Mỗi ngày, giun đũa cái đẻ trung bình 200.000 trứng. Người bị giun đũa tấn công do ăn uống thực phẩm như rau, nguồn nước hoặc từ tay bẩn có chứa trứng giun. Vậy giun đũa là gì, mắc bệnh giun đũa có nguy hiểm không, cách nào để phòng bệnh giun đũa?
Giun đũa là gì?
Giun đũa (tên khoa học Ascaris lumbricoides, người miền Nam thường gọi lãi đũa) ký sinh và gây bệnh phổ biến ở người. Giun đũa có dạng hình ống có kích thước rất lớn, dài cỡ chiếc đũa ăn cơm, do đó dễ nhận biết bằng mắt thường.
Ký sinh trùng là gì?
Ký sinh trùng là một sinh vật muốn sống hay tồn tại được phải dựa vào sinh vật sống khác (có thể là con người, động vật, thực vật), thường được gọi là ký chủ. (1)
Tùy vào nhóm ký chủ, ký sinh trùng tồn tại, sinh trưởng và sinh sản ở những giai đoạn khác nhau. Ký sinh trùng hiếm khi giết chết ký chủ mà dựa vào cơ thể ký chủ để hút chất dinh dưỡng, phát tán bệnh tật.
Đặc điểm cấu tạo hình thể của giun đũa
Giun đũa có thân dài, với màu trắng ngà hay hồng lợt, đầu và đuôi có hình chóp nón.
- Giun cái dài từ 20-30cm, chiều ngang dài từ 5-6mm, đuôi giun cái thẳng, hình nón, với lỗ sinh dục ở khoảng ⅓ trên kèm một vòng đai quanh thân để thụ tinh với giun đực.
- Giun đực dài từ 15 – 20cm, chiều ngang thân từ 2-4mm đuôi cong về phía bụng, có 2 gai nằm ở cuối đuôi để giao hợp.
Trứng giun đũa có bao nhiêu loại?
Hầu hết trứng giun đũa có hình bầu dục, đôi khi ở dạng hình cầu hơi tròn. Trứng được bọc dưới lớp vỏ trong suốt gồm bên ngoài là lớp albumin dày, xù xì, xếp lớp đồng tâm. Trứng giun đũa có lớp vỏ dày nên khả năng chống lại các yếu tố lý, hóa ở môi trường bên ngoài rất cao.
Các loại hóa chất ở nồng độ thường dùng để diệt trùng không diệt được trứng giun đũa, thậm chí ở vài loại như chlor 2%, formol 2%, trứng giun vẫn phát triển tốt. Ở nhiệt độ trên 10 độ C, độ ẩm trên 80%; trứng giun đũa phát triển thuận lợi, có thể tồn tại đến 5 năm. Ở đất vườn, trong bóng mát, trứng có thể tồn tại đến 7 năm.
- Trứng chắc: trứng này đã được thụ tinh, bên trong chứa phôi bào. Trứng chắc có hình bầu dục, lớp albumin dày đều, kích thước trứng khoảng 50-75µm x 45-60µm.
- Trứng lép: một số giun cái vẫn đẻ trứng dù không thụ tinh với giun đũa đực nên gọi là trứng lép. Trứng lép có hình bầu dục dài và hẹp hơn, kích thước từ 88-94µm x 39 -44µm. So với trứng chắc thì trứng lép có vỏ albumin ít dày hơn và độ dày mỏng không đều, bên trong trứng là những hạt tròn không đều. Trứng không thụ tinh không phát triển và sẽ bị thoái hóa.
- Trứng không vỏ: nếu vỏ trứng mất lớp albumin, không còn xù xì sẽ trở nên trơn tru. Trứng không vỏ gặp ở cả trứng chắc và trứng lép.
Chu trình phát triển của giun đũa
- Giun đũa trưởng thành ký sinh ở ruột non. Mỗi ngày, giun cái đẻ trung bình 200.000 trứng. (2)
- Trứng theo phân ra bên ngoài và chỉ những trứng thụ tinh mới tiếp tục phát triển tiếp giai đoạn mới. Trứng giun đũa phát triển thuận lợi ở nhiệt độ từ 25 – 30 độ C, độ ẩm khoảng 80%, đủ ánh sáng, bóng râm mát.
- Tùy theo điều kiện nhiệt độ, phôi bào bên trong trứng phân chia và phát triển thành ấu trùng nằm trong trứng từ 9 – 43 ngày. Trứng có ấu trùng sẽ trở thành trứng có khả năng gây nhiễm.
