Ăn uống lung tung, thừa chất này, thiếu chất kia
Độ tuổi dậy thì giống như một “bước chuyển mình” của cơ thể. Khi đó, gần như tất cả các bộ phận trên cơ thể đều phát triển mạnh mẽ, nên những đòi hỏi về chế độ dinh dưỡng lúc này là rất cao. Thế nhưng, rất nhiều bạn ở độ tuổi này lại thường ăn uống bừa phứa, ăn uống theo sở thích hay theo hứng, dẫn đến việc thừa chất này, thiếu chất kia…
Cơ thể cần có đủ các chất đạm, đường bột, canxi, sắt, kẽm, các loại vitamin và cả chất béo (khoảng 40-50gr mỗi ngày)… Việc đáp ứng thiếu hay nạp thừa bất kì chất gì đều gây ảnh hưởng tới sự phát triển đó, ảnh hưởng đến các bộ phận, chiều cao và đồng thời còn khiến bạn dễ bị mụn, da dẻ cũng xấu đi, nhất là khi thiếu nước, các vitamin…
Uống nhiều cà phê, nước ngọt, đồ uống có ga
Tuổi dậy thì càng cần có chế độ ăn uống cẩn thận bao nhiêu thì phần lớn trong chúng ta lại càng lơ là bấy nhiêu. Điển hình là việc uống nhiều cà phê, nước ngọt, đồ uống có ga hay các đồ uống tương tự. Điều này không tốt chút nào bởi các sản phẩm này rất có hại cho sức khoẻ và sự phát triển của cơ thể nếu sử dụng thường xuyên. Nó không chỉ kìm hãm sự phát triển của các bộ phận, gây ra sự phát triển sai lệch mà còn ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ và nhan sắc nữa đó.
Hay căng thẳng, stress
Ở tuổi dậy thì, ngoài những biến đổi bên ngoài trên cơ thể còn diễn ra sự biến đổi về mặt cảm xúc. Cảm xúc của chúng ta lúc này rất dễ thay đổi, dễ vui, dễ buồn và nhạy cảm hơn rất nhiều so với thông thường. Những tác động từ cuộc sống xung quanh dù rất nhỏ nhưng cũng có thể gây ra tác động rất lớn đến tinh thần của bạn, kéo theo đó là những hành động thiếu kiểm soát.
Chính bởi vậy, nếu không giữ cho tinh thần luôn vui vẻ, thoải mái, lại hay bị căng thẳng, stress thì không những gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của cơ thể mà còn gây nên nhiều căn bệnh như rối loạn tâm lý, trầm cảm, rối loạn hành vi… Những điều này gây nên hàng loạt hậu quả nghiêm trọng, khiến bạn không thể phát triển tốt, nghiêm trọng hơn còn ảnh hưởng đến tính cách, năng lực sau này.
Hay thức khuya
Điều này thì phải có tới 90% các bạn ở độ tuổi dậy thì mắc phải. Nó được coi như là một chuyện bình thường bởi… “ai mà chẳng thế”, thế nhưng bạn có biết, điều đó gây ra hậu quả cực nghiêm trọng. Thức khuya nhiều khiến mụn mọc tùm lum, da xấu đi, nhăn nheo, xuất hiện quầng thâm là điều mà ai cũng gặp, nhưng nếu điều này xảy ra ở độ tuổi dậy thì, thì việc khôi phục lại chúng sẽ cực kỳ khó. Chưa kể, thức khuya nhiều còn ảnh hưởng tới sức khoẻ và nhan sắc của bạn nữa.
Lười tập luyện/vận động
Tập luyện và vận động trong giai đoạn dậy thì có vai trò vô cùng quan trọng với sự phát triển của cơ thể nói chung và sự phát triển chiều cao nói riêng. Đây gần như là cơ hội duy nhất để chúng ta tăng chiều cao một cách nhanh chóng bởi sau tuổi dậy thì, chiều cao sẽ tăng cực chậm, thậm chí là không tăng nữa.
Ngoài tác dụng tăng chiều cao, việc tập luyện lúc này còn có tác dụng thúc đẩy các bộ phận trên cơ thể phát triển hoàn chỉnh, mang lại cho chúng ta một sức khoẻ tốt, phòng tránh rất nhiều bệnh và quan trọng là giúp bạn có một vóc dáng cân đối. Bởi vậy, sẽ không lạ với những ai đã ăn uống không lành mạnh lại còn lười tập luyện ở tuổi dậy thì mà có một vóc dáng “thùng phuy” hay “nấm lùn”.
“Mặc kệ” làn da mụn
Nhiều người hay có quan điểm rằng việc mọc mụn ở tuổi dậy thì là chuyện bình thường và “dậy thì xong là mụn tự hết ấy mà”. Quan điểm này hoàn toàn sai lầm và nếu bạn không chăm sóc da mụn đúng cách thì nó sẽ còn “bám theo” bạn dài dài, kể cả sau khi đã hết tuổi dậy thì hay trong trường hợp xấu hơn sẽ để lại sẹo, thậm chí nếu bị mụn nhiều còn có thể gây “rỗ” mặt.
Bởi vậy, nếu muốn dậy thì thành công, hãy tránh xa ngay những sai lầm này và cùng đón đọc các cách để dậy thì thành công trong bài viết tiếp theo nhé!
Lúc nào cũng “dính” lấy máy tính, điện thoại
Làn da tuổi dậy thì rất dễ bị ảnh hưởng. Việc ngồi máy tính hay sử dụng điện thoại thường xuyên cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến điều này. Nó khiến da khô, xám xịt, mọc mụn nhiều hơn.
Cùng với đó, thường xuyên dán mắt vào máy tính, điện thoại còn gây đỏ mắt, xuất hiện quầng thâm, khô mắt và giảm thị lực. Đây cũng là lý do khiến cho tỷ lệ người mắc cận thị, loạn thị ở độ tuổi dậy thì tăng cao hơn so với các lứa tuổi khác.