CIR là gì?
Chỉ số CIR (Cost to Income Ratio) hay còn gọi là chỉ số chi phí trên thu nhập. Chỉ số CIR của ngân hàng thể hiện tổng chi phí hoạt động của ngân hàng chiếm bao nhiêu phần trăm tổng doanh thu của ngân hàng đó, từ đó cho thấy mức độ hiệu quả trong vận hành của ngân hàng.
Cách tính chỉ số CIR của ngân hàng
Công thức tính tỷ lệ chi phí trên thu nhập của ngân hàng;
CIR = Tổng chi phí hoạt động / Tổng doanh thu hoạt động
Trong đó:
Tổng doanh thu hoạt động = Thu nhập lãi thuần + Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ + Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối + (Lỗ)/Lãi thuần từ mua bán chứng khoán kinh doanh + Lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư + Lãi thuần từ hoạt động khác + Thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần
Ví dụ: Tính tỷ lệ CIR của ngân hàng Vietcombank(VCB) năm 2021
Trong năm 2021:
- Tổng chi phí hoạt động: 17.153 tỷ đồng
- Tổng doanh thu hoạt động: 41.760 + 6.814 + 4.374 + (-14) + (-86) +2.347 +143 = 55.338 (tỷ đồng)
- Tỷ lệ CIR: 17.153/ 55.338 = 30.9%
Trong năm 2021, chi phí hoạt động chiếm 30.9% tổng doanh thu hoạt động của ngân hàng Vietcombank.
Ý nghĩa của chỉ số CIR của ngân hàng
CIR là thước đo đánh giá hiệu quả hoạt động:
- CIR được coi là thước đo để ngân hàng đánh giá một cách tổng quát và đa diện kết quả kinh doanh của mình. Với một chi phí nhất định, doanh nghiệp đạt được hiệu quả kinh doanh như thế nào, nếu thêm chi phí có làm tăng thu nhập và ngược lại hay không.
- Tỷ lệ CIR càng thấp được coi là càng tốt. Để giảm CIR ngân hàng thường lựa chọn phương án tăng chi phí hoạt động, gia tăng hiệu quả hoạt động để từ đó tăng trưởng thu nhập nhiều hơn mức tăng chi phí hoạt động.
CIR được dùng để so sánh hiệu quả hoạt động giữa các ngân hàng:
- Để đánh giá CIR của một ngân hàng là cao hay thấp thì cần so sánh với các ngân hàng khác trong ngành.
- Để cải hiện hiệu quả hoạt động, thời gian gần đây nhiều ngân hàng đã đầu tư nhiều hơn vào công nghệ, phát triển nền tảng số để giành được nhiều hơn lợi thế trong kinh doanh, tiếp cận khách hàng và nguồn vốn với chi phí thấp.
- Đối với nhà đầu tư CIR giúp cho họ có cái nhìn tổng quan về hiệu quả hoạt động của các ngân hàng từ đó lựa chọn được cổ phiếu tốt cho danh mục đầu tư.
Khi tìm hiểu cổ phiếu tiềm năng của ngành ngân hàng, bên cạnh chỉ số CIR, nhà đầu tư nên sử dụng thêm các chỉ số khác để phân tích tài chính của ngân hàng như chỉ số NIM, chỉ số CASA….
Nguồn: Tổng hợp
Chứng khoán Pinetree miễn phí hoàn toàn phí giao dịch trọn đời và công cụ lãi suất Margin 9%/năm không kèm điều kiện. Đây là mức phí tốt nhất thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay.