Đọt Chuối Non

Đọt Chuối Non

Ethic là gì

Chào các bạn, Ethics thường được dịch là “đạo đức”, nhưng từ work ethics có lẽ là dịch “văn hóa làm việc” thì chính xác hơn—đó là một thói quen tư duy của ta về công việc ta làm. Ở Mỹ, các quảng cáo tuyển người thường đòi hỏi “good work ethics”, tức là người có thói quen làm việc siêng năng, chăm chỉ, hăng hái. Nhưng thực ra, từ work ethics có ý nghĩa sâu xa hơn vậy rất nhiều.

Bạn học xong đại học và tìm việc làm, cố tìm việc thích hợp ngành học, công ty có uy tín, lương cao. Có bao giờ bạn nghĩ đến công việc của mình là gì của mình không?

Đó là cách kiếm tiền sinh sống.

Còn gì nữa?

Đó là cách để phục vụ mọi người, phục vụ xã hội.

Còn gì nữa?

Nếu suy nghĩ kỹ một chút, ta thấy công việc của ta chính là một phần rất lớn của ta. Mỗi ngày, kể cả thời gian từ nhà đến sở và từ sở về nhà, có thể trung bình ta tốn khỏang 10 giờ cho công việc. Đối với các bạn bận rộn, có thể lên đến 12 hay 14 giờ là thường.

Công việc của ta là một phần rất lớn của ta, của sự trưởng thành nghề nghiệp, và sự trưởng thành tâm linh của ta.

Khi ta nghĩ đến công việc như là một “cách” để sinh sống, một “cách” để tiến thân, ta nhìn công việc như là “phương tiện” để làm gì đó. Nhưng cái nhìn đó rất thiếu sót và không chính xác.

Công việc của ta chính là đời sống của ta. Mỗi ngày ta sống ở sở nhiều giờ hơn cả sống ở nhà.

Làm việc là sống.

Làm việc là trưởng thành.

Làm việc là phát triển đời sống tâm linh: – khiêm tốn, – thành thật, – yêu người, – nhẫn nhịn, – hòa ái, – tĩnh lặng (tâm tĩnh lặng, trong khi tay chân và trí thì hoạt động mạnh!)

Làm việc là phát triển các kỹ năng: – giao tiếp, – ngoại giao (nói, viết, thân ngữ) – làm việc nhóm, – phục vụ, – quản lý và lãnh đạo, – kỹ thuật chuyên ngành.

Sở làm là môi trường sống của ta mà ta phải dùng một phần lớn của mỗi ngày trong đó. Đó là môi trường ta học và thực hành hàng ngày mọi kỹ năng tâm linh cũng như kỹ năng nghề nghiệp, với tất cả mọi người chung quanh.

Công việc là cái ta làm hàng ngày để trưởng thành tâm linh và nghề nghiệp. Mỗi ngày hãy đến sở làm với cái nhìn đó về công việc—dù là loại công việc gì, dù là việc tạm thời hay dài hạn, dù là việc ta rất thích hay không thích lắm—công việc là cái ta làm hàng ngày để trưởng thành tâm linh và nghề nghiệp.

Đừng quá quan tâm vào số tiền lương. Vì nếu ta xung phong làm việc từ thiện không lương với một tổ chức từ thiện thì bản chất của công việc không thay đổi—công việc vẫn là cái ta làm hàng ngày để trưởng thành tâm linh và nghề nghiệp.

Cho nên các bạn, hãy làm việc như một nghệ sĩ, tập trung vào làm việc để có sản phẩm công việc tốt nhất mà bạn có thể có, mỗi ngày kỹ năng kỹ thuật của bạn tăng cao hơn một chút, và nghệ thuật sống của bạn tăng cao hơn một chút-khiêm tốn hơn một chút, thành thật hơn một chút, yêu người hơn một chút, nhịn nhục hơn một chút, tĩnh lặng hơn một chút…

Công việc chính là con đường tu luyện tiến đến giác ngộ.

Rồi mọi thứ khác tiền bạc, chức vụ, quyền lực… sẽ theo công việc tốt của ta mà ùa vào, không cần phải cầu, và cũng đừng nên chú tâm vào chúng, vì nếu bạn tập trung tâm trí vào sai chỗ thì chẳng khác gì tài xế lái xe mà tập trung tâm trí vào cảnh đẹp bên đường.

Mục tiêu là làm việc với trái tim của một nghệ sĩ vừa tâm linh vừa nghệ thuật. Và mọi phần thưởng sẽ đến chỉ là hậu quả tự chúng đến.

Chúc các bạn một ngày làm việc tốt.

Mến,

Hoành

Bài liên hệ: Nhìn vật chất một cách tích cực

© copyright 2011 Trần Đình Hoành Permitted for non-commercial usewww.dotchuoinon.com