Nội soi thanh quản: Khi nào cần thực hiện? Quy trình và lưu ý ra sao?

Dây thanh quản nằm ở đâu

Nội soi thanh quản là một kỹ thuật phổ biến, đơn giản và hiệu quả giúp bác sĩ chẩn đoán sớm và điều trị các vấn đề hay bệnh lý xảy ra ở vùng thanh quản. Vậy nội soi thanh quản là gì? Khi nào Bác sĩ chỉ định nội soi thanh quản? Hình ảnh nội soi thanh quản có thể giúp phát hiện những bệnh gì? Quy trình nội soi thanh quản ra sao? Bạn cần lưu ý gì khi nội soi họng/ thanh quản?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Trung tâm Thông tin Y khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM

Thanh quản là vùng quan trọng ở ở đường hầu họng giúp bạn thở, che khí quản khi nuốt, tạo ra âm thanh, giọng điệu trong giao tiếp và ca hát. Nội soi thanh quản thường là chỉ định cận lâm sàng mà các bác sĩ yêu cầu bạn thực hiện khi muốn thăm khám thanh quản, tai mũi họng hay đường hô hấp trên, ví dụ khi vùng cổ họng hay giọng nói của bạn có vấn đề.

Nội soi thanh quản là gì?

Nội soi thanh quản là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh nhằm thăm khám chi tiết bên trong họng và thanh quản của bạn thông qua một thiết bị y tế chuyên dụng được đưa sâu vào thanh quản (nằm giữa yết hầu và khí quản) để thu thập hình ảnh.

Thiết bị ghi nhận hình ảnh này có thể đơn giản chỉ là một tấm gương y khoa hoặc là một ống nội soi chuyên dụng có thể ống cứng hoặc ống mềm (một thiết bị hình ống nhỏ dài có gắn camera và đèn chiếu sáng ở đầu). Hình thức của thiết bị nội soi sẽ phụ thuộc vào phương pháp nội soi mà bác sĩ lựa chọn cho bạn.

Nội soi thanh quản là một thủ thuật y tế đơn giản, ít xâm lấn, bạn có thể xuất viện và ra về trong ngày. Thời gian nội soi thanh quản nhanh, thường chỉ mất từ 5-10 phút/lần hoặc từ 15-20 phút/lần tùy thuộc vào phương pháp nội soi mà bạn sẽ trải qua.(1)

Khi nào cần nội soi thanh quản?

Ai được chỉ định nội soi

Bác sĩ sẽ chỉ định nội soi thanh quản khi bạn xuất hiện các triệu chứng sau:

  • Mùi hơi thở: Hơi thở nặng mùi, không biến mất trong thời gian dài.
  • Rối loạn hô hấp: Thở khò khè, hụt hơi, thở khó như vướng vật gì ở cổ hoặc thở ồn ào, thở gấp.
  • Ho khan: Ho mãn tính lâu năm do hút thuốc, xuất huyết khi ho (ho ra máu).
  • Khó nuốt: Cảm giác khó chịu khi nuốt nước bọt hoặc thức ăn, cảm giác cổ họng bị tắc nghẽn, vướng víu như có dị vật.
  • Các vấn đề về cổ họng và giọng nói kéo dài hơn 3 tuần: Gồm đau rát họng kéo dài, sưng vùng cổ họng, khàn giọng, thay đổi giọng nói nói không ra hơi, không ra tiếng, giọng nói yếu hoặc bị biến chất âm thanh.
  • Sẹo hẹp khí quản: thở rít, khó thở kéo dài
  • Các vấn đề khác: Ù tai, đau bên trong tai dai dẳng không dứt, viêm thanh quản,…

Ngoài ra, nội soi thanh quản còn được chỉ định trong các trường hợp chẩn đoán và điều trị bệnh như:

