Dữ liệu là một trong những công cụ quan trọng giúp các marketer trong thời đại kỹ thuật số có thể đưa ra quyết định marketing phù hợp. Cũng bởi vậy mà nền tảng dữ liệu khách hàng (Customer Data Platform) – CDP ngày càng phát triển và vượt qua các công nghệ marketing khác.
Vậy CDP là gì?, và các giai đoạn thiết lập CDP như thế nào? Hãy để Glints giúp bạn giải đáp chi tiết qua bài viết này nhé.
CDP là gì?
CDP là viết tắt của cụm từ Customer Data Platform (nền tảng dữ liệu khách hàng) là một phần mềm cơ sở dữ liệu dùng để thu thập và thống kê toàn bộ các dữ liệu và thông tin khách hàng từ nhiều nguồn khác nhau.
Qua đó, các dữ liệu và thông tin này được tổng hợp thành một nguồn duy nhất giúp dễ dàng chia sẻ quyền truy cập cho các hệ thống khác.
Một nền tảng dữ liệu khách hàng – CDP chất lượng khi nền tảng này có khả năng tích hợp dễ dàng với các dữ liệu và thông tin mà bạn đang có, và cho phép bạn truy cập mọi dữ liệu mà CDP đang lưu trữ.
Đặc điểm của CDP
Sau khi đã hiểu rõ khái niệm CDP là gì, bạn cần tìm hiểu rõ hơn về các đặc điểm cơ bản của CDP như:
Hợp nhất dữ liệu khách hàng
CDP hỗ trợ doanh nghiệp hợp nhất và lưu trữ dữ liệu đến từ các nguồn khác nhau, cho phép các thành viên và quy trình tiếp theo sử dụng các dữ liệu này ngay lập tức.
Có thể thấy, dữ liệu của khách hàng đưa vào cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp thường không đến duy nhất từ một nguồn, mà được tổng hợp từ nguồn đa dạng. Do vậy, nếu như quản lý thông tin, dữ liệu kém hiệu quả sẽ dẫn đến một vài nguy cơ như: trùng lặp thông tin, thiếu dữ liệu, khả năng xử lý bị hạn chế.
Đọc thêm: Customer Driven Marketing Strategy Là Gì? 5 Bước Xây Dựng Chiến Lược Marketing Tập Trung Vào Khách Hàng
Phân đoạn tự động và quản lý theo nhóm khách hàng
Dựa trên những xác định và thiết lập của doanh nghiệp, danh tính khách hàng cá nhân sẽ được tự động phân đoạn theo từng nhóm.
Nhờ sự hỗ trợ của AI, CDP sẽ thu thập thông từ các hành vi và phản hồi của các nhóm khác nhau để cân nhắc và tiến hành phân thành các nhóm nhỏ để dễ dàng quản lý hơn.
Việc nghiên cứu nhóm khách hàng này giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian và công sức cho những người làm marketing.
Quản lý chiến dịch đa kênh
Một chiến dịch marketing hiệu quả khi xác định đúng đối tượng khách hàng mục tiêu và trải nghiệm của công chúng với các kênh marketing, thông điệp nhất quán và xuyên suốt, và khả năng tích hợp giữa hành trình khách hàng với chiến dịch.
CDP giúp đảm bảo các hoạt động của chiến dịch sẽ diễn ra liền mạch và đơn giản hóa.
Thấu hiểu và đề xuất
Tự động hóa marketing có khả năng kết hợp với các công việc khác để giải quyết vấn đề.
Bên cạnh đó, ngoài tự động hóa marketing thì tự động hóa trực giác cũng là một bộ phận quan trọng không thể thiếu cần được phối hợp để tăng khả năng cạnh tranh và tạo lợi nhuận.
CDP được bổ sung các thông tin chi tiết dựa trên sự thấu hiểu và công cụ đề xuất tích hợp với AI.
Lợi ích của CDP trong kinh doanh và Marketing
Cùng Glints tìm hiểu việc ứng dụng của CDP vào hoạt động kinh doanh và marketing sẽ mang lại những lợi ích gì nhé.
Cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng
CDP giúp doanh nghiệp dễ dàng xây dựng sự kết nối mạnh mẽ với khách hàng, với mức chi phí thấp, thời gian thực hiện nhanh chóng nhờ việc tổng hợp các thông tin khách hàng và lưu trữ tại những nơi riêng biệt nhằm tạo ra trải nghiệm mang tính cá nhân hóa cho khách hàng.
Phối hợp hiệu quả các chiến dịch Marketing
Các hoạt động marketing của doanh nghiệp được triển khai trên các kênh khác nhau. Do đó, thời gian để thực hiện việc chia sẻ và trao đổi dữ liệu sẽ nhiều hơn.
CDP được coi là trợ thủ đắc lực giúp giải quyết vấn đề này hiệu quả nhờ việc thống nhất các hoạt động marketing dựa trên việc cung cấp thông tin. Bên cạnh đó sắp xếp và thu thập và tổng hợp dữ liệu mới cho các hoạt động marketing khác.
