Sau hơn 20 năm đổi mới và năm năm thực hiện “Chiến lược phát triển giáo dục 2001-2010”, giáo dục mầm non nước ta đã có bước phát triển đáng kể về qui mô, loại hình trường, lớp. Chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục trẻ trong các cơ sở giáo dục ngày ngày càng tốt hơn. Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên của hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ của trẻ em Việt Nam. Phát triển giáo dục mầm non là trách nhiệm chung của các cấp, các ngành và toàn xã hội.
Một trong những nhiệm vụ để thực hiện tốt việc đổi mới chương trình mầm non là giúp trẻ phát triển trí tuệ, thích tham gia các trò chơi múa hát, đọc thơ, nghe kể chuyện thông qua việc trẻ biết sử dụng các đồ chơi từ đơn giản đến phức tạp trong quá trình vui chơi nhằm phát huy được sáng tạo của trẻ. Trong trường mầm non, vui chơi là hoạt động chủ đạo của trẻ và đồ chơi là phương tiện giúp trẻ thực hiện hoạt động đó, đồng thời cũng chính là cách giúp trẻ tiếp thu bài học một cách sinh động, nhiệt tình hơn.
Chúng ta đã biết, đồ chơi, trò chơi là nhu cầu tự nhiên không thể thiếu đối với cuộc sống của trẻ. Nếu đứa trẻ thỏa mãn với nhu cầu tìm hiểu và khám phá ra những đồ dùng, đồ chơi, trò chơi thì trẻ sẽ biết cách sử dụng đồ dùng, đồ chơi đó một cách phù hợp, sáng tạo.
Nếu không chơi trẻ sẽ bị ngăn cách với cuộc sống này. Sự sáng tạo thông qua các trò chơi giúp trẻ em phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần. Ngoài ra, chơi còn là cách học giúp bé khám phá thế giới xung quanh và phát triển tính thông minh sáng tạo. Tuy có rất nhiều loại đồ chơi giáo dục giúp bé phát triển các khía cạnh khác nhau của nhân cách, trí tuệ và sức khỏe.
Vai trò của đồ chơi, trò chơi đối với trẻ
1. Đồ chơi
Khái niệm: Đồ chơi trẻ em được hiểu là sản phẩm hoặc vật liệu bất kỳ dược thiết kế và sản xuất để trẻ em từ sơ sinh đến dưới 16 tuổi sử dụng khi chơi. Đồ chơi có thể chia làm ba nhóm chính sau: Đồ chơi phát triển trí tuệ; Đồ chơi phát triển thể lực; Đồ chơi phát triển kỹ năng; và bao gồm nhiều dạng: đồ chơi trong lớp học, trong khu vực sân chơi, ngoài trời, trong phạm vi khuôn viên của nhà trường, trong mỗi gia đình…
Tiêu chí để lựa chọn đúng các loại đồ chơi cần dựa trên các tiêu chí cơ bản sau:
– Đồ chơi thiết kế phải phù hợp với lứa tuổi và giai đoạn phát triển của trẻ của trẻ
– Tác dụng của đồ chơi đối với trẻ (phát triển trí tuệ, phát triển thể lực hay rèn luyện kỹ năng…)
– Cách sử dụng và cách chơi cho từng loại đồ chơi.
– Đảm bảo được qui chuẩn về an toàn đồ chơi và an toàn cho trẻ khi sử dụng đó là hạn chế đến mức tối đa các mối nguy hiểm tiềm tàng có khả năng xảy ra trong quá trình sử dụng và đảm bảo về sức khỏe, vệ sinh cho trẻ em. đươc
– Đồ chơi thể hiện được tính giáo dục, tức là đồ chơi phải phán ánh các nội dung: không được trái với thuần phong mỹ tục, truỳen thống đạo đức của dân tộc Việt Nam; không khuyến khích các tư tưởng bạo lực và có nội dung không phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi trẻ mầm non.
– Kiểu dáng và màu sắc của đồ chơi phải rực rỡ, đẹp mắt gây được sự hứng thú giúp trẻ phát triển về độ nhạy cảm màu sắc sau này.
