Chất liệu mạ Chrome là gì, có tốt và bền hay không, nên chọn mua sản phẩm mạ Chrome hay inox luôn là câu hỏi chúng tôi nhận được trong quá trình tư vấn bán hàng. Để giải đáp thắc mắc của quý khách hàng, Trangtrinoithatxinh.vn sẽ cung cấp tất cả các thông tin liên quan đến sản phẩm mạ Chrome trong nội dung bài viết sau đây:
1) Giới thiệu về kỹ thuật mạ Chrome
Chrome là một nguyên tố kim loại, nhưng ít được sử dụng ở dạng rắn. Trong sản xuất, khái niệm Chrome thường được hiểu là lớp mỏng bảo vệ bề mặt, ngăn kim loại tiếp xúc trực tiếp với oxi trong không khí, gây ra hiện tượng hoen rỉ. Như vậy, mạ Chrome là quy trình phủ lớp mỏng Chrome lên bề mặt kim loại, tạo bề mặt sáng bóng, trơn mịn và không rỉ sét.
Phương pháp mạ Chrome bắt nguồn từ nghiên cứu kết tinh Chrome trong môi trường điện phân của George J. Sargent năm 1914, xuất bản bài báo khoa học vào năm 1920. Là cơ sở để Fink và Eldridge nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất thương mại tại Đại học Columbia, và tiến hành mở ngành đào tạo nghề mạ Chrome vào năm 1924. Kinh ngạc trước vẻ đẹp sáng bóng như gương của bề mặt kim loại sau khi mạ Chrome, cùng với khả năng chống rỉ sét rất tốt, các công ty bắt đầu đầu tư sản xuất sản phẩm mạ Chrome bán ra thị trường Mỹ vào cuối năm 1927 và phát triển rất tốt cho đến ngày nay [1].
Có 2 kỹ thuật mạ Chrome cơ bản. Kỹ thuật sử dụng Chrome 6 là phương pháp truyền thống, giá thành rẻ, nhưng tỉ lệ hóa chất độc hại trực tiếp thải ra môi trường rất cao, có nguy cơ gây ung thư cho người. Sản phẩm sản xuất theo quy trình Chrome 6 hiện không đạt an toàn theo tiêu chuẩn EPA (Cục bảo vệ mội trường Mỹ). Kỹ thuật sử dụng Chrome 3 hạn chế được các tác hại nêu trên, nhưng giá thành đắt, yêu cầu hệ thống máy móc phức tạp, hiệu quả bám Chrome lên bề mặt thấp hơn, màu sắc sản phẩm tạo ra hơi tối màu, không trắng sáng bằng kỹ thuật mạ Chrome 6.
2) Khác biệt giữa sản phẩm mạ Chrome và Inox
Inox thuộc nhóm Thép không rỉ (Stainless Steel), là hợp kim chứa Niken và ít nhất 10% Chrome (Cr) trong thành phần cấu tạo, chính các phân tử Chrome khi phản ứng với Oxi sẽ tạo ra 1 lớp màng Chrome ô xít lưỡng tính rất mỏng, độ dày chỉ vài phân tử, đóng vai trò là lớp bảo vệ bề mặt, giữ cho thành phần Sắt (Fe) phía trong không tiếp xúc được với Oxi không khí, từ đó không bị oxi hóa tạo thành các đám hoen rỉ Sắt ô xít màu đỏ vàng. Tùy theo tỉ lệ kim loại, có thể phân chia thành nhiều loại inox khác nhau, nhưng phổ biến nhất trong sản xuất gia dụng là inox 304 và inox 201, một số sản phẩm có thể sử dụng inox 316 với độ tinh khiết cao hơn. Inox thường bị rỗ mặt trong môi trường nước mặn, ở khu vực cách biển trong phạm vi 1 km, sản phẩm inox sẽ nhanh xuất hiện vết rỗ và lan rộng rỉ sét xung quanh.
Mạ Chrome (gọi ngắn gọn là Chrome) là sản phẩm có lớp phủ Chrome lên lõi kim loại. Do không phải là hợp kim hoàn toàn, nên sản phẩm Chrome thường nhẹ hơn inox. Lớp phủ có độ dày chỉ vài micromet, có tính sáng bóng, khả năng phản chiếu hình ảnh cao gần giống bề mặt gương, trong khi inox thường có màu xám, độ bóng thấp. So với inox thì bề mặt Chrome đẹp hơn, tuy nhiên cũng có nhược điểm là dễ bám dấu vân tay và dễ bị trầy xước hơn. Bề mặt Chrome ít bị ảnh hưởng bởi hơi nước mặn trong không khí hơn so với inox, tuy nhiên nếu sản phẩm kém chất lượng, sau một thời gian sử dụng, bề mặt Chrome cũng sẽ xuất hiện vết rộp nổ ở điều kiện thông thường. Một điều cần lưu ý là khi đã xuất hiện vết rộp nổ, thì tốc độ lan rộng rỉ sét từ vị trí rộp nổ ở bề mặt mạ Chrome sẽ nhanh hơn so với inox.
