Dù không học tiếng Hàn, thậm chí không thể đọc thứ ngôn ngữ này, thế nhưng các mọt phim vẫn có thể dễ dàng học theo một số câu thoại ngắn trong phim. Có thể nói, phim ảnh chính là một trong những phương thức truyền bá văn hóa, ngôn ngữ… rất đặc sắc của Hàn Quốc đến với bạn bè thế giới.
Oppa (anh)
‘Oppa’ là từ mà các cô gái thường dùng để gọi các anh chàng lớn tuổi hơn mình đồng thời để thể hiện sự quý mến, yêu thích. Nếu bạn đã từng xem bộ phim Reply 1988 thì chắc hẳn vẫn nhớ câu nói: ‘Chỉ cần là trai đẹp, dù nhỏ tuổi thì cũng gọi là anh hết’.
Đặc biệt, trong bộ phim Tìm lại chính mình, khi nhân cách Ahn Yo Na của Cha Do Hyun (Ji Sung) xuất hiện, cô đã gây ấn tượng mạnh khi gọi Oh Ri On (Park Seo Joon) là ‘Oppa’.
Phân cảnh hài hước của Ahn Yo Na và Oh Ri On trong Tìm lại chính mình
Annyeonghaseyo (xin chào)
‘Annyeonghaseyo’ là câu chào hỏi thường thấy rất nhiều trong các bộ phim Hàn. Đây là câu chào mang tính lịch sự, người chào thường cúi thấp đầu (người nhỏ tuổi) hoặc đưa tay ra bắt tay (người lớn) với người đối diện. Trong bộ phim Terrius phía sau tôi, bà mẹ đơn thân Go Ae Rin (Jung In Sung) đã bảo 2 con cúi đầu chào Kim Bon (So Ji Sub).
Yeoboseyo (alo)
Nếu người Việt thường sử dụng từ ‘alo’ thì người Hàn lại dùng ‘yeoboseyo’ để nghe điện thoại khi không chắc ai gọi cho mình. Tuy nhiên, hiện nay người Hàn Quốc lại sử dụng từ này khá nhiều ngay cả khi đã biết ai gọi cho mình, nó được xem giống như lời chào hỏi khi nghe điện thoại vậy.
Trong bộ phim Hai thế giới, Oh Yeon Joo đã nói ‘yeoboseyo’ khi nghe điện thoại của người yêu là Kang Chul.
Oemma (mẹ)
‘Oemma’ hay ‘omma’, ‘umma’ là cách gọi mẹ thường ngày của người Hàn Quốc. Trong bộ phim Người thừa kế, khi Eun Sang (Park Shin Hye) không chịu thừa nhận tình cảm với mình, chàng thiếu gia Kim Tan đã giả vờ gọi mẹ để dọa crush. Hành động này của anh chàng khiến Eun Sang hết hồn vì sợ bà chủ phát hiện ra cô đang trong phòng con trai bà.
Saranghae (anh yêu em/ em yêu anh)
‘Saranghae’ là câu tỏ tình quen thuộc trên màn ảnh Hàn Quốc. Trong bộ phim Ngôi nhà hạnh phúc, nhân vật Lee Young Jae (Bi Rain) đã dung cảm tỏ tình với Han Ji Eun (Song Hye Kyo). Đây được xem là một trong những phân cảnh đắt giá nhất trong bộ phim huyền thoại này.
Bogo sipeo (em nhớ anh/ anh nhớ em)
‘Bogo sipeo’ được dùng để bày tỏ nỗi nhớ khi xa nhau của các cặp đôi, tuy nhiên, câu nói này giờ cũng được dùng rất phổ biến cho bạn bè lâu ngày không gặp. Ji Eun Tak (Kim Go Eun) đã từng bật khóc và bày tỏ nỗi nhớ nhung với Kim Shin (Gong Yoo) sau khi chàng yêu tinh tan biến.
Kamsahamnida (cảm ơn)
Khi muốn cảm ơn ai đó, người hàn sẽ dùng từ ‘Kamsahamnida’ để bày tỏ tấm lòng. Trong bộ phim truyền hình Hôn nhân vàng, phân cảnh người mẹ liên tục cúi đầu cảm ơn bác sĩ khi thông báo con mình có thai khiến nhiều người vô cùng xúc động.
Wae (tại sao)
Trong bộ phim Thiên tài lang băm, phân cảnh nhân vật Yeo Jin (Kim Tae Hee) ở trong bệnh viện đã yêu cầu bác sĩ Kim Tae Hyun (Joo Won) đừng đi. Ngay lập tức vị bác sĩ đã quay lại và hỏi: ‘Tại sao? Cô còn điều gì muốn nói ư?’. Có thể nói, ‘wae’ là từ thường xuyên xuất hiện trong rất nhiều bộ phim Hàn.
Jinjja (thật sao)
Trong bộ phim Thủ tướng và tôi, trưởng phòng kế hoạch Kang In Ho (Yoon Shi Yoon) đã dùng từ ‘jinjja’ để nói về sắc đẹp của nữ phóng viên Nam Da Jung (Yoona): ‘Cô rất đẹp. Thực sự đẹp’. Từ ‘jinjja’ được sử dụng rất linh hoạt, nó có thể vừa được dùng làm câu hỏi, vừa dùng là từ nhấn mạnh trong câu nói của người Hàn.
Hajima (Dừng lại đi)
Trong bộ phim Yêu tinh, Kim Shin (Gong Yoo) đã từng gằn giọng yêu cầu thần chết Wang Yeo (Lee Dong Wook) dừng việc hát lại. Trong câu nói của mình chàng yêu tinh cũng đã dùng từ ‘Hajima’. ‘Hajima’ thường được dùng trong câu mệnh lệnh và có ý biểu lộ sự tức giận của các nhân vật.
Bạn biết được bao nhiêu từ tiếng Hàn trên đây?