Dự án Giải pháp nâng cao giá trị cây hồng nhung trên địa bàn huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng là một trong những mục tiêu dự án là xây dựng sản phẩm hồng nhung là sản phẩm tiềm năng OCOP.
Vào những ngày này, cây hồng nhung đang cho trái, hồng nhung lấp ló trên cành lá, đung đưa chào khách qua đường.
Anh Luân tươi cười tiết lộ, người dân xã Phú Tân (Châu Thành), hễ nhà ai có đất trống là có trồng cây hồng nhung. Và loài cây này dần trở thành cây sinh kế của người dân nơi này.
“Cây hồng nhung có tên khoa học là Diospyros Philippensis, thuộc họ thị, là một loại cây đặc hữu của Philippines được du nhập về Việt Nam.
Ở Sóc Trăng, cây hồng nhung biết đến xuất phát đầu tiên tại vùng đất Phú Nổ (nay là xã Phú Tân và Phú Tâm), cây có tán rộng, trái màu nhạt, khi chín có màu đỏ thẫm, hình dạng quả đào, bên ngoài trái bao phủ một lớp lông nhung mịn.
Ngày nay, cây hồng nhung được nhiều nơi biết tới, các khách tham quan du lịch trong và ngoài nước khi đến thăm các điểm chùa Bốn Mặt, chùa Champa đều có dịp thưởng thức vị lạ của trái, bóng mát của cây hồng nhung và cả sự bền bỉ, kiên cường phát triển trong điều kiện đất khô hạn.
“Chính vì những nét lạ, cây hồng nhung tiếp tục được người dân sưu tầm, trồng nhiều nơi ở các điểm du lịch như: thiền viện trúc lâm, các đình và trong hộ dân” – anh Luân chia sẻ.
Hiện nay, người dân Phú Tân trồng cây hồng nhung khá nhiều, nhà ai có đất trống, ít hay nhiều đều có trồng cây hồng nhung.
Có dịp đến xã Phú Tân những tháng này để chiêm ngưỡng những cây hồng nhung cao lớn, xanh mướt, nhiều cây có trái chi chít trên cành.
Ngồi dưới bóng cây mát rượi, nếu có chiếc võng để thả lưng thì còn gì bằng. Hay ngồi dưới gốc cây nhấm nháp tách trà, ly cà phê rồi thả ánh mắt nhìn lên trên, những trái hồng nhung nằm lấp ló trong tán lá xanh trông khá vui mắt.
Nhà bà Ngô Nguyệt Hoa, ở ấp Phước Hòa, xã Phú Tân (Châu Thành) có trồng trên 10 gốc hồng nhung, có cây cũng trên 25 năm tuổi.
Bà Hoa tiết lộ: “Mấy cây lâu năm đó có người trả giá 60 triệu đồng nhưng tôi nhất quyết không chịu bán vì năm nay tôi 68 tuổi rồi, mấy chục năm nay những cây hồng nhung này rất thân thuộc với tôi, nếu bán chúng đi không biết chừng nào tôi mới thấy được tán cây hồng nhung to lớn trước cửa nhà mình”.
Nhiều người mới nhìn hồng nhung tưởng là cây măng cụt vì thân và lá có nét tương đồng. Người dân Phú Tân rất thích trồng cây này để lấy bóng mát.
Lá cây hồng nhung ít rụng, cây cho trái bắt đầu từ tháng 2 – 3 (âm lịch), nhưng rộ nhất là tầm tháng 7 – 8 (âm lịch).
Người dân địa phương cũng hay mách với khách phương xa là hái trái chưa chín ăn với mắm hay ăn trực tiếp trái chín. Hồng nhung vừa chín tới nên ăn ngay, mùi của nó khá đặc trưng. Có 2 loại trái, trái có hạt và trái không có hạt. Những chỗ ươm giống hồng nhung sẽ thu mua trái để lấy hạt trồng.
Anh Võ Minh Luân cho biết, người dân trồng hồng nhung bán trái giá tầm từ 50.000 – 80.000 đồng/kg, chủ yếu là mua về lấy hạt trồng, còn bán cây hồng nhung, tùy theo kích thước của cây mà giá khác nhau.
Vì hồng nhung giá trị ngày càng được nâng cao nên được bà con nhân giống bằng cách ươm hạt để có cây con, thành lập các tổ hợp tác để phát triển và duy trì.
Cây hồng nhung trồng khoảng 4 – 6 năm tuổi sẽ cho trái, tùy điều kiện thổ nhưỡng. Tuy nhiên, một số cây thì không cho trái hoặc ra hoa nhưng không đậu trái, hiện tượng này được bà con địa phương gọi là trồng cây “đực”.
Cây hồng nhung chủ yếu hiện nay được ươm bằng hạt, nên thời gian để phát triển cây này là khá lâu, không đủ cây con để cung ứng cho thị trường, tỷ lệ hạt nảy mầm thấp.