Nạn nhân bị gaslighting có thể cảm thấy mất niềm tin vào chính mình và dẫn đến hoang mang, lo sợ. Người muốn gaslight người khác sẽ dùng những chiêu trò sau:
Nói dối
Những người muốn thao túng bạn sẽ liên tục nói dối về những việc mà bạn biết rõ rằng họ đang nói dối. Những chuyện này quá hiển nhiên tới nỗi bạn sẽ không tin được rằng ai đó có thể nói dối về một vấn đề như vậy. Vậy nên, bạn bắt đầu đặt câu hỏi về mọi thứ và trở nên không chắc chắn về những vấn đề đơn giản nhất.
>>> Đọc thêm: Nói dối gây ảnh hưởng đến não bộ
Họ dựng ra những chuyện không có thật
Người muốn gaslighting có thể nói một câu tổn thương bạn rồi một thời gian sau thì hoàn toàn chối bỏ việc này. Thậm chí, họ còn có thể yêu cầu bạn đưa ra bằng chứng họ đã làm tổn thương bạn. Bạn sẽ dần có những nghi ngờ về trí nhớ và nhận thức của mình. Bạn bắt đầu tự hỏi liệu người kia có thể nói đúng không và dần chấp nhận những gì họ nói.
Họ dùng những gì bạn trân trọng chống lại bạn
Người muốn gaslighting sẽ dùng những thứ bạn yêu quý nhất để chống lại bạn. Nếu bạn thích công việc của mình, họ sẽ nói công việc của bạn có nhiều vấn đề. Đối với những ai có con cái, những kẻ thích thao túng có thể sẽ đưa ra những lý do tại sao bạn không nên có con. Điều này sẽ khiến bạn không tin tưởng vào cả những thứ mình rất trân trọng và yêu quý nhất.
Họ khiến bạn không còn chính kiến
Một trong những phần đáng sợ của việc thao túng là nạn nhân không thay đổi ngay mà sẽ biến thành con người khác một cách từ từ. Nạn nhân sẽ không còn những suy nghĩ, hành động, chính kiến của mình mà dần trở thành một người giống kẻ đi thao túng kia.
Họ liên tục dùng lời nói thao túng bạn
>>> Đọc thêm: Hiệu ứng FOMO là gì mà khiến bạn chạy theo đám đông?
Họ có những lúc ngọt ngào với bạn
Chiêu trò thường gặp ở những người muốn gaslight là gì? Bên cạnh những lời nói gây tổn thương, những người muốn gaslighting bạn cũng có thể có những lúc ngọt ngào. Họ nhẹ nhàng, khen ngợi, cổ vũ bạn để khiến bạn nghĩ rằng họ không phải người xấu. Tuy nhiên, sau những lời ngọt ngào, mục đích sau cùng của họ là chiếm được sự tin tưởng và phục tùng của bạn.
Họ khiến bạn cảm thấy mập mờ
Nếu bạn đề cao sự ổn định và rõ ràng, người thích thao túng sẽ lợi dụng tâm lý này và tạo ra sự mập mờ, hỗn loạn xung quanh nạn nhân. Khi này, nạn nhân sẽ không còn cách nào khác ngoài việc dựa vào người thao túng mình để có sự ổn định nhất thời.
Họ đổ tội cho bạn
Những người muốn thao túng sẽ khiến bạn cảm thấy mình là người gian dối và lừa lọc dù chính họ mới là người có lỗi. Bạn sẽ cảm thấy mình luôn là người có lỗi và liên tục phải nhận phần sai về mình.
Họ khiến bạn nghĩ mình không tỉnh táo
Người muốn gaslighting biết bạn đang cảm thấy hoang mang và nghi ngờ bản thân nên sẽ lợi dụng điều này để khiến bạn nghĩ mình không tỉnh táo. Điều này sẽ khiến những người xung quanh và cả chính bạn cho rằng những vấn đề bạn đang gặp là không có thật. Lúc này, bạn sẽ khó tìm kiếm sự giúp đỡ hơn.