục hồi, xuất hiện thêm nhiều chồi non, báo hiệu sự sống sẽ nảy nở mạnh mẽ.

Hình ảnh cây đa Tân Trào năm 2009 (Ảnh: Sưu tầm)

Và cho đến ngày nay, “cây đa bà” đã phát triển thành 2 cụm rễ gồm 38 rễ lớn nhỏ, tán rộng tỏa bóng xanh mát. Nhánh nhỏ của “cây đa ông” cũng đã phục hồi và phát triển thành cụm cây mới tươi tốt.

Cây đa Tân Trào đã hồi sinh và sinh trưởng mạnh mẽ (Ảnh: Sưu tầm)

Xung quanh trồng thêm 6 cây đa con tượng trưng cho 6 huyện của tỉnh Tuyên Quang (Ảnh: Sưu tầm)

Du khách chụp hình lưu niệm tại cây đa Tân Trào (Ảnh: Sưu tầm)

Nằm trong Khu di tích Tân Trào, cùng các địa danh khác: đình Tân Trào, đình Hồng Thái, lán Nà Lừa, lán Hang Bòng gắn với các sự kiện lịch sự có ý nghĩa lớn, cây đa Tân Trào là nơi giáo dục cho thế hệ trẻ về lòng yêu nước và tinh thần chiến đấu bất khuất của dân tộc ta.

Đình Tân Trào – cách cây đa Tân Trào 500m về phía đông, là nơi họp Quốc dân Đại hội năm 1945 (Ảnh: Sưu tầm)

Lán Nà Lừa – nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập khu giải phóng và Quân giải phóng năm 1945 (Ảnh: Sưu tầm)

Lán Hang Bòng là nơi làm việc của Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm kháng chiến chống Pháp từ 1946 – 1954 (Ảnh: Sưu tầm)

Di tích lịch sử cây đa Tân Trào cùng với các di tích khác trong Chiến khu Tân Trào đã trở thành điểm du lịch tham quan và tìm hiểu lịch sử nổi tiếng của tỉnh Tuyên Quang. Đã trải qua 72 năm kể từ khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nhưng mỗi lần ghé thăm Tân Trào, mỗi người dân Việt Nam lại như được hòa vào không khí hào hùng của những tháng năm lịch sử.