Thu thập dữ liệu khách hàng trực tiếp
Dựa vào Pixel và các công cụ theo dõi khác, CDP thu thập dữ liệu trực tiếp từ khách hàng, người truy cập website, và người theo dõi thương hiệu trên các nền tảng mạng xã hội.
Qua đây, thương hiệu tối ưu hoạt động marketing của mình dựa trên những thông tin hữu ích thu thập từ khách hàng.
Tối ưu các chiến dịch quảng cáo
Để hạn chế tình trạng quảng cáo đến sai tập khách hàng, dựa trên việc liên kết dữ liệu khách hàng tiềm năng với lịch sử mua hàng, CDP giúp doanh nghiệp giảm thiểu tối đa rủi ro từ vấn đề trên. Từ đó, nâng cao hiệu quả quảng cáo và tối ưu chi phí cho chiến dịch.
3 Giai đoạn cần thiết để thiết lập CDP
3 giai đoạn cần thiết để thiết lập nền tảng dữ liệu khách hàng bao gồm:
Giai đoạn lên kế hoạch cho CDP
Trong giai đoạn này, bạn sẽ cần thực hiện một số công việc như:
- Tạo ra phạm vi của dự án: mô tả mục tiêu của doanh nghiệp, quy trình tích hợp và thiết lập, kết quả đầu ra.
- Tạo ra các dữ liệu để theo dõi: mô tả thông tin khách hàng đồng ý cung cấp, sự kiện cần được theo dõi.
Giai đoạn tích hợp
- Thiết lập CDP
Thiết lập nền tảng dữ liệu khách hàng là quy trình kết nối CDP với các nguồn dữ liệu, thông tin cả online và offline của doanh nghiệp. Từ đó giúp bạn xác định và phân tích hành vi của khách hàng mục tiêu.
- Theo dõi ID và thông tin của khách hàng
Sau khi thiết lập CDP, doanh nghiệp cần chuẩn bị ID của khách hàng và thiết lập trình theo dõi các thông tin mà doanh nghiệp muốn thu thập. Dựa trên những dữ liệu thu thập được, doanh nghiệp có thể dễ dàng phân khúc, cung cấp trải nghiệm cá nhân hóa tới khách hàng, tối ưu hóa hiệu quả quảng cáo, v.v.
- Theo dõi hành vi khách hàng
Để xây dựng một bức tranh toàn diện về khách hàng của mình thì việc theo sát và thu thập các thông tin liên quan đến hành vi của khách hàng như hành vi mua hàng, hành vi truy cập website, v.v là đặc biệt quan trọng.
- Nhập dữ liệu
Đây là công việc kết nối và xâu chuỗi tất cả các dữ liệu có sẵn của bạn.
Đọc thêm: Hệ Thống CRM Là Gì? CRM Có Thể Giúp Gì Cho Các Chiến Dịch Marketing?
Giai đoạn tích hợp với các công cụ của bên thứ 3
Nếu doanh nghiệp của bạn đang sử dụng CDP độc lập, bạn có thể tận dụng khả năng của nền tảng bằng cách tích hợp với các công cụ và nền tảng khác như:
- Tích hợp ESP
- Nền tảng tối ưu website
- Nền tảng đề xuất
- Nền tảng phân tích dự đoán
- Nền tảng kinh doanh thông minh
- Nền tảng tiếp tiếp thị di động
- Nền tảng quảng cáo
Đối với nền tảng trải nghiệm và dữ liệu khách hàng (CDPX) việc tích hợp này là không cần thiết, bởi khả năng tự động hóa tiếp thị và phân tích đã là một phần của nền tảng này.
Giai đoạn triển khai
CDP độc lập không được tích hợp cùng với các nền tảng phân tích và triển khai, do đó sẽ gặp một vài vấn đề như:
- Công nghệ khác nhau
- Khó khăn trong việc điều phối đa kênh
- Phản hồi chậm trễ
- Nhiều giao diện người dùng
- Luồng dữ liệu đơn hướng.
CDXP là nền tảng trải nghiệm và dữ liệu khách hàng sở hữu nhiều điểm nổi trội hơn so với CDP độc lập. Tính năng của CDXP có thể kể đến như:
- Công nghệ thống nhất
- Dễ dàng trong việc điều phối đa kênh
- Phản hồi theo thời gian thực
- Một giao diện người dùng duy nhất
- Luồng dữ liệu hai hướng.
Tạm kết
Trên đây là toàn bộ những chia sẻ về CDP là gì, và 3 giai đoạn cần thiết để thiết lập CDP hoạt động hiệu quả mà Glints muốn chia sẻ tới bạn. Hy vọng bài viết có thể cung cấp cho bạn nhiều thông tin giá trị về nền tảng dữ liệu khách hàng – CDP.
Nếu bạn còn bất kỳ câu hỏi nào về CDP, đừng ngần ngại để lại bình luận được Glints giải đáp chi tiết nhé.
Tác Giả