  • Tầm soát bệnh: Hỗ trợ lấy mẫu sinh thiết đem đi xem nghiệm cận lâm sàng, tầm soát dấu hiệu ung thư cổ họng hay khối u ở vùng đầu, hỗ trợ quan sát trực diện điểm bất thường trên bản chụp CT của thanh quản.
  • Chữa trị: Cắt bỏ khối u nhỏ trong ung thư thanh quản giai đoạn đầu, cắt bỏ hạt polyp, cắt xơ trên dây thanh âm trong bệnh u xơ dây thanh.
  • Loại bỏ dị vật: Gắp dị vật bị mắc nghẹn như một đồng xu, một mẫu xương cá bị hóc khi ăn.(2)
Nội soi thanh quản ngay khi bạn có dấu hiệu ho khan và đau họng hơn 3 tuần không dứt

Các loại nội soi họng thanh quản

Thanh quản nằm ở mặt trước của vùng cổ, là vùng khuất hẹp nối giữa yết hầu và khí quản nên không dễ tiếp cận. Bệnh lý về thanh quản lại đa dạng và có nhiều mức độ nghiêm trọng khác nhau nên cũng đòi hỏi nhiều phương pháp nội soi họng thanh quản khác nhau cho từng trường hợp.

Cụ thể, hiện nay có hai hình thức nội soi thanh quản là nội soi gián tiếp và nội soi trực tiếp.

1. Nội soi thanh quản gián tiếp

Đặc điểm: Là hình thức nội soi đơn giản nhất, quy trình nội soi thanh quản gián tiếp chỉ kéo dài từ 5-10 phút cho mỗi lần nội soi. Bác sĩ sẽ xịt thuốc làm tê vòm họng cho bạn trước khi tiến hành thủ thuật. Phương pháp nội soi này không đòi hỏi gây mê hay cần bạn phải nhập viện. Bạn hoàn toàn có thể xuất viện trong ngày.

Chỉ định: Nội soi họng thanh quản gián tiếp thường được chỉ định trong các trường hợp bệnh lý đơn giản, có thể được chẩn đoán nhanh bằng mắt thường. Đây là lúc bác sĩ không có nhu cầu quan sát hay can thiệp sâu vào thanh quản của bạn (không cần cắt bỏ khối u hay lấy mẫu sinh thiết).

Cách tiến hành: Bác sĩ sử dụng một chiếc gương cầm tay cán dài (giống loại gương mà bác sĩ nha khoa thường sử dụng) để đưa sâu vào vòm miệng của bạn, đồng thời chiếu một tia sáng từ bên ngoài vào gương để quan sát được hình ảnh phản chiếu từ dây thanh quản trên lớp gương này. Hình ảnh nội soi thanh quản thu được từ gương sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán được bệnh lý thanh quản một cách nhanh và chính xác nhất.

Minh họa quy trình nội soi thanh quản gián tiếp bằng gương

2. Nội soi thanh quản trực tiếp

Đặc điểm chung: Đây là hình thức nội soi thanh quản phổ biến nhất. Quy trình nội soi thanh quản trực tiếp thường kéo dài từ 10-15 phút / liệu trình.

Chỉ định: Nội soi thanh quản trực tiếp có thể được áp dụng trong cả ba trường hợp chẩn đoán, theo dõi và điều trị bệnh. Đặc biệt là khi các bác sĩ cần quan sát sâu thanh quản, khu vực lân cận dây thanh, khi cần lấy mẫu mô sinh thiết hay trực tiếp muốn cắt bỏ khối u, poly, hạt xơ, xử lý dị vật,…cũng như các tình huống cần can thiệp vật lý khác.

Ngoài ra, nội soi thanh quản trực tiếp còn được chỉ định khi bệnh nhân bị suy hô hấp cấp cần phải đặt nội khí quản, trong những trường hợp đặt nội khí quản khó để hỗ trợ hô hấp.(3)

Phân loại: Nội soi thanh quản trực tiếp bao gồm hai phương pháp, đó là nội soi bằng ống cứng và nội soi bằng ống mềm.

2.1 Soi thanh quản ống cứng

Đặc điểm: Trong những trường hợp nội soi thanh quản ống cứng điều trị bạn sẽ được nhập viện nội trú và gây mê toàn thân khi tiến hành soi thanh quản bằng ống cứng. Điều đó có nghĩa là bạn sẽ ngủ thiếp đi và không hề thấy đau trong suốt quá trình nội soi kéo dài từ 30-45 phút.

