Chính ngạch là gì? Hàng chính ngạch là thế nào? Nếu không chính ngạch thì gọi là gì?…
Trên đây là một số câu hỏi được nhiều người quan tâm, nhất là những ai làm hàng biên mậu. Nhiều người do thiếu kinh nghiệm nên đã chọn nhầm đối tác, hoặc hợp tác với đơn vị xuất nhập chính ngạch nhưng thiếu uy tín, khiến hàng hóa bị tắc biên, bị thất lạc, thậm chí bị mất mát hư hỏng…
Vì vậy, để hạn chế được tình trạng đó, bạn cần hiểu rõ loại hình xuất nhập khẩu chính ngạch, và các biện pháp phòng ngừa rủi ro với hình thức này.
Chính ngạch là gì?
Chính ngạch là cụm từ mô tả hình thức buôn bán quốc tế theo hợp đồng kinh tế giữa thương nhân Việt Nam đối tác nước ngoài. Bên mua và bên bán có thể là doanh nghiệp hoặc cá nhân ở 2 quốc gia khác nhau (không nhất thiết phải có chung đường biên giới).
Sở dĩ sử dụng cụm từ “chính ngạch” mục đích là để có ý phân biệt với buôn bán “tiểu ngạch” của bà con cư dân vùng biên giới. Với nếu không phải vùng biên, thì người ta chỉ cần nói “xuất nhập khẩu”, thì đã ngầm hiểu là “chính ngạch” rồi.
Hiểu nôm na, thuật ngữ “chính ngạch” thường hay sử dụng để nói về buôn bán với các nước có đường biên giới sát với Việt Nam như Trung Quốc, Lào, Campuchia.
Buôn bán chính ngạch là việc mà các công ty, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp của nước ta ký những hợp đồng mua bán với các nước đối tác nước ngoài theo Hiệp định đã được ký kết giữa các quốc gia với nhau, hoặc giữa các quốc gia với các nước khu vực, tổ chức, hiệp hội kinh tế trên thế giới theo thông lệ quốc tế.
Ví dụ về buôn bán chính ngạch:
- Doanh nghiệp tư nhân ở Bắc Giang nhập hàng phụ tùng ô tô từ Qingdao (Trung Quốc), vận chuyển qua cửa khẩu Lạng Sơn.
- Công ty thương mại XYZ ở Việt Nam xuất khẩu thủy sản sang Châu Âu
- Công ty xuất nhập khẩu ABC ở Hà Nội nhập đá ốp lát từ Ấn Độ.
- Nhân viên văn phòng ở Tp. HCM mua hàng Robot thông minh từ Nhật qua kênh thương mại điện tử như Amazon.
Xuất nhập khẩu chính ngạch là gì? Ưu nhược điểm ra sao?
Xuất nhập khẩu chính ngạch là hình thức giao thương bằng hợp đồng ngoại thương giữa doanh nghiệp trong nước với đối tác nước ngoài. Việc mua bán này tuân thủ theo Hiệp định thương mại đã được ký kết giữa các quốc gia với nhau, hoặc giữa quốc gia với các khu vực, tổ chức, hiệp hội kinh tế.
Xuất nhập khẩu chính ngạch là con đường giao thương quốc tế thông qua cửa khẩu, thường là các lô hàng có lượng hàng hóa lớn.
Hàng hóa xuất nhập khẩu chính ngạch mang tính chính tắc, và thường bị kiểm soát chặt chẽ hơn về các tiêu chí như: số lượng và chất lượng hàng hóa, an toàn vệ sinh thực phẩm, giấy phép và chứng từ hàng hóa… theo quy định của các cơ quan chuyên ngành.
Đó cũng là lý do giải thích tại sao nhập khẩu chính ngạch thường mất nhiều thời gian và chi phí hơn đường tiểu ngạch.
Ưu điểm của nhập khẩu chính ngạch
- Giá trị nhập khẩu thường lớn, và thường không bị giới hạn.
- Hàng hóa có xuất xứ rõ ràng, đầy đủ giấy tờ, hóa đơn chứng từ phù hợp với quy định của pháp luật, nhờ đó hạn chế được rủi ro bị thu giữ bởi cơ quan chức năng.
- Mức độ ổn định cao, quyền lợi được đảm bảo bằng hợp đồng thương mại khi có tranh chấp phát sinh giữa bên mua và bên bán.
- Vận chuyển quốc tế an toàn và đảm bảo hơn, phù hợp với các mặt hàng có giá trị cao.
- Vận chuyển xuyên biên giới từ tất cả các quốc gia có ký kết giao thương với Việt Nam và ngược lại, không cần phải là các quốc gia có biên giới chung.
Nhược điểm của nhập khẩu chính ngạch
- Thủ tục chuẩn chính nhưng lại khá phức tạp, và hàng hóa phải được thông quan mới được nhận hàng, trừ trường hợp được cho phép đưa hàng về kho bảo quản chờ kết quả kiểm tra chuyên ngành.
- Chi phí thường cao hơn tiểu ngạch, do mức phí hải quan, thuế suất xuất nhập khẩu cao hơn đường tiểu ngạch và các chi phí phát sinh khác.
- Hàng hóa bị kiểm soát chặt chẽ, và sẽ ít linh hoạt hơn.
Hàng hóa nhập khẩu chính ngạch
Những hàng hóa khi nhập khẩu chính ngạch về Việt Nam phải thuộc nhóm những mặt hàng được nhà nước cho phép. Những mặt hàng thuộc danh mục cấm thì không thể nhập khẩu chính ngạch được.
Tuy nhiên vẫn có một số mặt hàng đặc biệt phải được nhà nước Việt Nam cho phép bằng giấy phép mới có thể nhập khẩu chính ngạch.
