Xét nghiệm định lượng creatinin trong máu là một xét nghiệm được sử dụng phổ biến để chẩn đoán và theo dõi tình trạng suy thận. Đây cũng là một xét nghiệm cơ bản trong khám sức khỏe tổng quát định kỳ để đánh giá chức năng thận. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp các thông tin về xét nghiệm creatinin mà bạn cần.
Xét nghiệm creatinin đánh giá chức năng thận
1. Xét nghiệm Creatinin là gì?
Creatin được tổng hợp ở gan, sau đó được phosphoryl hóa ở gan và phần lớn vận chuyển theo máu đến cơ vân. Creatinin là sản phẩm thoái giáng của creatin trong các cơ, được đưa trở lại tuần hoàn rồi lọc qua cầu thận và thải ra ngoài qua nước tiểu. Như vậy, creatin phản ánh toàn bộ khối cơ trong cơ thể, còn creatinin chủ yếu phản ánh chức năng thận.
Xét nghiệm creatinin trong máu là một trong những xét nghiệm đánh giá chức năng thận. Creatinin tăng là dấu hiệu cho thấy thận bị tổn thương và giảm chức năng. Creatinin nhạy hơn trong những trường hợp suy thận nặng.
Trong đánh giá chức năng thận, xét nghiệm creatinin còn được sử dụng để ước đoán độ lọc cầu thận (eGFR).
2. Tại sao cần làm xét nghiệm Creatinin?
Bệnh thận ít có dấu hiệu rõ ràng, vì vậy mà theo dõi nồng độ creatinin rất cần thiết. Xét nghiệm creatinin được thực hiện vì những lý do sau:
– Là một chỉ số xét nghiệm máu trong kiểm tra sức khỏe định kỳ để chẩn đoán và đánh giá chức năng thận.
– Đánh giá quá trình điều trị và theo dõi tiến triển bệnh thận.
– Theo dõi tác dụng phụ của một số loại thuốc có thể gây ngộ độc thận.
– Tầm soát bệnh thận ở bệnh nhân đái tháo đường, tăng huyết áp, lupus ban đỏ hệ thống, tăng acid uric máu, tăng canxi máu hoặc các bệnh lý khác làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận.
– Theo dõi chức năng của thận cấy ghép.
– Chẩn đoán khi bệnh nhân có dấu hiệu hoặc triệu chứng của bệnh thận.
Một số triệu chứng cảnh báo bệnh thận như:
– Mệt mỏi và khó ngủ;
– Chán ăn;
– Sưng ở mặt, cổ tay, mắt cá chân, đùi hoặc bụng;
– Đau vùng hông lưng dưới gần thận;
– Thay đổi lượng nước tiểu và tần số đi tiểu;
– Nước tiểu nhiều bọt, có màu cà phê hoặc có máu;
– Tăng huyết áp;
– Buồn nôn, nôn mửa.
3. Xét nghiệm định lượng Creatinin được thực hiện như thế nào?
Xét nghiệm creatinin được thực hiện như xét nghiệm máu thường quy khác. Nhân viên y tế sẽ lấy mẫu máu từ tĩnh mạch cánh tay hoặc bàn tay đựng trong ống nghiệm, sau đó đưa đến phòng thí nghiệm để phân tích. Thường xét nghiệm này không cần phải nhịn ăn trước khi lấy máu.
Tuy nhiên, creatinin thiếu tính nhạy và không xác định được các biến đổi chức năng thận mức nhẹ. Do đó, cần tính hệ số thanh thải của creatinin (clearance) từ nồng độ creatinin máu, tuổi và trọng lượng cơ thể.
Độ thanh thải creatinin còn được tính bằng nồng độ creatinin niệu kết hợp với creatinin máu, bằng cách thu thập nước tiểu 24h vào lọ đựng mà nhân viên y tế cung cấp.
4. Kết quả xét nghiệm Creatinine máu có ý nghĩa gì?
Mức creatinin máu cao phản ánh bệnh thận
Kết quả xét nghiệm creatinin máu thường được đánh giá cùng tiền sử bệnh, khám lâm sàng, các xét nghiệm máu (như định lượng ure), xét nghiệm nước tiểu (như albumin) hoặc siêu âm để chẩn đoán hoặc loại trừ chẩn đoán.
Tùy theo độ tuổi, giới tính, lượng cơ của mỗi người và phương pháp của từng phòng thí nghiệm mà giá trị tham chiếu của creatinin khác nhau. Giá trị tham khảo của creatinin huyết thanh ở người trưởng thành là: 53-115 µmol/L.
Nồng độ creatinin trong máu tăng có thể một số nguyên nhân như:
– Suy thận nguồn gốc trước thận: suy tim mất bù, mất nước, dùng thuốc lợi tiểu hay thuốc hạ huyết áp, xuất huyết, hẹp động mạch thận.
– Tổn thương cầu thận: tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh nhiễm amyloid, viêm cầu thận, lupus ban đỏ hệ thống, lắng động IgA tại cầu thận (bệnh Berger).
– Tổn thương ống thận: viêm thận – bể thận cấp hay mạn tính, sỏi thận, đa u tủy xương, tăng canxi máu, tăng axit uric máu, viêm nhú thận hoại tử, do chất độc (aminoglycosid, glafenin, phenacetin, rifampicin, amphotericin B, cisplatin, chì, thuỷ ngân, photpho, CCl4).
– Suy thận nguồn gốc sau thận: sỏi thận, ung thư tuyến tiền liệt, các khối u bàng quang, khối u tử cung, xơ hóa sau phúc mạc.
Creatinin trong máu thấp rất hiếm gặp, nó có thể xảy ra do một số nguyên nhân sau:
– Hòa loãng máu.
– Hội chứng tiết hormone chống bài niệu (ADH) không thích hợp.
– Tình trạng suy dinh dưỡng nặng.
– Một số bệnh cơ gây teo mô cơ.
– Có thai.
5. Những yếu tố ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm creatinin máu
Một số yếu tố sau đây có thể làm thay đổi kết quả xét nghiệm creatinin máu:
– Mẫu bệnh phẩm bị vỡ hồng cầu.
– Nồng độ creatinin vào cuối buổi chiều cao hơn buổi sáng từ 20-40%.
– Có chế độ ăn nhiều thịt.
– Một số loại thuốc có thể làm tăng nồng độ creatinin máu (Vd: Amphotericin B, androgen, arginin, acidascorbic, barbiturat, captopril, cephalosporin, chlorthalidon, cimetidin, clofibrat, clonidin, corticosteroid, doxycyclin, meclofenamat, methyldopa, testosteron…)
– Một số loại thuốc có thể làm giảm nồng độ creatinin máu (Vd: cefoxitin, cimetidin, chlorpromazin, marijuana, thuốc lợi tiểu nhóm thiazid, vancomycin).