“Cult” (cuồng giáo/cuồng tín) là gì? & Tại sao ta cần biết về “Cult”?

“Cult” (cuồng giáo/cuồng tín) là gì? & Tại sao ta cần biết về “Cult”?

Cult là gì

Hình minh họa phim tài liệu Wild Wild Country trên Netflix

Chúng ta đều đang sống giữa “cult(s)”

Mấy tuần gần đây tại Việt Nam, báo chí xôn xao đưa tin về một giáo hội tín ngưỡng mới đang được tuyên truyền mạnh mẽ ở các tỉnh, thu hút nhiều người bỏ cả gia đình, công việc, tiền bạc để cống hiến cho giáo hội. Hoạt động của hội giáo này như thế nào đến nay vẫn chưa có thông tin chính xác và kết luận cuối cùng từ các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, từ những thông tin ban đầu của giáo hội này, nhiều người đã liên tưởng đến cách làm của các trung tâm kinh doanh đa cấp lừa đảo trước đây với nhiều chiêu trò lôi kéo, mụ mị người dân tham gia những khóa học kinh doanh, làm giàu lên đến hàng giờ đồng hồ, thậm chí vài ngày liền. Để rồi những người tham gia có niềm tin đến độ “cuồng tín” vào sản phẩm, vào những người lãnh đạo, mà dám bỏ ra hàng đống tiền mua các sản phẩm không có giá trị hoặc tiếp tục lôi kéo thêm nhiều người vào đường dây “chân rết” khiến cho tan cửa nát nhà. Tôi có một người bạn học từng lún rất sâu vào con đường đa cấp lừa đảo này. Tôi từng nghe bạn thuyết giảng hàng tháng trời để cùng tham gia một nhóm bán máy lọc nước, từng chứng kiến bạn cùng một nhóm người trong hội hô vang những khẩu hiệu không-thể-nào-tưởng-tượng nổi, và cũng từng thấy gia đình bạn tan nát cũng chỉ vì con đường này. Và nếu bạn hỏi tôi, nó cũng không khác gì một loại tín ngưỡng mê muội, điên cuồng cả.

Mới thứ sáu tuần trước (giờ Mỹ), Allison Mack, nữ diễn viên dễ thương trong loạt phim truyền hình Thị trấn Smallville quen thuộc với khán giả 8x, 9x Việt Nam mới bị bắt vì cáo buộc liên quan đến NXIVM – một tổ chức bên ngoài là lớp học về phát triển bản thân, phát triển nữ quyền nhưng bên trong, rất nhiều nhân chứng đã kêu cứu vì bị lạm dụng tình dục, “tẩy não”, kiểm soát tâm lý, và ép phục dịch cho người đứng đầu tổ chức là Keith Raniere (người cũng đã bị bắt). Thực chất, hoạt động của NXIVM đã gây tranh cãi trong rất nhiều năm, thậm chí, tháng 12/2017 kênh truyền hình Mỹ ABC còn làm hẳn một phóng sự 20/20 xoay quanh các nhân chứng đã từng tham gia NXIVM và rung lên hồi chuông cảnh báo về hoạt động của tổ chức này. Bạn có thể đang tự hỏi, vậy tại sao đến tận bây giờ tổ chức này mới chính thức bị đưa ra pháp luật? Nhưng trước khi trả lời câu hỏi này, chúng ta hãy cùng nhìn lại một ví dụ lịch sử:

