Xin chào các bạn. Hẳn là chúng ta đã biết kèn Harmonica có 3 loại phổ biến là Tremolo, Diatonic và Chromatic. 3 cái tên trên là cách gọi thông dụng ở Việt Nam. Mình viết bài này chủ yếu để giải thích các tên gọi đó, đồng thời cũng muốn truyền tải thông điệp: các tên gọi này không hoàn toàn tách biệt và có ranh giới rõ ràng với nhau.
Đây là bài viết mình đã đăng trên harmonica4u. ↓
Đầu tiên, để có cái nhìn cơ bản về khái niệm Diatonic và Chromatic, các bạn có thể đọc bài đầu trong topic 12 nốt nhạc trong âm nhạc phương Tây của harmonicist.
Sau đây mình xin phép trích lại 1 phần bài viết, bôi đen bôi đỏ và viết thêm vào những chỗ mình muốn nhấn mạnh.
Như vậy, theo định nghĩa trên, thang âm Diatonic là dãy 7 nốt cách không đều nhau. 1 trong những thang âm Diatonic phổ biến nhất là Major Scale (Dịch là thang âm trưởng phải không nhỉ???)
Major Scale là thang âm gồm 7 nốt nhạc: 1-2-3-4-5-6-7, rồi lại đến 1-…, trong đó khoảng cách giữa 3-4 là nửa cung, giữa 7-1 là nửa cung, còn lại các khoảng cách giữa các nốt kề nhau khác đều là một cung. Có 12 thang major, mỗi thang được gọi là một giọng (Key), tên của chúng được đặt theo nốt nhạc số 1, vd C major (Đô trưởng), D major (Rê trưởng)
Ví dụ về C-D-E-F-G-A-B trong bài viết trên chính là một điển hình về Major Scale.
Ngoài Major Scale chúng ta còn có Natural Minor Scale và nhiều biến thể Diatonic khác. 1. Đầu tiên sẽ nói về Diatonic nhé.
Đọc bài viết của harmonicist, chúng ta đã hiểu: Tên gọi Diatonic dành cho harmonica là để chỉ những cây kèn có thể chơi được các nốt của 1 key trong 1 thang âm Diatonic (sau đây trong các ví dụ mình sẽ dùng thang Major Scale, key C). Tóm lại tên gọi Diatonic gắn với đặc điểm: nốt nhạc nào có trên cây kèn
Đây là sơ đồ nốt của một cây kèn Diatonic thông dụng (nguồn wikipedia):
Nhận xét của mình: các nốt của cây kèn đều nằm trong C-D-E-F-G-A-B (đầy đủ nhất là ở lỗ 4-5-6-7), vậy gọi nó là kèn Diatonic là quá chuẩn rồi.
Còn đây là sơ đồ note của 1 cây Tremolo thông dụng ở Việt Nam (nguồn trong topic này)
Nhận xét: các nốt của cây kèn cũng đều nằm trong C-D-E-F-G-A-B, vậy gọi nó là kèn Diatonic thì cũng… không sai. Tuy nhiên đây là xét trên đặc điểm nốt nào có trên kèn. Còn tên gọi Tremolo là xuất phát từ đặc điểm khác sẽ nói ở phần dưới. Thực tế thì một số chỗ người ta gọi kèn này là Tremolo Diatonic.
Phần tên gọi Diatonic chắc mình chỉ nói vậy, nếu còn gì thì sẽ bổ sung sau.
2. Tiếp theo, về Chromatic
Định nghĩa thì rõ rồi. Thang âm Chromatic là dãy 12 nốt cách đều nhau nửa cung. Vậy kèn nào cho khả năng chơi được 12 nốt này mà không phải dùng kĩ thuật đặc biệt nào (mình đang muốn nói đến bend và overbend) thì là kèn Chromatic. Chromatic cũng là tên gọi gắn với đặc điểm: nốt nào có trên kèn.
