BẢO VỆ GIÁ TRỊ CỐT LÕI CỦA CHỦ NGHĨA MÁC-LÊNIN VAI TRÒ

Chnl là gì

1. Đặt vấn đề

Cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, đây cũng là cơ hội cho kẻ thù của chủ nghĩa Mác-Lênin vốn đã chống phá, bác bỏ, giờ đây càng ra sức tìm cách để làm sao lật đổ hoàn toàn chủ nghĩa Mác-Lênin. Bên cạnh đó, sự sụp đổ của Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu đã gây hoang mang, dao động, mất niềm tin trong một bộ phận đảng viên, nhân dân và hơn thế nữa có ý kiến cho rằng Đảng ta nên từ bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin, từ bỏ con đường Bác Hồ đã lựa chọn.

Trong giai đoạn hiện nay – Việt Nam mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế, toàn cầu hóa, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, sự bùng nổ của các trang mạng xã hội, khi mà các thế lực chống phá chủ nghĩa Mác-Lênin hoạt động ngày càng tinh vi hơn, với nhiều hình thức, thủ đoạn khác nhau, đòi hỏi những người cộng sản phải ra sức bảo vệ, lật đổ những âm mưu chống phá của bọn cơ hội, chủ nghĩa xét lại và những người phản bội chủ nghĩa Mác-Lênin.

2. Bảo vệ những giá trị cốt lõi của chủ nghĩa Mác-Lênin. Vai trò của đội ngũ giảng viên Trường Chính trị Cà Mau

* Nhận diện những giá trị cốt lõi của chủ nghĩa Mác-Lênin đang bị chống phá, xuyên tạc:

Bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lênin là bảo vệ cái gì? Vậy, bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin là bảo vệ toàn bộ nội dung chủ nghĩa Mác-Lênin, mà vấn đề cốt lõi, những giá trị cốt lõi của chủ nghĩa Mác-Lênin là ba phát kiến vĩ đại: Thứ nhất, chủ nghĩa duy vật lịch sử – cốt lõi là học thuyết hình thái kinh tế – xã hội trong toàn bộ những giá trị của triết học; thứ hai, học thuyết giá trị thặng dư và bản chất của chủ nghĩa tư bản trong toàn bộ những giá trị của kinh tế chính trị học; thứ ba, sứ mệnh lịch sử giai cấp công nhân và chuyên chính vô sản trong chủ nghĩa xã hội khoa học. Đây là toàn bộ những giá trị có tác dụng chỉ đạo thực tiễn cách mạng của chúng ta, định hướng cho toàn bộ đường lối cách mạng cũng như từng hành động chính trị thực tiễn, đó cũng là những nội dung then chốt mà các thế lực thù địch tập trung xuyên tạc, chống phá, bác bỏ nhiều nhất, dai dẳng nhất và quyết liệt nhất, chúng xem việc bác bỏ toàn bộ những giá trị cốt lõi đó là coi như lật đổ chủ nghĩa Mác-Lênin, lật đổ chủ nghĩa xã hội.

Việc bảo vệ những giá trị cốt lõi của chủ nghĩa Mác-Lênin là điều cấp thiết, hàng đầu trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ta hiện nay vì: Một là, lý luận về hình thái kinh tế – xã hội đã bị lý giải một cách máy móc, một chiều, siêu hình trong những nội dung cơ bản của nó như: quan hệ giữa quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất, quan hệ giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng, đấu tranh giai cấp và nhà nước.v.v. và có những quan điểm đưa học thuyết hình thái kinh tế – xã hội về ba nền văn minh. Hai là, học thuyết giá trị thặng dư đã bị phủ nhận hoàn toàn để biện hộ cho sự tồn tại vĩnh hằng của chủ nghĩa tư bản. Các thế lực thù địch cho rằng chủ nghĩa tư bản với cuộc cách mạng khoa học và công nghệ đã nâng cao trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, chính nó đã tạo ra giá trị thăng dư, chứ không chỉ riêng sức lao động của người lao động, nhà tư bản cũng tham gia tạo ra giá trị thặng dư và còn gấp nhiều lần so với công nhân. Ba là, lý luận về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân bị bác bỏ. Có quan điểm cho rằng trong thời đại văn minh, trí tuệ, giai cấp công nhân không còn giữ vai trò cách mạng nữa, vai trò lãnh đạo thuộc về đội ngũ trí thức, quyền lực là ở trí tuệ. Chính vì những lý giải và hiểu sai lệch về những giá trị cốt lỗi của chủ nghĩa Mác – Lênin, làm cho chủ nghĩa Mác-Lênin đang bị lung lay, đe dọa sức sống và sự tồn tại.