Hình 1. Hình ảnh bề mặt sản phẩm mạ Chrome (phải) so với inox (trái)
3) Các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm mạ Chrome
Sản phẩm mạ Chrome tốt phải xuất phát từ phần lõi kim loại tốt. Kim loại được sử dụng nhiều nhất hiện nay là Đồng (Cu) màu vàng, với đặc tính dẻo, ít nứt gãy, chịu nhiệt tốt trong quá trình sử dụng. Để giảm giá thành sản xuất, lõi Đồng có thể được thay bằng Antimon (Sb) rẻ tiền hơn. Đây là loại quặng kim loại màu trắng bạc, có độ cứng trung bình, khả năng chịu nhiệt kém, độ bền sản phẩm thấp, đặc biệt dễ nứt gãy trong điều kiện sử dụng 2 chế độ nước nóng lạnh thay đổi đột ngột.
Do Đồng khá mềm, nên để tăng độ cứng cho lõi kim loại, Đồng nguyên chất sẽ không được sử dụng mà thay thế 1 phần bằng các kim loại khác (Thiếc, Mangan …) tạo thành dạng Đồng hợp kim. Hợp kim tiêu chuẩn tốt nhất phải có tỉ lệ Đồng từ 60 – 70%, tỉ lệ Niken từ 2 – 3%, tỉ lệ Chì và các kim loại nặng khác không quá 0.25%. Niken phải phủ từ 1 – 2 lớp lên bề mặt Đồng trước khi mạ, có tác dụng tăng độ bám của Chrome, đồng thời giảm khả năng mặt trong lõi Đồng bị oxi hóa do tiếp xúc trực tiếp với không khí.
Một số sản phẩm, ví dụ các loại vòi nước, để biết phần lõi kim loại của sản phẩm mạ Chrome cần mua có tốt hay không, có thể quan sát mặt trong của vòi (lật vòi lên và nhìn sâu vào trong lòng ống). Nếu thành ống dày, cầm nặng tay, mặt trong nhẵn mịn, màu sắc có ánh vàng đồng là tốt. Sản phẩm Antimon cầm nhẹ tay vì nguyên tử khối là 51, nhẹ hơn so với Đồng là 64, màu sắc trắng bạc giống màu Nhôm.
Hình 2. Hình ảnh màu sắc Đồng (phải) so với Antimon (trái)
Ngoài lõi kim loại quyết định độ bền cơ học, thì lớp mạ Chrome cũng có vai trò rất quan trọng, quyết định độ bền bề mặt. Khả năng bám dính của Chrome lên bề mặt phụ thuộc vào các yếu tố là độ cứng và độ mịn của lõi, lõi càng cứng và càng mịn thì độ bám dính càng cao. Vì vậy ngoài sử dụng hợp kim Đồng đúng tiêu chuẩn, có tỉ lệ tạp chất thấp, thì sản phẩm sau khi đúc khuôn phải được mài nhẵn trước khi tiến hành mạ Chrome.
Hiện có 2 kiểu mạ Chrome là mạ cứng dày và mạ lớp mỏng, thực tế phương pháp sản xuất càng thô sơ thì lớp mạ càng cứng dày, dễ bị nứt vỡ, hình ảnh phản chiếu bị méo do nhiều lớp mạ chồng lên nhau. Trong quy trình mạ cứng dày, ngay sau khi mạ, sản phẩm phải lập tức được đưa vào môi trường nhiệt độ cao (190 độ C) để ngăn quá trình thoát Hidro khỏi lớp mạ, làm bề mặt co rút tạo vết đứt gãy.
Mạ lớp mỏng là công nghệ mới, kỹ thuật sản xuất cao, hóa chất sử dụng đắt tiền. Sau khi mạ, sản phẩm không cần nhiệt độ cao mà sẽ được đưa vào dung dịch đồng hóa, bề mặt không bị co rút nứt gãy. Sản phẩm tạo ra có độ bền cao hơn vì lớp mạ mỏng bám rất chặt, ít xuất hiện vết nứt. Bề mặt mạ lớp mỏng rất mịn, hình ảnh phản chiếu trung thực, ít bị méo hình. Khi quan sát độ trơn nhẵn dưới kính kỹ thuật, bề mặt mạ cứng dày xuất hiện vết nứt ở độ phóng đại 40 lần, trong khi bề mặt mạ lớp mỏng chỉ quan sát thấy vết nứt ở độ phóng đại 150 lần [2].
