Mọi chuyện xuất phát từ hàng ngàn năm về trước, khởi nguồn từ loại rượu mà người Trung Quốc gọi là Hoàng tửu (黄酒), một loại rượu truyền thống nổi tiếng ở vùng Thiệu Hưng (thuộc tỉnh Chiết Giang ngày nay). Hoàng tửu là loại rượu nếp cái hoa vàng, có nguồn gốc đa dạng với nhiều thương hiệu lừng danh như Phong cang tửu, Phúc Kiến lão tửu, Vô Tích huệ tuyền tửu, Giang âm hắc đỗ tửu, Thiệu Hưng trạng nguyên hồng, đặc biệt là Nữ nhi hồng (女儿红) – loại rượu dẫn đến việc hình thành cụm từ “con gái rượu” trong tiếng Việt.
Vào năm 304, thời nhà Tấn, danh sĩ Kê Hàm ở vùng Thượng Ngu đã từng ghi lại điển tích về Nữ nhi tửu hay Nữ nhi hồng tửu trong quyển Nam phương thảo mộc trạng (南方草木状): “Ngày xưa Nữ nhi tửu là loại rượu mà những gia đình giàu phải có trong dịp gả con gái”. Theo phong tục cổ xưa của người Thiệu Hưng, lúc con gái chào đời, người cha sẽ chọn 3 vò rượu gạo nếp ngon nhất, trang trí thật đẹp bên ngoài, mời nghệ nhân khắc vẽ các hoa văn điềm lành như hình hoa lá, ký tự, chim muông và những con thú rồi bịt kín miệng vò bằng bùn, chôn dưới gốc cây quế hoa (hoa mộc) hoặc giấu trong vách, dưới hầm.
Khi con gái 18 tuổi, lấy chồng, họ sẽ múc 3 chén rượu đầu tiên đặt trên bàn thờ rồi đem dâng lên cha chồng, cha đẻ và chồng của cô dâu, nhằm chúc sức khỏe, trường thọ và thịnh vượng, sau đó đãi người thân, bạn bè, nên loại rượu này có tên là Nữ nhi hồng tửu hay Nữ nhi tửu. Cụm từ “con gái rượu” có khả năng là biến thể của Nữ nhi tửu (女儿酒) trong tiếng Trung Quốc.
Nữ nhi tửu hay Nữ nhi hồng tửu là loại rượu có những vị cơ bản như chua, ngọt, cay, đắng, chát, có giá trị dinh dưỡng cao với hương thơm nồng, ngon dịu. Loại rượu này chủ yếu có màu hổ phách, tức là màu da cam. Nữ nhi tửu còn được gọi là Nữ tửu và Nữ trinh tửu; do trên vò rượu thường trang trí những hoa văn đẹp nên có thêm tên là Hoa điêu tửu.
Sinh con trai có rượu gì?
Loại Hoa điêu tửu (花雕酒) dành cho con gái được gọi là Nữ nhi hồng tửu, còn loại dành cho con trai gọi là Trạng nguyên hồng (状元红), cũng là loại rượu truyền thống của Trung Quốc. Ngày xưa, ở vùng Thiệu Hưng, nếu sinh bé trai, gia đình sẽ chôn những vò Trạng nguyên hồng tửu dưới đất, hy vọng rằng khi lớn lên, con trai sẽ lên kinh ứng thí, đậu trạng nguyên. Lúc con vinh quy bái tổ, gia đình sẽ đào những vò Trạng nguyên hồng tửu lên đãi khách, báo tin vui. Dĩ nhiên vạn người đi thi thì chỉ có một người chiếm ngôi đầu bảng vàng, cho nên trên thực tế Trạng nguyên hồng thường được dùng để chiêu đãi khách khi con trai kết hôn.
Tên nguyên thủy của Trạng nguyên hồng tửu là Long Tuyền hồng tửu (龙泉红酒). Vào thời Ung Chính nhà Thanh, tổng đốc Trình Nguyên Chương (1683-1763), người vùng Thượng Thái, mời hoàng đế nếm thử loại rượu đỏ Long Tuyền. Sau khi uống xong, hoàng đế khen rượu ngon, hạ lệnh cho tất cả những người thi đỗ trạng nguyên chiêu đãi quan khách và bạn bè bằng Long Tuyền hồng tửu, về sau đổi thành Trạng nguyên hồng tửu (状元红酒). Đây là loại rượu ủ theo công thức cổ xưa, chứa 17 loại thuốc bổ dưỡng truyền thống của Trung Quốc.
Ban đầu, Trạng nguyên hồng tửu được sản xuất tại tửu điếm Phúc Nguyên Cửu (福源久) vào thời nhà Minh và nhà Thanh. Sau hơn 300 năm hình thành và phát triển, hiện nay có các thương hiệu nổi tiếng tại Trung Quốc như Trạng nguyên hồng,Thập bát lí hồng và Lí Tư Cống tửu.