Ví dụ: Giai đoạn từ sơ sinh đến 2 tuổi: Các nhà sư phạm bắt đầu tin chắc chắn rằng từ rất sớm sự khuyến khích rất quan trọng cho sự phát triển của trẻ. Sau cùng trẻ sẽ thành thạo hơn và có thể hoàn thành những kĩ năng cơ bản. Nghiên cứu cho thấy những trẻ mới sinh có cả hàng tỉ tế bào não, hơn cả khi chúng ba tuổi và gần gấp đôi khi chúng trưởng thành. Nền dinh dưỡng cơ bản lúc này là bản chất thiết yếu để làm tăng tối đa khả năng tiềm tàng của trẻ. Theo cách nói khác, hoặc là tận dụng được nó hoặc mất nó. Hãy nghĩ não của trẻ như cái máy vi tính. Nó nhận diện và lưu trữ thông tin. Lặp lại hoạt động là rất có lợi. Càng lặp lại nhiều một hoạt động, bé càng cẩn thận và phản ứng nhanh hơn. Đây là nền tảng của việc học tập của bé. Nó được gọi là học thuộc lòng. Suy nghĩ của bé, lý luận và sự liên tưởng theo quá trình sẽ còn non nớt. Học thuộc lòng sẽ giúp bé phát triển những khả năng tiềm tàng một cách đầy đủ. Những hoạt động kĩ năng phát triển trong lĩnh vực này được thiết kế để giúp phát triển về ý nghĩ, lập luận và sự liên tưởng. Chìa khóa để giúp các bé học là giới thiệu và phát triển những kĩ năng đúng lúc. Trẻ em nên được giáo dục bằng tình thương, nhẹ nhàng và kiên định. Giọng nói thu hút cộng với lời khen, kiên định nhưng không áp lực, sự nhẹ nhàng và tình yêu sẽ giúp trẻ lớn lên với sự tự tin về bản thân và niềm tin vào cuộc sống.
Đồ chơi của trẻ ngày càng da dạng
Do vậy việc chọn lựa đồ chơi làcách bé học được nguyên nhân – kết quả, hình dạng – màu sắc, các kỹ năng vận động, giao tiếp… Đó là những điểm nên bắt đầu từ sớmđối với một đứa trẻ:
– 1 tháng tuổi: Trẻ sơ sinh biết nhận diện âm thanh, ánh sáng, giọng nói thân quen. Bé chỉ có thể nhìn thấy đồ chơi ở khoảng cách tương đương khoảng cách từ bé tới khuôn mặt bố, mẹ, ông bà. Đồ chơi treo cũi có màu sắc tương phản cao, đồ chơi tạo nhạc như cái lục lạc là hai loại cần cho bé. Việc chọn đồ chơi màu đen – trắng, trắng – đỏ là tốt nhất.
– 4 tháng tuổi: Giai đoạn này, cổ bé cử động tương đối tốt, đồ chơi cho bé là vòng ngậm cho bé mọc răng hay đồ chơi đầy màu sắc lơ lửng là lựa chọn tuyệt vời.
– 6 tháng tuổi: Bây giờ, bé càng lúc càng năng động hơn. Vì thế, tiếp tục những loại đồ chơi với cốc chén, quả bóng, thú nhồi bông, giai điệu vẫn còn phù hợp và có thể chọn đồ chơi có phản ứng khác nhau như khi nhấn vao nút này thi phát ra âm thanh; khi vặn vào nút kia, có chuyển động khác…
– 8-9 tháng tuổi: Bé mạnh mẽ và năng động hơn và rất thích được chơi đùa cùng bố, mẹ. Hãy cho bé một bát nhựa lớn, thìa gỗ và các đồ vật được đặt vào bên trong cái bát. Những hình khối đa dạng là cách hoàn hảo để bé phát triển kỹ năng vận động.
– 12 tháng tuổi: Bé bắt đầu độc lập hơn, đi khắp nhà với sự giúp đỡ của bố mẹ. Đồ chơi âm thanh và đồ chơi bé ngồi lên được và đẩy đi là hấp dẫn nhất. Các bé cũng thích chơi nước nên một bát nước, cùng vài cái thìa, cốc nhựa cũng là niềm vui bất tận với bé. Hãy cho bé chơi trên ghế ngồi cao dành cho bé, trên một cái khăn lớn dưới sàn nhà hay bên ngoài, ở nơi râm mát.
Sự hiểu biết về đồ chơi sẽ giúp cho chúng ta lựa chọn đúng các loại đồ chơi phù hợp cho sự phát triển của trẻ, có thể định hướng và đưa ra những trò chơi hấp dẫn, bổ ích với trẻ.
2. Trò chơi
Trò chơi ở trẻ em không phải là một hoạt động theo bản năng, cũng không phải vì thừa năng lượng nên mới chơi mà vì do mâu thuẫn giữa nguyện vọng của trẻ em muốn được trực tiếp tham gia vào cuộc sống của người lớn với khả năng của chúng chưa được chuẩn bị đầy đủ nên đã nảy sinh trò chơi.
