1. Credit là gì?
“Credit” có nghĩa là “Tín dụng”, là một thỏa thuận hợp đồng thể hiện mối quan hệ giữa người cho vay và người đi vay. Trong quan hệ tín dụng, người đi vay có nghĩa vụ phải hoàn trả bên cho vay lượng tài sản gốc họ đã chuyển giao kèm theo lãi suất (nếu có) sau thời gian đã được thỏa thuận.
Trong đó, người vay có thể là cá nhân, doanh nghiệp với bên cho vay là ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng nào đó. Sản phẩm vay có thể ở dạng tiền, hàng hóa hoặc dịch vụ theo thỏa thuận.
Tuy nhiên, do sự phát triển của thị trường tài chính – ngân hàng, các sản phẩm tín dụng thường được hiểu là hoạt động vay mượn tiền.
2. Đặc điểm và vai trò của tín dụng
2.1 Đặc điểm của tín dụng
Khi đã hiểu Credit là gì, cá nhân và tổ chức tài chính cần nắm được một số đặc điểm cơ bản để có kiến thức sử dụng đúng giúp đảm bảo quyền lợi của mình:
– Tín dụng hoạt động dựa trên cam kết hoàn trả trong thời gian nhất định, cam kết này được ghi lại bằng hợp đồng pháp lý.
– Giá cả trong quan hệ tín dụng thực chất là lãi suất tín dụng.
– Thời hạn cho vay trong tín dụng được phân chia theo ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
– Hoạt động tín dụng thường có những quy định ràng buộc người vay và người cho vay như vay thế chấp (có tài sản thế chấp đảm bảo khoản vay), vay tín chấp (dựa trên uy tín và năng lực trả nợ của người vay),…
– Đối tượng tín dụng bao gồm: Đối tượng sử dụng vốn lưu động (chủ thể kinh tế dùng vốn để duy trì hoạt động hằng ngày như trả lương, mua nguyên vật liệu,..) và đối tượng sử dụng vốn cố định (doanh nghiệp dùng vốn để xây dựng nhà máy, đầu tư cơ sở hạ tầng,..).
– Tùy theo mục đích sử dụng vốn, tín dụng bao gồm tín dụng tiêu dùng (để phục vụ nhu cầu cá nhân) và tín dụng sản xuất – lưu thông hàng hóa (để vận hành hoạt động kinh doanh).
– Các chủ thể tín dụng bao gồm tín dụng ngân hàng, tín dụng thương mại và tín dụng nhà nước. Đây cũng được coi là hình thức tín dụng tiêu biểu trong nền kinh tế thị trường.
2.2 Vai trò của tín dụng
Hoạt động tín dụng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển đời sống và hoạt động kinh doanh của cá nhân và tổ chức:
– Tín dụng ra đời giúp đáp ứng nhu cầu về vốn của các cá nhân trong hoạt động chi tiêu, mua sắm, đời sống hay duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, lãi suất thu được từ các khoản vay là nguồn thu nhập quan trọng đối với các tổ chức tín dụng.
– Hoạt động tín dụng có ảnh hưởng tích cực đến nền kinh tế nước nhà, góp phần điều hòa dòng vốn trong nền kinh tế. Từ đó, vốn sẽ được chuyển giao từ những đối tượng chưa có nhu cầu sử dụng đến các cá nhân, tổ chức đang cần vốn gấp để phục vụ nhu cầu cuộc sống.
Tuy nhiên, với nhu cầu vay mượn tăng cao, nhiều cá nhân, tổ chức đã bị kẻ xấu lợi dụng sự hiểu biết hạn chế mà vô tình sập bẫy “tín dụng đen”. Đây là hình thức cho vay tiền với lãi suất cực cao, trái với quy định pháp luật, gây bất ổn đến tài sản và cuộc sống của người vay.
Bởi vậy, mỗi người cần thận trọng và có kiến thức đúng về hoạt động tín dụng.
3. Các hình thức tín dụng phổ biến hiện nay
Bên cạnh định nghĩa Credit là gì, bài viết cũng trình bày cụ thể về các hình thức phổ biến của tín dụng hiện nay. Theo đó, dựa vào chủ thể tham gia tín dụng, tín dụng được chia thành tín dụng ngân hàng, tín dụng thương mại và tín dụng nhà nước. Đây là hai hình thức tín dụng phổ biến trong nền kinh thế thị trường.
3.1 Tín dụng ngân hàng
Tín dụng ngân hàng thể hiện quan hệ vay và cho vay giữa ngân hàng với các cá nhân, tổ chức hoặc doanh nghiệp. Hình thức phổ biến của tín dụng ngân hàng là cho vay tiền tệ, giá trị tiền hoàn trả phải lớn hơn giá trị lúc cho vay. Khoản lãi nhận từ khách hàng dùng để chi trả chi phí hoạt động và tạo lợi nhuận cho ngân hàng.
