Chúng ta thường nghe đến sự hiện diện của cái đẹp, chứng kiến cái đẹp hay là nói về nó rất nhiều lần. Nhưng để thật sự đưa ra khái niệm về cái đẹp thì hầu như chúng ta sẽ không thể khái quát được nó, bởi vì cái đẹp chính là một phạm trù rộng lớn, vừa đơn giản nhưng cũng vô cùng phức tạp.
Đơn giản ở chỗ là chúng ta có thể dễ dàng cảm thụ được nó thông qua mọi giác quan trên cơ thể. Điều đó giúp cho mỗi người có thể tự hình dung ra cho bản thân một cảm giác, hình dáng, mùi vị, hương thơm,… cho “thứ” mà chính ta xem là cái đẹp.
Tuy nhiên, điều đó lại mang tính cá nhân và chưa thật sự đầy đủ, việc này đã dẫn đến sự phức tạp của loại phạm trù này. Đó là sự xuất hiện của nhiều quan niệm triết học khác nhau nhằm khái quát về sự tồn tại của cái đẹp. Vậy đẹp là gì? Những quan niệm đó là gì? Chúng có ý nghĩa như thế nào? Hãy cùng Aly Ngan tìm hiểu tường tận hơn thông qua bài viết sau đây nhé.
Đẹp là gì?
Sau quá trình lịch sử nghiên cứu và tìm hiểu, con người đã xác định cái đẹp chính là một phạm trù trung tâm của mỹ học. Điều này được chứng minh nhờ vào những vai trò mà cái đẹp đã và đang mang lại trong đời sống. Như vậy, trước hết, cái đẹp chính là những đặc tính của thế giới, luôn tồn tại trong xã hội, thiên nhiên, nghệ thuật, hay quá trình sản xuất vật chất và tinh thần,…
Phạm trù của cái đẹp được bắt nguồn từ hiện thực, từ cơ sở khách quan trong đời sống xã hội. Và cũng đồng thời thể hiện nhận thức của con người về những loại đặc tính thẩm mỹ đối với các hiện tượng, sự vật, sự việc, như là một hình thức khái quát của tư duy.
Quá trình xây dựng nhận thức con người dành cho cái đẹp là hết sức phức tạp. Nó đã phải trải qua một chặng đường rất dài, từ những hình ảnh trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng hay dễ hình dung hơn đó là từ những thứ cụ thể đến sự khái quát. Điều này được tác động bởi chính hai nhân tố quan trọng.
Thứ nhất, cái đẹp là bao hàm vô vàn các hiện tượng thuộc nhiều loại có tính chất khác nhau. Chẳng hạn như cái đẹp từ ánh trăng, ngọn núi, thiên nhiên, hoa cỏ,… Hoặc cái đẹp đến từ cử chỉ, lời nói, ngoại hình và cả tư tưởng, tâm hồn con người,… Có những cái đẹp đến từ tự nhiên, ở trong xã hội và cũng có cái đẹp do con người tạo ra.
Thứ hai, vẻ đẹp không chỉ đến từ những hình thái cụ thể bên ngoài, được biểu hiện ra một cách rõ ràng, sinh động mà nó còn đến từ cảm xúc và trực giác của con người. Con người là một giống loài đặc biệt, sở hữu thứ được gọi là cảm xúc, xuất phát từ chính bản thân con người nhằm mang lại những cảm nhân của riêng ta về một sự vật, hiện tượng nào đó. Điều này sẽ giúp con người cảm nhận được một cách rõ ràng về cái đẹp thông qua những cảm xúc và trực giác.
Và trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng đi tìm hiểu kỹ hơn về hai mặt của cái đẹp, những điều được con người nhắc đến trong suốt chiều dài lịch sử. Đó chính là vẻ đẹp ở hình thức và vẻ đẹp nằm ở nội tâm con người.
Đẹp ở hình thức là gì?
