Trong văn hóa nghệ thuật, chúng ta được tiếp cận đến nhiều thể loại tác phẩm khác nhau. Trong đó, có một thể loại mà trẻ em rất ưa thích được gọi là Fantasy. Vậy Fantasy thực sự có nghĩa là gì?
Fantasy là gì?
Fantasy /ˈfan(t)əsē/: theo nghĩa tiếng Anh được hiểu là một danh từ chỉ sự tưởng tượng, ảo tưởng, không có thật.
Ví dụ: She retreated into a fantasy world, where she could be anything she wanted. – Cô ấy thu mình vào trong thế giới tưởng tượng, nơi cô có thể làm mọi thứ mình muốn.
Thể loại Fantasy là gì?
Fantasy – giả tưởng, trong tiếng Hy Lạp “φαντασία” có nghĩa là “làm cho cụ thể”, là một thể loại văn học mà tập trung vào các yếu tố tưởng tượng, biến những điều không có thật, hư ảo thành những hình ảnh, sự việc cụ thể, có thể nhìn thấy được. Đọc, hay xem những tác phẩm Fantasy, chúng ta cảm nhận được phép thuật, quái vật, nàng tiên, động vật biết nói, vân vân… dường như đang thực sự xuất hiện trong câu chuyện.
Với Fantasy, các yếu tố huyền bí, siêu nhiên đóng vai trò là nền tảng của cốt truyện, bối cảnh, nhân vật hoặc chủ đề nói chung. Trong dân gian Việt Nam, chúng ta thấy các câu chuyện cổ tích, truyền thuyết, ngụ ngôn, sử thi đều thường xuyên sử dụng các yếu tố này nhằm đem lại cảm giác thích thú, tò mò cho người nghe. Ngày nay, không chỉ ở văn học, Fantasy đã trở nên phổ biến hơn rất nhiều trong phương tiện truyền thông – phim, truyền hình, truyện tranh, trò chơi điện tử,… Mặc dù vậy, vị trí chủ đạo và có ảnh hưởng nhất vẫn luôn là văn học.
Ví dụ về Fantasy
Một câu chuyện giả tưởng có thể là về bất kỳ điều gì, bất cứ lức nào và về cơ bản là không có giới hạn về những gì có thể xảy ra. Một cốt truyện tưởng chừng đơn giản có thể được biến thành giả tưởng chỉ với một chút yếu tố được thêm vào:
Nhi ngồi vào bàn với tất cả những con búp bê và thú nhồi bông yêu thích của cô bé. Và tiệc trà bắt đầu! Nhi lấy tách trà và phục vụ những người bạn đồ chơi của mình như mọi ngày. Nhưng hôm nay không phải là một này bình thường. Khi rót đến ly trà trước mặt chú gấu bông Po đáng yêu, cô bé chợt cảm thấy như ai đó đang quan sát mình. Nhi nhìn kỹ vào Po, nó nhìn lại cô bé bằng đôi mắt thủy tinh của mình và nói “trà thơm quá, Nhi.”
Bạn thấy đấy, chỉ cần thay đổi một điều bình thường thành một thứ gì đó không có thật – như một con thú nhồi bông biết nói – là bạn đã có được một câu chuyện Fantasy.
Tầm quan trọng của Fantasy
Mặc dù hư cấu nói chung là một cách phổ biến để kể chuyện, nhưng giá trị chính của fantasy là cho phép tác giả làm những điều bên ngoài giới hạn của thế giới. Bằng cách loại bỏ những giới hạn của thực tế, giả tưởng mở ra cho câu chuyện với khả năng làm bất cứ điều gì. Con người có thể trở thành siêu anh hung, động vật thì biết nói, và phép thuật trở nên bình thường. Quan trọng nhất, sự tưởng tượng ấy cho phép mọi người thoát khỏi thực tế, lạc vào những câu chuyện thú vị và thường khơi gợi niềm say mê, hứng thú. Hơn nữa, một số câu chuyện fantasy (đặc biệt là cổ tích) đối mặt với các vấn đề trong thế giới thực và đưa ra giải pháp thông qua các yếu tố kỳ ảo.
Sự phổ biến của Fantasy trong văn hóa đại chúng
Ngày nay, chúng ta được tiếp cập đến rất nhiều tiểu thuyết, truyện tranh, phim, trò chơi sử dụng tính chất fantasy như:
- Loạt tiểu thuyết Chúa tể những chiếc nhẫn – JRR Tolkien (đã được chuyển thể thành phim).
- Loạt tiểu thuyết Harry Potter – JK Rowling.
- Các series truyện tranh Nhật Bản như One Piece, Naruto, One Punch Man, Dragon Ball,…
- Các bộ phim hoạt hình của Disney như Công chúa tóc mây, Đi tìm Nemo, Bay lên,…
- Trò chơi điện tử như Liên Minh Huyền Thoại, The Witcher, Genshin Impact…
- và rất nhiều tác phẩm khác trên thế giới…
Tóm lại, fantasy là một trong những thể loại phổ biến và có ý nghĩa trong văn hóa đại chúng cũng như lịch sử văn học. Từ khả năng kết hợp các thể loại, phù hợp với cả mục đích nghệ thuật và truyền thông, sức ảnh hưởng của fantasy là tương đối rộng rãi.