Người chủ trì và chủ chi

Chủ chi là gì

– Nhà văn, dịch giả Phan Hồng Giang đã giới thiệu chân dung nhân vật dưới đây ngay đầu tạp bút “Mùa xuân của các bậc trưởng lão”. Tuy nhiên, ông dặn chúng tôi hãy đưa nhân vật này cuối cùng trong loạt chân dung về “các bậc trưởng lão”.

[links()]

Người chủ trì và chủ chi. Vị trưởng lão tôi muốn nêu tên đầu tiên không phải người cao tuổi nhất mà vì ông luôn là người khởi xướng, cổ vũ và tổ chức thành công “sự nghiệp” gặp gỡ khá thường xuyên của một số bậc cao niên trong giới văn hóa nghệ thuật Bắc Hà. Nói nôm na, ông là người vừa chủ trì vừa chủ chi. Thật là quý hóa giữa thời gạo châu củi quế!

Với riêng tôi, ông là người chẳng xa lạ gì bởi tôi nhiều năm là viên chức dưới quyền ông ở Bộ Văn hóa; giờ nếu giở hồ sơ cán bộ của tôi ra sẽ thấy vài chữ ký của ông trong các Quyết định hành chính tạm gọi là đánh dấu mốc (!) cho cuộc đời nhàn nhạt của mình – chẳng hạn như được Bộ tiếp nhận lại sau khi trở về từ “thành trì của chủ nghĩa xã hội và cách mạng thế giới” hay thuyên chuyển công tác từ NXB Văn học sang NXB Ngoại văn…

GS-TS Đình Quang. Ảnh Thể thao Văn hóa

Ông là GS-TS Đình Quang, đại danh nghe như sấm bên tai. Ông sinh năm Mậu Thìn, 1928, năm Nhâm Thìn nay là năm tuổi của ông. Ở tuổi 85, tuyệt vời thay, ông vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát; trí tuệ còn giữ nguyên sự uyên thâm, minh triết, sắc sảo và hóm hỉnh như ông vốn thế xưa nay.

Ngoài những công trình đồ sộ mang tính nghiên cứu cơ bản về sân khấu nói riêng và văn hóa nói chung, – các công trình đã đem lại cho ông Giải thưởng Hồ Chí Minh từ năm 2007, – tản văn có lẽ là nơi hiển lộ rõ nhất con người ông – đầy ưu tư, nhân hậu và tinh tế. Với một trí não luôn háo hức làm việc, một đôi mắt tinh tường luôn quan sát, ông luôn khiến chúng ta thú vị với những liên tưởng bất ngờ.

Một buổi xem xiếc cuối năm, chứng kiến các nghệ sĩ đứng trên mấy tầng ván đặt trên các con lăn chao qua chao lại mà vẫn giữ được thăng bằng, miệng vẫn cười tươi, ông bất giác nghĩ tới sự mất thăng bằng trong cuộc sống của mỗi con người rồi rộng ra là của toàn xã hội: Phải chăng chúng ta đang “mất thăng bằng giữa đời sống vật chất và tinh thần, giữa đầu óc thực dụng và lý tưởng, giữa ảnh hưởng ngoại lai và truyền thống dân tộc, giữa lợi ích cá nhân và quyền lợi tập thể, giữa nông thôn và thành thị…”.

Rồi ông chỉ ra cái kết cục khó tránh của sự mất thăng bằng nguy hại đó là đủ kiểu “tật bệnh xã hội, tham nhũng hối lộ, cửa quyền, sự thao túng của các nhóm lợi ích… phát triển tràn lan”.

Từ một trò xiếc giữ thăng bằng “nhìn qua cứ tưởng chỉ là trò du hí”, bậc thức giả khả kính của chúng ta chiêm nghiệm rằng “suy cho cùng, đó chính là bí quyết và thước đo của mọi sự nghiệp bền vững trong cuộc đời này”, (Đi xem xiếc tất niên, báo Sức khỏe & Đời sống số Xuân Nhâm Thìn).

