PHỐ CHỢ GẠO

PHỐ CHỢ GẠO

Chợ gạo ở đâu

Phố Chợ Gạo nay thuộc phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội‎, cách Hồ Gươm chừng 500m về hướng đông-bắc. Phố gồm hai nhánh song song dài 75m cùng đi từ đường Trần Nhật Duật (chỗ gần chân cầu Chương Dương) đến phố Đào Duy Từ. Nhánh trên nối với đầu phố Nguyễn Siêu, nhánh dưới cắt chéo đầu phố Đông Thái.

Đây nguyên là nơi con sông Tô Lịch chảy về hướng đông để nối với dòng lớn Nhị Hà, từ xưa đã tụ tập các cửa hàng bán gạo trên hai bờ sông. Bến thuyền nằm ở địa phận của giáp Giang Nguyên, thuộc thôn Hương Nghĩa, tổng Tả Túc (sau đổi là tổng Phúc Lâm) huyện Thọ Xương cũ. Di tích đình làng Hương Nghĩa nay vẫn còn. Đến cuối thế kỷ 19 do cát sông Hồng bồi đắp nên cửa sông Tô Lịch bị lấp cạn dần.

Bản đồ Hà Nội năm 1890 còn vẽ đoạn sông Tô Lịch này, trước khi nó bị thực dân Pháp cho san phẳng hoàn toàn vào những năm cuối cùng của thế kỷ 19. Đoạn đầu khúc sông lấp trở thành một bãi đất trống rộng hình chữ nhật được gọi là Place du Commerce (“Quảng trường Thương mại”). Nơi đó dần dần tập trung những người buôn bán ngũ cốc do thuyền các nơi chở đến đậu ở ngoài bến sông Hồng.

Không xa nơi đó, người Pháp cũng cho bắc qua sông Hồng chiếc cầu sắt Pont Doumer (tức cầu Long Biên), dài nhất Đông Dương vào đầu thế kỷ 20. Rồi họ xây tại đây một cái chợ chuyên doanh về gạo thóc mà dân ta quen gọi “Chợ Gạo”, tên Pháp là “Marché de la rue du Riz” (tức “Chợ phố Gạo”). Phố chỉ được thị trưởng Trần Văn Lai chính thức đặt tên Chợ Gạo vào năm 1945, sau khi Nhật đảo chính.

Chung quanh sông lấp vốn có nhiều hộ dân Hoa kiều làm các nghề như cân đong và xay xát gạo, xuất cảng gạo, nên Chợ Gạo nhanh chóng trở thành nơi sầm uất. Cầu chợ khá rộng, không có tường, mái lợp tôn để mọi người tránh mưa nắng. Một hàng cây phượng vĩ tạo bóng mát được trồng ở phía đông trên hè đường Bờ Sông (tức “Quai Clémenceau”, nay là đường Trần Nhật Duật), mùa hè hoa nở đỏ ối để lại bao kỷ niệm học trò.

Xưa kia nơi đây có nhiều phu khuân vác gạo và hàng hoá khác cho các cửa hiệu bên phố Hàng Buồm và Đào Duy Từ; họ trú ngụ ở ngoài bãi sông hoặc các làng ngoại ô, một số khác là phu người Hoa thì sống trong ngõ Sầm Công (nay là ngõ Đào Duy Từ), Rue Lataste (phố Hàng Giầy), Rue Galet (phố Lương Ngọc Quyến), còn những người đàn bà khỏe tay thường làm nghề hàng xáo (xay xát gạo).

Phố Chợ Gạo tuy ít nhà cửa nhưng là một địa điểm giao thương tấp nập, cuối phố lại thông với khu vực trung tâm buôn bán từ lâu đời, cho nên có đông người tìm đến, dựa vào đó mà sinh sống. Đầu dãy phố phía bắc, tức nhánh trên của phố Chợ Gạo, có Trường tiểu học Trần Nhật Duật, xưa gọi là Trường Ke (“Quai” tiếng Pháp nghĩa là “bờ sông”), tường rào dài đến giữa phố; tiếp đến một loạt mấy ngôi nhà nhỏ của những hộ buôn bán gạo.

Dãy phố phía nam, tức nhánh dưới của phố Chợ Gạo, vốn là một kho lớn chứa gạo, mặt chính quay ra phố Đào Duy Từ, nơi sau này tụ tập nhiều cửa hàng buôn bán gạo và bột mì, còn quanh đó thì nay lại có ngân hàng và các quán bia hơi, thịt chó, club giải trí. Gần đây chè chanh bắt đầu lan sang phố Chợ Gạo, vốn nổi tiếng với món chè đắng. Thật ra đó chỉ là thạch đen bỏ vào cốc nước cốt dừa pha thêm sữa đặc, nhưng chính vị đăng đắng lạ miệng đã dễ dàng cuốn hút giới trẻ.

Phố Chợ Gạo hiện nay không lưu giữ được dấu vết gì của bến sông Tô và chợ gạo cũ. Nhưng tại cuối nhánh trên, gần ngã tư Đào Duy Từ – Nguyễn Siêu vẫn còn đình Hương Nghĩa (cổng đình ở số 13b phố Đào Duy Từ), bên trong thờ Cao Tứ (em Cao Lỗ, tướng của An Dương Vương Thục Phán), sau lại xây thêm điện thờ các Mẫu. Đầu phố thì có trường tiểu học Trần Nhật Duật, di tích của trường Ke cũ.

[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2018/01/Pho-Cho-Gao.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: pho cho gao.docx”]

Hits: 1768