Blog của Lê Văn Luật

General education là gì

Hệ thống giáo dục Mỹ có những khác biệt khá lớn so với Việt Nam nhưng nhìn tổng quan (cái khung) thì vẫn có những điểm tương đồng.

Hết phổ thông sẽ học gì ở Mỹ?

Ở Mỹ, sau khi học xong trung học, học sinh có thể lựa chọn học tiếp theo các hướng sau:

a/ Học nghề: đăng ký vào học các trường nghề (trades school)

Thời gian học các trường này từ vài tháng đến 2 năm. Nội dung chương trình chỉ tập trung vào các môn chuyên nghề, không học các môn khác. Lớp học thường là ít học viên do đó giảng dạy theo cách huấn luyện “cầm tay chỉ việc” (hands-on).

b/ Học 2-years college:

College ở Mỹ không phải là “cao đẳng” ở Việt Nam: college có khi dùng như là đại học (4-years college đào tạo bậc đại học, 2-years college đào tạo lấy bằng liên thông để học lên đại học,…), có khi là một trường – cũng đào tạo bậc đại học – nằm trong đại học.

Sau khi học phổ thông, học sinh có thể theo học 2-years college để lấy bằng Associate’s degree. Sau đó có thể học tiếp 2 năm để lấy bằng đại học (BA/BS) hoặc ra đi làm.

Theo hướng này có hai dạng: + AAS (Associate of Applied Science): học xong ra đi làm (không liên thông – vẫn có thể có một số tín chỉ có thể dùng để liên thông). Tập trung vào các môn chuyên môn. + AS (Associate of Science) và AA (Associate of Arts): học để liên thông lên đại học.

c/ Học 4-years hoặc 3-years college/university để lấy bằng đại học (BA/BS).

Theo cả hai dạng này thì chương trình mang tính hàn lâm, 1 hoặc 2 năm đầu học các môn chung (general education) và các môn nhập môn.

Giáo dục đại cương ở Mỹ gồm những môn học nào?

Ở lựa chọn 1 như trên (học nghề), chỉ học các môn nghề, không học các môn đại cương.

Ở lựa chọn 2 (học 2 năm), với AAS (chỉ học nghề, ra làm việc) nên không học các đại cương.

Với dạng học AS hoặc AA (sẽ học tiếp lên đại học) thì người học sẽ lựa chọn một số môn (nhà trường quy định số môn) trong một số lĩnh vực do nhà trường quy định (có trường đưa ra 5 lĩnh vực, có trường nhiều hơn).

Liberal Arts College (tạm dịch là trường “giáo dục sáng tạo”, một số nơi dịch là “giáo dục tổng quát”): Xu hướng trường liberal arts hiện nay rất phổ biến ở Mỹ (có khoảng 500 trường) với tư tưởng đào tạo ra những con người toàn diện, có khả năng thích ứng tốt. Phần giáo dục đại cương sẽ đào tạo các môn cơ bản, chung nhất.

Các nhóm môn gồm:

  • Nhân văn – bao gồm nghệ thuật, văn học, ngôn ngữ học, triết học, tôn giáo, đạo đức, ngoại ngữ hiện đại, âm nhạc, kịch, ngôn ngữ cổ điển (Latin / Greek) …
  • Khoa học xã hội – bao gồm lịch sử, tâm lý, luật, xã hội học, chính trị, nghiên cứu về giới, nhân học, kinh tế học, địa lý, tin học kinh doanh …
  • Khoa học tự nhiên – bao gồm thiên văn học, sinh học, hóa học, vật lý, thực vật học, khảo cổ học, động vật học, địa chất, khoa học Trái đất …
  • Khoa học cơ bản – bao gồm toán học, logic, thống kê, v.v.

Ví dụ phần giáo dục đại cương của đại học Washington [1]:

  1. Nghệ thuật sáng tạo
  2. Các truyền thống định hình thế giới phương Tây
  3. Kinh nghiệm toàn cầu và đa văn hóa
  4. Tổ chức xã hội và hành vi
  5. Khoa học tự nhiên và toán học

Đại học Havard [2]:

  1. Thẩm mỹ và diễn giải
  2. Văn hoá và tín ngưỡng
  3. Lý luận toán học và lý luận thực chứng
  4. Lý luận về đạo đức
  5. Khoa học về sự sống
  6. Khoa học vũ trụ, vật lý
  7. Các xã hội trên thế giới
  8. Hoa Kỳ và thế giới

Riêng đối với giáo dục thể chất (physical education), những năm 60-80 có khoảng 70% trường ở Mỹ bắt buộc học thể chất nhưng từ những năm 90 tới nay giảm dần. Hiện có khoảng 30% trường ở Mỹ bắt buộc phải học thể chất, các trường khác không bắt buộc học mà người học tự tích lũy. Tuy vậy, SHAPE America (Society of Health and Physical Educators – tạm dịch là Hiệp hội các nhà giáo dục sức khỏe và thể chất Mỹ) đang cảnh báo về việc này.