* Vai trò của đội ngũ giảng viên Trường Chính trị Cà Mau:

Muốn bảo vệ những giá trị cốt lõi của chủ nghĩa Mác-Lênin, hơn ai hết từ đội ngũ chuyên gia chuyên nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin, đến đội ngũ giảng viên giảng dạy chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung và đội ngũ giảng viên giảng dạy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong hệ thống các trường chính trị nói riêng có vai trò hết sức quan trọng trong việc vạch trần bản chất của các cá nhân, tổ chức muốn lật đổ chủ nghĩa Mác-Lênin và phải ra sức bảo vệ những giá trị cốt lõi của chủ nghĩa Mác-Lênin. Ở đây chúng ta tập trung vào vai trò của đội ngũ giảng viên giảng dạy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong hệ thống các trường chính trị nói chung và đội ngũ giảng viên Trường Chính trị tỉnh Cà Mau nói riêng. Đội ngũ giảng viên cần nghiên cứu sâu, nắm chắc, kiên định và trung thành với những giá trị cốt lõi của chủ nghĩa Mác-Lênin. Bởi vì hiện nay có một bộ phận học viên hiểu chưa đầy đủ những giá trị cốt lõi của chủ nghĩa Mác-Lênin, họ có những phản biện lệch lạc, sai trái, dẫn đến họ nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học lý luận chính trị. Vì vậy, giảng viên phải là người nắm vững, nắm chắc để truyền đạt, chuyển tải cho học viên một cách đầy đủ nhất, chính xác nhất những giá trị cốt lõi của chủ nghĩa Mác-Lênin. Vai trò của giảng viên không chỉ đơn thuần là làm sao chuyển tải một cách đầy đủ nhất những giá trị đó, mà qua giảng dạy người dạy còn phải làm sao xây dựng cho học viên một niềm tin tuyệt đối vào chủ nghĩa Mác-Lênin, một bản lĩnh chính trị vững vàng trước những âm mưu chống phá của kẻ thù vào nền tảng tư tưởng của Đảng ta.

Để giải quyết được vấn đề trên, nhiệm vụ của đội ngũ giảng viên phải giải đáp cho được một loạt vấn đề hết sức mới mẻ và phức tạp mà thời đại ngày nay cũng như trong công cuộc đổi mới ở nước ta đang đặt ra, mà trước hết là chống lại hai khuynh hướng đó là: giáo điều và xét lại. Sự khủng hoảng của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN), đứng đầu là Liên Xô vào những năm 1990-1991, tình cảm “anh em” của các nước trong hệ thống XHCN còn lại không được hòa thuận, nồng ấm, sự yếu kém về kinh tế của một số nước đi theo con đường XHCN, ngay chính các đồng chí, đồng nghiệp của chúng ta còn có suy nghĩ rập khuôn, giáo điều, đôi khi dao động trước những lập luận xuyên tạc chủ nghĩa Mác-Lênin của thế lực thù địch. Chúng ta cũng hết sức thông cảm và chia sẻ với những đồng chí, đồng nghiệp, vì trong thực tiễn đổi mới của chúng ta đã từng có những sai lầm, hạn chế, có những thời điểm chúng ta vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin thiếu sự linh hoạt, sáng tạo đối với thực tiễn cụ thể của đất nước. Nếu chúng ta không kiên quyết loại bỏ chủ nghĩa giáo điều, chúng ta không thể bảo vệ được những giá trị cốt lõi của chủ nghĩa Mác-Lênin, đồng thời cũng không giải quyết được những vấn đề thực tiễn trong cuộc sống và công cuộc đổi mới đất nước đang đặt ra.