Vào đầu những năm 1970, tại California, Mỹ, một tổ chức tôn giáo mới có tên là People Temple (Đền Hội Chúng) phát triển rất mạnh mẽ dưới bàn tay của người lãnh đạo được tôn sùng, Jim Jones. Ban đầu, tôn giáo này được lập ra với mục đích kết nối những người thuộc tầng lớp thấp của xã hội để truyền đạo Thiên Chúa “kiểu mới” kết hợp với tư duy bình đẳng, phản đối đàn áp giai cấp của Chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, càng ngày, hoạt động của hội càng biến tướng, có biểu hiện “tẩy não”, thao túng và khủng bố về tâm lý. Khi hoạt động của hội bắt đầu bị giới chức Mỹ để ý nhiều hơn, Jim Jones quyết định làm một cuộc di dời trụ sở hội cùng nhiều giáo chúng đến Guyana (một mảnh đất thuộc địa Anh) để lập ra một cộng đồng sống mới có tên là “Jonestown”. Ban đầu, cuộc sống ở Jonestown diễn ra tốt đẹp, nhưng càng ngày, đời sống của người dân càng khốn khổ do bệnh tật, bị ép lao động 11 giờ/ngày hoặc hơn với mục đích “cao cả” là xây dựng một thiên đường mới. Có một số người muốn dời bỏ Jonestown nhưng không tìm cách nào thoát được. Đến tháng 11/1978, sau khi nhận được nhiều báo cáo trái chiều về Jonestown, một nghị sĩ Mỹ có tên là Leo Ryan đã đến tận nơi để điều tra và phỏng vấn người dân. Đa số người dân vẫn sùng bái Jim Jones và muốn ở lại Jonestown nhưng nhiều người cũng tỏ ý muốn bỏ đi và được nghị sĩ Ryan chấp thuận cho ra về cùng xe tải và máy bay với mình. Mặc dù nghị sĩ Ryan có nói với Jim Jones là sẽ làm báo cáo tốt về Jonestown vì dù gì, nhiều người dân vẫn tình nguyện ở lại đây, Jim Jones cảm thấy thất bại và hoảng loạn. Vì thế, Jim Jones cùng những người cuồng tín đã nã súng giết hại nghị sĩ Ryan cùng đoàn tùy tùng, cũng như tất cả những người định rời Jonestown. Ngay sau đó, vào ngày 18/11/1978, Jim Jones đã nói trên loa phát thanh của Jonestown thuyết phục người dân tự sát hàng loạt vì “chính nghĩa”, hắn tuyên bố rằng cái chết của họ sẽ tạo ra thay đổi tích cực trong lịch sử (bạn có thể nghe đoạn thuyết phục “rợn người” của Jim Jones tại đây). Thật kinh khủng là sau đó, 918 người dân (bao gồm trẻ nhỏ) đã răm rắp nghe theo uống thuốc độc tự sát hàng loạt (!) đây là một sự kiện kinh hoàng trong lịch sử của cả người Mỹ và nhân loại. Đến mức ngày nay người Mỹ có câu nói “Drinking the Kool-Aid” (dựa vào sự kiện người dân Jonestown trộn thuốc độc với nước ngọt Kool-Aid để tự sát) để chỉ về những người có niềm tin mù quáng, sẵn sàng làm bất cứ điều gì để theo tổ chức của mình. “Drinking the Kool-Aid” lại mở ra một câu hỏi lớn nữa: Làm sao con người có thể mụ mị, cuồng tín đến như vậy?

Để trả lời những câu hỏi này, chúng ta cần hiểu được một cách khát quát định nghĩa, cách thức hoạt động, và biểu hiện của những tổ chức dạng như thế này. Trên thế giới, bằng tiếng Anh, chúng được gọi chung là Cult (phát âm:| kəlt |).

Cult là gì?

Một số biểu hiện của cult

  • Cult thường được dẫn dắt bởi một hoặc một vài người lãnh đạo. Người lãnh đạo này thường có khả năng ăn nói rất tốt, có thần thái cuốn hút, có sức hấp dẫn mãnh liệt, thường nắm rõ kiến thức và thủ thuật kiểm soát suy nghĩ, tâm lý con người (mind-control). Người này thường được sùng bái một cách tuyệt đối bởi hội viên. Một số người có thể có tên gọi đặc biệt như “Giáo chủ”, “Vua”, “Anh cả”, “Người sáng lập”, “Người khai phá”, “Đấng tối cao”…)
  • Cult thường không khuyến khích phản biện và tư duy phản biện. Những suy nghĩ và lời nói trái lại với chí hướng của cult sẽ bị dập tắt ngay tức khắc
  • Cult thường yêu cầu thành viên trong hội phải “cống hiến”, thậm chí “hy sinh” một cái gì đó để thể hiện sự trung thành (có thể là vật chất, lao động chân tay, mối quan hệ xã hội, tình dục…)
  • Cult thường tập trung phát triển mạng lưới thành viên một cách dữ dội. Hội viên thường được tuyên truyền, kích động để thu nạp thêm hội viên mới – mỗi lần thu nạp được hội viên mới, người có công giới thiệu thường được hưởng lợi về vật chất hoặc quyền lực. Hội viên có ý định ra khỏi tổ chức thường bị đe dọa, ngăn cản, và có thể bị trừng phạt.
  • Cult thường hoạt động “bầy đàn”, có nơi sinh hoạt riêng. Ở một số cults, hội viên sống cùng nhau, tách biệt hẳn với xã hội. Đây cũng là một hình thức chia rẽ, cô lập hội viên để dễ dàng bị truyền bá tư tưởng mạnh mẽ hơn mà không có ai dòm ngó.
  • Cult có thể tách hội viên khỏi gia đình, đặt tầm quan trọng của “ý nghĩa cao cả của cuộc đời, của chúa trời” lên trên đời sống hàng ngày với gia đình, người thân, bạn bè. Với phương pháp này, hội viên càng trở nên cô lập hơn và càng dễ để cult lôi kéo.

