Giới thiệu hệ thống hạch bạch huyết trong cơ thể
Hạch bạch huyết là một phần quan trọng của hệ thống miễn dịch của cơ thể, để giúp chống lại tình trạng nhiễm trùng.
Trong cơ thể mỗi chúng ta có khoảng 500-600 hạch bạch huyết, chúng nằm rải rác khắp cơ thể trên đường đi của mạch bạch huyết và thường tập trung thành nhóm và nhận bạch huyết của từng vùng cơ thể.
Có những hạch bạch huyết nằm nông dưới da mà chúng ta có thể sờ được ( trên cổ, sau tai, dưới cằm, dưới hàm, vùng gáy, hố nách, quanh háng…). Và có những hạch nằm sâu trong lồng ngực, ổ bụng… không thể sờ thấy, chỉ có thể phát hiện qua thăm khám chẩn đoán hình ảnh.
Hình ảnh các nhóm hạch bạch huyết ở nông( có thể sờ thấy được).
Cấu tạo của hạch bạch huyết:
Hạch có hình hạt đậu hoặc hình trứng, được bao bọc bên ngoài bởi vỏ xơ, nơi lõm vào gọi là rốn hạch. Rốn hạch là nơi đi vào nhu mô hạch của động mạch, là nơi đi ra của tĩnh mạch và bạch huyết quản ( dẫn bạch huyết ra khỏi hạch).
Chức năng của hạch bạch huyết là gì?
Hạch bạch huyết được coi như lính gác cổng của từng vùng cơ thể. Các tác nhân xâm nhập ngoại lai theo dòng bạch huyết được đưa tới các hạch Tại đây hạch bạch huyết có các tế bào miễn dịch chuyên biệt để thu giữ và tiêu diệt các kẻ xâm nhập. Đồng thời sản xuất các kháng thể theo hệ tĩnh mạch và đưa vào hệ tuần hoàn máu.
Nguyên nhân sưng hạch bạch huyết?
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ miễn dịch, các tế bào miễn dịch trong hạch được sản xuất tăng lên cùng với xác các đại thực bào và tác nhân ngoại lai làm cho hạch bị sưng lên và có thể gây đau. Các nguyên nhân chính khiến hạch bị sưng gồm:
Virus ( phổ biến nhất là Virus cảm lạnh thông thường): thủy đậu, sởi, HIV…
Vi khuẩn: liên cầu, tụ cầu, lao, giang mai, các bệnh lây truyền qua đường tình dục…
Ung thư: Một số ung thư có thể gây sưng hạch bạch huyết. Nguồn gốc có thể bắt nguồn từ chính các hạch bạch huyết hoặc các tế bào máu. Cũng có thể ung thư di căn hạch từ một cơ quan khác trong cơ thể. Ví dụ, ung thư vú có thể lan đến các hạch bạch huyết gần nhất ở nách hoặc ung thư phổi có thể lan đến các hạch bạch huyết quanh xương đòn.
Khi nào cần đi khám bác sĩ ?
Một số hạch bạch huyết sưng sẽ trở lại bình thường khi tình trạng nhiễm trùng được cải thiện. Bạn nên đến gặp bác sĩ nếu các hạch bạch huyết bị sưng của bạn:
Đã xuất hiện không có lý do rõ ràng
Tiếp tục to lên hoặc đã có mặt trong hai đến bốn tuần
Cảm thấy cứng chắc hoặc không di chuyển khi bạn đẩy chúng
Đi kèm với sốt liên tục, đổ mồ hôi đêm hoặc giảm cân không rõ nguyên nhân.
Bạn sẽ phải làm xét nghiệm gi để chẩn đoán nguyên nhân sưng hạch?
Tại bệnh viện TWQĐ 108, các bác sỹ sẽ thăm khám lâm sàng về bệnh sử của bạn đồng thời chỉ định một số các xét nghiệm cần thiết như siêu âm (để đánh giá về hình ảnh hạch là lành tính hay ác tính), chọc hút tế bào hạch, sinh thiết hạch, xét nghiệm máu…để tìm ra chính xác nguyên nhân gây sưng hạch. Sau đó các bác sỹ sẽ đưa ra phương án điều trị phù hợp cho tình hình cụ thể của bạn.
Thông tin bài viết : BS Vũ Thị Thu Lan khoa CĐCN