Chùa Một Cột là một di tích lịch sử có lịch sử hàng nghìn năm. Công trình này tượng trưng cho văn hóa, lịch sử, tôn giáo của nước ta triều đại nhà Lý. Vậy chùa Một Cột ở đâu và có gì thu hút? Bài viết dưới đây của Du lịch Khát Vọng Việt sẽ giúp bạn hiểu hơn về công trình kiến trúc, điểm đến du lịch đặc biệt này.
Chùa Một Cột ở đâu?
Tên Hán – Việt của chùa Một Cột là Nhất Trụ Tháp, hay còn được gọi là chùa Mật. Ngoài ra, Liên Hoa Đài hay Diên Hựu Tự cũng là tên gọi của ngôi chùa này. Xét về giá trị tâm linh, chùa Một Cột là điểm đến linh thiêng với lịch sử hơn một ngàn năm của Hà Nội. Không chỉ vậy, ngôi chùa còn có kiến trúc nghệ thuật độc đáo, có thể nói là độc nhất vô nhị của Việt Nam.
Chùa Một Cột nằm trong khuôn viên của lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, thuộc quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Đây là một công trình kiến trúc, lịch sử, văn hóa không quá đồ sộ nhưng có dấu ấn và ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
>> Xem thêm:
- Bản đồ du lịch Hà Nội
- Làng lụa Vạn Phúc
Lịch sử hình thành chùa Một Cột
Chùa Một Cột chính thức được khởi công xây dựng từ thời vua Lý Thái Tông năm 1049. Tương truyền, câu chuyên xây chùa bắt nguồn từ một giấc mơ của nhà Vua. Trong giấc mơ, người đã nhìn thấy Phật bà Quan Âm tỏa sáng trên đài sen, Quan Âm mời nhà vua cùng lên Liên Hoa Đài để thưởng trà.
Sau khi đem giấc mơ đẹp mà kỳ lạ này kể với các bậc trung thân. Một trong số đó là nhà sư Thiền Tuệ đã khuyên Lý Thái Tông cho xây đài sen như trong giấc mơ. Chùa Một Cột vì thế mà ra đời. Hiện nay, chùa Một Cột ở đâu vẫn ở yên đó, nhưng đã trải qua nhiều lần tu sửa.
Năm 1105, vua Lý Nhân Tông cho tu sửa chùa lần đầu tiên và dựng thêm trước sân chùa hai tháp lợp sứ trắng. Ba năm sau, Nguyên Phi Ỷ Lan, một trong những phi tần được người đời kính cẩn nhất đã cho đúc một chiếc chuông lớn gọi là “giác thế chung”.
Cấu trúc của ngôi chùa Một Cột từ đó hoàn thiện và tương đối giống như ngày nay. Toàn bộ được thực hiện trong triều đại nhà Lý. Có thể bạn chưa biết, nhà Lý là một triều đại tôn thờ, sùng bái đạo Phật. Đây cũng chính là giai đoạn phát triển đỉnh cao nhất của Phật giáo ở nước ta trong suốt mấy ngàn năm lịch sử. Chùa Một Cột ra đời như một minh chứng cho điều đó.
Trong kháng chiến chống Pháp, dưới bom đạn chiến tranh, chùa Một Cột bị tàn phá và ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên, không để mai một đi một di tích có giá trị đặc biệt quan trọng, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã cho tu sửa chùa. Đến năm 1955 chùa Một Cột Hà Nội được tu sửa lại và được bảo tồn hiện trạng cho đến ngày nay. Du khách đến tham quan chùa Một Cột có thể thấy, bên cạnh chùa là cổng tam quan và bức hoành phi đề “Diên Hựu Tự”.
Năm 1962, quần thể chùa Một Cột được công nhận Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật Quốc gia. Không dừng lại ở đó, năm 2012, chùa Một Cột đã được Tổ chức Kỷ lục châu Á xác lập kỷ lục “Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất Châu Á”. Đây là những ghi nhận xứng đáng, khẳng định vai trò quan trọng của chùa Một Cột trong kho tàng lịch sử, văn hóa, tâm linh của dân tộc.
Thông tin tham quan chùa Một Cột
Du khách có thể tới tham quan chùa Một Cột vào các ngày trong tuần từ 7h sáng đến 18:00 giờ. Bạn có thể kết hợp tham quan các địa danh lịch sử, văn hóa gần đó.
Du khách là người Việt Nam tham quan chùa Một Cột sẽ không mất tiền vé Trong khi đó, người nước ngoài sẽ phải mua vé với mức giá 25.000 đồng/ người.
Khám phá nét kiến trúc “độc đáo nhất châu Á”
Kết cấu nguyên bản của chùa Một Cột dựa trên sự liên kết chắc chắn giữa dầm gỗ và cột đá. Tạo sự vững chãi cho ngôi chùa. Cấu trúc của chùa Một Cột bao gồm: Cột trụ, đliên hoa đài, mái chùa. Trong đó, cột trụ của chùa Một Cột là cột đá cao 4m, chưa tính phần chìm phía dưới chân. Với đường kính rộng 1,2 m, cột đá đem lại cảm giác chắn chắn, “vững như bàn thạch”, đủ sức đỡ toàn bộ kết cấu ở bên trên. Chúng ta sẽ đi sâu tìm kiển kiến trúc từng phần của chùa Một Cột.