Toàn bộ những mặt hàng khi nhập khẩu chính ngạch đều phải đóng thuế theo quy định của pháp luật. Đồng thời phải trải qua khâu kiểm tra chuyên ngành, chẳng hạn kiểm tra chất lượng đối với mặt hàng gia dụng, kiểm tra vệ sinh toàn toàn thực phẩm với những mặt hàng là thực phẩm… Các khâu kiểm tra đều được thực hiện và cấp phép bởi các cơ quan chuyên ngành và phải công khai xuất xứ, nguồn nguồn đến cơ quan hải quan cùng với chứng từ của hàng hóa.
Nhập khẩu chính ngạch là hình thức nhập khẩu phù hợp nhất đối với những công ty, doanh nghiệp có nhu cầu mua hàng hóa với số lượng lớn. Hình thức này sẽ đảm bảo được tính pháp lý đầy đủ, minh bạch cho hàng hóa nhập vào.
2 loại hình nhập khẩu chính ngạch
Nhập khẩu chính ngạch có 2 loại hình chính, được sử dụng nhiều nhất hiện nay.
Nhập khẩu chính ngạch trực tiếp
Với hình thức nhập khẩu chính ngạch trực tiếp, công ty hoặc doanh nghiệp bạn sẽ phải đứng tên trực tiếp trong tờ khai hải quan tại những mục người nhập khẩu. Đồng thời bạn cũng sẽ phải trực tiếp thực hiện đàm phán và mua bán với nhà cung cấp hàng hóa tại nước ngoài.
Khi nhập khẩu chính ngạch theo cách trực tiếp những thủ tục nhập khẩu bạn sẽ phải chuẩn bị toàn bộ. Cho nên nếu có bất kỳ rủi ro nào liên quan đến thông quan, thuế bạn sẽ đều phải chịu trách nhiệm toàn bộ.
Nhập khẩu chính ngạch qua ủy thác
Đối với nhập khẩu chính ngạch theo loại hình nhập ủy thác. bạn sẽ phải nhờ một đơn vị cung cấp dịch vụ nhập khẩu, logistics để giao dịch và nhập khẩu. Đơn vị này sẽ đứng tên trên tờ khai, và lo hết các công đoạn làm thủ tục hải quan cho bạn. Bù lại đơn vị dịch vụ sẽ tính phí dịch vụ nhập ủy thác.
Bạn chỉ cần hợp tác với các đơn vị trung gian này là làm hợp đồng nhập ủy thác với họ, sau đó họ sẽ làm các thủ tục thông quan hàng hóa. Cuối cùng bạn sẽ nhận được hóa đơn đỏ hợp pháp của hàng hóa cùng với các chứng từ nhập khẩu liên quan. Đối với hình thức này, bạn sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian và công sức.
Các rủi ro trong quá trình vận chuyển hàng chính ngạch
Bên cạnh câu hỏi chính ngạch là gì thì nhiều người còn băn khoăn liệu vận chuyển chính ngạch có gặp phải rủi ro hay không. Thực tế, so với hình thức nhập khẩu tiểu ngạch thì nhập khẩu chính ngạch đã được đánh giá là an toàn hơn rất nhiều.
Hình thức xuất nhập khẩu chính ngạch đảm bảo được tính ổn định khi vận chuyển. Đồng thời, vận chuyển chính ngạch còn giúp bảo vệ quyền lợi cho các bên thông qua hợp đồng thương mại quốc tế. Thế nhưng, nếu bạn chọn phải đơn vị thực hiện các thủ tục vận chuyển không uy tín thì bạn cũng có thể gặp phải rủi ro trong quá trình xuất nhập khẩu.
Việc nhập khẩu hàng chính ngạch sẽ bị ảnh hưởng nhiều bởi chất lượng của dịch vụ vận chuyển. Nhưng bên này thường nhận “bao” toàn bộ, hoặc còn gọi là “trọn gói”, kể từ khi nhận hàng tại kho, đến khi giao hàng đến tay người nhận.
Một số vấn đề có thể gặp phải khi chọn nhầm đơn vị vận chuyển thiếu uy tín như:
- Hàng hóa hay về chậm lịch trình
- Thủ tục hải quan được giải quyết chậm, đôi khi có thể khai báo sai khiến hàng hóa khó thông quan.
- Trong quá trình vận chuyển, lô hàng không được kiểm tra, kiểm soát kỹ nên dễ bị hư hỏng, bị thất lạc hoặc mất cắp…
- Thường xuyên vướng mắc các thủ tục khiến hàng bị tắc biên…
- Vì vậy, để tránh được những vấn đề này khi vận chuyển hàng hóa đi và về, bạn nên thận trọng trong việc lựa chọn đối tác cho mình.
Với những chia sẻ trên, mong rằng các bạn có thể hiểu rõ hơn về chính ngạch và những thông tin cần thiết về loại hình xuất nhập khẩu này.
Công ty Vinalogs chúng tôi không làm hàng biên giới đường bộ, mà chuyên phục vụ các bạn làm thủ tục hải quan tại Hải Phòng, Nội Bài, Cát Lái. Hy vọng được kết nối và phục vụ.
Nhận email chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về Logistics, Xuất nhập khẩu, và Thủ tục hải quan
và download tài liệu hữu ích: Danh sách Hãng tàu tại Hải Phòng, Tp. HCM, biểu thuế XNK mới nhất…
Vui lòng nhập địa chỉ email, và tick vào các ô xác nhận, sau đó nhấn nút Subscribe.
(Lưu ý: Bạn cần nhập chính xác và xác nhận qua email trước khi nhận file)