“Chip điện tử là gì?” ngày nay đã trở thành một thắc mắc chung. Nếu như trước đây, chỉ có dân kĩ thuật mới tìm hiểu, nghiên cứu; Thì ngày nay, hầu hết mọi người đều không còn quá xa lạ với cụm “chip điện tử”.
Chip Điện Tử Là Gì?
Chip điện tử (Electronics Chip) còn gọi là mạch tích hợp (Integrated Circuit). Ngày nay, chúng hiện diện khắp nơi trong các dụng cụ điện tử: xe hơi, điện thoại, truyền hình viễn thông,… Chúng trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của con người ngày nay. Thiếu chúng, hầu hết các thiết bị điện tử sẽ không thể phát huy các chức năng phong phú như hiện tại.
Chip điện tử được sử dụng phổ biến trong điện thoại, máy tính, xe hơi, ti vi,… Theo thời gian, đây cũng không còn là thuật ngữ quá xa lạ với người tiêu dùng.
Tại Việt Nam, chip điện tử được áp dụng trong cả thẻ căn cước công dân. Thời gian sắp tới, thẻ chip điện tử mới này sẽ dần thay thế hoàn toàn thẻ từ cũ; từ thẻ căn cước cho đến các loại thẻ ngân hàng.
Chip Điện Tử Làm Được Gì?
Với tác động không nhỏ của sự phát triển công nghệ toàn cầu, chip điện tử ngày nay có thể làm tất cả mọi việc. Chúng vốn là tập các mạch điện chứa các linh kiện bán dẫn và linh kiện điện tử thụ động (như điện trở) được kết nối với nhau, để thực hiện được một chức năng xác định. Có thể nói, chỉ cần được nhập mã lệnh, chip điện tử liền có thể hoàn thành.
Trong máy tính, chip là một bộ phận hoạt động như trung tâm truyền thông và điều khiển lưu lượng của bo mạch chủ. Chúng xác định các thành phần tương thích với bo mạch chủ bao gồm CPU; RAM; ổ cứng và card đồ họa.
Chưa dừng lại ở đó, chip điện tử cũng chỉ ra các lựa chọn mở rộng phần cứng trong tương lai của thiết bị. Và với con chip hợp lý, hệ thống của bạn có thể được ép xung.
Ngày nay, chip điện thoại cũng là một thành phần quyết định sức mạnh của smartphone.
Khoa Học Công Nghệ Trước Khi Có Chip Điện Tử
Trong lịch sử, người ta phải dùng đèn chân không (vacuum tube) trong các dụng cụ điện tử. Nhưng chúng cực kì dễ hư hỏng và phát ra quá nhiều nhiệt. Dần dần, các nhà khoa học bắt đầu tìm cách phát minh một linh kiện “hấp dẫn” hơn.
Năm 1947, John Bardeen, Walter Brattain và William Shockley tại Bell Labs sáng chế ra một loại linh kiện bán dẫn để thay thế đèn chân không. Cũng chính nhờ phát minh này, cả ba nhà khoa học đã nhận được giải Nobel Vật Lí năm 1956.
Chúng được làm từ chất bán dẫn, không dẫn điện mà cũng chẳng cách điện. Chúng vừa có tác dụng ngắt điện, vừa có thể khởi động bằng tín hiệu điện. Vì điện ở đầu ra cao hơn điện ở đầu vào, linh kiện bán dẫn cũng có thể dùng làm mạch khuếch đại.
Chúng là chất liệu căn bản cho tất cả các dụng cụ điện tử ngày nay. Nhưng phải chờ có mạch tích hợp thì kỹ nghệ điện tử mới bộc phát.
Lịch Sử Ra Đời Của Chip Điện Tử
Trước khi có chip điện tử, người ta phải nối rất nhiều linh kiện bán dẫn lại với nhau. Điều này khiến mọi thứ vô cùng “cồng kềnh”, đòi hỏi sự chi ly trong từng tiểu tiết. Chính khó khăn này thôi thúc toàn bộ các công ti điện tử đương thời lao vào con đường khám phá một linh kiện mới hấp dẫn hơn.
Lúc này, có thể nói, khái niệm chip điện tử chưa hề có. Nếu như đặt câu hỏi “Chip điện tử là gì?” vào thời điểm này, bạn chỉ nhận được cái nhìn khó hiểu từ các nhà khoa học.
Jack Kilby và Robert Noyce được xem là hai người phát minh ra chip điện tử đầu tiên vào cuối năm 1958 và đầu năm 1959.
Mặc dù chip điện tử đầu tiên còn thô sơ và có nhiều thiếu sót, nhưng đó là một sáng kiến đột phá. Cách chế tạo mọi thành phần cùng trên một vật liệu đã đem lại nhiều điều lợi. Chúng giúp toàn thể diện tích mạch thu gọn đáng kể. tạo ra được những mạch tích hợp tự động với giá thành thấp hơn. Cuối cùng, quan trọng nhất, chính phát minh này đặt tiền đề cho mọi sáng kiến công nghệ điện tử ngày nay.
Tương Lai Của Chip Điện tử Là Gì?
Ngày nay, chip điện tử trở nên phổ biến rộng rãi toàn cầu. Và theo quy luật tự nhiên, sự phát triển này sẽ chững lại và có khả năng bị thay thế bới những linh kiện mới khác. Tuy nhiên, không thể phủ nhận vị trí của chip điện tử trong toàn bộ nền công nghiệp điện tử ngày nay.