Hình 3. Hình ảnh bề mặt mạ Chrome lớp mỏng (phải) so với mạ Chrome cứng dày (trái) , ở độ phóng đại 50 lần
4) Hướng dẫn chọn mua sản phẩm mạ Chrome chất lượng tốt
Để chọn sản phẩm kim loại mạ Chrome chất lượng tốt, cần một số lưu ý như sau:
4.1. Độ nặng sản phẩm
Sản phẩm càng nặng càng tốt, vì lõi hợp kim dày, thành phần Đồng nhiều hơn so với Antimon. Đây cũng chỉ là 1 tiêu chí lựa chọn, vì hiện có nhiều cách để tăng thêm trọng lượng sản phẩm so với thực tế.
4.2. Màu sắc bên trong lõi sản phẩm
Màu ánh vàng đồng tốt hơn màu trắng kim, vì lõi làm bằng hợp kim Đồng tốt hơn so với Antimon. Hiện nay đã có 1 số sản phẩm mạ Chrome trên vật liệu inox, nhôm … tuy nhiên chúng tôi không so sánh trong phạm vi bài viết này.
4.3. Bề mặt bên trong lõi sản phẩm
Hợp kim thường được nung chảy, đúc khuôn tạo hình sản phẩm, sau đó sẽ tiến hành mạ lớp ngoài. Khi quan sát phần lõi rỗng bên trong sản phẩm, nếu bề mặt láng mịn cho thấy nguyên liệu không chứa tạp chất, chất lượng khuôn và quy trình đúc tốt. Nếu bề mặt bên trong nổi hạt lồi lõm, cho thấy nguyên liệu nhiều tạp chất, thậm chí là nguyên liệu tái chế, quy trình đúc thủ công, kém chất lượng.
4.4. Màu sắc bề mặt mạ Chrome
Nếu so sánh bề mặt trắng sáng và hơi tối màu, nên chọn kiểu tối màu do sản phẩm được mạ Chrome/Niken thay vì chỉ mạ Chrome, hoặc mạ theo quy trình Chrome 3, an toàn hơn so với quy trình Chrome 6.
4.5. Độ mịn của bề mặt mạ Chrome
Sản phẩm càng mịn cho thấy chất lượng lớp mạ càng tốt. Để đánh giá độ mịn có thể nhìn vào hình ảnh phản chiếu trên lớp mạ. Nên chọn sản phẩm có hình ảnh không méo mó, đường nét sắc gọn, không vỡ hình tạo nét zíc zắc kiểu răng cưa.
4.6. Độ bám chặt của lớp mạ Chrome
Mạ Chrome đúng nghĩa, bắt buộc phải dùng phương pháp điện phân. Ngày nay, có khá nhiều phương pháp sơn xịt giả lớp mạ Chrome rất giống (xem Clip tại đây). Để phân biệt, có thể lật xem ở phần mí tiếp giáp (nếu có), lớp mạ thường mỏng và bám rất chặt, không phân biệt được ranh giới giữa lớp mạ và lớp kim loại. Trong khi lớp sơn khá dày, có thể nhìn thấy rõ, hoặc dùng vật nhọn bóc tách được ra khỏi bề mặt vật liệu.
5) Kết luận
Trên đây là các thông tin về đặc điểm và cách chọn mua sản phẩm mạ Chrome chất lượng tốt, do trangtrinoithatxinh.vn cung cấp trong phạm vi tiếp cận tài liệu tham khảo và kinh nghiệm tư vấn bán hàng của mình. Bênh cạnh sản phẩm mạ Chrome, khách hàng có thể tham khảo thêm sản phẩm phủ Nano với chất lượng và nhiều ưu điểm vượt trội.
>> Sản phẩm Nano ứng dụng trong vật liệu Trang trí nội thất
Trên thực tế, để chọn mua sản phẩm mạ Chrome chất lượng thực sự tốt, ngoài hiểu biết cá nhân và dựa trên kinh nghiệm tư vấn của đội ngũ bán hàng, cần cân nhắc dựa trên uy tín thương hiệu sản phẩm, với điều kiện tối quan trọng là phải mua đúng hàng thật.
Để mua được sản phẩm 100% chính hãng, khách hàng có thể chọn mua Sen vòi, Vòi Lavabo, Vòi rửa chén … hoặc các sản phẩm mạ Chrome đảm bảo chất lượng khác tại Trangtrinoithatxinh.vn.
Nếu cần hỗ trợ thêm bất cứ thông tin gì, vui lòng bình luận dưới bài viết, chúng tôi rất sẵn lòng giải đáp thắc mắc của Quý khách hàng
Xem thêm:
Inox 201 là gì, khi nào nên sử dụng inox 201?
Inox 316 là gì, trường hợp nào nên sử dụng inox 316?
Tại sao nhiều mẫu vòi nước cao cấp lại có giá bán rất rẻ trên thị trường?
Nên mua gạch ốp lát kích thước bao nhiêu để đảm bảo độ bền công trình?
Cách chọn mua bàn cầu tiết kiệm chi phí?
Làm sao để phân biệt gạch men và đá khi mua hàng?
Làm thế nào để đánh giá chất lượng gạch men bằng mắt thường?
Gạch bông là gì, nên sử dụng ở đâu là đẹp?
1. History of chromium plating