Đào Thất thốn là gì?
Đào Thất thốn là một loại đào cảnh cổ, hiếm và có sức sống rất mãnh liệt. Cây có dáng lùn, lá to, dài, có màu xanh đậm, từ gốc đến cành đều sùi phồng, nổi những u, mấu xù xì tạo nên vẻ cổ kính, phong trần hiếm có. Phần gỗ bên trong cây đào Thất thốn đỏ từ rễ lên tới búp, mầm nhọn và cứng cáp như lưỡi kiếm. Vỏ cây nếu bóc ra thì tím màu mận chín chứ không có màu gỗ như các loại đào thường.
Hoa đào Thất thốn thường nở bông to, cánh dày, hoa có màu hồng đậm, thiên về tông đỏ nên rất rực rỡ. Nhị hoa vàng, vươn lên kiêu sa trên nền hoa hồng thắm đem lại cảm giác ấm áp, xua tan cái lạnh giá của đất trời cuối đông đầu xuân. Nếu các loại đào khác thường đơm hoa từ những cành nhỏ thì đào Thất thốn có thể bất chợt đơm hoa từ những trụ gốc khô khốc, ở những nơi không tưởng nhất. Chính điểm khác biệt đó đã khiến cho giống đào này càng ngày càng được yêu thích.
Bên cạnh đó, thời điểm ra hoa của loài hoa đào Thất thốn cũng rất đặc biệt. Loài cây này thường không cho hoa đúng dịp Tết Nguyên Đán. Thay vào đó, đào Thất thốn thường chỉ ra hoa vào khoảng rằm tháng Giêng để đón “tháng ăn chơi”.
Đào Thất thốn đã có từ rất lâu trước đây nên ý nghĩa cái tên Thất thốn cũng có rất nhiều cách lý giải khác nhau. Có người cho rằng, tên gọi đào Thất thốn là do cứ khoảng 7 “thốn” (mỗi thốn bằng khoảng một đốt ngón tay) lại chia ra các cành nhỏ, mỗi đầu cành ra hoa hay có 7 bông tượng trưng cho chữ thất. Cũng có người cho rằng, lá của loại cây này dài 7 khoảng thốn, gấp 3 – 4 lần so với lá đào thường nên mới được đặt tên như thế. Ngoài ra, còn một thuyết nữa cho rằng, 7 năm cây mới ra hoa kép 7 tầng, mỗi tầng hoa có 7 cánh nên gọi là đào Thất thốn. Dù cho ý nghĩa cái tên Thất thốn là gì thì chúng ta cũng không thể phủ nhận được giá trị và vẻ đẹp của loài cây này.
Nguồn gốc đào Thất thốn tiến Vua
Nguồn gốc của loài đào Thất thốn đến nay vẫn là một bí ẩn. Ngay cả các cụ cao tuổi ở làng đào Nhật Tân cũng chỉ biết rằng từ khi lớn lên đã thấy Nhật Tân có đào Thất thốn. Tương truyền, vào thời phong kiến, đây là loài cây quý, hiếm lạ, rất khó tìm nên thường dùng để tiến cống lên Vua chúa mỗi dịp Tết đến, xuân về.
Ngày nay, đào Thất thốn đã được đưa vào trồng như một loại đào thương phẩm để phục vụ nhu cầu thưởng thức hoa của người yêu cây cảnh. Tuy nhiên, quy trình trồng và chăm sóc cây khá rắc rối và khắt khe nên số lượng đào thương phẩm cũng không có nhiều, mà giá trị thì luôn rất cao.
Theo những nhà vườn chuyên trồng đào Thất thốn tại Nhật Tân, muốn trồng được đào Thất thốn thì trước hết, đất trồng phải là đất thịt được đánh lên, phơi nỏ nắng, không để đất còn lại chút chất chua nào. Nước tưới cây cũng phải là loại nước sạch, thế thì cây đào mới trở nên thanh cao, tao nhã, giữ được vẻ đẹp nguyên sơ, thuần túy của nó.
Đào Thất thốn nguyên thủy vốn chỉ ra hoa sau rằm tháng Giêng, vì thế mà không kinh doanh được, chỉ dành cho mùa lễ hội sau Tết. Người trồng đào Thất thốn ở Nhật Tân đã tìm rất nhiều cách nhưng vẫn không “thuần hóa” được loài cây này nên có một khoảng thời gian, nghề trồng đào Thất thốn dần bị mai một. Mãi cho đến năm 2009, sau nhiều năm gắn bó miệt mài, một nghệ nhân ở Nhật Tân đã chinh phục được loại đào quý này, làm cho tất cả gốc đào Thất thốn trong vườn nở hoa đúng dịp Tết, nhờ vậy, nghề trồng đào Thất thốn tại Nhật Tân đã dần được khôi phục.
Mời bạn hãy cùng tham khảo một số hình ảnh đẹp về đào Thất thốn – giống đào quý dùng để tiến Vua.
Giá đào Thất thốn bao nhiêu? Mua ở đâu?
Đào Thất thốn hiện nay được trồng nhiều nhất tại Nhật Tân – Hà Nội, sau đó là Đà Lạt. Bạn có thể đến các nhà vườn chuyên về đào ở hai địa điểm này để có thể tìm mua cây đào yêu thích. Mỗi gốc đào Thất thốn được bán thường có tuổi đời tối thiểu 5 năm và cao nhất là 15 năm. Giá gốc đào Thất Thốn cho thuê hoặc bán có giá tối thiểu khoảng 10 đến 70 triệu đồng tùy theo kích thước cũng như độ tuổi của cây. Thậm chí, những gốc đào Thất thốn kích thước lớn, lâu năm có thể có giá lên đến vài trăm triệu đồng cũng là rất bình thường.
Nguồn: Meta.vn