Trong một chuyến rong ruổi Bình Thuận, mình có cơ hội được ghé qua thăm Dinh Thầy Thím. Một địa điểm văn hóa du lịch tâm linh ở gần TX Lagi, đáng để bạn đến đây tham quan một lần.
Với nhiều truyền thuyết ly kỳ hấp dẫn về Dinh Thầy Thím ở LaGi Bình Thuận. Cùng với sự linh thiêng ở nơi đây, nên được rất nhiều khách du lịch ghé thăm và chiêm bái, cầu khẩn.
Tiêu biểu là: Lời dậy của Thầy Thím ( Thành hoàng làng Tam Tân ) được người dân Tam Tân vẫn còn khắc cốt ghi tâm:
Sống làm người, cốt giữ lấy cái tâm
Có tâm mới có phúc
Tâm lành thì phúc tốt
Tâm ác thì quạ deo
Cùng theo chân tôi khám phá một di tích cấp quốc gia tại Lagi này nha.
Dinh Thầy Thím ở đâu ?
Dinh tọa lạc tại xã Tân Tiến, thị xã La Gi, là một địa điểm tâm linh nổi tiếng của tỉnh Bình Thuận. Gần biển Hàm Tân, gần mũi kê gà, cách biển mũi né khoảng 70km. Cách Coco beach khoảng 20km
Xem trên google Maps: link tại đây
Cách đi đến Dinh Thầy Thím
Bọn mình xuất phát từ sài gòn bằng xe máy đi theo hướng Long Hải, ven theo cung đường biển .
Trên đường tiện ghé chợ cá Long Hải ăn sáng.
Có món bánh căn và bánh xèo Ngon nhức nách, giá thì rẻ thôi rồi.
Xong bữa sáng chất lượng bọn mình tạt theo hướng hồ tràm men theo đến Lagi
Hiện nay đã có tuyến xe buýt Phan Thiết – LaGi cho các bạn nào đi xe khách đến Phan Thiết. Nếu muốn thuận tiện cho việc di chuyển bạn có thể thuê một chiếc xe máy tha hồ vi vu khám phá.
Xem địa chỉ cho thuê xe máy tại Phan Thiết trong bài viết bên dưới nhé:
- Địa điểm cho thuê xe máy ở Phan Thiết giá từ 100K (Update 2022)
Lịch sử lâu đời về Dinh
Dinh Thầy Thím ở Lagi Bình Thuận tồn tại hơn 130 năm. Được xây dựng vào ngày 25 tháng 12 năm Tự Đức thứ 32 (1879 – 2011). Nằm giữa khu rừng dầu Bàu Cái tĩnh mịch trên khu cát trắng.
Dinh đây hiện đang nơi hội tụ tín ngưỡng của đông đảo người dân, với lễ hội dinh Thầy Thím được tổ chức hàng năm. Nội dung mang nhiều yếu tố tích cực và có giá trị giáo dục, đề cao tính nhân nghĩa, đạo đức, nhân cách cao cả qua nhân vật Thầy Thím.
Huyền thoại về Thầy Thím còn lưu truyền mãi giữa dân gian mang ý nghĩa và giá trị của lẽ phải, đạo lý, sự công bằng và chuẩn mực xã hội, lưu lại cho mọi thế hệ nét đẹp nhân cách, thuần phong mỹ tục của nếp làng xưa.
Di tích dinh Thầy Thím được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia vào ngày 27/9/1997.
Truyền thuyết về Thầy Thím
Thầy Thím là biểu trưng cho lòng nhân ái, khí tiết, cứu nhân độ thế đã ăn sâu trong lòng người dân địa phương.
Cái danh Thầy Thím thực chất là tên gọi kép của một vợ chồng đạo sĩ (chồng là Thầy, vợ là Thím) có nhiều công đức đối với địa phương.
Xem Video về truyền thuyết Thầy Thím
Theo truyền thuyết, Thầy sinh vào đầu thời Gia Long. Thuở thiếu thời, Thầy vừa cần mẫn dùi mài kinh sử, vừa tầm sư học đạo, nuôi chí giúp đời. Việc lớn chưa thành thì Thầy gặp đại tang, Cha, Mẹ cùng lúc qua đời. Là người hiếu thảo, Thầy ở lại quê nhà cùng Thím chịu tang Cha, Mẹ, sống kham khổ.
Làng quê Thầy Thím nhiều năm liền hạn hán, mất mùa, đời sống của nhân dân cơ cực, cơm không đủ no, nước không đủ uống. Động lòng trước nổi khốn khổ của dân, Thầy lập đàn khấn nguyện. Trời đang trong xanh bỗng sấm chuyển ầm ầm, mưa như trút nước, cây cỏ hồi sinh.