Vẻ đẹp nằm ở hình thức có thể dễ dàng hiểu nó là những cái đẹp có tính hữu hình, là hình ảnh trong tự nhiên mà con người có thể nhìn thấy, tiếp xúc,… thông qua năm giác quan của cơ thể. Đây là cái đẹp mà con người sẽ nhận ra ngay từ những cảm nhận đầu tiên, đem lại những ấn tượng đặc biệt có thể ghi sâu dấu ấn sâu đậm vào trong tiềm thức của con người.
Trong cuộc sống, có rất nhiều dạng của cái đẹp mang tính hình thức, nó có thể đến từ thiên nhiên, vẻ đẹp của nghệ thuật, hình thức bên ngoài của con người,… Và ta có thể thấy, cái đẹp ngoại hình con người đã trở thành một tác nhân quan trọng làm hình thành nên ngành mỹ phẩm, làm đẹp từ rất lâu trong quá khứ.
Đối với cái đẹp từ hình thức này, nó mang tính chất có thể thay đổi được từ các tác nhân bên ngoài và bên trong. Để dễ hiểu hơn thì chúng ta sẽ lấy ví dụ về vẻ đẹp ngoại hình của con người, ta hoàn toàn có thể làm đẹp nhờ vào các yếu tố bên ngoài như là phẫu thuật thẩm mỹ, sử dụng mỹ phẩm dưỡng da,…
Bên cạnh đó, con người cũng có khả năng thay đổi vẻ đẹp ngoại hình của chính mình nhờ vào quá trình kiên trì luyện tập thể dục thể thao, ăn uống lành mạnh,… Tuy nhiên, sự tác động nhằm làm thay đổi vẻ đẹp hình thức sẽ chỉ đúng đối với những thứ gần gũi, trong tầm với của con người.
Mặc khác, sẽ vô cùng khó khăn hoặc không thể làm thay đổi vẻ đẹp hình thức của các đối tượng đặc biệt khác, chẳng hạn như mặt trăng, mặt trời và các hành tinh,… Con người sẽ chỉ có thể nhìn ngắm nó chứ không thể nào thay đổi được nó.
Đẹp ở nội tâm là gì?
Khi nói đến cái đẹp nằm ở nội tâm, chúng ta luôn dành cụm từ này dành cho đối tượng là con người. Vì chỉ có con người mới có nội tâm, tâm hồn sâu sắc và đặc biệt phức tạp hơn tất cả các giống loài tồn tại trên trái đất.
Nhưng để có thể khái quát một cách dễ hơn về ý nghĩa của cái đẹp nội tâm, thì người Việt Nam chúng ta có câu: “Vừa đẹp người vừa đẹp nết”. Đẹp người, chính là cái đẹp về hình thức, còn đẹp “nết” thì có thể hiểu là người có một tâm hồn đẹp, yêu đời, yêu người, một con người tốt bụng và có nội tâm trong sáng,… Và đó cũng là một vài tính cách mà chúng ta có thể dùng để miêu tả một người có vẻ đẹp nội tâm.
Ngoài ra, vẻ đẹp trong nội tâm hoàn toàn tách rời so với cái đẹp của hình thức. Vì sao lại nói như thế? Bởi vì trong thực tế, một người xinh đẹp chưa chắc đã có một tâm hồn, nội tâm đẹp và ngược lại một người đẹp từ nội tâm cũng không cần phải có được vẻ đẹp hình thức.
Trong xã hội ngày nay, con người dần đánh giá cao hơn về cái đẹp của nội tâm, bởi vì nó bộc lộ được tính cách, tâm hồn, cách mà họ đối nhân xử thế trong đời sống. Đây là những yếu tố đặc biệt rất khó để thay đổi hoặc tu dưỡng, điều đó cũng tạo nên tính cố định của vẻ đẹp nội tâm. Tuy rằng con người có thể học cách làm cho nội tâm trở nên xinh đẹp hơn, tươi sáng hơn, nhưng nó sẽ cần rất nhiều thời gian và quyết tâm để thay đổi.
Tiêu chuẩn về cái đẹp có thật sự bất biến?
