Chuyển dịch cơ cấu kinh tế là sự vận động mang tính tất yếu của các quốc gia trong thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế thể hiện ở những mặt nào của nền kinh tế? Xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Việt Nam là gì? Hãy cùng Hieuluat.vn tìm hiểu trong nội dung bài viết dưới đây.
Như thế nào là chuyển dịch cơ cấu kinh tế?
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế là sự vận động và chuyển đổi của các ngành nghề, các thành phần kinh tế sao cho phù hợp với năng lực, trình độ của lực lượng sản xuất tương ứng với điều kiện kinh tế – xã hội khác nhau.
Trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, những nhóm ngành phát triển mạnh hơn thì tỷ trọng của những ngành đó sẽ tăng trong cơ cấu kinh tế. Ngược lại những nhóm ngành kém phát triển hơn thì tỷ trọng sẽ giảm.
Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế thể hiện ở những mặt nào?
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế thể hiện ở 3 mặt sau đây:
Chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế
Cơ cấu ngành kinh tế là là mối quan hệ về số lượng (bao gồm cả số lượng ngành và tỷ trọng mỗi ngành) và chất lượng ngành kinh tế trong toàn bộ nền kinh tế.
Theo tiêu chuẩn phân loại ngành của Liên Hợp Quốc, có thể phân loại thành 3 nhóm ngành lớn:
-
Khu vực I: Nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp.
-
Khu vực II: Công nghiệp, xây dựng
-
Khu vực III: Dịch vụ
Chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế là sự vận động, phát triển của các ngành kinh tế làm thay đổi vị trí và tỷ trọng của chúng cho phù hợp với năng lực sản xuất và phân công xã hội.
Sự chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế ở Việt Nam đang diễn ra theo hướng giảm tỷ trọng ở khu vực I, tăng tỷ trọng ở khu vực II và III. Ngoài ra trong từng khu vực cũng có sự phân hóa rõ rệt:
-
Ở khu vực I: Xu hướng là giảm tỷ trọng của các ngành lâm nghiệp, trồng trọt và chăn nuôi, tăng tỷ trọng ngành khai thác, nuôi trồng – thủy hải sản.
-
Ở khu vực II:Tỷ trọng ngành công nghiệp khai thác giảm đi trong khi ngành công nghiệp chế biến tăng để phù hợp với yêu cầu thị trường
-
Ở khu vực II: Phát triển lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở Việt Nam (nguồn: internet)
Chuyển dịch cơ cấu các thành phần kinh tế
Thành phần kinh tế là khu vực kinh tế, kiểu quan hệ kinh tế được đặc trưng bởi hình thức sở hữu tư liệu sản xuất nhất định.
Cơ cấu thành phần kinh tế là cơ cấu tổ chức kinh tế mà mỗi bộ phận hợp thành là một thành phần kinh tế. Sự hình thành cơ cấu thành phần kinh tế dựa trên cơ sở hình thức sở hữu tư liệu sản xuất.
Chuyển dịch cơ cấu thành phần kinh tế là sự thay đổi về số lượng thành phần kinh tế hoặc thay đổi về tỷ trọng số lượng hàng hóa và dịch vụ mà thành phần kinh tế tạo ra trong GDP.
Văn kiện Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định 4 thành phần kinh tế ở nước ta hiện nay, đó là: Thành phần kinh tế nhà nước; thành phần kinh tế đoàn thể, hợp tác xã; thành phần kinh tế tư nhân và thành phần kinh tế có vốn đầu tư của nước ngoài
Hiện nay nước ta đang chuyển dịch cơ cấu thành phần kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng các khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
Chuyển dịch cơ cấu lãnh thổ
Cơ cấu lãnh thổ là sản phẩm của quá trình phân công lao động theo lãnh thổ, có mối liên kết chặt chẽ với cơ cấu ngành kinh tế. Cơ cấu lãnh thổ cùng với cơ cấu ngành và cơ cấu thành phần kinh tế hình thành cơ cấu kinh tế.
Chuyển dịch cơ cấu lãnh thổ là chuyển dịch các ngành kinh tế trên phạm vi lãnh thổ của quốc gia biểu hiện ở việc hình thành các vùng chuyên canh, các khu công nghiệp tập trung và khu chế xuất.
