Đảng Cộng sản Việt Nam là tổ chức Đảng duy nhất của Việt Nam, chịu trách nhiệm lãnh đạo nhân dân kháng chiến giành độc lập dân tộc trong thời chiến, phát triển kinh tế đất nước trong thời bình. Để tạo nên một tổ chức Đảng vững mạnh cần rất nhiều thành tố cấu thành nên. Một trong số đó là tổ chức cơ sở Đảng. Vậy Đảng bộ cơ sở là gì? Vai trò, nhiệm vụ của tổ chức cơ sở Đảng ra sao? Dưới đây là phân tích làm rõ vấn đề này.
1. Vai trò của Đảng cộng sản Việt Nam:
– Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền và là chính đảng duy nhất được phép hoạt động tại Việt Nam theo Hiến pháp.
– Đảng cộng sản Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc của Việt Nam. Nhờ có Đảng Cộng sản Việt Nam và chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Việt Nam ta đã thoát khỏi ách thống trị của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đất nước ta hoàn toàn giành được độc lập. Sau khi đất nước được giải phóng, Đảng cộng sản Việt Nam tiếp tục hỗ trợ, dẫn dắt người dân phát triển kinh tế đất nước.
– Đảng cộng sản Việt Nam có các vai trò cụ thể như sau:
+ Đảng cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội.
+ Đảng cộng sản Việt Nam là một bộ phận trong hệ thống chính trị, làm việc và tuân thủ nghiêm cũng như chịu trách nhiệm theo Hiến pháp và pháp luật.
– Có thể khẳng định, Đảng cộng sản Việt Nam là lực lượng tiên phong, lãnh đạo và quản lý đất nước Việt Nam.
– Để Đảng cộng sản Việt Nam phát huy đến mức tối đa chức năng và vai trò của mình, luôn cần có những tổ chức nhỏ trong cơ cấu tổ chức Đảng. Đặc biệt là tổ chức cơ sở Đảng.
Xem thêm: Đảng ủy là gì? Đảng bộ và Đảng ủy khác nhau như thế nào?
2. Khái niệm Đảng bộ cơ sở:
– Đảng bộ cơ sở là khái niệm quen thuộc, gắn liền với các quy định liên quan về Đảng cộng sản Việt Nam. Về cơ bản, Đảng bộ cơ sở là một trong những thành tố trong chuỗi vận hành của bộ máy tổ chức Đảng.
– Theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Điều lệ Đảng Cộng Sản Việt Nam, tổ chức cơ sở Đảng là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở.
– Tổ chức cơ sở Đảng gồm chi bộ cơ sở và đảng bộ cơ sở.
Như vậy, có thể hiểu Đảng bộ cơ sở là một bộ phận cấu thành nên tổ chức cơ sở Đảng. Nó có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc góp phần thúc đẩy sự phát triển của Đảng cộng sản Việt Nam nói chung, công tác vận hành hoạt động của tổ chức cơ sở Đảng nói riêng.
Xem thêm: Ủy viên ban chấp hành Đảng bộ xã khi nghỉ thai sản có được hưởng phụ cấp không?
3. Nhiệm vụ của tổ chức cơ sở Đảng:
– Điều 21 Điều lệ Đảng cộng sản Việt Nam 2011 quy định về tổ chức cơ sở Đảng như sau:
+ Tổ chức cơ sở đảng (chi bộ cơ sở, đảng bộ cơ sở) là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở.
+ Ở xã, phường, thị trấn có từ ba đảng viên chính thức trở lên, lập tổ chức cơ sở đảng (trực thuộc cấp uỷ cấp huyện). Ở cơ quan, doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp, đơn vị quân đội, công an và các đơn vị khác có từ ba đảng viên chính thức trở lên, lập tổ chức đảng (tổ chức cơ sở đảng hoặc chi bộ trực thuộc đảng uỷ cơ sở); cấp uỷ cấp trên trực tiếp xem xét, quyết định việc tổ chức đảng đó trực thuộc cấp uỷ cấp trên nào cho phù hợp; nếu chưa đủ ba đảng viên chính thức thì cấp uỷ cấp trên trực tiếp giới thiệu đảng viên sinh hoạt ở tổ chức cơ sở đảng thích hợp.
+ Tổ chức cơ sở đảng dưới ba mươi đảng viên, lập chi bộ cơ sở, có các tổ đảng trực thuộc.
+ Tổ chức cơ sở đảng có từ ba mươi đảng viên trở lên, lập đảng bộ cơ sở, có các chi bộ trực thuộc đảng ủy.
+ Những trường hợp sau đây, cấp ủy cấp dưới phải báo cáo và được cấp ủy cấp trên trực tiếp đồng ý mới được thực hiện: Lập đảng bộ cơ sở trong đơn vị cơ sở chưa đủ ba mươi đảng viên; Lập chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở có hơn ba mươi đảng viên; Lập đảng bộ bộ phận trực thuộc đảng ủy cơ sở.