Trên thực tế, mỗi một thời đại sẽ có từng tiêu chuẩn khác nhau về cái đẹp. Và điều này đã được các nhà nghiên cứu sử học chứng minh từ những bằng chứng rõ ràng trong quá khứ. Ở thời xa xưa, chúng ta cần phải trải qua một triều đại để có thể thay đổi các tiêu chuẩn về cái đẹp, nhưng ngày nay chỉ cần khoảng từ 1 đến 5 năm để có không ngừng thay đổi các nhân thức về tiêu chuẩn cái đẹp.
Điều này chứng minh rằng các tiêu chuẩn về cái đẹp sẽ liên tục thay đổi và không bị bất biến trước những yếu tố xung quanh. Một ví dụ đơn giản chẳng hạn như là quan niệm ngày xưa cho rằng người con trai phải mạnh mẽ, nam tính, không phấn son. Nhưng ngày nay tiêu chuẩn này đã ngày càng thay đổi và trở nên thoáng hơn, người con trai có thể trang điểm nếu anh ấy thích.
Một số quan niệm khác nhau về cái đẹp
Trong suốt quá trình tìm tòi, nghiên cứu nhằm khái quát được quan niệm nhận thức về cái đẹp. Con người chúng ta đã nhận ra được ba quan niệm nổi bật sau đây.
Cái đẹp là thuộc tính khách quan của sự vật
Quan niệm này được con người khái quát có ý nghĩa rằng bản thân sự vật, tự nhiên đã chứa đựng cái đẹp và không bị lệ thuộc vào ý muốn của con người. Cùng với đó, những yếu tố như màu sắc, hình dáng của sự vật đều nằm ngoài ý thức của con người. Đây được xem là các thuộc tính tự nhiên của tạo vật trong cuộc sống.
Những nhà mỹ học trong quá khứ thuộc phái quan niệm cái đẹp là thuộc tính khách quan của sự vật đã có một vài phát ngôn nổi tiếng về cái đẹp, như sau:
- Platon: Ông cho rằng đường nét thẳng, đường tròn là những đường nét xinh đẹp.
- Họa sư Hogarth: Không đồng ý với quan niệm của Platon, ông Hogarth thì cho rằng đường cong và lượn sóng mới là đường đẹp. Bởi vì nó có tính chuyển động đa dạng, như là hình lượn sóng trong lúc nhảy múa, đường cong của mái tóc, đám mây hay đường uốn lượn trên cơ thể con người.
- Fechner: Quan niệm rằng cái đẹp nằm ở những tỉ lệ, chẳng hạn như hình chữ nhật đẹp khi có tỉ lệ các đường thẳng là 1/1,6.
- Leonardo De Vinci: Cũng thấy cái đẹp ở các tỉ lệ cụ thể, theo ông thì người đẹp chính là người có được tỉ lệ chiều dài thân mình gấp 7 lần chiều dài đầu.
- Pythagoras: Đối với ông, đường nét và hình thể đối xứng mới mang lại cái đẹp trong mắt ông.
- Bớcnơ: Xem cái đẹp là những vật có kích thước không quá lớn và cũng không quá nhỏ, có tính hài hòa và sự thống nhất của cái đa dạng,…
Ngoài những ý kiến trên thì vẫn còn tồn tại nhiều phát ngôn nổi tiếng khác nhằm chứng minh cái đẹp là thuộc tính khách quan của sự vật. Tuy nhiên, nếu khẳng định rằng cái đẹp nằm ở sự vật, là thuộc tính khách quan của nó thì chưa thật sự chính xác. Bởi vì những quan sát của các nhà mỹ học trong quá khứ dù có ý nghĩa thực tiễn nhưng nó chỉ ở một mức độ nhất định.
Các dấu hiệu mà những nhà mỹ học trên đề cập đến chỉ là những điều kiện để có thể dẫn tới cái đẹp. Và các dấu hiệu này sẽ luôn được bổ sung một cách vô cùng tận trong suốt chiều dài lịch sử. Do là bởi cái đẹp là vô cùng đa dạng và phong phú, khiến cho quan niệm của các nhà mỹ học trên trở nên sai lầm, vì họ đã tách rời nội dung cụ thể của các sự vật hiện tượng khỏi cái ý nghĩa xã hội quan trọng của nó.