Cách tiến hành: Với phương pháp nội soi thanh quản bằng ống cứng, bác sĩ sẽ sử dụng một ống nội soi bằng kim loại (không thể bị uốn cong) đè đầu lưỡi của bạn xuống và nâng nắp thanh quản lên nhằm đưa ống nội soi sâu nhất có thể vào bên trong thanh quản.

Ưu điểm: Nhờ ống nội soi cứng mà bác sĩ có thể tận dụng đưa thêm các dụng cụ y khoa khác qua kênh thủ thuật, men theo thành ống mà thực hiện các thao tác chữa trị, phẫu thuật hoặc lấy mẫu mô sinh thiết đem đi xét nghiệm nếu thấy có dấu hiệu bất thường.

Minh họa quy trình nội soi thanh quản trực tiếp bằng ống cứng hỗ trợ đặt nội khí quản

2.2 Soi thanh quản ống mềm

Đặc điểm: Bạn sẽ được tiêm hoặc xịt thuốc tê vào vùng mũi (hoặc miệng). Đôi khi thuốc thông mũi cũng được dùng để làm sạch và mở đường cho ống nội soi.

Cách tiến hành: Với phương pháp nội soi thanh quản bằng ống mềm, bác sĩ sẽ đưa một ống soi mềm (có gắn camera và đèn chiếu sáng ở đầu) vào mũi (hoặc miệng) của bạn, sau đó đưa ống soi xuống họng đến vị trí thanh quản cần quan sát.

Ưu điểm: Soi thanh quản bằng ống mềm cho chất lượng hình ảnh nội soi thanh quản rõ nét, có thể quan sát sau dây thanh, khí quản ; quy trình nội soi nhanh chỉ kéo dài từ 10-15 phút mà không cần gây mê.

Minh họa quy trình nội soi thanh quản trực tiếp bằng ống mềm

Quy trình nội soi thanh quản

1. Chuẩn bị

Việc chuẩn bị cho quy trình nội soi thanh quản của bạn sẽ phụ thuộc rất nhiều vào mục đích nội soi, loại ống soi được sử dụng, nơi bạn xét nghiệm và sức khỏe tổng thể của bạn. Tuy nhiên, nhìn chung thì việc chuẩn bị cho quy trình nội soi thanh quản bao gồm:

  • Khai báo: Hãy đảm bảo bạn khai báo đầy đủ và chính xác với bác sĩ tất cả các bệnh lý nền, thói quen sinh hoạt, tần suất sử dụng giọng nói (do đặc điểm ngành nghề) và về tất cả các loại thuốc mà bạn đang dùng (bao gồm vitamin, thảo mộc và chất bổ sung) cũng như các loại thuốc mà bạn dị ứng (nếu có).(4)
  • Tuân thủ chỉ định: Hãy chuẩn bị tinh thần để tuân thủ các chỉ định của bác sĩ như:
    • Khám sức khỏe cơ bản, chụp X-Quang ngực, chụp CT cắt lớp trước khi nội soi.
    • Không được ăn uống trong vòng 4 giờ trước khi nội soi; có thể uống thuốc cho bệnh mạn tính với một ngụm nước nhỏ trước nội soi 1 giờ.
    • Có thể được yêu cầu ngừng dùng một số loại thuốc nhất định như thuốc làm loãng máu (bao gồm cả aspirin), hoặc một số loại thuốc khác trong vài ngày trước khi nội soi trong trường hợp có sinh thiết.
  • Sẵn sàng tương tác: Với các dặn dò của bác sĩ, nếu có chỗ nào khó hiểu, bạn nên hỏi lại ngay để được giải đáp.
  • Nhờ người thân hỗ trợ: Trong tình huống nội soi thanh quản có gây mê, bạn chắc chắn sẽ cần ở lại bệnh viện để hồi sức và nhờ người thân chăm sóc, đưa về sau đó.
Chủ động khai báo với bác sĩ là cách chuẩn bị tốt nhất cho quá trình nội soi thanh quản