Từ đó, Thầy nổi danh là một đạo sĩ có tài, dùng phép thuật của mình để cứu giúp dân lành.
Một lần trong ngày hội đầu năm, dân làng mơ ước có một mái đình khang trang như làng bên. Đêm hôm ấy, gió mưa dữ dội, chớp giật rung chuyển cả đất trời. Khi trời yên, đất lặng, mọi người thấy ngôi đình mới toạ lạc ngay giữa làng thay ngôi đình dột nát cũ. Niềm vui chưa được bao lâu, thì làng bên cấp báo về triều đình tố cáo Thầy dùng phép đánh cắp đình, âm mưu gây bạo loạn…
Nhà vua nghiêm trị Thầy ở mức cao nhất. Song, cảm thông trước khí khái quân tử, vua gia ân cho Thầy được chọn trong ba tội hình: xử trảm, uống thuốc độc hoặc tự thắt cổ. Thầy xin một tấm lụa đào và chọn hình thức sau cùng. Kỳ lạ thay, khi tấm lụa đào đến tay Thầy bỗng biến thành rồng nâng Thầy và Thím bay về phương Nam…
Từ đó, Thầy Thím cư ngụ tại làng Tam Tân (nay là xã Tân Tiến, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận). Lúc đầu, Thầy Thím ở trọ nhà ông Hộ Hai, làm các nghề đốn củi, đóng ghe, bốc thuốc chữa bệnh. Lúc nào bên Thầy cũng có quả bầu khô. Một hôm, Thầy quên đem theo chiếc bầu, chủ nhà tò mò lấy ra xem, bỗng lửa phụt ra thiêu trụi cả căn nhà.
Sau khi làm lại căn nhà mới cho ông Hộ Hai, Thầy Thím vào ở hẳn trong rừng sâu gần Bàu Cái.
Thế nhưng, càng ở xa dân cư, danh tiếng của Thầy càng lan rộng, Thầy nhận đóng ghe cho ngư dân và giao rất đúng hẹn. Quanh khu rừng vang lên tiếng đục đẽo cả ngày, nhưng chưa bao giờ người ta thấy được một người giúp việc. Từ cánh rừng nơi Thầy đóng ghe ra đến biển dài hơn 3km có mạch nước nhỏ đổ ra biển, dân địa phương tương truyền đó là dòng nước Thầy dùng gậy tạo ra để đưa ghe ra biển.
Còn nhiều câu chuyện về lòng nhân ái của Thầy như trừng phạt bọn buôn gạo lợi dụng năm mất mùa bóp chẹt dân nghèo, cứu giúp dân chài trong cơn sóng to gió dữ… Không dừng lại ở đó, Thầy còn cảm hoá cả thú rừng vốn là nỗi nơm nớp lo sợ của nhiều người khi buổi đầu khai phá thiên nhiên hoang dã.
Một ngày mùa thu, được tin Thầy Thím qua đời, dân làng loan báo tin buồn, vội vã vào đến nơi, thì thấy hai ngôi mộ bằng cát trắng phau được thú rừng vun đắp thành mộ ở gần nơi Thầy Thím tạ thế.
Hằng năm, cứ đến mùng năm tháng giêng âm lịch, người ta thấy có đôi Bạch – Hắc Hổ thường xuyên về tảo mộ, phủ phục gần đó canh gác cho ngôi mộ.
Lễ hội vía Thầy Thím
Thiết chế lễ hội ở đây tập trung chính ở 02 nhân vật truyền thuyết. Đến đời Vua Thành Thái tức năm 1906, đôi vợ chồng Thầy Thím được phong thành
“Chí Đức Tiên Sinh” và Thím: “Chí Đức nương nương Tôn Thần”,
Hàng năm dinh Thầy Thím tổ chức 2 kỳ lễ lớn:
- Lễ Tảo Mộ (nhằm ngày mồng 5 tháng 1 Âm lịch)
- Và lễ Tế Thu (nhằm ngày 14 đến ngày 16 tháng 9 Âm lịch)
Cũng từ lòng sùng kính uy linh Thầy Thím để thể hiện sự tri ân tiền nhân dày công khai mở vùng đất này. Lễ hội ôn lại công đức của vị đạo sĩ giàu lòng nhân ái, có nhiều nghĩa cử cao đẹp, giúp dân đóng thuyền, bốc thuốc chữa bệnh, giúp dân chài trong sóng to gió lớn, cảm hóa được cả thú dữ… được dân làng mến mộ.