Nhắc lại về 12 nốt Chromatic, đó là C, C# (hay Db), D, D# (hay Eb), E, F, F# (hay Gb), G, G# (hay Ab), A, A# (hay Bb), B
Đây là sơ đồ note của một số cây Chromatic có cần bấm, hình lấy trên trang web của Suzuki, chúng ta dễ dàng thấy 12 nốt chromatic trong đây:
Còn đây là sơ đồ note của một cây kèn khác, Tombo Chromatic Single S-50, tuy không có cần bấm nhưng cũng được coi là Chromatic, do chơi đủ 12 nốt của thang chromatic trên kèn.
3. Cuối cùng, Tremolo
Tên gọi Tremolo hoàn toàn không liên quan tới đặc điểm “nốt nào có trên kèn”. Nó chỉ ra hiệu ứng đặc trưng của cây kèn: Hiệu ứng tremolo.
Tremolo thường được định nghĩa là sự thay đổi theo chu kì của âm lượng: to-nhỏ-to-nhỏ liên tục. Đôi khi người ta dùng nhầm nó để chỉ hiệu ứng vibrato: sự biến đổi theo chu kì của cao độ: trầm-bổng-trầm-bổng liên tục).
Mình thì hay gọi Tremolo là hiệu ứng “rung rinh” của kèn.
Hiệu ứng tremolo trên harmonica đạt được do với mỗi nốt, ta có hai lưỡi gà (được thiết kế tạo ra cao độ hơi khác nhau) rung lên cùng 1 lúc. Ví dụ với nốt La A4 (tần số 440Hz), một lưỡi gà sẽ rung với tần số lớn hơn 440Hz, tạo ra âm cao hơn A4, lưỡi gà còn lại rung với tần số nhỏ hơn 440Hz, tạo ra âm thấp hơn A4. Vang lên cùng lúc, hiện tượng giao thoa sóng sẽ làm cho âm thanh lúc bổng lúc trầm, lúc to lúc nhỏ, chúng ta sẽ có nốt A4, với một hiệu ứng “rung rinh” rất “ảo” .
Dấu hiệu nhận biết một cây kèn Tremolo thông thường, đó là nó có 2 hàng lỗ với số lượng lỗ bằng nhau.
Tuy nhiên, bản chất của Tremolo là 2 lưỡi gà cho 1 nốt, thế nên đôi khi số lỗ cũng không nói lên điều gì. Suzuki đã làm ra cây kèn Tremolo không có lỗ kép cho mỗi nốt, và xét về mặt “nốt nào có trên kèn”, nó lại còn là một cây Chromatic nữa chứ. Tên của nó là Tremolo Chromatic SCT-128
À còn nữa, đừng nhầm cây này là Tremolo nhé, không phải đâu, nó là Chromatic đấy)
Sau đây, mình tóm tắt lại những gì đã trình bày:
Ở Việt Nam dùng 3 tên chính: Diatonic, Chromatic và Tremolo để phân loại harmonica. Ý nghĩa tên đó là gì?
- Diatonic: kèn chơi trong phạm vi thang âm Diatonic tức 7 nốt, ứng với Đô trưởng (C major) là C-D-E-F-G-A-B.
- Chromatic: kèn chơi trong phạm vi 12 nốt Chromatic.
- Tremolo: kèn có hiệu ứng “rung rinh” do mỗi nốt có 2 lưỡi gà.
Sau khi giải thích và nêu ví dụ, kết luận: cách gọi tên của chúng ta đang sử dụng chỉ mang tính chất tương đối so với ý nghĩa thực của nó. Ví dụ: Kèn Tremolo (theo cách gọi thông thường) cũng có đặc điểm “Diatonic” (kèn chỉ loanh quanh 7 nốt).
Mình đã làm 1 cái bảng phân loại harmonica thông dụng, theo đúng bản chất của các thuật ngữ Diatonic, Chromatic và Tremolo