2. Thực hiện

Quy trình nội soi thanh quản bao gồm 06 bước chính:

Bước 01: Tư thế nội soi

  • Tư thế của bạn khi bước vào quy trình nội soi thanh quản sẽ phụ thuộc vào hình thức nội soi mà bác sĩ chỉ định:
  • Nếu là nội soi thanh quản gián tiếp hoặc nội sôi ống cứng: Bạn thường được ngồi thẳng lưng trên ghế, đối mặt trực tiếp với bác sĩ.
  • Nếu là nội soi thanh quản ống mềm: Bạn thường được nằm ngửa trên giường, còn bác sĩ sẽ đứng cạnh bạn để thao tác trong suốt quá trình nội soi.

Bước 02: Gây tê tại chỗ hoặc gây mê

Phương án gây tê hoặc gây mê cũng được cân nhắc sử dụng tùy theo từng trường hợp:

  • Nếu là nội soi thanh quản gián tiếp, ống cứng chẩn đoán hoặc trực tiếp bằng ống mềm: Bạn thường được xịt hoặc tiêm thuốc tê trực tiếp vào vùng mũi, miệng và họng để gây tê cục bộ.
  • Nếu là nội soi thanh quản trực tiếp bằng ống cứng can thiệp: Bắt buộc phải gây mê và bạn sẽ ngủ trong suốt quá trình nội soi.

Bước 03: Đưa ống nội soi vào thanh quản

Ở bước này, bác sĩ sẽ tiến hành đưa ống nội soi vào thanh quản của bạn. Nếu bạn không bị gây mê mà vẫn còn tỉnh táo, bạn sẽ cảm giác có chút buồn nôn hoặc buồn ho khi ống nội soi đi vào cổ họng. Cảm giác này sẽ biến mất nhanh chóng khi thuốc tê dần phát huy tác dụng.

Bước 4: Tiến hành chẩn đoán và điều trị

Hình ảnh nội soi thanh quản sau khi được truyền từ ống nội soi lên màn hình lớn bên ngoài, sẽ được bác sĩ quan sát, phân tích để đưa ra chẩn đoán và lên phác đồ điều trị.

Bước 5: Kết thúc quy trình nội soi

Ống nội soi sẽ dần dần được rút ra một cách nhẹ nhàng để hoàn tất quy trình nội soi thanh quản. Thông thường nội soi thanh quản chẩn đoán bạn sẽ được thực hiện tại phòng khám ngoại trú, không cần nhập viện.

Bước 6: Trả kết quả

Kết quả và hình ảnh nội soi thanh quản thường sẽ được gửi đến bạn liền ngay sau khi buổi nội soi kết thúc. Nếu có lấy mẫu sinh thiết để đem đi xét nghiệm thì kết quả xét nghiệm sẽ được gửi đến bạn sau vài ngày.

3. Lưu ý tác dụng phụ

Vùng họng, yết hầu và thanh quản của bạn phần lớn là vùng được cấu tạo từ lớp mô, niêm mạc và các nhóm cơ mềm nên rất nhạy cảm. Do đó, việc nội soi thanh quản cũng sẽ dễ dàng để lại một vài tác dụng phụ nhất định mà bạn cần nắm rõ như sau:(5)

3.1 Trong khi soi

Tác dụng phụ thường gặp trong khi soi thanh quản: Thông thường, quá trình nội soi sẽ diễn ra một cách nhanh chóng, nhẹ nhàng, không đau và không để lại ảnh hưởng tới sức khỏe của bạn. Tuy nhiên bạn cũng có thể gặp vài biến chứng nhỏ sau:

  • Rát họng
  • Nuốt khó do còn tác dụng của thuốc tê
  • Khạc ra máu trong trường hợp có sinh thiết sang thường vùng hầu họng thanh quản.

3.2 Sau khi soi

Bạn có thể ăn uống sau nội soi thanh quản gây tê sau 2 giờ.

Nội soi thanh quản có đau không?