Vậy trò chơi là một hình thức đặc thù độc đáo của trẻ em để thực hiện tác động tương hỗ giữa chủ thể với môi trường xung quanh (trẻ em nhận thức thế giới thông qua trò chơi). Trong trò chơi trẻ mô phỏng lại cuộc sống của người lớn mà chủ yếu là chúng tái tạo các hành động, các quan hệ qua lại của họ một cách độc đáo bằng hành động và hình tượng, đồng thời khi tái tạo các quan hệ của người lớn, trẻ bộc lộ được thái độ, cảm xúc của mình. Khi chơi, trẻ sống một cuộc sống thực đầu tiên chính trong hoạt động chơi chứ không phải hoạt động nào khác, trẻ thực sự là một chủ thể tích cực hoạt động, giao tiếp và chủ động vận dụng các ấn tượng, các kinh nghiệm đã có để củng cố, khái quát thành kiến thức và để hình thành nhân cách. Chính vì vậy trò chơi là thực tiễn tự lực của trẻ em, là một hoạt động phản ánh tự lực và sáng tạo của trẻ cần được người lớn tổ chức hướng dẫn.
Trò chơi mèo đuổi chuột
Ý nghĩa giáo dục của trò chơi:
Giáo dục đạo đức cho trẻ: Trong khi chơi, trẻ nắm được các tiêu chuẩn đạo đức, các quy tắc chơi một cách thực tiễn. Nhờ những mối quan hệ đa dạng trong trò chơi mà đứa trẻ tham gia đã hình thành được các phẩm chất đạo đức quý giá như: Lòng nhân ái, vị tha, đoàn kết, gắn bó biết giúp đỡ lẫn nhau, được giao lưu với nhau một cách tự nhiên và thoải mái luyện được ý chí và ý thức, tính kỷ luật, tổ chức của trò chơi, kiên nhẫn trong khi chơi và có được ý thức tập thể; Giáo dục trí tuệ: Trò chơi là một hình thức của hoạt động nhận thức. Nó giúp trẻ phát triển các giác quan, phát triển ngôn ngữ, tư duy hành động trực quan, tư duy trực quan hình tượng, phát triển óc tưởng tượng của trẻ. Qua trò chơi, nhu cầu nhận thức của trẻ em sẽ được phát triển; Giáo dục thể lực: Tạo cho trẻ trạng thái vui vẻ, lanh lợi, hoạt bát, tác động tốt đến sự tuần hoàn, trao đổi chất, giúp cơ thể phát triển nhanh, khỏe. Luyện cho trẻ được các giác quan với những trò chơi phản ứng nhanh, đòi hỏi ghi nhớ, nhanh mắt, quan sát, tập trung…Trò chơi cũng có thể chữa bệnh cho các em bị trâm uát, căng thẳng hay suy nhược thần kinh; Giáo dục thói quen lao động: Mục đích căn bản của trò chơi là phải dần dần biến trò chơi thành thói quen lao động đối với trẻ khi tham gia chơi. Trong khi chơi, trẻ làm quen dần với các loại hình lao động của người lớn, giúp trẻ vừa mở rộng hiểu biết vừa rèn luyện được một số kỹ năng lao động như tự phục vụ, biết quý trọng lao động, biết tự giác tôn trọng kỷ luật chơi để khi lớn lên sẽ tự giác giữ đúng theo pháp luật; Giáo dục thẩm mỹ: Thông qua trò chơi, trẻ phản ánh được mối quan hệ xã hội của người lớn và cũng qua đó, trẻ cảm thụ được cái đẹp.
Tổ chức hoạt động vui chơi đối với trẻ
Với chủ đề gắn liền với hoạt động chủ đạo “học mà chơi, chơi mà học” việc tổ chức các hoạt động vui chơi kết hợp với đồ chơi sẽ giúp cho trẻ có nhiều có nhiều cơ hội để học cách quan sát, so sánh, suy luận và rèn luyện khả năng đếm, tính toán, tô vẽ trở nên thành thạo. Để thu hút được sự chú ý của trẻ, tăng hiệu quả sử dụng đồ chơi và tạo được niềm vui trong quá trình chơi đối với trẻ lứa tuổi mầm non sẽ được thiết kế theo các chủ điểm: gia đình, thế giới động vật, thực vật; phương tiện và luật lệ giao thông; quê hướng đất nước; nghề nghiệp…được dạy học phù hợp với từng giai đoạn phát triển của trẻ từ nhà trẻ, mẫu giáo nhỡ, mẫu giáo bé và mẫu giáo lớn chuẩn bị bước vào tiểu học.
