Quản trị sự thay đổi
Khái niệm
Quản trị sự thay đổi trong tiếng Anh gọi là: Change Management.
Quản trị sự thay đổi là tổng hợp các hoạt động quản trị chủ động phát hiện, thúc đẩy và điểu khiển quá trình thay đổi của doanh nghiệp phù hợp với những biến động của môi trường kinh doanh, đảm bảo cho doanh nghiệp phát triển trong môi trường kinh doanh biến động:
– Quản trị sự thay đổi là một chu trình khép kín: phát hiện, hoạch định và tổ chức thực hiện sự thay đổi.
– Quá trình liên tục của chu trình quản trị sự thay đổi không theo mốc thời gian mà theo sự xuất hiện của các hiện tượng đòi hỏi phải thay đổi.
– Quản trị sự thay đổi không có nghĩa là cứ cần là thay đổi, mà là nghiên cứu thấu đáo trước khi trả lời câu hỏi và ra quyết định thay đổi.
Sự cần thiết
– Quá trình phát triển của mỗi doanh nghiệp là quá trình thay đổi trong môi trường kinh doanh ngày càng biến động.
– Môi trường kinh doanh thường xuyên thay đổi dẫn đến phản ứng của doanh nghiệp. Những tiến bộ về kĩ thuật, công nghệ, những thay đổi về nhu cầu của người tiêu dùng, khuynh hướng toàn cầu hóa kinh doanh và vấn đề bảo vệ môi trường… Đã tạo ra những áp lực mạnh mẽ đòi hỏi doanh nghiệp phải đổi mới hoạt động kinh doanh và cung ứng quản trị.
Phát hiện, nghiên cứu sự thay đổi
Phân tích hiện trạng, phát hiện sự thay đổi
– Để có thể phát hiện sự thay đổi, cần biết hiện trạng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp
– Sau đó, phải chuẩn bị những vấn đề mà doanh nghiệp cần thay đổi với mục đích là bước đầu nhận diện tính chất và nội dung của các vấn đề trước khi tiến hành thay đổi
– Trước những thay đổi của môi trường, doanh nghiệp có thể có nhiều vấn đề cần điều chỉnh
Phân tích các lực lượng thúc đẩy và cản trở sự thay đổi
– Mục đích
Trên cơ sở đánh giá tương quan giữa các lực lượng thúc đẩy và cản trở để xác định bước đi và các giải pháp cần thiết đảm bảo điều kiện thực hiện thay đổi thành công
– Nhiệm vụ
Đánh giá sự đúng đắn, so sánh tương quan giữa các lực lượng thúc đẩy và cản trở để trả lời câu hỏi:
+ Sự thay đổi có đúng không?
+ Đối tượng nào cần thay đổi?
+ Đã đúng thời điểm thay đổi chưa?
– Thời điểm và nơi tiến hành
Tiến hành phân tích nhu cầu thay đổi cũng như phân tích các lực lượng thúc đầy và cản trở ở thời điểm xuất hiện các hiện tượng không bình thường thông qua các tài liệu thống kê, báo cáo định kì, khi có các báo cáo bất thường về hiện tượng không bình thường hoặc khi xuất hiện các dấu hiệu khác thường bên trong và bên ngoài doanh nghiệp.
– Nội dung phân tích
+ Phân tích nhu cầu thay đổi;
+ Phân tích từng áp lực thúc đẩy và cản trở.
– Kết luận
+ Có cần thay đổi không và mức độ thay đổi;
+ Cường độ và xu hướng thúc đẩy sự thay đổi;
+ Cường độ và xu hướng diễn biến của các cản trở;
+ Sơ bộ xác định thời điểm nào có thể tiến hành thay đổi.
– Yêu cầu
+ Khách quan, toàn diện;
+ Đầy đủ chứng cứ: thu thập, điều tra bổ sung để có đầy đủ thông tin và xử lí hệ thống thông tin;
+ Áp dụng các phương pháp thích hợp với từng đối tượng.
(Tài liệu tham khảo: Quản trị các đối tượng gắn với môi trường bên ngoài của doanh nghiệp, TS. Vũ Trọng Nghĩa, Đại học Kinh tế Quốc dân)