- Con người vô tình nuốt trứng có ấu trùng do người bị bệnh đi tiêu bừa bãi, dùng phân tươi trong canh tác, hố xí không đúng tiêu chuẩn hợp vệ sinh, nước chảy cuốn theo trứng giun. Ngoài ra, các loại gia súc nuôi thả rông ăn phải nguồn phân chứa nguồn bệnh và các loại côn trùng như ruồi, gián đóng vai trò của phương tiện vận chuyển trứng từ nơi này đến nơi khác. Người bị nhiễm trứng giun do kém vệ sinh trong ăn uống.
- Trứng theo thực quản xuống dạ dày. Tại dạ dày, dưới tác động của dịch tiêu hóa và tác động co bóp, ấu trùng tìm cách thoát ra khỏi trứng. Lúc này, ấu trùng có kích thước 200 – 300µm x14m, xuyên qua thành ruột theo các tĩnh mạch mạc treo và theo hệ thống tĩnh mạch cửa đến gan. Ấu trùng lại rời khỏi gan theo tĩnh mạch trên gan đến tim phải và lên phổi.
- Tại phổi, ấu trùng lột xác 2 lần, đạt chiều dài khoảng 1,5-2mm và đường kính thân 0,02mm. Ấu trùng không thể chui lọt qua mao quản phổi có đường kính chỉ 0,01mm nên làm vỡ mao quản phổi để đến phế nang.
- Từ phế nang, ấu trùng theo các vi phế quản, tiểu phế quản, phế quản đến khí quản lên yết hầu. Từ yết hầu, ấu trùng quay xuống thực quản, dạ dày, ruột non, lột xác lần cuối để trở thành giun trưởng thành.
Từ lúc con người nuốt trứng có ấu trùng cho đến khi hoàn thiện thành giun đũa trưởng thành trong ruột kéo dài khoảng 2 – 2,5 tháng. Tuổi thọ của giun đũa khoảng 12 – 18 tháng.
Giun đũa gây bệnh ở người như thế nào?
Giun đũa trưởng thành thường ký sinh ở ruột non và hấp thụ dưỡng chất tại đây như protid, glucid, các loại vitamin A, vitamin C. Nếu một trẻ em nhiễm từ 13 – 40 giun đũa trong ruột sẽ bị giun chiếm đoạt mất 4g protid trong 35g – 50g protid ăn vào và 20 con giun đũa sẽ tiêu thụ khoảng 2,8g glucid mỗi ngày.
Tùy vào sức đề kháng của từng người bệnh mà tình trạng bệnh cũng khác nhau. Nếu một người có chế độ dinh dưỡng kém thì sức khỏe càng nghiêm trọng khi mỗi ngày, giun đũa đã chiếm đoạt bớt khẩu phần đạm, glucid, các loại vitamin A, B, D đã ăn vào.
Đối tượng nào có nguy cơ nhiễm ấu trùng giun đũa
Giun đũa rất phổ biến trên thế giới, nhiều nhất ở các nước có khí hậu nóng, vệ sinh kém. Ước tính thế giới có 807 triệu – 1,2 tỷ người nhiễm Ascaris lumbricoides. Ở Việt Nam, tỷ lệ nhiễm giun đũa tại các tỉnh phía Bắc từ 60% – 95%, tại các tỉnh phía Nam 13% – 46%. Mỗi người bệnh có bình quân khoảng 7 – 22 giun đũa trong ruột. (3)
Dưới đây là những đối tượng có nguy cơ nhiễm ấu trùng giun đũa:
- Người sống trong vùng có dịch tễ có sự hiện diện của giun đũa.
- Trẻ em hay chơi đùa dưới đất, với nguồn đất nhiễm giun đũa từ phân người.
Giun đũa có nguy hiểm không?
Nhiều báo cáo đề cập bất thường của giun đũa ở hạch bạch huyết, tuyến ức, tuyến hung, lách, não, tủy sống.
Ở phụ nữ có thai, ấu trùng giun đũa có thể đi qua nhau và nhiễm vào bào thai. Tại Việt Nam, cũng đã gặp giun đũa ở động mạch đùi, ở tuyến lệ, ở vòi Eustache (vòi tai), khí quản.
Giun đũa trưởng thành di chuyển bất thường cũng có thể gặp ở nhiều cơ quan gần với ống tiêu hóa.
Triệu chứng của bệnh giun đũa
Người bệnh có thể không có triệu chứng nhưng có khi chỉ nhiễm một con giun cũng có biểu hiện rầm rộ, thậm chí đưa đi cấp cứu. Bệnh giun đũa chia thành 2 giai đoạn:
1. Giai đoạn ấu trùng chu du
Vì ấu trùng giun đũa thực hiện chu trình phát triển bắt đầu từ ruột non, đi qua các cơ quan khác rồi trở lại kết thúc ở ruột non nên còn gọi là giai đoạn chu du. Trong quá trình chu du, ấu trùng có thể đi lạc đến các cơ quan khác và định vị bất thường tại đó nên gọi là ký sinh lạc chỗ.