Nội dung của trò chơi được sẽ bao gồm rất nhiều các hoạt động gắn với quá trình chăm sóc giáo dục trẻ cũng như đáp ứng được ngay nhu cầu chơi của trẻ. Khi tham gia chơi, trẻ được phát triển trí tuệ, tư duy, ngôn ngữ, óc sáng tạo, mở rộng thêm những hiểu biết về thế giới xung quanh, tiếp nhận thêm những kiến thức gần gũi cũng như giáo dục được trẻ các mối quan hệ khi chơi phải biết phối hợp nhau trong trò chơi, biết nhường nhịn lẫn nhau, trẻ được giao lưu với nhau một cách tự nhiên và thoải mái, giáo dục trẻ biết giữ gìn đồ chơi và xây dựng những tình cảm xã hội rất cần thiết cho vốn sống của trẻ. Trò chơi đối với việc giáo dục trẻ thường được thiết kế theo các hoạt động như vẽ và tô màu; tìm những cặp hình giống nhau, tìm những điểm khác nhau giữa hai hình; tìm những đồ vật không cùng nhóm; tìm mối liên hệ giữa các hình với nhau; nối hoàn chỉnh một bức tranh; đếm và tính toán pháp tính đơn giản (thêm, bớt) hay là nhận biết một số địa danh trong nước…phù hợp với từng giai đoạn phát triển của trẻ và với từng lứa tuổi.
Việc chơi đùa của trẻ không chỉ đơn giản là để vui thích, mà nó rất quan trọng trong việc hỗ trợ sự phát triển trí thông minh, hình thành cảm xúc của trẻ, tạo cho trẻ khả năng phân tích đến những kỹ năng giao tiếp xã hội. Trẻ chơi các đồ chơi không chỉ đơn thuần là giải trí mà còn giúp gia tăng trí tuệ và sức khỏe cho trẻ, trẻ sẽ có khả năng học hỏi từ những động tác của môi trường xung quanh. Những trẻ không được vui chơi, chăm sóc thường xuyên sẽ bị hạn chế về khả năng phát triển trí não.
Do vậy, cha mẹ cần có một thái độ tích cực đối với việc vui chơi của trẻ, phải dành cho trẻ thời gian để chơi. Nhiều trẻ sau khi tan trường vì điều kiện nên trẻ không có thời gian chơi, tiếp xúc với các đồ chơi, các trò chơi, khiến cho trẻ không có óc tưởng tượng, mộng mơ. Trong gia đình, nếu có điều kiện, cần dành cho trẻ một góc hay căn phòng nhỏ cho trẻ, bởi trẻ rất thích cất giấu những đồ chơi mà bé yêu thích…Ngược lại, trẻ thường xuyên tiếp xúc với các đồ chơi, phương tiện điện tử và những trò chơi bạo lực, thì trẻ sẽ luôn có cảm giác xung quanh mình lúc nào cũng nguy hiểm, hoặc trẻ sẽ bị cảm xúc chai lì trước những hành vi bạo lực. Cũng như những trẻ thường xuyên tiếp xúc với các trò chơi bạo lực (chẳng hạn trò chơi với chủ đề con quái vật xuất hiện và người đối diện thường xử lý bằng đâm chém con quái vật…), thì thường về sau trẻ sẽ giải quyết vấn đề bằng “đánh” hay “tấn công”, trẻ sẽ ít vâng lời, và làm tăng tính khí hung hăng trong suy nghĩ và hành động của trẻ, về sau trẻ không tuân theo luật lệ, giải quyết các vấn đề bằng hành động bạo lực, thường kết bạn với những trẻ xấu, dễ dính líu đến những hành động bạo lực và tội ác. Trò chơi không những tạo tính khí bạo lực mà còn làm giảm sự phát triển trí tuệ và tính thông minh của trẻ.
Có thể nói đồ chơi, trò chơi là những yếu tố quan trọng trong quá trình vui chơi của trẻ, lựa chọn đồ chơi, trò chơi thông minh sẽ giúp sẽ không ngừng phát triển trí tuệ, tư duy, óc sáng tạo khi vận dụng vào trong cuộc sống. Hiện nay, đồ chơi cho trẻ em có rất nhiều trên thị trường, có đồ chơi mang tính giáo dục cao nhưng cũng không ít đồ chơi không thể để đáp ứng đầy đủ các nhu cầu và mục đích của chương trình dạy học ở trường mầm non. Để trẻ được vui chơi thoải mái, thích thú hưởng ứng, tham gia nhiệt tình, phát triển các kỹ năng cần thiết cho trẻ chúng ta cần sáng tạo ra những đồ chơi, trò chơi phù hợp với nhu cầu của trẻ và tạo được môi trường bổ ích cho trẻ hoạt động, giúp cho các chủ nhân tương lai của đất nước có niềm vui, niềm hạnh phúc trong cuộc sống./.
Thành Hưng – Ban Tuyên giáo Trung ương