Muốn loại bỏ được chủ nghĩa giáo điều đối trong đồng chí, đồng nghiệp, cán bộ lãnh đạo, quản lý đóng vai trò hết sức quan trọng đối với đội ngũ giảng viên giảng dạy chủ nghĩa Mác-Lênin nói chung và đội ngũ giảng viên Nhà trường nói riêng. Là người làm công tác giảng dạy phải nghiên cứu sâu, nắm chắc, vững niềm tin vào chủ nghĩa Mác-Lênin, từ đó giảng viên mới đủ trình độ, bản lĩnh để truyền cảm hứng, truyền niềm tin cho người học, để họ tin vào những kiến thức mình học thì người giảng viên phải cho họ thấy những kiến thức lý luận đó đúng đắn như thế nào khi nó trở thành cơ sở, nền tảng để Đảng và Nhà nước xây dựng chủ trương, đường lối, chính sách, vận dụng vào công cuộc xây dựng CNXH và công cuộc đối mới của đất nước.

Song song chống chủ nghĩa giáo điều, thì việc chống chủ nghĩa xét lại cũng không kém phần quan trọng bảo vệ những giá trị cốt lõi của chủ nghĩa Mác-Lênin. Hiện nay, chủ nghĩa xét lại đang là nguy cơ không thể xem thường đối với sự nghiệp cách mạng, đối với việc bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lênin. Trong lịch sử sụp đổ của Liên Xô có một nguyên nhân rất lớn, góp phần không nhỏ vào sự sụp đổ này chính là chủ nghĩa xét lại, nó đã đục rỗng, tạo thành một lỗ hỏng rất lớn từ bên trong, để đến thời điểm nào đó đủ lớn tạo ra một cái hố tử thần khổng lồ từ bên ngoài và làm sụp đổ một tượng đài vững chắc từ bấy lâu nay, đó chính là Liên Xô. Đối với Việt Nam, chủ nghĩa xét lại chưa phát triển mạnh mẽ, chưa trở thành một trào lưu rõ ràng, nhưng nếu chúng ta lơ là chủ quan, thiếu cảnh giác thì mức độ nguy hiểm khó lường, nó sẽ len lỏi vào tư duy của cán bộ, nhân dân ta. Muốn chống lại chủ nghĩa xét lại đối với chủ nghĩa Mác-Lênin, con đường đối mới của chúng ta, trước hết phải khẳng định những giá trị cốt lõi của chủ nghĩa Mác-Lênin là chân lý, con đường cách mạng và công cuộc đổi mới của chúng ta là đúng đắn, đúng xu hướng, phù hợp với quy luật khách quan. Chúng ta vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin linh hoạt, sáng tạo, dựa trên những giá trị cốt lõi, nền tảng, cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin. Với những bằng chứng sinh động từ thực tiễn công cuộc đổi mới ở nước ta – đang trong thời kỳ quá độ lên CNXH đã làm cho những phần tử của chủ nghĩa xét lại đang phê phán chúng ta xem xét lại những tư tưởng của họ, chính vì điều đó chúng ta cần làm tốt hơn nữa, khẳng định con đường chúng ta lựa chọn là đúng đắn, để sớm trở thành một nước XHCN, tiến thẳng lên CSCN, nhằm đập tan, xóa bỏ chủ nghĩa xét lại.

