Ảnh minh họa.
Khi xem các bộ phim cổ trang Trung Quốc, chúng ta không khó để bắt gặp cảnh một người đàn ông thường đi lại vào ban đêm với câu cửa miệng “Thời tiết hanh khô, cẩn thận củi lửa” (hoặc “Trời hanh vật khô, đề phòng củi lửa”). Thực tế đây là một nghề có vai trò khá quan trọng ở xã hội xưa và được lịch sử ghi nhận.
Sự xuất hiện của nhân vật này cũng là điều dễ hiểu vào thời cổ – trung đại, khi đó đồng hồ chưa xuất hiện. Để nắm bắt thời gian trong ngày thì mọi người sẽ phải nhìn lên bầu trời, dựa vào độ cao của Mặt trời để ước chừng. Nhưng phương pháp này vào ban đêm thì gần như vô dụng. Cũng vì lí do đó, một nghề được gọi là “canh phu” xuất hiện.
Những người canh phu có nhiệm vụ báo hiệu cho mọi người đã gần đến nửa đêm đồng thời nhắc nhở về vấn đề phòng chống trộm cắp và hỏa hoạn. Bởi khi hỏa hoạn xảy ra thì sẽ lan rộng nhiều gia đình và thiệt hại rất khủng khiếp.
Nguồn gốc của nghề “Canh phu”
Nguồn gốc của nghề “canh phu” này bắt đầu từ trước khi Trung Quốc được thống nhất bởi Tần Thủy Hoàng tức là có từ thời Xuân Thu – Chiến Quốc.
Mọi người chưa gọi là “canh phu” mà gọi là “kê nhân”. Sở dĩ gọi là “kê nhân” vì đặc trưng của người này là báo hiệu giống như loài gà báo hiệu cho chúng ta thời gian vào buổi sáng. “Kê nhân” ám chỉ hình ảnh tương tự ở của người làm nghề này vào ban đêm.
Khi chưa có đồng hồ thì vào ban đêm những người canh phu sẽ hô lớn để cảnh báo mọi người đề phòng trộm cắp và cháy nhà (373cn.com)
Trong Sử ký Tư Mã Thiên phần “Mạnh Thường Quân liệt truyện” có ghi lại một câu chuyện thú vị về Mạnh Thường Quân (người trốn khỏi nướcTần và về sau là tể tướng nước Tề thời Chiến Quốc) có liên quan đến “kê nhân”.
Khi Mạnh Thường Quân trốn khỏi nước Tần, ông đi qua Hàm Cốc Quan vào lúc rạng sáng, binh sĩ thấy có dấu hiệu lạ, may thay, những “kê nhân” đã giúp ông cải trang và dạy ông các đánh chiêng, hô hào báo hiệu như một người làm nghề “kê nhân” bình thường rồi nhập hội vào nhóm của họ để thoát khỏi sự săn lùng của binh lính nước Tần.
Đây là câu chuyện dẫn tới một thành ngữ là “kê minh cẩu đạo” (giả tiếng gà để lừa chó) của người Trung Quốc.
Một người đàn ông tái hiện làm “canh phu” (Ảnh: 373cn.com)
Ngay cả trong sách Chu Lễ (sách ghi lại nghi lễ thời nhà Chu) cũng có nói đến vai trò của những nhân vật như thế này: “Kê nhân cầm chiêng của mình, trong các nghi lễ lớn của triều đình sẽ hô to để truyền đạt cho bá quan cùng biết để thực hiện lễ nghi.”
Còn ngày thường, “kê nhân” vẫn chịu trách nhiệm báo hiệu cho mọi người vào ban đêm cẩn thận trộm cắp và đề phòng hỏa hoạn. Sau này, những người như vậy đổi tên được gọi là ‘canh phu”. Họ được coi như một nhân viên hưởng lộc của chính quyền.
Không phải tự nhiên mà được chọn làm “canh phu”. Người được chọn có khi là được bầu ra, thường là người có sức khỏe, giọng nói lớn và được tín nhiệm. Vì đây là công việc vất vả, phải thức gần như suốt đêm.
Có thể đến Thành Đô để xem diễn viên nghiệp dư làm “canh phu” trong một số hoạt động (Ảnh: 373cn.com)
Khi đồng hồ xuất hiện, nhà cửa cũng trở nên kiên cố và phương tiện liên lạc cũng hiện đại hơn thì “canh phu” đương nhiên không còn cần thiết trong xã hội nữa. Đơn giản vì có nhiều cách tốt hơn để phòng ngừa trộm cắp và cháy nhà.
Tuy nhiên, nếu bạn muốn chứng kiến “canh phu” có thể đến huyện Vị Nguyên thuộc Giang Tây hoặc thị trấn cổ Hoàng Long Khê thuộc Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên. Những nơi này vẫn giữ “canh phu” như một phong tục thường được tái hiện trong một vài lễ hội.