Cloud Desktop là gì?
Cloud Desktop (Desktop ảo), Giống như tên gọi của mình, là một phương thức điện toán dành cho người dùng cuối với một desktop và các ứng dụng trong đó hoàn toàn được vận hành trên một máy chủ đám mây. Người dùng chỉ cần kết nối Internet và một trình duyệt là đã có thể làm việc với Cloud Desktop từ bất cứ thiết bị nào, bất cứ nơi đâu mà không cần truy cập vật lý đến một máy tính cụ thể.
Cloud Desktop hoạt động như thế nào?
Các nền tảng ảo hóa cho phép người sử dụng truy cập đến các desktop hoặc ứng dụng được đặt ở một vị trí vật lý khác. Về cơ bản, điều này được thực hiện bởi một hệ thống bao gồm:
- Một máy chủ đặt tại ở một trung tâm dữ liệu với một hay nhiều bản cài đặt của hệ điều hành (Linux, Windows) hoạt động trên đó
- Hạ tầng ảo hóa quản lý thiết lập của các bản cài đặt hệ điều hành và phân phối quyền sử dụng cho người dùng
- Một cổng truy cập (gateway) cho phép các kết nối từ bên ngoài tới trung tâm dữ liệu
- Một thiết bị đầu cuối giúp người sử dụng truy cập đến desktop ảo của mình: Laptop, smartphone, máy tính bảng hay bất cứ thiết bị nào có khả năng chạy một trình duyệt tương thích
- Một giao thức để truyền tín hiệu điều khiển, tín hiệu hình ảnh, âm thanh,.. giữa desktop ảo và thiết bị của người sử dụng
Khi người dùng sử dụng thiết bị cùa mình để truy cập đến Cloud Desktop, giao thức điều khiển sẽ thiết lập kết nối tới hạ tầng ảo hóa thông qua gateway, trước khi được dẫn tới desktop ảo tương ứng đã đăng ký với nhà cung cấp dịch vụ. Mọi trải nghiệm với Cloud Desktop hoàn toàn tương tự một máy tính vật lý, trừ việc toàn bộ các xử lý đểu được thực hiện bởi hệ thống “trên mây”. Đây cũng là điểm phân biệt giữa Cloud Desktop với các máy ảo thông thường, khi công việc xử lý ảo hóa vẫn được thực hiện hoàn toàn trên thiết bị đầu cuối của người dùng.
Các tính năng của Cloud Desktop
- Truy cập hệ thống tập tin từ xa
- Chạy các ứng dụng/hệ điều hành từ xa mà không cần phần cứng chuyên dụng
- Tự động sao lưu dữ liệu và khắc phục sự cố
- Tùy chỉnh thông số phần cứng
Ưu nhược điểm của Cloud Desktop
Ưu điểm
- Luôn sẵn sàng: Các công ty cung cấp dịch vụ Cloud Desktop sẽ đáp ứng nhu cầu truy cập và làm việc của bạn bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu mà không cần quan tâm đến phần cứng và vấn đề bảo trì, xử lý sự cố như máy tính truyền thống
- Tối ưu chi phí: Việc sử dụng các dịch vụ Cloud Desktop giúp cắt giảm chi phí đầu tư mua mới và bảo trì các phần cứng truyền thống, cũng như nhân sự IT cho các hoạt động đó. Đặc biệt hơn, như mọi dịch vụ đán mây khác, Cloud Desktop cho phép thay đổi quy mô và cấu hình hệ thống (cùng với chi phí thuê bao) dễ dàng để thích ứng với nhu cầu trong từng giai đoạn của doanh nghiệp/người dùng
- Tính tập trung dữ liệu: Mọi dữ liệu của hệ thống Cloud Desktop có thể được lưu trữ tập trung tại một máy chủ đám mây, giúp việc quản lý truy cập trở nên dễ dàng hơn
- An toàn, bảo mật: Miễn là nhà cung cấp dịch vụ đáng tin cậy, mọi dữ liệu trên hệ thống Cloud Desktop đều được đảm báo an toàn khỏi sự cố nhờ các giái pháp sao lưu khôi phục tiên tiến nhất. Các công nghệ bảo mật cũng luôn được cập nhật và rủi ro truy cập trái phép vào phần cứng (qua đó hacker dễ dàng vượt mặt các biện pháp bảo mật bằng phần mềm) bị loại bỏ
Hạn chế
Nhược điểm cố hữu của Cloud Desktop cũng như mọi hệ thống điện toán đám mây khác là sự phụ thuộc hoàn toàn vào chất lượng kết nối và hệ thống của nhà cung cấp. Không phải kết nối Internet nào cũng nhanh và ổn định, và bản thân các nhà cung cấp dịch vụ cũng không miễn nhiễm hoàn toàn với sự cố.
Những vấn đề trên có thể dẫn tới trải nghiệm kém (độ trễ cao, chất lượng hình ảnh thấp) hoặc tệ hơn là dịch vụ không sử dụng được, và thiệt hại gây ra là khó có thể dự đoán.
Ứng dụng của Cloud Desktop
Cloud desktop có thể là sự thay thế hợp lý cho các hệ thống máy tính vật lý cổ điển của cá nhân cũng như doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 phức tạp. Một số trường hợp có thể ứng dụng Cloud Desktop như:
- Nhu cầu làm việc di động ở bất cứ đâu mà không muốn mang theo máy tính cồng kềnh, hoặc nhu cầu điện toán tăng cao trong thời gian ngắn mà không muốn đầu tư phần cứng đắt đỏ.
- Nhu cầu tạm thời với hiệu năng điện toán lớn hơn khả năng của hệ thống vật lý sẵn có hoặc chạy các ứng dụng không tương thích với hệ điều hành của thiết bị vật lý.
- Doanh nghiệp nhỏ với vốn đầu tư thấp và chưa có kinh phí đầu tư hệ thống phần cứng riêng.
- Phục hồi thảm họa (Disaster Recovery – DR): Giúp doanh nghiệp nhanh chóng thiết lập môi trường làm việc cho nhân viên trong trường hợp truy cập vật lý đến phần cứng tại văn phòng không khả dụng.
Qua bài viết này, hi vọng các bạn đã có được cái nhìn khái quát nhất về Cloud Desktop và các đặc điểm của nó. Dù không hoàn hảo và không thể thay thế hoàn toàn máy tính truyền thống, Cloud Desktop chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển và trở nên phổ biến hơn trong tương lai.