Như vậy, những người theo cult sẽ càng ngày càng gần với lãnh đạo cult hơn và xa dời gia đình, cuộc sống hàng ngày của mình. Có những người sinh con và nuôi con khi đang ở trong một cult nào đó và những người con này cũng được thu nạp vào cult. Ví dụ như trong video dưới đây của Buzzfeed, hai trong số ba nhân vật được sinh ra trong cults:

Tại sao mọi người lại theo cult?

Bình thường mà nói, nếu không sinh ra dưới sự ảnh hưởng của tôn giáo hay triết lý nào cụ thể thì vì cớ nào những người trưởng thành lại sẵn sàng tự nguyện gắn với cult, tôn sùng lãnh đạo của cult, và nguyện chết (thậm chí sát hại mình và con nhỏ) để thể theo tâm nguyện chung của cult? Nguyên nhân có thể sâu xa và đáng sợ hơn bạn nghĩ:

  • Những người theo cult thường là những người đang ở vào giai đoạn bất ổn. Lãnh đạo và những chân rết của cult biết rất rõ ai là người họ có thể thao túng. Đó thường là những thanh niên, sinh viên trẻ còn bỡ ngỡ, chưa biết mình là ai, chưa rõ định hướng cuộc đời mình là gì — cult sẽ dụ dỗ họ, cho họ tin rằng theo cult họ sẽ có câu trả lời cho cuộc đời mình, sẽ kiếm được nhiều tiền, sẽ giúp người khác… Đối tượng thứ hai cult hay hướng đến là những người đang trong hoàn cảnh bấp bênh về tâm lý (như mới chia tay, ly dị, trải qua cú sốc), tài chính (thiếu tiền, mang nợ, bí bức trong cuộc sống), hay những người nhẹ dạ cả tin (phần đông là phụ nữ yếu ớt, ít chỗ dựa)
  • Lãnh đạo cult có những thủ thuật để mê hoặc người nghe. Họ có thể được học, tự học, hoặc được huấn luyện về thôi miên, tâm lý, kiểm soát trí não con người nên rất giỏi để thuyết giảng và thu hút người nghe hàng giờ đồng hồ. Bởi vậy, nếu đã có tâm lý không ổn định thì rất đễ bị cuốn vào cult. Đặc biệt, nếu người thu nhận bạn vào cult thưở ban đầu là người bạn tin tưởng, bạn càng dễ bị lôi kéo hơn.
  • Trong rất nhiều tổ chức cult, thành viên thường bị ép hoặc bị thuyết phục tham gia nhiều hoạt động liên tục, nghe thuyết giảng liên hồi, trong khi đó cho ăn rất ít calories để cơ thể hoạt động yếu đi, bắt ngủ rất ít để trí não trì trệ… Khi cơ thể đã mệt mỏi, đầu óc không sáng suốt, ngày nào cũng nghe đi nghe lại một thông điệp thì chẳng mấy chốc cũng trở nên mụ mị. Đây thường gọi là quá trình “tẩy não” (brainwash) của cult. Bởi vậy, một trong những biểu hiện của người tham gia cult (nhất là loại yêu cầu sống tập thể, bầy đàn), là họ rất gầy và xanh xao (vì ăn uống thiếu chất), ăn nói rập khuôn như rô-bốt (vì ngày nào cũng nghe đi nghe lại một bài giảng), và phong cách ăn mặc, đầu tóc cũng thay đổi rất nhiều (nhiều cult có cả quy định về đồng phục hoặc dấu hiệu trên người để biết là thành viên trong hội).

Một bộ phim rất hay miêu tả quá trình tẩy não của cult là Ticket to Heaven (Vé tới Thiên Đường) được sản xuất năm 1981. Bộ phim ám chỉ một tổ chức được xem là cult tới giờ vẫn còn hoạt động, có tên là Unification Church:

Làm sao để nhận ra và thoát khỏi cult?

Như đã viết, bởi những người theo cult thường đã trưởng thành, qua tuổi vị thành niên nên rất khó để can thiệp giúp họ nhận ra mục đích thực chất của cult và thoát khỏi cult. Ngoài ra, với nhiều người, tham gia cult còn đem lại cho họ nhiều lợi ích (như tự tin hơn, ăn nói tốt hơn, hòa đồng hơn, dạn dĩ hơn, quen với một cộng đồng khăn khít, thêm tiền bạc, quyền lực…) nên rất khó để họ nhận ra điểm bất ổn của cult. Bởi thế, người ta thường chỉ rời bỏ cult khi (1) nhận thức của bản thân thay đổi và (2) cult không còn tồn tại (do tự mất đi hoặc bị chính quyền can thiệp).