Trong quan hệ tín dụng ngân hàng, ngân hàng vừa là người cho vay đồng thời cũng là người đi vay. Với tư cách đi vay, ngân hàng phát hành chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu,.. để huy động vốn từ người mua. Ngược lại, với tư cách cho vay, ngân hàng cấp tín dụng cho cá nhân hay tổ chức.
Ngân hàng cho vay chủ yếu bằng vốn đi vay từ xã hội chứ không phải là vốn được sở hữu hoàn toàn như tín dụng thương mại. Do đó, mọi khoản tín dụng luôn có thời hạn để đảm bảo ngân hàng hoàn trả vốn khi khách hàng gửi tiền cần rút hoặc dùng vốn đó cho vay tiếp.
Ngân hàng cung cấp dịch vụ tín dụng cho khách hàng như cho vay tín chấp, vay thế chấp và thẻ tín dụng. Cho vay thế chấp là cho vay vốn của ngân hàng và yêu cầu khách hàng có tài sản đảm bảo.
Ngược lại cho vay tín chấp không cần thế chấp tài sản mà phụ thuộc vào sự uy tín, thu nhập người vay. Thẻ tín dụng cũng là loại hình vay vốn tạm thời và không cần trả lãi khi trả đúng hạn.
Tín dụng ngân hàng có nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với các hình thức tín dụng khác như sau:
– Ngân hàng là tổ chức uy tín nhất để khách hàng tìm đến thỏa thuận vay khi có nhu cầu.
– Tín dụng ngân hàng hoạt động trong phạm vi lớn do mạng lưới chi nhánh ở khắp lãnh thổ và thu hút mọi đối tượng trong nền kinh tế.
– Thời hạn cho vay đa dạng, có thể cho vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn do ngân hàng có khả năng tính toán, điều chỉnh các nguồn vốn để đáp ứng thời hạn vay theo thỏa thuận.
– Tín dụng ngân hàng có thể thỏa mãn nhu cầu về vốn tối đa của khách hàng do nó huy động được nguồn vốn lớn từ xã hội dưới nhiều hình thức.
3.2 Tín dụng thương mại
Tín dụng thương mại là quan hệ tín dụng giữa các doanh nghiệp mà không có sự tham gia của hệ thống ngân hàng.
Sản phẩm cho vay trong tín dụng thương mại là hàng hóa, được coi là một thành phần của vốn và thông qua hoạt động sản xuất của doanh nghiệp sẽ trở thành tiền. Hình thức phổ biến của tín dụng thương mại là mua bán chịu, trả góp hàng hóa hay ứng tiền trước khi nhận hàng.
Với hình thức mua bán chịu, trả góp, doanh nghiệp mua (bên vay) phải hoàn trả vốn gốc và lãi (nếu có) cho doanh nghiệp bán đến thời hạn thỏa thuận dưới hình thức tiền tệ. Tuy nhiên, bên vay thường không mất chi phí sử dụng vốn do hoạt động cấp tín dụng không có lãi trong thời gian nhất định.
Tín dụng thương mại ra đời xuất phát từ nhu cầu cần vốn tạm thời trong quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Với hình thức bán chịu hàng hóa, người bán (bên cho vay) đẩy nhanh lượng hàng hóa tiêu thụ, đồng thời thu hồi được vốn trước và tiếp tục thu được lợi tức tiền vay khi đến hạn. Người mua chịu (bên đi vay) có được hàng hóa đảm bảo hoạt động kinh doanh.
Tín dụng thương mại đóng vai trò quan trọng với doanh nghiệp và hoạt động sản xuất kinh doanh:
– Tín dụng thương mại đẩy nhanh hoạt động sản xuất, tạo điều kiện lưu thông hàng hóa để tạo ra các nguồn thu.
– Tín dụng thương mại giúp hoạt động sản xuất của doanh nghiệp ổn định, không trì hoãn do thiếu vốn và vận hành theo đúng quy trình.
– Nhờ quan hệ tín dụng thương mại, các doanh nghiệp mở rộng mối quan hệ hợp tác phát triển, chia sẻ lợi ích cùng nhau.
Tuy nhiên, quy mô tín dụng thương mại bị hạn chế so với các hình thức khác do phát triển và vận động theo chu kỳ sản xuất kinh doanh. Giá trị cho vay chỉ giới hạn trong khả năng nguồn hàng hóa doanh nghiệp có hiện tại. Tín dụng có thời hạn ngắn, thời gian vay vốn thường dưới 1 năm.
Hy vọng với những thông tin cung cấp trên đây, các bạn đã hiểu rõ về Credit là gì, đặc điểm của Credit (Tín dụng) và nắm được các hình thức phổ biến nhất của tín dụng. Từ đó các bạn có thể áp dụng hiệu quả trong cuộc sống giúp đảm bảo quyền lợi bản thân.
Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 19006192 ể được hỗ trợ, giải đáp chi tiết.