Hiện nay trên phạm vi cả nước ta đã hình thành 3 vùng kinh tế trọng điểm:
-
Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc
-
Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung
-
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
Những thành tựu và thách thức khi chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đất nước ta ngoài đạt được những thành tựu to lớn cũng đã gặp phải những thách thức không hề nhỏ, cụ thể là:
Những thành tựu đạt được
Từ một đất nước lạc hậu với nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, đến nay nước ta đã và đang xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng kinh tế – xã hội thu hút được rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
Những công việc mới được tạo ra, người lao động có nhiều cơ hội việc làm hơn, tỷ lệ thất nghiệp giảm đi nhờ đó mà chất lượng đời sống nhân dân được cải thiện.
Việc áp dụng khoa học kĩ thuật vào trong sản xuất giúp cho Việt Nam không những đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn có thể xuất khẩu ra nước ngoài. Cho đến nay hàng hóa của Việt Nam đã có mặt trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có các thị trường lớn như: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản,…
Ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất (nguồn: internet)
Những thách thức khi chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp khiến cho những người quanh năm gắn bó với ruộng đất bị mất thu nhập, người nông dân phải di chuyển lên các thành phố lớn để kiếm việc làm dẫn đến những vấn đề về môi trường và trật tự xã hội.
Chất lượng lao động thấp và phương thức sản xuất lạc hậu khiến cho hàng hóa Việt Nam tại nước ngoài chưa được đánh giá cao, giá cả thấp. Năng suất lao động còn thấp và sự chênh lệch năng suất lao động giữa Việt Nam và các nước khác ngày càng gia tăng.
Việc khai thác quá mức tài nguyên mà không kết hợp với phương thức bảo tồn, phát triển hợp lí có thể khiến nước ta rơi vào tình trạng cạn kiệt tài nguyên trong tương lai.
Khu công nghiệp, khu chế xuất ngày càng nhiều, lượng chất thải công nghiệp thải ra môi trường là rất lớn gây ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu.
Việc áp dụng khoa học – kỹ thuật trong nhiều ngành nghề còn hạn chế. Công tác quản lý, điều hành của Nhà nước đã có sự tiến bộ song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới
Thu hút đầu tư nước ngoài chưa có sự liên kết, lan tỏa giúp đỡ doanh nghiệp trong nước cùng phát triển. Các dự án đầu tư nước ngoài tăng về số lượng nhưng chất lượng chưa đảm bảo, hiệu quả đầu tư chưa được như kỳ vọng.
Ô nhiễm do chất thải công nghiệp (nguồn: internet)
Một số giải pháp cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nước ta
Dưới đây là một số giải pháp cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nước ta:
– Cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng chuyên sâu hơn, chuyên nghiệp hơn làm tăng số lượng, chất lượng cũng như giá trị hàng hóa nội địa.
– Tập trung vào một số ngành công nghiệp nền tảng, có lợi thế cạnh tranh nhằm khẳng định vị thế của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Phát triển công nghiệp cần chú trọng bảo vệ môi trường, khai thác và sử dụng tài nguyên bền vững.
– Cơ cấu lại ngành dịch vụ theo hướng tập trung phát triển những ngành dịch vụ có ưu thế, đào tạo nguồn nhân lực cho ngành dịch vụ có hàm lượng tri thức và công nghệ cao. Kết hợp phát triển du lịch với quảng bá nền văn hóa bản sắc của Việt Nam.
– Xây dựng bộ máy pháp quyền mạnh và có năng lực để điều hành nền kinh tế mới. Hoàn thiện những chính sách pháp luật và nâng cao năng lực thực thi pháp luật đối với các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
– Chú trọng vào giáo dục và đào tạo nghề để nâng cao chất lượng lao động. Khuyến khích xuất khẩu lao động hoặc phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn để giảm áp lực cho các thành phố lớn.
Trong bài viết trên chúng tôi đã cung cấp các thông tin để trả lời cho câu hỏi Chuyển dịch cơ cấu kinh tế thể hiện ở những mặt nào?” và vấn đề liên quan. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, bạn đọc có thể liên hệ với Hieuluat.vn để được giải đáp.