Cái đẹp là sản phẩm do ý muốn chủ quan của con người
Theo một triết gia người Đức thuộc trường phái duy tâm chủ quan – Kant, từng nói: “Vẻ đẹp không nằm ở đôi má hồng của người thiếu nữ mà nằm trong mắt của kẻ si tình”. Nhờ câu nói này, ta hiểu được rằng đối với Kant, cái đẹp là sản phẩm được tạo ra từ ý thức của cá nhân con người. Có thể thấy, nhờ vào ý muốn chủ quan của con người mà sinh ra được cái đẹp.
Kant cũng đã đưa ra sự phân biệt dành cho hai khái niệm phán đoán, đó là phán đoán danh lý và phán đoán mỹ cảm. Phán đoán danh lý là lấy cơ sở từ khái niệm, còn phán đoán mỹ cảm sẽ dựa vào cảm giác cá nhân làm cơ sở. Trong đó, cảm giác luôn mang tính chủ quan, cá biệt, tùy người, tùy lúc và tùy nơi,…
Ngay trong quá trình cảm thụ thế giới bên ngoài, những sự vật, hiện tượng cảm tính, con người sẽ được truyền đạt cảm giác, đem lại cái hồn của sự vật. Nhờ đó, cái đẹp sẽ được nảy sinh bên trong quan hệ chiêm ngưỡng của chủ thể con người đối với khách thể – vẻ đẹp. Và bên ngoài của mối quan hệ này thì thế giới không đẹp và cũng không xấu, nó là phi thẩm mỹ.
Cái đẹp là cái sở hữu lợi ích thực dụng
Triết gia Socrate người Hy Lạp cổ đại, đã có những lý giải sâu sắc chứng minh rằng cái đẹp luôn luôn gắn liền với những lợi ích. Thậm chí là đánh động cái đẹp với những lợi ích thực dụng, cái gì đem lại lợi ích đều là cái đẹp.
Ông lý giải rằng cái mộc đẹp vì nó để tự vệ, còn cái giáo đẹp thì người ta có thể dùng sức mạnh để tấn công về phía quân thù. Đối với nhà mỹ học Socrate thì cái đẹp như một thứ vụ lợi. Điều này lại tạo nên sự sai lầm rất cơ bản trong quan điểm của ông khi đánh đồng cái đẹp với các lợi ích thực dụng.
Dù vậy, quan điểm của ông cũng mang một ý nghĩa quan trọng trong nhận thức con người về mỹ học. Nó định nghĩa được phần nào về quan niệm cho cái đẹp nhờ vào thực tiễn xã hội mà nó mang lại.
Sống đẹp là gì?
Cái đẹp có thể được cụ thể hóa thành các hành động mà con người thực hiện trong cuộc sống, biến nó thành một lối sống đẹp. Ngày nay, cụm từ này được rất nhiều người nhắc đến trong cuộc sống, chúng ta truyền tai nhau, khuyến khích nhau hãy sống đẹp lên. Vậy thì sống đẹp thực sự có nghĩa là gì?
Nói một cách khái quát thì sống đẹp có nghĩa là sống hết mình và không bao giờ chấp nhận khuất phục trước số phận, trở ngại trong cuộc sống. Có thể xem đây là một lối sống văn hóa, có tri thức, có tình người, không mang những suy nghĩ ích kỷ hay vụ lợi đối với người khác. Là một lối sống đem lại lợi ích cho cuộc đời, cho mọi người xung quanh.
Và nếu như bạn muốn tìm hiểu nhiều hơn về cụm từ sống đẹp thì đừng bỏ qua bài viết này nhé: Sống đẹp là gì?
Tổng kết lại, hẳn là bạn cũng nôm na hiểu được những thông tin cơ bản cho đến chi tiết về câu trả lời cho câu hỏi “Đẹp là gì?”. Bên cạnh đó, mong rằng bạn cũng có thể tìm được quan niệm về cái đẹp mà bản thân cho là đúng nhất, cũng như hiểu được tính không bất biến của cái đẹp. Sau bài viết này, hy vọng bạn sẽ tiếp tục ủng hộ Aly Ngan để đón đầu những bài viết bổ ích mới nhất nhé!