Điều gì là quan trọng là một trong những đoạn văn bản được trích trong Quà tặng cuộc sống. Câu chuyện nói lên cách nhìn nhận sự việc của mỗi cá nhân, giúp ta có thái độ sống tích cực và rèn luyện một lối ứng xử nhân ái, nhân văn. Để giúp bạn hiểu rõ ràng và sâu sắc hơn về các dạng đề đọc hiểu liên quan đến văn bản này, cùng Đọc Tài Liệu tham khảo một số đề đọc hiểu Điều gì là quan trọng dưới đây và xem gợi ý đáp án của từng đề bạn nhé:
Đọc hiểu Điều gì là quan trọng
Đề đọc hiểu
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi ở bên dưới:
Điều gì là quan trọng?
Chuyện xảy ra tại một trường trung học.
Thầy giáo giơ cao một tờ giấy trắng, trên đó có một vệt đen dài và đặt câu hỏi với học sinh:
– Các em có thấy gì không?
Cả phòng học vang lên câu trả lời:
– Đó là một vệt đen.
Thầy giáo nhận xét:
– Các em trả lời không sai. Nhưng không ai nhận ra đây là một tờ giấy trắng ư?
Và thầy kết luận:
– Có người thường chú tâm đến những lỗi lầm nhỏ nhặt của người khác mà quên đi những phẩm chất tốt đẹp của họ. Khi phải đánh giá một sự việc hay một con người, thầy mong các em đừng quá chú trọng vào vết đen mà hãy nhìn ra tờ giấy trắng với nhiều mảng sạch mà ta có thể viết lên đó những điều có ích cho đời.
(Trích Quà tặng cuộc sống – Dẫn theo http://gacsach.com)
Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn văn bản trên
Câu 2: Nội dung chính mà văn bản trên muốn đề cập đến là gì? Dựa vào nội dung đó, hãy đặt cho văn bản một nhan đề khác.
Câu 3: Trong lời khuyên của thầy giáo hình ảnh “vết đen” tượng trưng cho điều gì ?
Câu 4: Cho biết cách trích dẫn ở phần in đậm?
Câu 5: Chỉ ra và gọi tên phép liên kết hình thức ở phần in đậm.
Câu 6: Theo anh/chị, việc chỉ “chú tâm đến những lỗi lầm nhỏ nhặt của người khác mà quên đi những phẩm chất tốt đẹp của họ” thể hiện một cách đánh giá con người như thế nào?
Câu 7: Từ ngữ liệu trên, em rút ra bài học gì?
Tham khảo: Nghị luận xã hội về giá trị của bản thân
Đáp án đề đọc hiểu Điều gì là quan trọng
Câu 1: Những phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản: Tự sự, nghị luận, miêu tả.
Câu 2:
– Nội dung chính được đề cập đến trong văn bản: Cách nhìn nhận, đánh giá một sự việc, một con người.
– Đặt nhan đề khác cho văn bản: Bài học từ người thầy/ Bài học về cách đánh giá con người/ Những vệt đen trên tờ giấy trắng…
Câu 3: Trong lời khuyên của thầy giáo hình ảnh “vết đen” tượng trưng cho điều là: chỉ những sai lầm, thiếu sót, hạn chế… mà mỗi chúng ta đều có thể mắc phải.
Câu 4: Cách trích dẫn ở phần in đậm là: Cách trích dẫn trực tiếp, có dấu hai chấm và mở ngoặc kép để dẫn lời nói trực tiếp.
Câu 5: Phép liên kết hình thức ở phần in đậm là: phép nối (Nhưng)
Câu 6: Câu nói “Con người thường chú tâm đến những lỗi lầm nhỏ nhặt của người khác mà quên đi những phẩm chất tốt đẹp của họ” phản ánh một hiện thực trong cuộc sống đó chính là thái độ nhìn nhận vấn đề của rất nhiều người trong cuộc sống. Ta thường chỉ nhìn thấy những khuyết điểm, những lỗi sai, những sự chưa đẹp ở người khác mà quên đi rằng họ có rất nhiều phẩm chất tốt đẹp khác vẫn còn hiện hữu lên đó.
– Thể hiện một cách đánh giá con người chủ quan, phiến diện, thiếu đi sự độ lượng, bao dung cần thiết để nhìn nhận, đánh giá người khác một cách toàn diện.
Câu 7: Từ ngữ liệu trên, em rút ra bài học:
– Con người không ai hoàn hảo cả. Sự vị tha, khoan dung mang lại niềm vui, thanh thản cho người mắc lỗi, tạo điều kiện cho họ nhận ra sai trái, sửa chữa lỗi lầm. Đồng thời, nó mang lại niềm vui cho bản thân ta.
– Biết trân trọng những phẩm chất tốt đẹp của mỗi cá nhân để giúp cá nhân phát huy được sức mạnh vốn có. Đó cũng là cách chúng ta góp phần làm cho cuộc sống đẹp hơn.
=> Câu chuyện cho ta bài học về cách ứng xử, nhìn nhận đánh giá con người: Điều quan trọng trong cuộc sống chính là lối ứng xử đẹp, giàu lòng vị tha, khoan dung khi đánh giá về người khác, đồng thời phải biết trân trọng những phẩm chất, những phần tốt đẹp của họ.
–
Trên đây là một số đề đọc hiểu Điều gì là quan trọng mà Đọc tài liệu đã sưu tầm được, mong rằng sẽ giúp ích cho các em trong quá trình ôn tập tại nhà và đừng quên truy cập vào trang để cập nhật các đề đọc hiểu ngữ văn 12 mới nhất nhé!