DƯỢC ĐIỂN VIỆT NAM
Dược điển, tên quốc tế là Pharmacopoeia, có nguồn gốc từ tiếng Hy lạp, dịch ra tiếng Anh là “drug making”. Ngày nay dược điển được định nghĩa là bộ tập hợp các tiêu chuẩn về chất lượng thuốc, do các cơ quan có thẩm quyền của quốc gia hay khu vực ban hành và được áp dụng tại quốc gia hay khu vực đó.
Theo báo cáo của tổ chức y tế thế giới, có khoảng 140 quốc gia có sử dụng dược điển. Có 55 nước, 1 tổ chức quốc tế (WHO), 2 vùng lãnh thổ (châu Âu, châu Phi) có Hội đồng Dược điển nhưng chỉ có khoảng gần 40 nước, tổ chức và vùng lãnh thổ xuất bản Dược điển.
Hội đồng Dược điển Việt Nam được thành lập ngày 19/7/1963 theo Thông tư 19/BYT/TT với nhiệm vụ tổ chức xây dựng, biên soạn bộ Tiêu chuẩn Nhà nước về thuốc (Dược điển Việt Nam – DĐVN). Hội đồng tập hợp các nhà khoa học, các chuyên gia đầu nghành Dược, các nhà quản lý và đại diện các nhà sản xuất cùng đóng góp trí tuệ, công sức để xây dựng nên Bộ tiêu chuẩn quốc gia về thuốc đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý, kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc; đảm bảo và nâng cao chất lượng thuốc phục vụ sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Từ ấn bản đầu tiên vào năm 1971, đến nay Hội đồng Dược điển Việt Nam đã năm lần xuất bản Dược điển với chất lượng và số lượng qua mỗi lần xuất bản ngày càng nâng cao để đáp ứng với sự phát triển của ngành Dược Việt Nam và theo kịp với xu hướng hội nhập của thế giới.
Các lần xuất bản dược điển:
Dược điển Việt Nam lần xuất bản thứ nhất: Tập 1 năm 1971, Bản bổ sung 1977, Tập 2 năm 1984.
Dược điển Việt Nam lần xuất bản thứ hai: Tập 1 năm 1990, Tập 2 năm 1991, Tập 3 năm 1994.
Dược điển Việt Nam lần xuất bản thứ ba 2002, Bản tiếng Anh DĐVN III, 2005, Bản bổ sung Dược điển VN III 2006.
Dược điển Việt Nam lần xuất bản thứ tư 2009, Bản tiếng Anh DĐVNIV 2010, Bản bổ sung Dược điển VNIV 2015.
Dược điển Việt Nam lần xuất bản thứ năm 2017, Bản tiếng Anh DĐVNV 2019
Chủ tịch Hội đồng Dược điển Việt Nam qua các thời kỳ
GS. Trương Công Quyền (từ 1964 đến 11/1997)
PGS.TS. Lê Văn Truyền (từ 12/1997 đến 2/2003)
PGS.TS. Trịnh Văn Quỳ (từ 3/2003 đến 3/2008)
TS. Nguyễn Văn Tựu (từ 4/2008 đến 12/2010)
PGS.TS. Trịnh Văn Lẩu (từ 01/2011 đến 4/2018)
PGS.TS. Đoàn Cao Sơn (từ 8/2018 đến nay)
DƯỢC THƯ QUỐC GIA VIỆT NAM
Dược thư là bộ sách được biên soạn để cung cấp thông tin về hướng dẫn sử dụng thuốc. Đa số các nước phát triển cũng như một số nước đang phát triển trên thế giới đều xuất bản và áp dụng các sách hướng dẫn sử dụng thuốc cho nước mình. Từ năm 1995 Tổ chức y tế thế giới đã đưa ra ý tưởng xây dựng cuốn Dược thư Quốc tế (WHO Model Formulary) dựa trên danh mục thuốc thiết yếu, làm tài liệu nguồn hữu ích cho các nước đang phát triển xây dựng Dược thư của riêng từng quốc gia (National Formulary).
Dược thư quốc gia Việt Nam ra đời lần đầu tiên năm 2002 do Bộ Y tế biên soạn và ban hành với sự hỗ trợ của Cơ quan hợp tác và phát triển quốc tế Thụy Điển. Cuốn sách bao gồm 500 chuyên luận thuốc và 20 chuyên luận chung. Ban chỉ đạo biên soạn Dược thư quốc gia Việt Nam I do nguyên thứ trưởng Bộ Y tế Lê Văn Truyền khi đó là Chủ tịch Hội đồng Dược điển Việt Nam làm trưởng ban và được giao nhiệm vụ tổ chức biên soạn Dược thư quốc gia Việt Nam.
Ban biên soạn Dược thư quốc gia Việt Nam nay là Hội đồng Dược thư quốc gia tập hợp các chuyên gia đầu ngành y có trình độ chuyên môn giỏi, tâm huyết với nghề, nhiệt tình cống hiến tài năng và kinh nghiệm để xây dựng cuốn dược thư là một sản phẩm trí tuệ, khoa học của ngành Y tế ViệtNam.
Dược thư quốc gia Việt Nam lần xuất bản thứ hai được ban hành theo Quyết định số 2033/QĐ-BYT ngày 29 tháng 5 năm 2015 bao gồm 700 chuyên luận thuốc và 24 chuyên luận chung.
Dược thư quốc gia là tài liệu chính thức của Bộ Y tế về hướng dẫn sử dụng thuốc hợp lý, an toàn và hiệu quả. Đồng thời đây cũng là cuốn sách cung cấp những thông tin quan trọng, chính xác, trung thực về thuốc, để các thầy thuốc tra cứu, cân nhắc trước khi quyết định kê đơn và chỉ định dùng thuốc cho mỗi người bệnh.
Song song với việc xây dựng Dược thư quốc gia Việt Nam, Hội đồng dược thư quốc gia cũng được giao nhiệm vụ xây dựng Dược thư quốc gia Việt Nam dùng cho tuyến y tế cơ sở với nội dung ngắn gọn, súc tích, dễ tra cứu và sử dụng, phù hợp với y tế tuyến dưới.
Năm 2007 Dược thư quốc gia Việt Nam dùng cho tuyến y tế cơ sở lần đầu tiên được ban hành với 470 chuyên luận được chia thành 27 nhóm thuốc theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới. Nội dung mỗi chuyên luận thuốc gồm những thông tin ngắn gọn, cơ bản nhất, cần thiết cho công tác khám chữa bệnh hàng ngày, giúp các thầy thuốc tra cứu nhanh chóng, thuận lợi. Ngoài ra, sách cũng cung cấp những thông tin và hướng dẫn chung về điều trị hợp lý, phòng ngừa và xử trí tác dụng không mong muốn do thuốc, tương tác thuốc, về sử dụng thuốc cho những nhóm đối tượng đặc biệt (phụ nữ mang thai, cho con bú, bệnh nhân suy gan, suy thận…)
Dược thư quốc gia Việt Nam dùng cho tuyến y tế cơ sở, lần xuất bản thứ hai được xuất bản và ban hành theo quyết định số 5539/QĐ-BYT ngày 3 tháng 10 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế bao gồm 600 thuốc phổ biến nhất đang được dùng ở tuyến huyện và tuyến xã.