Liên Hoa Đài
Liên Hoa Đài là kiến nổi bật của chùa Một Cột. Đài Liên Hoa có hình vuông mỗi cạnh 3m, được đỡ bằng hệ thống cột quân vững chắc. Để liên kết giữa Liên Hoa Đài và trụ đá, kiến trúc sư sử dụng hệ thống dầm gỗ lớn, chắc chắn. Mỗi khớp nối được tinh toán một cách chính xác giúp Liên Hoa Đài vững chắc qua năm tháng.
Bên trong đài Liên Hoa, không gian được trang trí sang trọng, nổi bật nhất là bàn thờ Phật Bà Quan Âm. Tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay mạ vàng tỏa ra ánh sáng lấp lánh. Đồ vật thờ xung quanh cũng toàn bộ là những món đồ độc đáo bao gồm: đôi lục bình gốm sứ, bình cắm hoa sen, bộ ấm chén thờ, lư hương bằng đồng. Bàn thờ cũng được trang trí với tông màu vàng chủ đạo, hoa văn, họa tiết cầu kỳ. Nhìn lên phía trên, bạn sẽ thấy một tấm hoành phi nhỏ, trên đó đề ba chữ “Liên Hoa Đài” bằng vàng.
Mái chùa
Mái chùa được lợp bằng ngói vảy truyền thống màu đỏ gạch truyền thống. Theo thời gian, trên mái đã phủ những lớp rêu phong tạo nên vẻ đẹp cổ kính, hoài niệm. Mỗi viên ngói thời xưa đều được chế tác thủ công, tỉ mỉ, chất lượng thì tuyệt vời.
Về tổng thể, Chùa Một Cột có bốn mái cong đầu đao vút lên trời. Thiết kế mái kiểu này còn được gọi là “tàu đao”. Vị trí cao nhất của mai có một “lưỡng long chầu mặt nguyệt”, đây là hình ảnh thường thấy trong các đình, chùa, miếu ở Việt Nam, biểu tượng cho sự phát triển, sinh sôi, âm dương hài hòa. Đây cũng là nét kiến trúc mang đậm dấu ấn dân tộc trong đó.
Tại sao lại là hoa sen?
Từ lâu, hoa sen đã được coi là biểu tượng của Phật giáo. Liên hoa là biểu tượng của sự lương thiện, kiên nhẫn, không nhiễm tạp, hành trực … Hình tượng Liên Hoa Đài được xây dựng dựa trên những ý nghĩa cao cả đó. Đóa sen nở trên mặt hồ Linh Chiểu càng tôn lên vẻ đẹp của công trình kiến trúc ngàn năm nay. Sau nay, hoa sen cũng trở thành quốc hoa của Việt Nam ta.
Các địa điểm tham quan gần chùa Một Cột
Chùa Một Cột là một công trình kiến trúc độc đáo, nhiều ý nghĩa nhưng quy mô không lớn, Vì vậy, bên cạnh việc giải đáp câu hỏi Chùa Một Cột ở đâu, bài viết cũng sẽ giới thiệu cho bạn đọc những địa điểm tham quan ý nghĩa ngay gần chùa Một Cột. Du khách có thể dành ra một buổi để đi qua những điểm đến dưới đây.
Hoàng thành Thăng Long
Cùng với chùa Một Cột, Hoàng Thành Thăng Long là minh chứng cho lịch sử của triều đại nhà Lý. Trải qua quá trình khai quật và bảo tồn, Hoàng Thành Thăng Long trở thành điểm đến tham quan đầy ý nghĩa của Hà Nội ngàn năm văn hiến. Hiện nay, Hoàng Thành nằm trên đường Hoàng Diệu, cách chùa Một Cột không xa. Nếu du khách ghé thăm chùa Một Cột, có thể kết hợp khám phá, tìm hiểu về di tích Hoàng Thành Thăng Long.
Lăng Bác
Nếu đã tới chùa Một Cột thì bạn đừng quên vào thăm Lăng Bác. Chùa Một Cột nằm trong khuôn viên của khu di tích Hồ Chí Minh, gồm có Lăng Bác. Chỉ mất vài trăm mét đi bộ là du khách đã có thể vào thăm vị cha già kính yêu của dân tộc. Tương tự như chùa Một Cột, công dân Việt Nam sẽ được tham quan Lăng Bác hoàn toàn miễn phí.
Quảng trường Ba Đình
Lăng Bác hướng ra quảng trường Ba Đình lịch sử, nơi chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản tuyên ngôn độc lập mùa thu năm 1945. Tới đây, bạn sẽ cảm nhận được bầu không khí thiêng liêng đầy tự hào.
Nhà sàn Bác Hồ
Phía sau lăng Bác, trong khuôn viên phủ chủ tịch là khu vực nhà sàn Bác Hồ. Tại đây, bạn có thể nhìn ngắm những vật dụng đã gắn liền với cuộc đời Hồ Chí Minh. Qua đó, hiểu hơn về đức tính, con người Bác, một con người giản dị, một con người vì nước, vì dân.
Bảo tàng Hồ Chí Minh
Cuối cùng, du khách có thể ghé thăm bảo tàng Hồ Chí Minh. Đây là nơi trưng bày những hiện vật, đồ dùng, bút tích của Bác, của cách mạng Việt Nam.
Mong rằng sau bài viết này thì du khách đã biết chùa Một Cột ở đâu. Đồng thời, nắm được những thông tin hữu ích về lịch sử, văn hóa, kiến trúc và gợi ý tham quan di tích này. Hiện nay, Du lịch Khát Vọng Việt có tổ chức những tour du lịch Hà Nội trong ngày, đưa du khách khám phá những điểm đến hấp dẫn nhất trong nội đô. Nếu bạn quan tâm hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn cụ thể nhé.