Huyện Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn nổi tiếng bởi có Ải Chi Lăng với khung cảnh núi non hùng vĩ gắn với những chiến công vang dội hào hùng của dân tộc. Nếu có dịp du lịch Lạng Sơn du khách không nên bỏ lỡ cơ hội ghé thăm di tích lịch sử này.
1. Cửa Ải Chi Lăng ở đâu Lạng Sơn?
Khu di tích Ải Chi Lăng nằm cách thành phố Hà Nội khoảng 150km, thuộc huyện Chi Lăng. Xưa kia nơi đây là cửa ải thuộc trấn Khâu Ôn, Lạng Sơn và ghi dấu rất nhiều trận chiến lịch sử, lưu giữ nhiều chiến công oai hùng cho đất nước. Nay ải có quy mô dài 20km, chiều rộng 3km và là điểm nối giữa hai huyện Chi Lăng và Hữu Lũng của Lạng Sơn.
Để ghé thăm Ải Chi Lăng, du khách có thể đi theo hướng quốc lộ 1A hướng Hà Nội – Lạng Sơn và trên hành trình có thể tranh thủ thăm thú các địa điểm du lịch Lạng Sơnhấp dẫn khác.
2. Lịch sử trận chiến Ải Chi Lăng
Ải Chi Lăng không chỉ là một địa danh đẹp đứng sừng sững giữa đất trời mà ẩn sâu trong đó còn là sức sống mãnh liệt một thời của hào khí Đông A. Xưa kia, chính nhờ địa hình độc đáo với những dãy núi cao, cây cối bao phủ, Ải Chi Lăng tạo nên một trận đồ hiểm yếu và trở thành bức tường thành bảo vệ kinh thành Thăng Long xưa trước những cuộc xâm lược của quân giặc phương Bắc. Lịch sử của vùng biên ải này gắn liền với nhiều anh hùng hào kiệt như Trần Quốc Tuấn, Lý Thường Kiệt, Hoàng Đại Huề…
Chi Lăng ghi dấu những chiến thắng hào hùng của dân tộc với tầng tầng lịch sử, lớp lớp chiến công của cha ông ta với 2 lần chống quân Tống xâm lược (năm 981 và 1077), 2 lần kháng chiến chống quân Nguyên xâm lược (năm 1285 và 1287), cuộc chống quân xâm lược Mãn Thanh (năm 1788 – 1789), đến cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ những năm 1882 – 1888.
Trong lịch sử, vùng biên ải này là nơi liên tục diễn ra các trận đánh mang tính chiến lược trong lịch sử quân sự Việt Nam, mà đỉnh cao là chiến thắng Chi Lăng (10/10/1427) quân và dân ta đã lập nên một chiến công vang dội triệt hạ đạo quân tiếp viện hơn 10 vạn quân Minh do Liễu Thăng chỉ huy, góp phần kết thúc trường kỳ kháng chiến, lật đổ ách đô hộ của Nhà Minh giành lại trọn vẹn non sông, đất nước.
Có thể nói các chiến thắng Ải Chi Lăng Lạng Sơn đã khẳng định ý chí chiến đấu bảo vệ non sông của người dân nước Nam và đập tan ý đồ xâm lược của mọi kẻ thù.
>>> Tham khảo ngay: Kinh nghiệm du lịch, vui chơi ở Đồng Đăng Lạng Sơn
3. Khám phá Ải Chi Lăng Lạng Sơn
Ngày nay, Ải Chi Lăng trở thành một khu di tích lịch sử có phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ thu hút nhiều du khách. Đến thăm Ải Chi Lăng, du khách sẽ được chứng kiến cảnh sông Thương hiền hòa và núi non trùng điệp nương tựa vào nhau như một bức tranh sơn thủy hữu tình, vừa oai nghiêm, hùng vĩ vừa thơ mộng.
Quần thể Ải Chi Lăng được gọi là “Bảo tàng lịch sử ngoài trời lớn nhất” với 52 điểm di tích (bao gồm cả các di tích, dấu tích, địa danh hiện còn và các câu chuyện truyền miệng trong dân gian). Tuy nhiên hiện chỉ còn chính thức 46 điểm di tích, địa điểm còn được ghi nhận còn 6 điểm khác đã mất dấu tích.
