Những năm gần đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, các loại phương tiện như xe đạp, xe máy đã ra đời với nhiều tính năng hữu ích phục vụ cho việc đi lại của người dân, mà đối tượng sử dụng phần lớn là học sinh trong độ tuổi thanh thiếu niên. Nhưng, do nhiều nguyên nhân, trong đó có ý thức kém khi tham gia giao thông của một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên, thể hiện qua việc lạng lách, đánh võng trên đường đã dẫn đến nhiều sự vệc đáng tiếc và không ít những tai nạn thương tâm cũng bắt đầu từ đó.
Không khó để bắt gặp những hình ảnh các cô cậu tuổi từ 13 đến 16 điều khiển xe đạp, xe máy trên đường mà không đội mũ bảo hiểm, dàn hang ngang trên đường, đùa giỡn khi tham gia giao thông. Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia thời gian gần đây, 90% số vụ tai nạn giao thông thương vong là từ những hành vi nguy hiểm này. Không chỉ mất an toàn giao thông cho chính người điều khiển phương tiện, mà còn đe dọa đến tính mạng của cả những người tham gia giao thông khác trên đường, trở thành nỗi ám ảnh của bất kỳ ai khi tham gia giao thông. Đó là chưa kể một số thanh niên trong những trang phục khá “quái dị”, đầu nhuộm tóc xanh, tóc vàng, ra sức thể hiện “chất chơi” của mình trước thiên hạ, nhiều khi còn hưng phấn, bốc đồng tham gia vào các cuộc tụ tâp, chạy tốc độ cao gây mất an ninh trật tự.
Phần lớn những thanh thiếu niên trên thường tập trung vào những gia đình có kinh tế khá giả, bố mẹ có quyền chức nên thường xuyên được nuông chiều,dung túng, thỏa thích thể hiện, đua đòi, ăn chơi dẫn đến dễ bị lôi kéo vào các hành động mất an toàn giao thông. Nhưng trong số đó không ít các cô cậu hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn, nhưng cũng đua đòi theo các thói xấu. Có ai đó nói rằng: tuổi trẻ thì “có quyền” sai, hoặc như lời một bài hát “cứ sai đi vì cuộc đời cho phép”, rồi tháng năm sẽ làm cho mỗi người thêm chín chắn và trưởng thành hơn. Nghĩa là sai có thể sửa được. Nhưng có những thứ chẳng bao giò còn cơ hội, đó là khi ai đó chỉ vì những lúc bốc đồng của một thời “ăn chưa no, lo chưa tới”, muốn làm anh hùng xa lộ mà đánh đổi cả tính mạng của mình và cả những người vô tội khác trên đường.
Để ngăn chặn và đẩy lùi hiện tượng này, có lẽ việc đầu tiên phải có sự quan tâm, quản lý, giám sát của các gia đình đối với con em mình. Đồng thời cần có biện pháp xử lý nghiêm những hành vi coi thường pháp luật khi tham gia giao thông, cũng như tăng cường tuyền truyên để những thanh thiếu niên đang có ý định thực hiện hành vi này, hãy dừng lại khi cón có thể, để không còn ai phải chứng kiến những cảnh cha mẹ mất con, vợ mất chồng, những đứa trẻ cút côi không nơi nương tựa, hoặc phải sống tàn tât suốt đời, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Cầu mong những hậu quả đau lòng đó sẽ chẳng bao giờ xảy ra nữa, khi mỗi chúng ta đều có ý thức thượng tôn pháp luật mỗi khi tham gia giao thông trên đường. Bởi một ý thức giao thông, triệu nụ cười hạnh phúc!