Vai trò cốt yếu của đội ngũ giảng viên chúng ta đó là làm suy yếu dần và đập tan những tư tưởng, phần tử luôn tìm cách xuyên tạc, chống phá những giá trị cốt lõi của chủ nghĩa Mác-Lênin. Muốn vậy, cần làm rõ mấy vấn đề sau: Bảo vệ cho bằng được 3 phát kiến vĩ đại của chủ nghĩa Mác-Lênin. Thứ nhất, về học thuyết hình thái kinh tế – xã hội (HTKT XH) trong toàn bộ những giá trị của triết học. Các thế lực thù địch họ cho rằng CNXH khoa học mà chủ nghĩa Mác-Lênin đã xây dựng không phải là xã hội tiến bộ, lý tưởng hay là một “thiên đàng” trong tương lai, mà đây là xã hội “ảo tưởng”, không thể có thực trong thực tiễn. Chính vì vậy, họ ghép CNXH khoa học của Mác-Lênin vào trường phái chủ nghĩa xã hội không tưởng như: tư tưởng CNXH không tưởng thời cổ đại của Morơ, Campanela hay tư tưởng CNXH không tưởng Pháp của Xanhximong, Phuriê, Owen. Một xã hội chỉ có trong chí tưởng tượng và trên lý thuyết. Chỉ có xã hội TBCN là xã hội tiến bộ nhất và tồn tại vĩnh cửu.

Việc các thế lực thù địch tăng cường chống phá học thuyết hình thái kinh tế – xã hội của chủ nghĩa Mác càng quyết liệt hơn khi mà XHCN ở Liên Xô và Đông Âu bị sụp đổ, đặc biệt là người “anh cả” Liên Xô là cái nôi của XHCN đã từ bỏ XHCN thì các quốc gia khác đi theo còn có ý nghĩa gì. Tuy nhiên, việc các nước XHCN ở Liên Xô và Đông Âu bị sụp đổ, nguyên nhân không phải là chủ nghĩa Mác-Lênin nói chung và học thuyết hình thái kinh tế – xã hội không còn khoa học và cách mạng, không phải lạc hậu, lỗi thời mà đó chỉ là sự sụp đổ của một mô hình xã hội cụ thể, một tư tưởng xa rời và sự vận dụng không linh hoạt, sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện lịch sử cụ thể. Trong lịch sử phát triển các hình thái kinh tế xã hội, loài người đã đang và sẽ trải qua những hình thái kinh tế xã hội: Cộng sản nguyên thủy (CSNT) , Chiếm hữu nô lệ (CHNL), xã hội phong kiến (XHPK), tư bản chủ nghĩa (TBCN), Cộng sản chủ nghĩa (CSCN). Trong đó loài người đã và đang trải qua 4 hình thái KTXH: CSNT, CHNL, XHPK, TBCN, cho chúng ta thấy hình thái KTXH sau thay thế HT KTXH trước nó đều là một quy luật khách quan, tất yếu tự nhiên bởi sự vận động nội tại của nó, đó chính là sự vận động cốt lõi của mối quan hệ giữa quan hệ sản xuất (QHSX) và lực lượng sản xuất (LLSX). Khi trong xã hội vẫn còn mâu thuẫn giữa QHSX và LLSX, thì mẫu thuẫn giữa giai cấp thống trị và giai cấp bị trị vẫn còn tồn tại, khi nào mâu thuẫn về mặt xã hội này được giải quyết thông qua cuộc cách mạng xã hội, xóa bỏ QHSX lạc hậu, lỗi thời để thay thế một QHSX mới tiến bộ hơn, phù hợp hơn và đây cũng là lúc xã hội mới ra đời. Hình thái KTXH TBCN cũng không nằm ngoài quy luật này, từ khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009, đến đại dịch Covid – 19 xảy ra, cho chúng ta thấy sự mâu thuẫn giữa QHSX và LLSX, mâu thuẫn giữa GCVS và GCTS đã gần đến “điểm nút” và chỉ cần một bước nhảy, để có bước nhảy phải có cuộc cách mạng xã hội xóa bỏ một QHSX không còn phù hợp với trình độ phát triển của LLSX, một QHSX sở hữu TBTN về LLSX, trong khi trình độ phát triển tiên tiến, hiện đại của KHCN trong một LLSX luôn luôn vận động và phát triển.

Chúng ta nhìn xem xã hội TBCN mà các thế lực thù địch luôn ca ngợi và đề cao, xem nó là một “thiên đàng” ai cũng muốn sống. Nếu là một “thiên đàng” thật sự thì không thể tồn tại những người sống trong các khu “ổ chuột” ở Mỹ, một quốc gia có quy mô GDP hơn 20 nghìn tỷ USD, những người bị bỏ lại phía sau khi có đại dịch Covid – 19 xảy ra; hay có nhiều quốc gia TBCN nợ nần chồng chất và vở nợ. Trong khi đó Việt Nam chúng ta là một nước đang trong thời kỳ quá độ (TKQĐ) lên CNXH, tuy chưa giàu, quy một GDP nhỏ (năm 2019 – 262 tỷ USD, nhỏ hơn khoảng 80 lần GDP Mỹ), nhưng sẽ không có ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc sống này.

Mặt khác, để một xã hội sau thay thế xã hội trước phải có cuộc cách mạng cải biến xã hội sâu sắc, triệt để, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực từ QHSX đến LLSX, CSHT đến KTTT, làm được điều đó cần phải có một thời gian lâu dài và gian khổ, vì một chế độ mới thay thế một chế độ cũ là cuộc đấu tranh gay go và kịch liệt giữa cái tốt và cái xấu, giữa cái cũ và cái mới. Vì vậy, chúng ta không được nóng vội, chủ quan duy ý chí, mà phải có các bước đi thích hợp như Bác đã từng chỉ ra “phải có bước ngắn, bước dài, tùy theo hoàn cảnh, chứ ham làm mau, ham làm rầm rộ, đi bước nào vững chắc bước ấy. Thực tiễn đã cho thấy những gì Bác đã chỉ ra và đã dạy cho chúng ta hoàn toàn đúng. Trong lịch sử phát triển của HTKT XH của xã hội loài người, để một HTKT XH nay thế HTKT XH khác phải mất một thời gian lâu dài như: HTKT XH Chiếm hữu nô lệ (CHNL) thay thế HTKT XH Cộng sản nguyên thủy (CSNT) phải mất hàng triệu năm, từ khi HTKT XH CSNT ra đời cho đến khoảng 4000 – 3000 năm trước công nguyên mới tan rã và HTKT XH CHNL ra đời và tồn tại cho đến khoảng thế kỷ thứ V mới bắt đầu tan rã, vậy HTKT XH Phong kiến thay thế HTKT XH CHNL phải mất 4500 năm; HTKT XH Phong kiến ra đời và tồn tại cho đến thế kỷ thứ XV và suy tàn và dẫn đến tan rã, khi có sự xuất hiện và thay thế của HTKT XH TBCN. Vậy là, phải hơn 1000 năm thì HTKT XH TBCN mới thay thế được HTKT XH Phong kiến. Tính cho đến nay, chế độ TBCN xuất hiện và tồn tại khoảng 600 năm, trong lịch sử cho thấy một chế độ này thay thế một chế độ kia phải mất hàng ngàn năm, hàng triệu năm, vì vậy để HTKT XH CSCN thay thế HTKT XH TBCN phải mất vài trăm năm nữa. Tóm lại, việc chế độ TBCN sẽ bị tan rã và được thay thế một chế độ mới tốt đẹp hơn – CSCN là điều tất yếu khách quan, tuân theo quy luật khách quan tự nhiên của xã hội.

Thứ hai, đối với học thuyết giá trị thặng dư – đây là “hòn đá tảng” trong học thuyết kinh tế của C.Mác, các thế lực thù địch cho rằng, “học thuyết giá trị thặng dư của C.Mác đã lỗi thời, chủ nghĩa tư bản hiện đại đã thay đổi bản chất, không còn là chế độ bóc lột nữa”, “học thuyết giá trị thặng dư không còn mang tính cách mạng và khoa học”, bởi vì họ cho rằng: hiện nay cuộc cách mạng khoa học – công nghệ hiện đại phát triển với tốc độ nhanh, với trình độ ngày càng cao, bước tiến phi thường của cuộc cách mạng này dẫn tới việc xây dựng nhiều ngành công nghệ cao, như công nghệ hạt nhân, công nghệ điện tử, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới và nhiên liệu mới, công nghệ vũ trụ, công nghệ thông tin,… đặc biệt là thúc đẩy sự phát triển công nghệ thông tin và sự ra đời của thời đại tin học, cho nên máy móc cũng tạo ra giá trị thặng dư – đây là quan điểm sai trái. Chúng ta đều rõ nếu không có người công nhân (lao động sống) chế tạo, lập trình, sử dụng, bảo dưỡng, sửa chữa robot, dây chuyền tự động hóa thì robot, dây chuyền tự động hóa chỉ là đống sắt vụn vô tri, vô giác. Trong mối quan hệ giữa người lao động và máy móc (trong đó có robot, dây chuyền tự động) thì người lao động mà ở đây là người lao động vẫn đóng vai trò quyết định; máy móc hay người máy cũng không thể thay thế địa vị của con người. Khoa học – công nghệ phát triển cho đến trình độ nào đi nữa, TBCN thực hiện cuộc đại “phẫu thuật” về hình dạng bên ngoài thế nào thì cũng không bao giờ thay đổi bản chất bóc lột giá trị thặng dư bên trong xuất phát từ quan hệ sản xuất TBCN – QHSX sở hữu tư bản tư nhân về tư liệu sản xuất. Đây là nguồn gốc sâu xa sinh ra bóc lột giá trị thặng dư mà Mác – Ăngghen đã khẳng định. Muốn xóa bỏ bản chất ấy thì phải xóa bỏ quan hệ sản xuất TBCN, xóa bỏ cơ sở hạ tầng TBCN và dẫn đến xóa bỏ kiến thức thượng tầng TBCN, muốn thực hiện được điều đó phải có cuộc cách mạng xã hội.

Thứ ba, đúng là giai cấp công nhân có sự biến đổi về mặt cơ cấu như công nhân “cổ trắng”, công nhân “cổ vàng”, công nhân “cổ xanh” nhưng họ đều là công nhân, đều là người lao động và thiếu họ thì nền sản xuất hiện đại không thể tồn tại. Do vậy, cái mà tạo ra giá trị thặng dư vẫn là sức lao động sống của người công nhân. Điều này vẫn giữ nguyên giá trị từ những cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn như trên đã nêu. Hơn nữa, xét về mặt kinh tế, người công nhân hiện đại vẫn là người sản xuất chính ra của cải vật chất của xã hội hiện đại. Xét về mặt chính trị, tư tưởng thì chỉ có giai cấp công nhân hiện đại mới là người có thể đoàn kết với nông dân, những người lao động khác và dẫn dắt họ xây dựng được xã hội mà ở đó có công bằng, tự do, bác ái, mọi người có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Xét về mặt văn hóa, đạo đức, chỉ có giai cấp công nhân hiện đại mới xây dựng được các giá trị văn hóa, đạo đức mới như công bằng, chân, thiện, mỹ, bình đẳng, tôn trọng,v.v.. Do vậy, giai cấp công nhân hiện đại vẫn đóng vai trò sứ mệnh lịch sử toàn thế giới lật đổ chế độ tư bản chủ nghĩa bóc lột, áp bức, nô dịch con người. Đúng như C.Mác nói: “trong cuộc cách mạng ấy, những người vô sản chẳng mất gì hết, ngoài những xiềng xích trói buộc họ sẽ giành được cả thế giới”.

Mặt khác, các thế lực thù địch cho rằng, hiện nay trong điều kiện hòa bình, hội nhập, thời kỳ của các cuộc cách mạng khoa học công nghệ, đặc biệt cuộc cách mạng 4.0 đã và đang trở thành phong trào phát triển mạnh mẽ trên thế giới, thì vai trò sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của GCCN phải thuộc về đội ngũ trí thức, những nhà khoa học, nhà tư tưởng. Chỉ có những nhà khoa học, trí thức mới có thể đưa đất nước phát triển nhanh và sánh được với các cường quốc năm châu trên thế giới. Đồng thời, họ còn cho rằng GCCN nhân không còn giữ vai trò lãnh đạo nữa, mà vai trò lãnh đạo phải thuộc về đội ngũ trí thức, và họ chỉ ra rằng lãnh đạo đất nước hiện nay có ai là GCCN, hay toàn bộ chỉ là đội ngũ trí thức.