Trải khắp thung lũng và ven đường cái quan còn rải rác nhiều ngọn núi thấp như: Mã Yên, Hàm Quỷ, Kỳ Lân, Phượng Hoàng, Nà Nông, Nà Sản…
3.1. Dãy núi Cai Kinh
Dãy núi Cai Kinh (còn được gọi là núi Mỏ Nhai) nằm ở phía Tây Ải Chi Lăng. Tên gọi của núi được đặt theo tên thủ lĩnh người dân tộc Tày tên Hoàng Đình Kinh (Cai Kinh) đã dẫn dắt nghĩa quân đánh thực dân Pháp khi chúng mới đặt chân lên đất Lạng Sơn. Nhờ công lao to lớn và khí khái trung nghĩa bất phàm, nhân dân các dân tộc trong vùng vô cùng kính phục ông nên đã đặt tên dãy núi trùng điệp mà ông từng lập căn cứ là dãy Cai Kinh.
>>> Xem thêm: Trải nghiệm ngắm toàn cảnh thành phố từ thành Nhà Mạc Lạng Sơn
3.2. Quỷ Môn Quan – Núi Mặt Quỷ
Ải Chi Lăng có 2 cửa: phía Bắc là Quỷ môn quan và phía Nam là Ngõ Thề (Lũy Ngõ Thề). Cách Ải Chi Lăng khoảng chừng 100m là ngọn núi với cái tên rất độc đáo: núi Mặt Quỷ. Sở dĩ được đặt tên vậy bởi trên vách núi có những hõm vách đá tạo thành hình dáng khuôn mặt được người dân cho rằng giống mặt quỷ. Điều thú vị là người dân địa phương không coi núi là biểu tượng của cái ác, nỗi sợ mà ngược lại như một vị thần hộ mệnh, bảo vệ cuộc sống bình yên nơi đây.
Đến thăm Ải Chi Lăng – Quỷ Môn Quan, du khách có thể đăng ký nghe thuyết minh viên của Nhà trưng bày chiến thắng Chi Lăng để biết thêm về lịch sử, lòng quả cảm của quân dân Việt Nam trong suốt mấy nghìn năm dựng và giữ nước.
3.3. Thưởng thức đặc sản nức tiếng ở Chi Lăng
Ghé thăm quan và du lịch Chi Lăng, ngoài được ngắm cảnh đẹp và tìm hiểu thêm về lịch sử dân tộc, du khách còn có cơ hội thưởng thức món trái cây đặc sản nổi tiếng nơi đây, đó là na Chi Lăng. Cũng có hương thơm ngất ngây, vị ngọt lịm như quýt Bắc Sơn, đào Mẫu Sơn, hồng Bảo Lâm…, na Chi Lăng luôn được đánh giá cao và xuất khẩu đi muôn nơi bởi hương vị không phải nơi nào cũng có.
Mùa na kéo dài từ tháng 7 đến hết tháng 9, du khách có thể tham quan vườn na để xem cách bà con vận chuyển từng gánh na từ trên núi xuống đất thông qua hệ thống ròng rọc tự chế rất độc đáo.
Ngoài ra, du khách cũng có thể thưởng thức các món đặc sản Lạng Sơnvới cách chế biến và hương vị độc đáo như: vịt quay, lợn quay mắc mật, khâu nhục, phở chua, bánh áp chao, nem Hữu Lũng, bánh ngải Lạng Sơn…
Ngoài Ải Chi Lăng, du khách đến Lạng Sơn còn có thể ghé qua thành Nhà Mạc, núi đá Tô Thị, khu du lịch Mẫu Sơn, thung lũng Bắc Sơn, chợ Kỳ Lừa, chùa Tam Thanh… Để thăm thú trọn vẹn các địa danh nổi tiếng ở đây, du khách sẽ cần khoảng 2 ngày.
>>> Bỏ túi cẩm nang du lịch Lạng Sơn 2 ngày 1 đêm và lưu trú tại Four Points by Sheraton Lang Son để chuyến đi thuận lợi nhất bạn nhé!
Với nhiều danh lam thắng cảnh hùng vĩ, di tích lịch sử hào hùng và những món ăn phương Bắc độc đáo, du khách sẽ có một chuyến đi khó quên đến mảnh đất biên cương này. Đừng bỏ lỡ Ải Chi Lăng – địa danh lịch sử nổi bật tại miền biên ải Lạng Sơn nếu như có cơ hội nhé.