Internet hôm nay đã kết nối cả thế giới, trong đó có ông, một thành viên, một “công dân toàn cầu” dẫu tuổi đã cao, vẫn không thôi thao thức, lo toan cùng mọi người trước mọi hiểm họa “vật thể và phi vật thể” đang bủa vây tứ phía cuộc sống của chúng ta hôm nay. Cuộc sống của người già như ông ngày qua ngày hầu như quẩn quanh trong căn phòng nhỏ với computer và cái ipad Galaxy dễ gây ra cho ông cái cảm giác tù túng. Và phải chăng cảm giác ấy đã khiến ông đôi lúc muốn thoát ra ngoài phố, mong tìm sự thăng bằng trong những lần gặp gỡ mấy ông bạn già nơi quán ăn quen thuộc,”cùng nhau nâng lên đặt xuống, tán gẫu chuyện đời… buồn vui lẫn lộn “?

Hơn hai mươi năm trước, khi đang còn làm thứ trưởng phụ trách khối văn học nghệ thuật của Bộ Văn hóa, trước Đại hội VII (1991) nghe nói ông đã được chọn vào danh sách do TƯ giới thiệu. Nhưng rồi vì lý do u u minh minh nào đó mà tên ông cuối cùng không được chốt lại trong danh sách đó mà chỉ có trong danh sách do các đại biểu Đại hội giới thiệu. Do vậy mà rốt cuộc ông không hội đủ số phiếu cần thiết…

Sau này, thi thoảng nhớ lại chuyện cũ, ông lại hào hứng bộc bạch: “Nghĩ cũng may mà hồi đó mọi việc diễn ra như thế. Giả thử mình được cơ cấu vào… “nhà đỏ” thì bây giờ chắc khó có dịp được vui vẻ thỏa mái với các bạn như thế này…”.

Thật sự là nếu đã ngồi chót vót trên cao thì cũng ít có thời gian và nhu cầu giao tiếp với các thường dân như chúng tôi; ngược lại, chúng tôi cũng đâu có dám làm mất thì giờ vàng ngọc của cấp trên bằng những cuộc mời mọc… Chuyện như thế với ai khác chắc sẽ là chuyện xui xẻo, tiếc hùi hụi, còn ông thì lại thật lòng biến cái rủi thành cái may, biết “vừa lòng với mình” và sẻ chia sự “bình tâm của cỏ” (chữ của Nguyễn Khoa Điềm)

…Thế mới hay, với GS.TS Đình Quang, bạn bè quý hơn công danh hoạn lộ… Phải thế chăng mà ông đương nhiên trở thành vị “chủ tịch hội” các bạn già không cần qua bầu bán. *Tấm vé vào Ngôi đền bất tử. Mượn ý ông già Hegel, có thể nói con người Tự do là con người nhận thức được cái Tất yếu. Đã là con người trên cõi đời này thì không một ai tránh được cái vòng Sinh – Lão – Bệnh – Tử. Từ kẻ khù khờ cho đến vị thánh nhân, tất cả đều trước sau trở về với cát bụi.

Tôi không sợ mình nghĩ gở, khi biết rồi một lúc nào đó, tôi hoặc ai đó sẽ ra đi. Nhưng nào có đáng lo chi khi đấy là quy luật không thể cưỡng lại của Tạo hóa, của Đất Trời. Tôi nhớ cụ Tú Mỡ đã từng làm thơ tự vịnh cái chết của mình khi cụ ốm nằm bệnh viện. Tôi biết một số bạn tôi đã ung dung làm sẵn ảnh khổ lớn dành cho…tang lễ của mình, tránh cho con cái khỏi tất bật lo lắng về cái chuyện nhỏ đó khi bối rối tang gia; thậm chí có vị còn thảo sẵn … điếu văn cho vừa ý mình!

Dù sao tôi cũng không khỏi chạnh lòng khi thoáng nghĩ rằng một mai đây có ai đó trong những người vui vẻ hôm nay không hẹn trước mà phải chia tay với những người còn ở lại…

Lẽ nào có ai đó lại thành người thiên cổ?

Không, tôi không tin vào điều này, bởi bằng tất cả tình yêu con người và cuộc sống, bằng tất cả niềm say mê làm việc và cống hiến cả cuộc đời dài dặc của mình cho cái Chân – Thiện – Mỹ, bằng tiếng thơm để lại cho gia đình, cho con cháu, các vị trưởng lão tôn kính, thân yêu của chúng tôi – và của cả chúng ta, dường như đã có sẵn theo mình tấm vé vào Ngôi đền bất tử…

Phan Hồng Giang