Vài suy nghĩ về giáo dục đại cương ở Việt Nam

Giáo dục đại cương ở Việt Nam được hiểu là học các môn chung.

Với hệ đại học, các môn chung đối với một số khối ngành khác nhau sẽ khác nhau.

  1. Những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác-Lênin
  2. Tư tưởng Hồ Chí Minh
  3. Đường lối cách mạng của Đảng cộng sản Việt Nam
  4. Ngoại ngữ
  5. Giáo dục thể chất
  6. Giáo dục quốc phòng
  7. Một số môn khác tùy theo khối ngành (Tin học cơ sở,…)

Với hệ cao đẳng:

  1. Chính trị (Triết học, Chủ nghĩa XHKH, Tư tưởng HCM).
  2. Tin học đại cương
  3. Ngoại ngữ
  4. Giáo dục thể chất
  5. Giáo dục quốc phòng
  6. Pháp luật đại cương

So sánh với giáo dục đại cương ở Mỹ (chỉ so sánh trong phạm vi các môn theo cách hiểu về giáo dục đại cương ở Việt Nam):

  • Cả ở Mỹ và ở Việt Nam đều học ngoại ngữ.
  • Cả ở Mỹ và ở Việt Nam đều học triết học. Nhưng ở Việt Nam học Triết học Mác-Lênin, ở Mỹ học Triết học Mỹ.
  • Cả ở Mỹ và Việt Nam đều học pháp luật (có vẻ như ở Việt Nam học ít hơn).
  • Ở Mỹ không học môn Tư tưởng HCM nhưng học các tư tưởng, đường lối của các nhà lãnh đạo (tổng thống,…). Các nội dung này nằm trong nhiều nhóm môn như nhóm môn về chính phủ (Government), nhóm môn hành vi, nhóm môn lịch sử, nhóm môn luật pháp,… (tham khảo chi tiết ở [5])
  • Ở Mỹ không học Giáo dục quốc phòng. Lưu ý rằng từ năm 1973, Mỹ đã bỏ chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc. Thanh niên Mỹ không bắt buộc phải đi lính mà chỉ là tình nguyện (lương lính rất cao). Việt Nam nằm trong số 13 quốc gia trên thế giới có chế độ nghĩa vụ bắt buộc [8]. Việt Nam nằm cạnh anh bạn lớn và nguy cơ xung đột vũ trang là hoàn toàn có thể xảy ra. Bình thường chúng ta không thể duy trì một lượng quân lớn (vì sẽ không có người sản xuất và sẽ tốn chi phí lớn) nhưng nếu có xung đột thì ta có thể phải đối mặt với một đội quân rất lớn. Do đó đảm bảo một lực lượng dự bị có khả năng chiến đấu là rất cần thiết.
  • Ở Mỹ có khoảng 30% các trường bắt buộc học môn thể chất. Số 70% còn lại tự rèn luyện thông qua các câu lạc bộ trong Trường – cơ sở vật chất phục vụ giáo dục thể chất trong các trường ở Mỹ rất tốt [9]. Ở Việt Nam, thể hình của người Việt còn rất nhỏ trong khi đó ý thức về rèn luyện sức khỏe khá thấp, chỉ khoảng 15% người tập thể dục nhiều hơn 30 phút mỗi ngày [6] do đó việc giáo dục thể chất bắt buộc là cần thiết. Chúng ta cũng không học theo Mỹ được vì cơ sở vật chất cho giáo dục thể chất trong các Trường học của ta còn rất yếu, chỉ khoảng 5,6% trường học có nhà thi đấu đa năng [7 – số liệu năm 2013].

Như so sánh trên, hầu như giáo dục đại cương ở Mỹ cũng giống như ở Việt Nam hiện nay. Và cũng thấy rằng những môn học này (giáo dục đại cương) là thật sự cần thiết.

——————————————————- [1] http://www.american.edu/provost/gened/ProgramGoals.cfm [2] https://college.harvard.edu/academics/planning-your-degree/general-education [3] http://duhocmy24h.edu.vn/dai-hoc-o-my-khac-gi-so-voi-viet-nam-1629 [4] http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/nguoi-viet-5-chau/dai-hoc-o-my-khac-viet-nam-nhu-the-nao-2184177.html [5] http://www.american.edu/provost/gened/AreaFour.cfm [6] http://www.baomoi.com/mon-the-duc-co-bi-xem-nhe/c/21279623.epi [7] http://www.tdtt.gov.vn/tabid/69/ArticleID/14742/Default.aspx [8] https://www.academia.edu/18620109/%C4%90i_l%C3%ADnh_%E1%BB%9F_M%E1%BB%B9-Nh%C3%ACn_t%E1%BB%AB_g%C3%B3c_%C4%91%E1%BB%99_ngh%C4%A9a_v%E1%BB%A5 [9] https://www.fitness.gov/pdfs/status-of-pe-in-us.pdf