Đạo diễn là gì và một người đạo diễn sẽ phải có trong tay những yếu tố nào để thành công? Vị trí đạo diễn là một trong những nghề được trọng vọng nhất trong giới nghệ thuật, bởi họ là người cầm trịch của các dự án điện ảnh, các chương trình giải trí và hơn thế nữa.
Nếu bạn có hứng thú và muốn theo đuổi nghề đạo diễn, bài viết của Glints chắc chắn sẽ hữu ích cho bạn!
Nghề đạo diễn là gì?
Đạo diễn (director, filmmaker) là người đứng sau chỉ đạo và kiểm soát quá trình thực hiện các tác phẩm nghệ thuật, thường là phim điện truyền hình hoặc điện ảnh. Người đạo diễn đóng vai trò cực lớn trong thành công của một bộ phim, bởi họ là người đặt nền móng, định hình, và hướng dẫn đoàn làm phim cùng diễn viên thực hiện hoá tầm nhìn đó.
Cấp trên duy nhất của các đạo diễn là hang phim tài trợ và nhà sản xuất phim, Khác với nhà sản xuất, một director thường chịu trách nhiệm đưa ra các quyết định sáng tạo.
Ngày nay, nghề đạo diễn hoạt động trong nhiều lĩnh vực đa dạng như:
- Phim tài liệu
- Phim truyền hình
- Phim điện ảnh
- Các chương trình truyền hình, v.v.
Mô tả công việc của đạo diễn
Vậy chi tiết công việc của một đạo diễn bao gồm những gì? Tại sao nói vai trò của đạo diễn là rất lớn trong mỗi tác phẩm?
Tuỳ vào từng loại hình nghệ thuật mà nhiệm vụ của đạo diễn sẽ có các đặc thù riêng. Tuy nhiên, nhìn chung, công việc của một đạo diễn bao gồm:
Chọn kịch bản
Ở bước đầu tiên, đạo diễn sẽ là người lựa chọn kịch bản từ các biên kịch. Đạo diễn cũng có thể là người hợp tác với biên kịch hoặc chịu trách nhiệm hoàn toàn trong việc tạo ra kịch bản.
Tập hợp ekip làm phim
Sau khi đã lựa được kịch bản ưng ý, đạo diễn sẽ chuyển sang liên lạc với các thành viên để thành lập đoàn làm phim, như quay phim (cameraman), trợ lý trang điểm, đạo cụ, đội hậu cần, phục trang, v.v.
Đôi lúc đạo diễn cũng có thể nhận lời mời làm phim từ các đối tác hoặc khách hàng.
Tuyển chọn diễn viên (Casting)
Khâu chọn diễn viên thích hợp là một bước tối quan trọng. Lựa chọn được diễn viên phù hợp với vai diễn và kịch bản thì bộ phim mới có thể để lại dấu ấn. Những diễn viên từ chính, phụ, có thể là cả diễn viên cameo cũng được lựa chọn trực tiếp hoặc dưới sự chỉ đạo của đạo diễn.
Đọc thêm: Vai Diễn Cameo Là Gì? Tìm Hiểu Về Diễn Viên Cameo
Chỉ đạo làm phim
Với những gì đã có, đạo diễn sẽ là người chỉ đạo dàn cảnh, dàn dựng trong từng cảnh quay để có thể hình thành các thước phim ấn tượng nhất.
Chỉ đạo diễn xuất
Công việc của đạo diễn ở công đoạn này, kết hợp với diễn xuất và sự phối hợp ăn ý của diễn viên, là kim chỉ nam quyết định sự đáng xem của một tác phẩm nghệ thuật. Đạo diễn sẽ hướng dẫn diễn viên nên làm gì, thể hiện cảm xúc ra sao trong các phân cảnh khác nhau.
Hậu kỳ
Sau khi đã quay lại các đoạn phim theo kịch bản, đạo diễn sẽ cùng các biên kịch, nhân viên đoàn làm phim, và kỹ thuật viên tiến hành dựng và biên tập. Các công việc sẽ bao gồm chỉnh sửa, tráng phim, sắp xếp, chỉnh âm nhạc, màu sắc, hiệu ứng, và kỹ xảo, v.v.