Nội soi thanh quản không gây đau mà trải nghiệm nội soi khá nhẹ nhàng. Nguyên nhân là do trước khi nội soi, bác sĩ đã xịt hoặc tiêm thuốc tê cục bộ vào từng vùng nhất định nên bạn sẽ không nhận thấy cảm giác đau đớn. Nếu có cảm giác, đó chỉ là trải nghiệm hơi buồn nôn, buồn ho hoặc nhột nhẹ vùng yết hầu như muốn hắt hơi.

Với kỹ thuật y tế ngày càng hiện đại, ống soi thanh quản ống mềm nhỏ kết hợp với tay nghề cao của đội ngũ y bác sĩ thì bạn hoàn toàn có thể yên tâm quy trình nội soi thanh quản chỉ là một thủ thuật chẩn đoán hình ảnh đơn giản, dễ thực hiện và hoàn toàn không gây đau đớn.

Nội soi thanh quản bao nhiêu tiền?

Chi phí nội soi thanh quản nhìn chung dao động từ 200.000 VNĐ – 300.000 VNĐ cho giai đoạn chẩn đoán và từ 3.000.000 VNĐ – 20.000.000 VNĐ cho giai đoạn điều trị hoặc phẫu thuật. Bên cạnh đó, mức chi phí này có thể phát sinh thêm tùy thuộc vào các yếu tố như:

  • Phí khám dịch vụ (khám theo yêu cầu): Trong trường hợp bạn muốn khám với tiến sĩ, giáo sư hay phó giáo sư theo yêu cầu thì chi phí nội soi thanh quản sẽ tỉ lệ thuận với trình độ, uy tín, tay nghề của vị bác sĩ đó.
  • Phương pháp thăm khám: Nội soi thanh quản trực tiếp chi phí sẽ cao hơn nội soi gián tiếp.
  • Mục đích thăm khám: Nội soi thanh quản giai đoạn chữa trị, phẫu thuật thì chi phí sẽ cao hơn nội soi thanh quản giai đoạn chẩn đoán.
  • Địa điểm thăm khám: Bệnh viện tư nhân, bệnh viện có yếu tố nước ngoài sẽ có mức phí đắt hơn bệnh viện công.

Nội soi thanh quản ở đâu?

Bạn có thể dễ dàng đăng ký thăm khám, nội soi thanh quản ở bất kỳ cơ sở y tế uy tín nào có Chuyên khoa Chẩn đoán hình ảnh hoặc khoa Tai-Mũi-Họng.

Hiện nay, đơn vị hô hấp – khoa nội tổng hợp Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh là một trong những địa chỉ nổi tiếng, đáng tin cậy hàng đầu tại Việt Nam, được hàng triệu bệnh nhân tin tưởng đến thăm khám bệnh nói chung trong đó có nội soi thanh quản.

Bệnh viện Tâm Anh sở hữu cơ sở vật chất, hệ thống máy móc, trang thiết bị nội soi hiện đại hàng đầu, cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng dày kinh nghiệm. Khi đến nội soi thanh quản, bạn sẽ được hướng dẫn tận tình từ A-Z.

Để đặt lịch thăm khám, tư vấn các vấn đề về sức khỏe tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ:

Nội soi thanh quản có phải là một thủ thuật ngoại khoa không?

Nội soi thanh quản chẩn đoán là một thủ thuật nội khoa, bạn có thể tiến hành ở bất kỳ phòng khám tư nhân hay bất kỳ bệnh viện nào có chuyên khoa hô hấp mà không cần phải làm thủ tục nội trú nhập viện, ở lại bệnh viện qua đêm và hoàn toàn có thể xuất viện sau khi nội soi.

BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng đang tư vấn về vấn đề thanh quản cho một bệnh nhân. Ảnh: BVĐK Tâm Anh

Trên đây là toàn bộ những thông tin bạn cần biết về kỹ thuật nội soi thanh quản trong y khoa. Nội soi thanh quản hoàn toàn không gây đau đớn, không cần phải nghỉ dưỡng quá lâu nên nếu được bác sĩ chỉ định nội soi họng thanh quản thì bạn cũng đừng lo lắng. Xin chân thành cảm ơn!