Phần lễ chính là lễ Thỉnh sắc, lễ Tĩnh sanh, lễ Túc yết, lễ Tiền hiền hậu hiền…
Lễ Nghinh thần với nghi thức thỉnh linh Thầy Thím từ mộ cách dinh theo đường vòng khoảng 7 cây số.
Trước khi nhập điện thờ tại dinh, đoàn xe kiệu hoa, hương án đi qua làng Tam Tân nơi xưa Thầy Thím đã có thời gian sinh sống và làm việc thiện cứu giúp dân nghèo. Lễ Nhập điện an vị không chỉ diễn ra với những nghi lễ trang trọng mà còn có những tiết mục biểu diễn nghệ thuật dân gian như chèo bả trạo, tuồng cổ, hò vè.
Tiếp theo là những nghi lễ khác rất quan trọng như: Cúng ngọ, phát lộc, phóng chim, giỗ tiền hiền… Đêm khai hội đầy sắc màu văn hóa dân gian, trở thành một phần hội hoành tráng nhất trong chuỗi lễ hội.
Nghi thức lễ trang trọng bắt đầu từ lễ dâng hương tri ân công đức Thành hoàng, tiền hiền hậu hậu hiền, với mục đích giáo dục lòng yêu quê hương, sống đạo nghĩa, tỏ lòng biết ơn các bậc tiền bối cũng như tạo điểm nhấn văn hóa thu hút du khách.
Lễ hội dinh Thầy Thím là một trong những lễ hội lớn ở phía Nam Trung Bộ. Đồng thời là tài sản vô giá của làng Tam Tân. Tài sản đó không phải bỗng dưng có, mà nó được thiết lập từ rất nhiều đời. Không phải được tạo dựng một cách đơn giản mà bao gồm cả quá trình lâu dài mang tính lịch sử, được vun đắp bởi biết bao tình cảm thiêng liêng của nhiều thế hệ.
Có dịp mình sẽ quay lại đúng dịp tổ chức lễ hội để có cái nhìn rõ nét hơn.
Thiết kế độc đáo của Dinh Thầy Thím
Toàn bộ các công trình chính của Dinh Thầy Thím, đều sử dụng lối kiến trúc tứ trụ:
Một mô hình kiến trúc tôn giáo rất phổ biến ở Phan thiết vào cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19
Bốn cây cột 9 ở trung tâm nhà được chau truốt rất tinh tế. Chân đế của các cây cột đươc cách điệu như một bình hoa mềm mại, phần thân trên là hình trụ vuông, lên đến đỉnh là hình trụ tròn. Đây là một kiểu kiến trúc lạ , hiếm hoi và lý thú
Bên trong chánh điện còn lưu lại các hiện vật cổ như: Hoành phi, Câu Đối, Khám thờ, Hư áng… Mang giá trị văn hóa lịch sử, và điêu khắc tạo hình, thể hiện tín ngưỡng của người dân lang Tam Tân. Nó thiêng liêng nhưng cũng hết sức gần gũi với cuộc sống người dân nơi đây.
Ngoài Chánh điện còn có nhà Võ Ca, và nhà Tiền Hiền 2 bên.
Nhà Võ Ca, là nơi tổ chức các lễ hội truyền thống hằng năm . Nơi người dân địa phương và khách thập phương, đến dâng hương, và tưởng nhớ công lao của Thầy Thím
Ngoài có có 2 tượng Hắc Hổ và Bạch Hổ , tượng trưng cho 2 vệ sĩ của thầy thím. Truyền thuyết vừa huyền ảo vừa lại chân thực sống động.
Ghé biển Hàm Tân gần Dinh Thầy Thím
Sau khi tham quan Dinh Thầy Thím bạn có thể ghé qua biển Hàm Tân, hóng gió biển cũng khá là thích
Hy vọng một vài thông tin trên đã giới thiệu cho bạn thêm 1 địa điểm du lịch thú vị trên bản Đồ du lịch Việt Nam. Khám phá tham quan Dinh Thầy Thím một mái ấm của cả dân làng Tam Tân từ hàng trăm năm qua, là nơi tuyệt vời cho những ai muốn tìm về một chốn bình yên cho tâm hồn.
Viết bài: Trung Nguyễn
List món ăn nên thử trên Đảo Phú Quý Bình Thuận
Lưu trú trên Đảo Phú Quý
Kinh nghiệm Du Lịch Đảo Phú Quý A-Z
Cắm trại ở Mũi Kê Gà Bình Thuận