Chưa dừng lại ở đó, đạo diễn đôi khi cũng tham gia hoạt động quảng bá và truyền thông để mở rộng độ nhận diện cho bộ phim.
Đọc thêm: Giám Đốc Nghệ Thuật Là Gì? 5 Yếu Tố Của Một Art Director Chuyên Nghiệp
Học những gì để trở thành đạo diễn?
Học vấn và kiến thức cần thiết để làm nghề đạo diễn là gì? Nhiều đạo diễn phim ảnh đã theo học các trường nghệ thuật hoặc về điện ảnh để có thể có được các kỹ năng cơ bản trong việc làm phim. Một khoá học đạo diễn thường kéo dài 5 năm.
Các môn chuyên ngành thuộc ngành đạo diễn điện ảnh, sân khấu bao gồm:
- Tác phẩm văn học (phân tích, giải mã)
- Phân tích kịch bản
- Âm nhạc
- Mỹ thuật
- Hóa trang nhân vật
- Phục trang
- Kiến thức về các cảnh quay, v.v.
Ngoài những các kỹ năng cơ bản về hậu cần và kỹ thuật, sinh viên học ngành đạo diễn còn phải học và tìm hiểu về những mối quan hệ nghề nghiệp trong quá trình sản xuất phim cùng các môn học chung khác.
Trước khi kết thúc các năm học, bạn thường sẽ cần có dự án phim ngắn hoặc tác phẩm riêng để có thể tốt nghiệp.
Sau khi ra trường, bạn có thể đi lên từ các vị trí như nhà biên kịch, quay phim, sản xuất, biên tập phim, trợ lý đạo diễn, hay diễn viên. Càng có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, bạn càng có cơ hội trở thành một đạo diễn thực thụ.
Tố chất đạo diễn cần có
Đạo diễn là người cầm trịch cho những dự án lớn và cần chịu trách nhiệm từ các khâu dù nhỏ nhất. Vì vậy để có thể thành công và tạo tiếng vang, đạo diễn sẽ cần có các tố chất sau:
Tài lãnh đạo
Công việc chính của đạo diễn là chỉ đạo và hướng dẫn. Vì vậy, khả năng lãnh đạo và lèo lái một quá trình là thật sự cần thiết ở nghề đạo diễn.
Tư duy sáng tạo
Giới nghệ thuật có hàng triệu tác phẩm và con số vẫn không ngừng tăng lên. Để có thể nổi bật, một đạo diễn cần có óc sáng tạo và tầm nhìn xa trông rộng để có thể đưa đến tác phẩm có 1-0-2.
Đã có không ít các đạo diễn thành công để lại ấn tượng trong lòng người hâm mộ với loạt tác phẩm kinh điển của mình.
Ví dụ, đạo diễn Christopher Nolan nổi tiếng với hàng loạt các bộ phim kinh điển như “Inception”, “Interstellar”, “Memento”, “The Dark Knight Trilogy”, v.v. Vị đạo diễn được xem là có chấp niệm với “thời gian” và những yếu tố “hack não” không đơn giản chỉ mang tính chất giải trí.
Không chỉ kiếm về bộn tiền với doanh thu phòng vé, Nolan đã thành công đem đến những kịch bản với nội dung sáng tạo nhất mọi thời đại.
Am hiểu văn hoá
Đạo diễn cần có kiến thức sâu rộng về không chỉ con người mà cả lịch sử, xã hội, đời sống, v.v. Có vậy, họ mới có thể đảm bảo không động chạm đến bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào.
Một trong những vấn đề gây tranh cãi mà các bộ phim gặp phải gần đây là sự mâu thuẫn với sự thật hoặc xuyên tạc lịch sử. Một bộ phim hoặc màn trình diễn sai sự thật hay mang tính xúc phạm đều có nguy cơ thất bại, kể cả nội dung có hay ho hoặc diễn viên có nổi tiếng đến đâu.