Trong những năm 1970 và đầu 1980, phong trào Chống Cult (Anti-Cult) diễn ra ở nhiều nơi. Nhưng vì chính quyền không thể can thiệp được trực tiếp nên nhiều gia đình đã phải thuê người bắt cóc thành viên gia đình mình là hội viên của cult để tiến hành deprogram (lập trình lại đầu óc cho những người từng bị tẩy não). Vì hành động bắt cóc này là trái pháp luật nên nhiều người đã phải vướng vào tù tội. Do vậy, trước khi làm điều gì dại dột, hãy cân nhắc những điều sau:

  • Để có thể chống cult, trước hết, ta cần phải hiểu rõ về cult. Đây là lý do mà ai trong chúng ta cũng nên biết về cult. Càng ngày cult càng biến tướng về hình thức, tinh vi hơn, nhiều thủ thuật hơn (nhất là cùng với khoa học phát triển với những phương pháp kiểm soát đầu óc, tâm lý con người). Hiểu về cult là cách tốt nhất để bảo vệ bản thân và những người thân yêu. (Bài viết này lập ra cũng là để giới thiệu thuật ngữ “cult” để mọi người có thể tìm hiểu thêm tài liệu quốc tế, biết được tên gọi của những loại hình cuồng tín khác nhau. Chia sẻ bài viết này hay những bài viết tương tự về khái niệm cult là cách hữu hiệu để truyền tải kiến thức đến nhiều người Việt hơn nữa)
  • Khi bước vào một tổ chức mới, hãy luôn đặt câu hỏi! Hỏi về tiền thân của tổ chức, nghiên cứu kỹ tính pháp lý của tổ chức, tìm hiểu kỹ lãnh đạo là ai, đừng nên tin tưởng ngay tất cả mọi điều trong lần gặp đầu tiên. Luôn luôn đặt câu hỏi!
  • Nếu còn thắc mắc liệu mình có đang trong cult hay không, hãy xem lại danh sách các biểu hiện của cult phía trên để có cái nhìn khách quan. Đặt câu hỏi cho người mình tin cậy – những người không ở trong tổ chức – và xin họ ý kiến về tổ chức của mình.
  • Nếu bạn tin rằng người thân của mình đang ở trong cult, trước hết, hãy giữ bình tĩnh!
    • Tìm hiểu kỹ lưỡng xem ai là lãnh đạo cult, họ hẹn gặp ở đâu, hoạt động như thế nào (có thể phải “đóng giả” hội viên một thời gian ngắn để biết được địa điểm và lịch trình của cult — vì những thông tin này rất quý giá sau này khi cult tìm cách lẩn trốn).
    • Cố gắng giữ liên lạc chặt chẽ với người thân, thường xuyên tỏ ra yêu thương với họ và giảng giải nhẹ nhàng đúng-sai. Vì thủ thuật của cult là chia tách hội viên bằng niềm tin mù quáng nên nếu ta càng làm căng lên với người đã bị “tẩy não” thì ta lại càng càng đẩy họ xa hơn vào cult và khó có thể kéo lại được.
    • Mỗi khi có cơ hội tiếp cận người thân, hãy cố gắng chăm sóc họ, cho họ ăn uống đầy đủ (để đảm bảo trí tuệ và thể chất được minh mẫn), và gợi ý họ đi xa một chuyến nghỉ ngơi, thư giãn (để tách khỏi cult và có thời gian cho đầu óc được trở lại trạng thái bình thường).
    • Quan trọng hơn cả, hãy tìm ra nguyên do thực sự tại sao họ tham gia cult. Vì những người dễ bị cult thu hút thường có vấn đề bấp bênh nào đó trong cuộc sống, nếu tìm ra được nguyên do này và giải quyết nó hoặc xoa dịu được nó, người hội viên sẽ không còn nhiều lý do phải quay lại cult
    • Đồng thời, thông báo với cơ quan chức năng và truyền thông về hoạt động của tổ chức, yêu cầu họ tìm hiểu xem đó có đúng là cult hay không, có làm điều gì khuất tất, lừa đảo, phạm pháp hay không. Từ đó, ngăn chặn được ảnh hưởng của cult đến thêm nhiều người nữa.

==

Tôi hy vọng bài viết này cho bạn đọc cái nhìn toàn cảnh về cult. Như đã viết, đây chỉ là một nỗ lực nhỏ bé của tôi để mở ra cuộc đối thoại ban đầu về cult. Còn rất nhiều điều lớp lang, phức tạp về cult mà bài viết này chưa thể chạm tới. Nhưng tôi tin tưởng rằng kiến thức có thể nhân rộng được, nếu ta tìm được đúng “từ khóa”. Hãy cùng nhau tiếp tục tìm hiểu về cult để bảo vệ bản thân và ngăn chặn cộng đồng khỏi tác động xấu của những tổ chức cuồng tín, lừa đảo, trá hình. Hãy bắt đầu cuộc đối thoại về cult!

Be Present,

Chi Nguyễn

*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog