Công chứng, chứng thực giấy tờ diễn ra phổ biến trong đời sống xã hội. Theo đó, việc công chứng, chứng thực có thể được thực hiện theo quy định của pháp luật hoặc theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, công chứng, chứng thực ở đâu vẫn là thắc mắc của rất nhiều người. Dưới đây, chúng tôi giới thiệu đến bạn đọc nội dung bài viết với tiêu đề Công chứng sổ hộ khẩu ở đâu?
Sổ hộ khẩu là gì?
Đối tượng được cấp sổ hộ khẩu: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 24 Luật cư trú 2006, đối tượng được cấp sổ hộ khẩu là hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký thường trú và có giá trị xác định nơi thường trú của công dân.
Như vậy, có thể hiểu sổ hộ khẩu là một hình thức quản lý nhân khẩu của nhà nước được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký thường trú và chức năng xác định nơi thường trú hợp pháp của công dân.
Tham khảo bài viết: Công chứng giấy tờ ở đâu?
Phân biệt công chứng và chứng thực
Trước khi đi vào giải đáp Công chứng sổ hộ khẩu ở đâu? Chúng tôi giúp Quý vị phân biệt giữa công chứng và chứng thực. Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng 2014, Công chứng được định nghĩa như sau:
– Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng (phòng công chứng, văn phòng công chứng) chứng nhận về tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng hoặc giao dịch dân sự khác bằng văn bản;
– Chứng nhận về tính chính xác, tính hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 2 Nghị định 23/2015/NĐ-CP, chứng thực được định nghĩa là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền căn cứ vào bản chính để chứng thực bản sao là đúng với bản chính.
Trên cơ sở những nội dung đã phân tích ở trên, có thể thấy, việc công chứng chỉ áp dụng đối với hợp đồng, giao dịch dân sự hoặc bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc ngược lại mà cần công chứng theo quy định của pháp luật hoặc theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức. Do đó, trên thực tế không có việc công chứng sổ hộ khẩu mà chỉ có chứng thực bản sao sổ hộ khẩu từ bản chính.
Chứng thực sổ hộ khẩu ở đâu?
Chứng thực sổ hộ khẩu là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền căn cứ vào bản chính sổ hộ khẩu của hộ gia đình hoặc cá nhân để chứng thực bản sao số hộ khẩu là đúng với bản chính. Tuy nhiên, để tìm câu trả lời cho câu hỏi “Chứng thực sổ hộ khẩu ở đâu” chúng ta cần biết cơ quan nào có thẩm quyền chứng thực bản sao từ bản chính.
Cơ quan có thẩm quyền chứng thực bản sao từ bản chính được quy định tại Nghị định số 23/2015/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch.
Theo đó, cá nhân có nhu cầu chứng bản sao có thể đến các cơ quan có thẩm quyền sau đây:
Thứ nhất: Phòng tư pháp huyện, quận, thị xã, thành phố (Sau đây gọi tắt là Phòng tư pháp)
Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định Phòng tư pháp có thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực các giấy tờ sau:
– Chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam liên kết với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp hoặc chứng nhận;
– Chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản;
– Chứng thực chữ ký của người dịch trong các giấy tờ, văn bản từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt, từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài;
– Chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản là động sản;
– Chứng thực văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản mà di sản là động sản.
Trong đó, Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng Tư pháp thực hiện chứng thực các giấy tờ trên, đồng thời ký chứng thực và đóng dấu của Phòng tư pháp.
Thứ hai: Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã)
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP, Uỷ ban nhân cấp xã có thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực các giấy tờ sau:
– Chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc chứng nhận;
– Chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản, trừ việc chứng thực chữ ký người dịch;
– Chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản là động sản;
– Chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai;
– Chứng thực hợp đồng, giao dịch về nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở;
– Chứng thực di chúc;
– Chứng thực văn bản từ chối nhận di sản;
– Chứng thực văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản mà di sản là tài sản theo quy định của pháp luật.
Trong đó, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện ký chứng thực và đóng dấu của Ủy ban nhân dân cấp xã.
Thứ ba: Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự và Cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài (sau đây gọi chung là Cơ quan đại diện) có thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực các giấy tờ sau:
– Chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam liên kết với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp hoặc chứng nhận;
– Chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản;
– Chứng thực chữ ký của người dịch trong các giấy tờ, văn bản từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt, từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài;
Trong đó, Viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự sẽ thực hiện việc ký chứng thức và và đóng dấu của cơ quan đại diện.
Thứ tư: Công chứng viên có thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam liên kết với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp hoặc chứng nhận; Chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản, trừ việc chứng thực chữ ký người dịch.
Công chứng viên ký chứng thực và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng (Phòng công chứng và Văn phòng công chứng).
Địa điểm chứng thực giấy tờ bản sao
Căn cứ theo quy định tại Nghị định 23/2015/NĐ-CP, việc chứng thực được thực hiện tại trụ sở của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chứng thực, trừ trường hợp chứng thực di chúc, chứng thực hợp đồng, giao dịch, chứng thực chữ ký mà người yêu cầu chứng thực già yếu, không thể đi lại được, đang bị tạm giam, tam giữ, thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác.
Như vậy, cá nhân có nhu cầu chứng thực bản sao sổ hộ khẩu có thể đến Phòng tư pháp, Uỷ ban nhân cấp xã, Cơ quan đại diện hoặc Tổ chức hành nghề công chứng để được chứng thực theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp, người yêu cầu chứng thực già yếu, không thể đi lại, đang bị tạm giam, tam giữ, đang phải thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác thì cán bộ Phòng tư pháp, Uỷ ban nhân dân cấp xã, Cơ quan đại diện, Công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng đến nơi ở của người yêu cầu chứng thực để chứng thực các giấy tờ trên.
Trên đây là nội dung bài viết với tiêu đề Công chứng sổ hộ khẩu ở đâu? mà chúng tôi gửi đến bạn đọc. Mọi thắc mắc liên quan đến vấn đề trên, vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại 1900 6557.