– Theo quy định tại Điều 23 Điều lệ Đảng cộng sản Việt Nam 2011, tổ chức cơ sở Đảng có các nhiệm vụ sau:
+ Tổ chức cơ sở Đảng có nhiệm vụ chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đề ra chủ trương, nhiệm vụ chính trị của đảng bộ, chi bộ và lãnh đạo thực hiện có hiệu quả.
+ Xây dựng đảng bộ, chi bộ trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ; nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng, thực hiện tự phê bình và phê bình, giữ gìn kỷ luật và tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng; thường xuyên giáo dục, rèn luyện và quản lý cán bộ, đảng viên, nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng, tính chiến đấu, trình độ kiến thức, năng lực công tác; làm công tác phát triển đảng viên.
+ Lãnh đạo xây dựng chính quyền, các tổ chức kinh tế, hành chính, sự nghiệp, quốc phòng, an ninh và các đoàn thể chính trị – xã hội trong sạch, vững mạnh; chấp hành đúng pháp luật và phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
+ Liên hệ mật thiết với nhân dân, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân; lãnh đạo nhân dân tham gia xây dựng và thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
+ Kiểm tra, giám sát việc thực hiện, bảo đảm các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và pháp luật của Nhà nước được chấp hành nghiêm chỉnh; kiểm tra, giám sát tổ chức đảng và đảng viên chấp hành Điều lệ Đảng.
Như vậy, có thể thấy, tổ chức cơ sở Đảng có nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác thúc đẩy sự phát triển của vai trò Đảng nói chung, hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, phục vụ đời sống của người dân nói chung. Những nhiệm vụ mà Nhà nước đưa ra là cơ sở để điều chỉnh hoạt động của Đảng viên trong tổ chức cơ sở Đảng. Từ đó, góp phần quan trọng vào việc phát huy tối ưu vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam với sự phát triển của Nhà nước, nhân dân.
4. Vai trò của tổ chức cơ sở Đảng:
Thực hiện tốt những nhiệm vụ mà Nhà nước đưa ra, tổ chức cơ sở Đảng đã thể hiện một cách rõ ràng và sâu sắc vai trò của mình. Cụ thể:
– Tổ chức cơ sở Đảng là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị cơ sở. Do đó, nó có vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc duy trì sự vững mạnh của Đảng. Đảng cộng sản Việt Nam vững mạnh, đạt được những thành tựu quan trọng trong công tác quản lý, lãnh đạo nhân dân phát triển như ngày này, một phần rất lớn là dựa vào tổ chức cơ sở Đảng.
– Tổ chức cơ sở Đảng được xem là cấp tổ chức cuối cùng trong hệ thống tổ chức bốn cấp của Đảng cộng sản Việt Nam. Thực chất, ngay trong tên gọi của mình, tổ chức cơ sở Đảng chính là nền tảng cơ sở, là cấp tổ chức sâu rộng nhất, gắn với các đơn vị cơ sở trên toàn lãnh thổ và các ngành, các lĩnh vực của đời sống xã hội.
– Đảng cộng sản Việt Nam có nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý Nhà nước Việt Nam. Do đó, tổ chức cơ sở Đảng sẽ bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng tới từng cơ sở, từng đảng viên và từng người dân. Hay nói cách khác, đây được xem là tổ chức nền tảng nhất, giúp Đảng hoàn thành tốt sứ mệnh của mình.
– Tổ chức cơ sở Đảng giúp mối quan hệ giữa Nhà nước và người dân được gắn bó và bền chặt hơn. Khi trực tiếp hoạt động, quản lý người dân, tổ chức cơ sở Đảng sẽ biết được tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của người dân như thế nào. Từ đó, đưa ra những biện pháp hỗ trợ kịp thời.
– Tổ chức cơ sở Đảng là tổ chức trực tiếp thực hiện các chủ trương, chính sách mà Đảng và Nhà nước đưa ra; hướng dẫn người dân thực hiện các chủ trương, chính sách đó. Điều này góp phần to lớn vào việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế, đất nước. Sự thống nhất trong quản lý và hoạt động giữa Đảng và nhân dân.
Vai trò của tổ chức Đảng sẽ đạt đến mức tối ưu nếu tổ chức này thực hiện tốt các nhiệm vụ theo quy định của pháp luật. Tổ chức cơ sở Đảng không chỉ là một thành tố, mắt xích quan trọng trong tổ chức Đảng, mà nó còn là cầu nối giữa Đảng cộng sản Việt Nam với người dân. Đây được xem là nơi người dân thể hiện những tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của mình. Đời sống của người dân sẽ được phát triển toàn diện hơn, niềm tin với Đảng cộng sản trong nhân dân sẽ được củng cố, nếu tổ chức cơ sở Đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ, và phát huy đến mức tối đa vai trò của mình.