Tìm một “chỗ đứng” trong cuộc đời thật sự không dễ dàng, nhưng không phải vì vậy mà ta thả trôi cuộc đời mình để chỉ tồn tại, góp mặt trong xã hội mà không có sự đóng góp nào. Như chim én cố gồng mình đi qua mùa Đông lạnh giá để mong đến được mùa Xuân ấm áp và tươi đẹp. Hay như con thuyền phải cố gắng vượt qua biển cả mênh mông, chống chọi với phong ba bão táp để đến được bến bờ bình yên, chứ không thể mãi cứ lênh đênh trên biển hoài. Cũng thế, chúng ta cần phải hoạch định cho mình một lý tưởng sống, phải xác định được mình sống để làm gì, muốn có một cuộc đời như thế nào, kiến tạo nên giá trị gì cho bản thân, gia đình và xã hội? Có thể ta sẽ không thành “ông này bà kia”, không làm được những điều to tát như các vĩ nhân, nhưng ít ra cũng tuyệt đối không nên trở thành gánh nặng cho xã hội. Và hơn hết, ta cần phải làm chỗ dựa vững chắc cho gia đình nhỏ của mình.
Ngoài ra, theo quan điểm nhà Phật, điểm đến rốt ráo của một con người không phải là sự thành tựu trong sự nghiệp thế gian mà là ở sự nghiệp trí tuệ, cứu cánh giải thoát. Người thành công nhất trong cuộc đời này không phải là người có bao nhiêu tiền trong tài khoản, sở hữu bao nhiêu ngôi nhà, đi bao nhiêu chiếc xe… Vì những thứ này có rồi sẽ mất, và ta không bỏ nó vì chán thì nó cũng sẽ bỏ ta vì hư hoại, mất cắp hay một tác nhân nào đó. Cho nên, người được xem là có cuộc đời đáng sống nhất là người làm chủ được thân và tâm mình, đoạn tận được mọi kiết sử và lậu hoặc, không còn chịu đau khổ và phiền não, có được an lạc, tịch tĩnh ngay tại đời này. Đó cũng chính là “chỗ đứng” hay “điểm đến” mà đức Phật kêu gọi mọi người nên hướng tới.
Tóm lại, mỗi ngày chúng ta cần phải tự hỏi chính mình rằng: “Tôi đang sống hay đang tồn tại?”. Đang tồn tại là kiểu sống cho qua ngày đoạn tháng, sống góp mặt, không có mục đích lý tưởng, không biết hôm nay ra sao và ngày mai sẽ như thế nào. Còn “sống” thật sự là một nghệ thuật, sống là làm sao phải mang lại lợi ích cho mình, cho người không chỉ ở đời này mà còn nhiều đời về sau. Vì thế, muốn sống có nghệ thuật thì ta cần phải học và hành như một nghệ sĩ với tâm hồn đẹp; không chỉ học ngoài đời mà còn phải học trong đạo. Có như vậy, ta mới có chánh kiến biết đâu là đúng, đâu là sai, đâu là lợi đâu là hại. Để từ đó, có thể vạch ra cho mình một con đường tươi sáng và thênh thang phía trước, tạo lập cho mình một “chỗ đứng” trong tâm mọi người và trong chính tâm mình.
Tâm Điển