Khả năng giải quyết vấn đề
Trên một phim trường hay đằng sau cành gà của một chương trình, rất nhiều vấn đề khó lường có thể xảy ra. Ví dụ như lỗi trang phục, vấn đề sức khoẻ, thậm chí xung đột giữa các cá nhân.
Để công việc diễn ra suôn sẻ, đạo diễn cũng sẽ cần đến khả năng giải quyết xung đột và xử lý vấn đề nhanh nhạy. Từ đó quá trình sản xuất mới có thể đảm bảo tiến độ và hiệu quả cao.
Kỹ năng giao tiếp
Nghệ thuật giao tiếp là kỹ năng không thể thiếu, đặc biệt là khi đạo diễn là người phải tiếp xúc với nhiều người. Từ diễn viên, ekip làm phim, cho đến cánh nhà báo, giới truyền thông, một tính chất công việc của đạo diễn là phải trao đổi thông tin một cách khéo léo.
Một người thiếu khả năng giao tiếp sẽ khó có thể làm một đạo diễn được tin tưởng và có uy tín với đám đông.
Đọc thêm: Cách Giao Tiếp Hiện Tại Của Bạn Đã Hiệu Quả Chưa?
Khiếu thẩm mỹ
Một bộ phim, một vở kịch hay một chương trình thực tế cần đến nhiều yếu tố thẩm mỹ. Từ cách dàn dựng, màu sắc, âm thanh, mọi thứ đều đóng vai trò đánh vào phần nghe nhìn và cảm nhận của người xem.
Tố chất đạo diễn đương nhiên sẽ bao gồm khiếu thẩm mỹ tinh tế. Có vậy mới có thể chọn ra được góc quay độc đáo, tạo nên các tác phẩm đúng chất nghệ thuật.
Ngoài ra, để làm đạo diễn, bạn còn cần đến sự tỉ mỉ, chi tiết, có niềm đam mê với nghề, biết đồng cảm, lắng nghe, và luôn ham học hỏi.
Thu nhập của đạo diễn là gì?
Đạo diễn được gọi là nghề “hốt bạc”. Ở Việt Nam, các đạo diễn ít tên tuổi có mức thu nhập khoảng 4-7 triệu đồng/tập. Phim đạt chỉ số người xem càng cao thì con số sẽ càng tăng lên.
Trung bình, cát-xê của các đạo diễn có kinh nghiệm hơn sẽ dao động từ 8-12 triệu đồng/tập. Đã có các đạo diễn đạt đến mức 15 triệu đồng/tập.
Với các đạo diễn hàng đầu Hollywood, thông báo của NFI cho thấy tuỳ vào kinh nghiệm và chất lượng mỗi bộ phim, các đạo diễn điện ảnh thường kiếm về từ $250,000 đến $2,000,000 cho mỗi dự án.
Các đạo diễn mới thường “cá kiếm” $250,000 to $500,000/phim, còn các đạo diễn studio phim có thể đạt đến 1 triệu đô cho mỗi bộ phim.
Ngoài ra, đạo diễn phim ở Nhật có mức lương tối thiểu là 3,5 triệu yên/năm và đạo diễn Hàn Quốc thường kiếm được khoảng 300-500 triệu won cho một dự án phim.
Qua đây, chúng ta có thể thấy được thu nhập cực kỳ hấp dẫn của nghề đạo diễn. Tuy nhiên, để đạt được đến mức thu nhập đáng ganh tị này thì không đơn thuần là may mắn. Đạo diễn sẽ cần đến rất nhiều yếu tố đa dạng để có thể thành công.
Tạm kết
Đạo diễn là một công việc đáng mơ ước trong giới nghệ thuật. Họ có khả năng thực hiện hoá những ý tưởng sáng tạo của mình và đưa những tác phẩm đến với công chúng. Thế nhưng, để làm nên chuyện, bạn sẽ cần không ngừng học hỏi, sáng tạo, và trau dồi các kỹ năng, tố chất đạo diễn của mình.
Mong rằng với bài viết của Glints, bạn đã hiểu được công việc của đạo diễn là gì cũng như cần những gì để có thể thành công trong ngành nghề này.
Tác Giả