Khi ấu trùng đến phổi với số lượng nhiều, người bệnh sẽ có biểu hiện rõ hơn bởi hội chứng Loeffler. Hội chứng này xuất hiện sau 7 – 18 ngày ấu trùng xuyên qua thành ruột, bệnh có 4 đặc điểm như:
- Biểu hiện kích thích đường hô hấp như ho khan lúc đầu, sau đó có thể có đờm.
- X-quang phổi có hình ảnh thâm nhiễm, giống lao phổi, có thể giống viêm phế quản.
- Bạch cầu toan tính trong máu tăng cao, khoảng từ 14% – 40%.
- Bệnh tiến triển không rầm rộ và tự hết sau một thời gian ngắn từ 1-3 tuần.
Hội chứng Loeffler nặng hay nhẹ tùy thuộc số lượng ấu trùng giun có trong phổi và tùy thuộc cơ địa mỗi người. Ở người có cơ địa dị ứng, có thể biểu hiện nổi mẩn đỏ, ngứa da.
2. Giun giai đoạn trưởng thành
- Rối loạn tiêu hóa như đau bụng quanh rốn, thường là trẻ em, cơn đau râm ran, không liên tục đau quặn bụng rất dữ dội. Nhiều trẻ ôm bụng lăn lộn, kèm tiêu chảy, táo bón, buồn nôn, ói, chán ăn.
- Trẻ nhiễm giun kéo dài dẫn đến suy dinh dưỡng do giun chiếm đoạt khẩu phần ăn mỗi ngày.
- Với số lượng nhiều giun trong ruột, giun cuộn vào nhau tạo thành nùi giun gây tắc ruột. Giun đũa cũng có thể gây hiện tượng quặn quai ruột quanh mạch treo và gây ra lồng ruột.
- Các biểu hiện nhiễm độc do độc tố của giun như co giật, động kinh, dấu hiệu viêm màng não, dấu hiệu giống bệnh thương hàn hoặc bệnh tả.
- Giun đũa di chuyển bất thường sẽ gây tổn thương viêm ruột thừa, viêm tụy cấp do chui vào ống Wirsung, tắc mật do chui vào ống mật chủ, viêm túi mật, sỏi mật do xác hay trứng giun tạo thành sỏi, giun còn lên gan gây áp xe gan, thủng rụng, viêm phúc mạc. Một số trường hợp, giun lên dạ dày, lên miệng và ói ra giun.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
- Người bệnh cần đi gặp bác sĩ nếu thấy trên da nổi mẩn đỏ, ngứa trên da. (4)
- Tiêu chảy, đau bụng kéo dài hơn 2 tuần.
- Giảm cân không rõ nguyên nhân.
- Nhìn thấy giun trong phân hoặc trào ra từ miệng.
Trung tâm Xét nghiệm BVĐK Tâm Anh TP.HCM đạt tiêu chuẩn ISO 15189:2012, được đầu tư máy móc hiện đại với công nghệ tiên tiến, nhập khẩu chính hãng từ các nước Âu-Mỹ. Nhờ đó, người bệnh khi đến thực hiện xét nghiệm ký sinh trùng như: giun đũa chó mèo, giun xoắn, giun đầu gai, sán lá gan, sán lá phổi, sán dải… sẽ sớm có kết quả nhanh chóng, chính xác, giúp việc điều trị kịp thời và hiệu quả.
- Gọi tổng đài 0287 102 6789 – 0287 300 6858 (TP HCM) hoặc 1800 6858 – 024 7106 6858 (Hà Nội) để đăng ký lịch hẹn khám bệnh riêng với chuyên gia, thông qua nhân viên chăm sóc khách hàng.
- Đăng ký hẹn khám bệnh với bất kỳ bác sĩ nào mà mình tin tưởng tại đường link: https://tamanhhospital.vn/danh-cho-khach-hang/dat-lich-kham/
- Gửi tin nhắn trên Fanpage Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh hoặc Fanpage Tiết niệu – Nam học BVĐK Tâm Anh
- Nhắn tin qua Zalo OA của BVĐK Tâm Anh.
Giun đũa Ascaris lumbricoides là loại ký sinh trùng phổ biến ở đường ruột người. Do đó, bên cạnh việc phòng ngừa bệnh như tránh phóng uế bừa bãi (gần bụi rậm, trong vườn, ruộng) hoặc dùng phân người bón cây…, ăn chín – uống sôi thì người bệnh cần xét nghiệm để điều trị kịp thời.