Từ những luận cứ khoa học về sứ mệnh lịch sử của GCCN cho chúng ta thấy, sự ra đời và gánh trên mình một sứ mệnh cao cả như vậy là điều tất yếu khách quan. Khi mà giai cấp tư sản ngày càng tỏ ra lạc hậu, lỗi thời về tư tưởng, quan điểm, ngày càng thể hiện bản chất bóc lột, áp bức con người, kìm hãm sự phát triển của nhân loại, không còn là một giai cấp cách mạng nữa, thì chỉ có duy nhất GCCN trong các giai cấp còn lại là giai cấp cách mạng nhất và đủ sức bảo đảm thực hiện được sứ mệnh lịch sử của mình. Được như vậy là do GCCN có những đặc trưng sau: Giai cấp công nhân là không có tư liệu sản xuất, lợi ích cơ bản của giai cấp công nhân đối lập trực tiếp với lợi ích của giai cấp tư sản, địa vị xã hội là người làm thuê và bị bóc lột; giai cấp công nhân là hiện thân của lực lượng sản xuất hiện đại, đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến, có tinh thần quốc tế trong sáng, cao cả, có tính tổ chức, kỷ luật cao, có tình đoàn kết giai cấp.v.v. Bên cạnh đó, sự ra đời của Đảng cộng sản từ đòi hỏi tất yếu của sự phát triển giai cấp công nhân. Đảng cộng sản là tổ chức của những con người ưu tú từ phong trào cách mạng, nơi hội tụ mọi ước nguyện của sự giải phóng và giá trị tốt đẹp. Với sứ mệnh đó, Đảng cộng sản mang bản chất của giai cấp công nhân. Đối với đội ngũ trí thức khi đứng vào hàng ngũ của đảng, thì không đứng trên hay đứng ngoài GCCN mà phải gắn liền phục vụ GCCN và họ cũng mang bản chất GCCN. Tuy nhiên, chúng ta không thể phủ nhận vai trò của đội ngũ trí thức trong thời đại ngày nay, Trí thức càng có vai trò to lớn trong cách mạng khoa học công nghệ. Với những phát minh, sáng chế của trí thức, quá trình sản xuất vật chất của công nhân và nông dân đã có thay đổi căn bản, góp phần thay đổi sức sản xuất của xã hội, tạo ra sự phát triển vượt bậc của thời đại mới về cả giá trị vật chất và tinh thần cho nhân loại. Tuy nhiên, với những đặc điểm cơ bản nêu trên, trí thức không phải là đội ngũ lãnh đạo xã hội.

Tóm lại, với vai trò là giảng viên giảng dạy lý luận chính trị ở Trường Chính trị phải là những chiến sỹ dũng cảm, đủ dũng khí, trí tuệ, tiên phong trong trận chiến với các thế lực thù địch đang ra sức chống phá, lật đổ nền tảng tư tưởng của Đảng, chúng ta phải ra sức làm suy yếu và đập tan các luận điệu xuyên tạc, chống phá của thế lực thù địch để bảo vệ vững chắc thành trì của Đảng. Làm được điều đó đội ngũ giảng viên phải kiên định bảo vệ những giá trị cốt lõi của chủ nghĩa Mác-Lênin; kiên cường, vững trí, bản lĩnh trước những luận điệu xuyên tạc của thế lực thù địch; kiên quyết đấu tranh bằng những lý luận sắc bén làm thất bại hoàn toàn âm mưu của các thế lực chống phá. Không những thế, chúng ta làm sao cho người học thấm nhuần và vững niềm tin vào sự lựa chọn của Bác và của Đảng ta đi theo con đường chủ nghĩa xã hội và lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm kim chỉ nam cho đường lối cách mạng./.